Trung Quốc đầu tư vào đất nông nghiệp của Hoa Kỳ làm dấy lên sự phản đối
Sự can dự của Trung Quốc trong lĩnh vực nông nghiệp của Hoa Kỳ đang được giám sát chặt chẽ hơn, với việc các chính trị gia đưa ra cảnh báo về những rủi ro kinh tế và an ninh quốc gia bắt nguồn từ việc Trung Quốc mua đất nông nghiệp quý giá của Hoa Kỳ.
Cuối tháng trước (05/2022), Dân biểu Dan Newhouse (Cộng Hòa-Washington) đã giới thiệu một dự luật cấm các công dân ngoại quốc có mối liên hệ với chính quyền Trung Quốc mua đất nông nghiệp ở Hoa Kỳ, kể cả các trang trại.
Ông Newhouse lưu ý trong một thông cáo báo chí: “Nếu chúng ta bắt đầu nhượng lại trách nhiệm đối với chuỗi cung ứng thực phẩm của mình cho một quốc gia ngoại quốc đối nghịch, thì chúng ta có thể bị buộc phải xuất cảng thực phẩm được trồng trong lãnh thổ của chúng ta và vốn phải được dùng cho mục đích sử dụng riêng của chúng ta.”
Dự luật được đề xướng nói trên, cũng sẽ cấm các tổ chức liên kết với chính quyền Trung Quốc tham gia hầu như tất cả các chương trình của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), tiếp tục chiến dịch của ông Newhouse nhằm ngăn cản Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) giành được chỗ đứng trong chuỗi cung ứng thực phẩm của Hoa Kỳ.
Tháng Sáu năm ngoái, vị dân biểu này đã đưa ra một dự luật ngăn chặn việc mua đất nông nghiệp của các công ty do Trung Quốc làm chủ. Theo một bản tin của Agri-Pulse, đề xướng của ông Newhouse, một sửa đổi đối với dự luật ngân sách tài khóa năm 2022 cho Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, cuối cùng đã bị loại khỏi ủy ban hội nghị.
Sáu tiểu bang đã có luật cấm người ngoại quốc sở hữu đất nông nghiệp, bao gồm Hawaii, Iowa, Minnesota, Mississippi, North Dakota và Oklahoma. Nhưng như ông Newhouse chỉ ra, các nhà đầu tư Trung Quốc có thể lách những hạn chế này bằng cách mua các tập đoàn Mỹ sở hữu đất nông nghiệp.
Các nỗ lực khác nhằm hạn chế đầu tư của Trung Quốc vào đất nông nghiệp của Hoa Kỳ bao gồm một dự luật do Dân biểu Chip Roy (Cộng Hòa-Texas) đề đạt nhằm cấm bất kỳ đảng viên ĐCSTQ nào mua đất công hoặc đất tư nhân ở Hoa Kỳ. Trong một tuyên bố, ông Roy tuyên bố rằng Trung Quốc đã giành mua đất đai và cơ sở hạ tầng chiến lược trên khắp thế giới trong một “nhiệm vụ thống trị toàn cầu”.
Theo nhà văn có khuynh hướng bảo tồn truyền thống Daniel Horowitz, dự luật được giới thiệu vào tháng 06/2021 này có rất ít cơ hội được Quốc hội do Đảng Dân Chủ kiểm soát thông qua. Trong khi đó, tại Arizona, nhà lập pháp tiểu bang thuộc Đảng Cộng Hòa Wendy Rogers đã đề đạt một dự luật hồi tháng Hai vừa qua nhằm cấm các đảng viên ĐCSTQ sở hữu địa ốc ở Tiểu bang Grand Canyon.
Một báo cáo gần đây do Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Hoa Kỳ-Trung Quốc (USCC), một cơ quan liên bang, công bố, làm sáng tỏ những vấn đề mà sự can dự không bị hạn chế của Trung Quốc vào lĩnh vực nông nghiệp của Hoa Kỳ có thể gây ra. Họ điều hành toàn bộ từ hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ và hủy hoại môi trường cho đến các mối đe dọa quân sự tiềm tàng.
Ví dụ, công ty chế biến thịt của Trung Quốc Shuanghui International Holdings đã mua nhà sản xuất thịt heo lớn nhất của Hoa Kỳ, Smithfield Foods, hồi năm 2013. Thông qua thương vụ mang tính bước ngoặt này, Shuanghui (nay là WH Group) đã có được 146,000 mẫu đất Hoa Kỳ nằm rải rác tại hơn 6 tiểu bang, làm chủ các tài sản của Smithfield từ các trang trại chăn nuôi heo đến các nhà máy chế biến.
Việc mua lại là một chiến thắng rõ ràng cho Bắc Kinh, cho phép Trung Quốc hưởng lợi từ danh tiếng và hồ sơ an toàn thực phẩm của Smithfield, cho phép họ tiếp cận với công nghệ có giá trị của công ty này, đồng thời giúp Trung Quốc đa dạng hóa chuỗi cung ứng nông sản và tăng sản lượng đàn gia súc của mình. Smithfield đã cung cấp một lượng lớn thịt heo cho người tiêu dùng Trung Quốc khi dịch tả lợn Châu Phi hoành hành các trang trại nuôi heo nội địa của Trung Quốc và các đợt phong tỏa COVID-19 khiến sản xuất bị gián đoạn.
Đối với Hoa Kỳ, những lợi ích từ việc đầu tư của Trung Quốc ít rõ ràng hơn. Việc nuôi heo gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và các cộng đồng xung quanh, đây có lẽ là một lý do khiến Trung Quốc muốn duy trì các trang trại nuôi heo của họ ở ngoại quốc hơn.
Theo một hồ sơ của Ủy ban Thương mại Liên bang do tổ chức Food & Water Watch đệ trình, Smithfield là bên gây ô nhiễm nước lớn thứ ba trong số những hãng đóng gói thịt ở Hoa Kỳ. Trong năm 2019, công ty này và các trang trại chế biến gia công của họ đã nhận được ít nhất 66 thông báo về việc vi phạm luật bảo vệ môi trường, tăng so với các năm trước.
Quyền sở hữu Smithfield cũng được trao cho một công ty Trung Quốc, và sự bành trướng của ĐCSTQ sẽ gây ảnh hưởng nhiều hơn đối với các chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ. Sau khi mua Smithfield, WH Group đã mua lại một số cơ sở chế biến, trang trại, trạm nâng ngũ cốc, và các tài sản khác của Hoa Kỳ cho phép công ty này cắt giảm nhiều nhà cung cấp dịch vụ và nhà cung cấp vật tư của Hoa Kỳ.
“Như đã thấy với trường hợp Smithfield, các doanh nghiệp nông nghiệp lớn có đủ nguồn lực để tinh giản các dây chuyền sản xuất của họ bằng cách mua các liên kết hoặc các công ty nằm trong chuỗi cung ứng,” báo cáo của USCC lưu ý. “Điều này có thể tạo ra sự méo mó kinh tế trên thị trường nông nghiệp Hoa Kỳ nếu Trung Quốc có nhiều ảnh hưởng hơn đối với các nhà cung cấp Hoa Kỳ, dẫn đến việc thị trường khép kín hơn hoặc có các giao dịch thương mại nội bộ công ty”.
Báo cáo này cũng nêu rõ một vấn đề căn bản hơn đối với các vụ mua lại đất của Trung Quốc – đó là sự thiếu minh bạch của họ. Không ai thực sự biết có bao nhiêu đất Hoa Kỳ thuộc sở hữu của các tổ chức có liên đới với ĐCSTQ. Theo một báo cáo của Cơ quan Dịch vụ Trang trại của USDA, các nhà đầu tư Trung Quốc chính thức sở hữu 352,140 mẫu đất ở Hoa Kỳ, hoặc chỉ dưới 1% tổng diện tích đấyt do ngoại quốc nắm giữ. Theo USDA, tính đến năm 2019, các nhà đầu tư ngoại quốc nắm giữ 2.7% đất nông nghiệp thuộc sở hữu tư nhân ở Hoa Kỳ tính đến năm 2019.
Nhưng như báo cáo của ủy ban này chỉ ra, thông tin về quyền sở hữu và sử dụng đất của Hoa Kỳ là không rõ ràng và không đầy đủ. Các yêu cầu báo cáo của liên bang không quá nghiêm ngặt, nên các công ty Trung Quốc có thể lách các yêu cầu này mà không gặp nhiều khó khăn, và chính phủ thiếu cơ chế thực thi trong các trường hợp không báo cáo hoặc báo cáo sai.
Một điều khó hiểu là một lượng lớn đất thuộc sở hữu của Trung Quốc được phân loại là “đất khác”, trái ngược với đất trồng trọt hoặc đất đồng cỏ. Các loại đất khác có mục đích sử dụng chưa được phân loại, chẳng hạn như đầm lầy, đầm lầy cỏ, và đá. Trong năm 2013, năm mà Smithfield được mua lại, 78% trong số 192,928 mẫu đất Hoa Kỳ thuộc sở hữu của các nhà đầu tư Trung Quốc nằm trong phân loại đất khác.
Những tác động về an ninh quốc gia của việc ĐCSTQ kiểm soát những vùng đất rộng lớn của Hoa Kỳ cũng làm dấy lên mối lo ngại ngày càng lớn. Tháng 11 năm ngoái, Tập đoàn Fufeng của Trung Quốc đã mua 370 mẫu đất ở Grand Forks, North Dakota, làm địa điểm cho một nhà máy xay bắp mới có quy mô lớn. Cơ sở này sẽ nằm cách Căn cứ Không quân Grand Forks khoảng 12 dặm, làm dấy lên suy đoán cho rằng nó có thể được sử dụng để giám sát địa điểm quân sự nhạy cảm này một cách chủ động và thụ động.
Dự án này đã thu hút sự tranh cãi ở Grand Forks và hiện đang được bên thứ 3 thẩm định pháp lý để xác định xem liệu nó có đủ điều kiện để Ủy ban Đầu tư Ngoại quốc tại Hoa Kỳ, một hội đồng liên bang chuyên xem xét các giao dịch ngoại quốc về rủi ro an ninh quốc gia, xem xét hay không.
Thượng nghị sĩ Kevin Cramer (Cộng Hòa-North Dakota) cho biết trong một tuyên bố với tờ Grand Forks Herald hồi đầu năm nay rằng, “Các nhiệm vụ quan trọng mà quân đội chúng ta thực hiện tại Căn cứ Không quân Grand Forks phải được bảo vệ.” Ông nói thêm rằng việc làm và các lợi ích kinh tế từ nhà máy nói trên phải được cân nhắc trước “những lo ngại dài hạn về việc Trung Quốc xâm nhập vào chuỗi cung ứng thực phẩm của chúng ta.”
Ông Greg Isaacson đã dành 7 năm ở Trung Quốc và Thái Lan để nghiên cứu và đưa tin về kinh doanh và địa ốc ở Á Châu, chuyên về địa ốc thương mại ở các thị trường sử dụng Hoa ngữ cũng như đầu tư ra ngoại quốc từ Trung Quốc. Ông cũng từng là nhà phân tích nghiên cứu địa ốc ở Chicago và là một phóng viên chuyên về địa ốc ở New York.