Trung Quốc đóng vai trò gì trong cuộc xung đột giữa Israel và Palestine?
Trong tháng này (05/2021), Israel và Hamas đã tham gia vào một cuộc xung đột quân sự. Trong khi cộng đồng quốc tế muốn khôi phục hòa bình thông qua hòa giải ngoại giao, thì Trung Quốc, nước giữ chức chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong tháng Năm, đã không lên án tình trạng bạo lực. Động cơ của chế độ Cộng sản này thật đáng ngờ.
Sau cuộc đụng độ giữa người Palestine và cảnh sát Israel tại khuôn viên nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem hôm 07/05, Hamas bắt đầu bắn một lượng lớn hỏa tiễn vào Israel. Sau đó, Israel đã tiến hành một cuộc không kích nhắm vào các lãnh đạo cao cấp của Hamas.
Cuộc xung đột bắt đầu với vụ việc xảy ra tại nhà thờ Hồi giáo, nhưng Hamas đã gây ra cuộc tấn công quân sự đầu tiên.
Hôm 12/05, trong bài diễn văn đầu tiên kể từ khi bạo lực nổ ra, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã bày tỏ hy vọng rằng xung đột quân sự có thể kết thúc càng sớm càng tốt, nhưng cũng khẳng định rằng Israel “có quyền tự vệ.” Phó Trợ lý Ngoại trưởng về Israel và Palestine cũng đã tới Trung Đông với tư cách đặc phái viên để hòa giải xung đột.
Các quốc gia phương Tây lên án bạo lực
Hôm 11/05, ông Tor Wennesland, đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc về tiến trình hòa bình ở Trung Đông đã cảnh báo trên dòng tweet của mình, “cái giá phải trả cho chiến tranh ở Dải Gaza là rất tàn khốc. Hãy ngừng bắn ngay lập tức.”
Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã tuyên bố hôm 12/05 rằng “chúng ta cần phải chấm dứt tình trạng bạo lực và các cuộc tấn công,” và “các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn từ Hamas là hoàn toàn không thể chấp nhận được.”
Hôm 12/05, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã kêu gọi Israel và Palestine “dừng lại trước bờ vực” và kêu gọi song phương “thể hiện sự kiềm chế.”
Hôm 16/05, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã tweet rằng: “Anh Quốc lên án các cuộc tấn công của Hamas vào người dân và khẳng định quyền tự vệ của Israel” và “Tất cả các bên phải tránh thương vong cho người dân.”
Ông Raab cho hay ông đã nói chuyện về tình trạng bạo lực với Thủ tướng Chính phủ Palestine Mohammad Shtayyeh.
Hôm 13/05, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã trao đổi với Tổng thống Chính phủ Palestine Mahmoud Abbas và lên án mạnh mẽ các vụ phóng hỏa tiễn của Hamas và các nhóm khủng bố khác nhằm vào lãnh thổ Israel. Trong khi đó, Paris cũng hạn chế các cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine để ngăn chặn tình trạng gây rối trật tự công cộng nghiêm trọng.
Theo một cuộc phỏng vấn với tập đoàn truyền thông Funke hôm 13/05, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã cáo buộc Hamas về tình trạng bạo lực và nói rằng sẽ “không khoan nhượng đối với các cuộc tấn công vào giáo đường Do Thái ở đất nước chúng ta.”
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết trong cuộc họp báo hôm 13/05, “Chúng tôi tin rằng người Israel và người Palestine xứng đáng được hưởng các biện pháp bình đẳng về tự do, an ninh, phẩm hạnh và thịnh vượng. Sự công nhận đó sẽ tiếp tục định hình cách tiếp cận của chúng tôi.”
Ông Blinken nhấn mạnh, “Israel có quyền tự vệ khỏi những cuộc tấn công bằng hỏa tiễn này và đây là sự khác biệt căn bản giữa tổ chức khủng bố Hamas đang nhắm mục tiêu bừa bãi vào dân thường và Israel, vốn đang tự vệ và truy đuổi những kẻ đang tấn công mình.”
Trong một cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 17/05, Tổng thống Biden đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc ngừng bắn giữa Israel và những kẻ cầm quyền của Hamas ở Dải Gaza. Theo tuyên bố của Tòa Bạch Ốc, ông Biden đã “khuyến khích Israel nỗ lực hết sức để bảo đảm an toàn cho thường dân vô tội,” đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với Israel.
Trong khi đó, các nhà ngoại giao từ các nước Ả Rập cũng mong mỏi khôi phục hòa bình thông qua các nỗ lực ngoại giao.
Phản ứng của Bắc Kinh
Hôm 07/05, khi cuộc đụng độ ở nhà thờ Hồi giáo giữa Israel và Palestine diễn ra, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã chủ trì cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và một lần nữa nói về “chủ nghĩa đa phương.” Ông nói rằng các quy tắc quốc tế “không phải là bằng sáng chế hay đặc quyền của một số ít.”
Ông Vương công bố, “Năm nay đánh dấu 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản Trung Quốc. … Chúng tôi sẵn sàng làm việc với tất cả các bên để đưa chủ nghĩa đa phương và Liên Hiệp Quốc tiến về phía trước từ một điểm xuất phát mới và cùng nhau xây dựng một cộng đồng với một tương lai chung cho nhân loại.”
Sau khi xung đột quân sự giữa người Israel và người Palestine nổ ra, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã tổ chức một cuộc họp kín hôm 11/05 nhưng không đưa ra tuyên bố nào. Đó có thể là do thiếu sự đồng thuận.
Trong khi các quốc gia khác bận rộn dàn xếp ngoại giao để giảm leo thang căng thẳng ở Gaza, thì trái lại, ông Vương lại bận họp với các ngoại trưởng của năm nước Trung Á hôm 12/05. Ba ngày sau, ông Vương đã có một cuộc điện đàm với ngoại trưởng Pakistan.
Trung Cộng đã không làm bất cứ điều gì để ngăn chặn xung đột giữa Israel và Palestine, cũng như không thực sự quan tâm đến các nạn nhân của các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn này. Thay vào đó, Trung Cộng đã nhân cơ hội này để chỉ trích Hoa Kỳ và các đồng minh của họ. Hôm 14/05, Tân Hoa Xã, cơ quan truyền thông của Trung Cộng đã đăng một bài viết với tiêu đề “Bộ Ngoại Giao Cảnh Báo Hoa Kỳ: Mạng sống của người Hồi giáo Palestine cũng đáng quý.”
Tân Hoa Xã dẫn lời phát ngôn viên bộ ngoại giao nước này nói rằng, “Hoa Kỳ cùng với một số đồng minh của họ như Anh và Đức” đã dàn dựng một “trò hề chính trị” bằng cách tán thành “các vấn đề giả mạo liên quan đến Tân Cương dưới danh nghĩa Liên Hiệp Quốc” và “Hoa Kỳ nên biết rằng mạng sống của người Hồi giáo Palestine cũng đáng quý.”
Trung Cộng không lên án các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn do Hamas gây ra, cũng như không đề cập đến những ca thương vong của người Israel. Trung Cộng không cho rằng Israel có quyền tự vệ. Trong một nỗ lực nhằm chuyển dời sự chú ý khỏi nạn lạm dụng nhân quyền đang diễn ra ở Tân Cương, Bắc Kinh lại còn muốn gửi thông điệp rằng “mạng sống của người Hồi giáo Palestine” cũng rất quan trọng. Đây là một tuyên bố gián tiếp cho sự ủng hộ của Trung Cộng đối với tổ chức khủng bố Hamas.
Câu trả lời cho câu hỏi tại sao khó đạt được sự đồng thuận sau hai cuộc họp khẩn cấp của Liên Hiệp Quốc về vấn đề này giờ đã rõ ràng.
Với tư cách là chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an trong tháng Năm, Trung Quốc lần đầu tiên công khai tranh giành bá quyền trong các cuộc họp của Liên Hiệp Quốc, nhưng lại chẳng buồn nhúc nhích trước cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Đó là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Bắc Kinh thiếu nghiêm trọng khả năng giao thiệp với các quốc gia khác và không tuân thủ các quy tắc về công bằng và công lý. Nỗ lực toàn cầu nhằm giảm leo thang căng thẳng trong cuộc xung đột giữa Israel và Palestine đã bị Trung Cộng khai thác để trở thành một chiến trường của cuộc chiến chống lại Hoa Kỳ và các nước dân chủ phương Tây.
Vai trò có thể có của Trung Cộng đằng sau xung đột giữa Israel và Palestine
Tuyên bố của Trung Cộng đã nhiều lần tiết lộ sự ủng hộ của họ đối với Hamas. Trong những năm qua, Hamas thường xuyên thực hiện các cuộc tấn công vũ trang nhằm vào Israel, bao gồm cả các vụ đánh bom tự sát. Tổ chức này bị Israel và các nước phương Tây coi là một tổ chức khủng bố. Trung Cộng chưa bao giờ lên án Hamas vì đã tấn công trước bằng hỏa tiễn, nhưng lại tuyên bố rằng họ “sẽ tiếp tục kiên quyết ủng hộ người dân Palestine.”
Israel và Palestine đã xung đột trong một thời gian dài, và Trung Cộng đã lặp lại những tuyên bố tương tự.
Có hãng thông tấn đưa tin khẳng định rằng hỏa tiễn của Hamas được cung cấp bởi Trung Quốc. Trong một vụ việc vào tháng 12/2008, Hamas đã bắn 60 hỏa tiễn vào Israel và lực lượng an ninh Israel đã phát hiện ra rằng những hỏa tiễn tầm xa này là do Trung Quốc sản xuất. Hiệu suất và chất lượng như vậy phù hợp với tình trạng hiện tại của kho vũ khí và công nghệ của chế độ Trung Cộng.
Trong khi hầu hết các quốc gia hy vọng rằng xung đột giữa Israel và Palestine sẽ lắng xuống, thì Trung Cộng lại đang khuyến khích Hamas tiếp tục cuộc chiến của mình. Hamas là bên chủ động trong cuộc tấn công này, với quy mô và cường độ lớn chưa từng có. Tôi rất nghi ngờ rằng Trung Cộng đang đứng sau hậu trường.
Thoạt nhìn, Trung Cộng đang đối đầu với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, chế độ này nhận thức được rằng nó thiếu sức mạnh thực chất. Đó là lý do tại sao khi quân đội Hoa Kỳ chuẩn bị rút khỏi Trung Đông trong khi tăng cường khai triển ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, điều đó tự nhiên khiến Trung Cộng căng thẳng.
Trước đây, Trung Cộng có thể dựa vào sự chi viện của Nga khi ông Vladimir Putin điều quân ở biên giới Ukraine. Nhưng sự rút lui nhanh chóng của quân đội Nga đã đưa đảng này trở lại vị trí hàng đầu trong việc chạm trán với Hoa Kỳ một lần nữa, chưa kể đến việc các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Nga sắp tổ chức một hội nghị thượng đỉnh vào tháng Sáu tới đây.
Trung Cộng cũng có thể dựa vào Iran để gây bất ổn ở Trung Đông, nhưng Hoa Kỳ và Iran đang đàm phán. Nếu Iran nhận được một món lợi tốt, thì đương nhiên nước này sẽ sẵn sàng đạt được một thỏa thuận với Hoa Kỳ, điều này sẽ làm đổ bể các tính toán của Trung Cộng.
Còn Bắc Triều Tiên, em trai của Trung Cộng, những ngày này cũng đã trở nên yên ắng vì Hoa Kỳ lại chìa một nhành ô liu cho chế độ của Kim Jong-un.
Thái độ của Trung Cộng đối với cuộc xung đột giữa Israel và Palestine cho thấy ý định thực sự của họ là làm leo thang căng thẳng ở Gaza. Mục đích của Trung Cộng là chuyển sự tập trung của quốc tế ra khỏi những căng thẳng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Biển Đông.
Tôi tin rằng đằng sau tất cả các cuộc xung đột mà trong đó Hamas đã khởi xướng các cuộc tấn công đối với Israel, Trung Cộng là kẻ thao túng chính.
Ông Dương Vĩ (Yang Wei) đã theo sát các vấn đề về Trung Quốc trong nhiều năm. Ông đã đóng góp các bài bình luận chính trị về Trung Quốc cho Epoch Times Hoa ngữ kể từ năm 2019.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Dương Vĩ thực hiện
Từ Huệ biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: