Trung Quốc: Công an mặc thường phục đánh đập người biểu tình vì phản đối việc đóng băng tài khoản
Hàng trăm khách hàng của ngân hàng ở miền Trung Trung Quốc đã bị công an mặc thường phục đánh đập và giải tán, trước sự chứng kiến của công an mặc sắc phục, vì phản đối việc đóng băng tài khoản của họ tại một ngân hàng khu vực mà không đưa ra lời giải thích xác đáng về việc không cho phép họ truy cập vào tiền của mình.
Hôm 23/05, một nhóm người biểu tình đã tập hợp trước [trụ sở] chính quyền tỉnh Hà Nam, kêu gọi được tự do rút tiền khỏi Ngân hàng Vũ Châu Trấn Tân Dân Sinh (Yuzhou Xin Min Sheng Village), một nhà cho vay khu vực ở thành phố Vũ Châu. Đoạn phim đang lưu hành trên mạng cho thấy một nhóm công an mặc thường phục màu đen đang tấn công những người kiên định biểu tình để đuổi họ đi trong khi các công an mặc sắc phục chỉ đứng nhìn cảnh bạo lực từ xa. Sau đó, công an, nhân viên an ninh, và công an mặc thường phục ép buộc những người biểu tình, những người đang van nài và kêu khóc xin rủ lòng thương xót, lên xe buýt và đưa họ đi.
Bốn ngày trước đó, họ đã bị chính quyền địa phương đối xử tương tự.
Một trong những người biểu tình có họ Vương nói với The Epoch Times rằng ban đầu họ tập trung tại cơ quan quản lý ngân hàng của tỉnh vào khoảng 9 giờ sáng. Công an yêu cầu họ di chuyển đến một địa điểm được chỉ định khi nhóm của họ tăng lên khoảng 700 đến 800 người. Tuy nhiên, những người khiếu kiện này sau đó đã đến trụ sở của chính quyền tỉnh cách đó bảy km, để yêu cầu giúp đỡ.
Người biểu tình họ Vương cho biết công an đã chặn trước các lòng đường gần đó khi họ đến địa điểm này trong khoảng thời gian từ 11 giờ đến 12 giờ và chẳng mấy chốc họ thấy mình bị bao vây bởi lực lượng thực thi pháp luật.
“Họ đã tập hợp [công an] mặc thường phục đồng nhất, tất cả đều mặc áo cộc tay, để dùng vũ lực trấn áp những người gửi tiền,” người biểu tình họ Vương cho biết. “Tất cả chúng tôi đều bị nhét vào trong xe buýt và bị kiểm soát.”
Các bài đăng trên mạng xã hội cho thấy công an đã xóa các bức ảnh về cuộc biểu tình khỏi điện thoại di động của họ. Trước khi được thả, thông tin về ID của họ đã được ghi lại, và họ bị buộc phải ký bản cam kết không tái phạm hành vi như vậy nữa.
Không có lời giải thích chính thức
Theo người biểu tình họ Vương, không có cá nhân hay cơ quan có thẩm quyền nào đưa ra một lời giải thích về lý do tại sao khách hàng không thể tự do rút tiền của họ.
Ngân hàng địa phương này đã tuyên bố tạm ngưng dịch vụ trực tuyến vào hôm 18/04 với lý do nâng cấp hệ thống nội bộ, điều này đã làm tăng thêm sự giận dữ và phản đối từ phía khách hàng.
“Không ai liệu trước việc tiền gửi của mình bị đóng băng”, người biểu tình họ Vương nói với The Epoch Times. “Sự việc giống như trời đất đổ sụp xuống các gia đình”. Nhiều người nổi giận vì những lần đóng cửa vì đại dịch và thu nhập bị eo hẹp.
Một nạn nhân khác, họ He, nói với The Epoch Times rằng ngân hàng đã từ chối quyền truy cập vào khoản tiền gửi của cô trong hơn 30 ngày.
Cô cho biết cô đã nhận được các tin nhắn từ ngân hàng, hướng dẫn cô mua các sản phẩm tiền ký quỹ của họ trên tài khoản WeChat chính thức của ngân hàng này.
“Với tư cách là người gửi tiền, chúng tôi nhận thấy đó là nền tảng của riêng họ,” do đó, chúng tôi đã gửi tiền vào đó mà không nghi ngờ gì. Đó là một ứng dụng nhỏ trên tài khoản WeChat chính thức, đã được xác minh với Tencent,” người phụ nữ này cho biết. Đại công ty công nghệ Tencent là nhà phát triển của WeChat, một nền tảng thanh toán và nhắn tin tức thì phổ biến ở Trung Quốc.
“Tất cả các khoản tiền gửi của chúng tôi là nỗ lực vất vả kiếm được và hợp pháp,” cô tiếp tục. “Chúng tôi gửi tiền vào các ngân hàng nhỏ như vậy bởi vì chúng tôi đặt niềm tin của mình vào sự giám sát của cơ quan quản lý của đất nước chúng tôi. Tuy nhiên, tất cả các bên liên quan đang tìm cách đẩy trách nhiệm cho người gửi tiền.”
Trang web chính thức của ngân hàng này cho biết họ đã nhận được giấy phép từ Ủy ban Điều tiết Ngân hàng Trung Quốc vào tháng 01/2011.
The Epoch Times đã mất liên lạc với người phụ nữ này trong ngày diễn ra cuộc phỏng vấn.
Hiện không thể liên lạc được với ngân hàng được đề cập ở trên vào thời điểm xuất bản bài viết này.
Ông Frank Yue là một ký giả tại Canada của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề Trung Quốc. Ông cũng có bằng Thạc sĩ Ngôn ngữ và Văn học Anh tại Đại học Ngoại Ngữ Thiên Tân, Trung Quốc.