Trung Quốc bổ nhiệm Giám đốc mới của Văn phòng các vấn đề tôn giáo
Chính quyền Trung Quốc đã công bố một giám đốc mới về các vấn đề tôn giáo.
Ông Thôi Mậu Hổ (Cui Maohu) được bổ nhiệm hôm 07/06 để thay ông Vương Tá An (Wang Zuoan), người đã giữ chức giám đốc từ tháng 09/2009. Trước đó, ông Vương là phó giám đốc dưới thời cựu giám đốc Diệp Tiểu Văn (Ye Xiaowen), người phụ trách văn phòng này từ tháng 03/1998 đến tháng 09/2009.
Cả ông Diệp và ông Vương đều đang bị cộng đồng quốc tế điều tra vì dẫn đầu các cuộc đàn áp tàn bạo đối với các tín đồ tôn giáo ở Trung Quốc.
Mặc dù ông Thôi được coi là thông thạo các phương pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong việc quản lý các vấn đề liên quan đến tôn giáo và Tây Tạng, do trước đây ông đã được bổ nhiệm làm một phó tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam nơi có nhiều người Tây Tạng sinh sống, nhưng sơ yếu lý lịch của vị giám đốc mới cho thấy không có mối liên hệ nào với Ban Công tác Mặt trận Thống nhất (UFWD) của chính quyền như hai người tiền nhiệm của ông.
UFWD nỗ lực đặc biệt để duy trì ảnh hưởng của đảng đối với các vấn đề tôn giáo, dân tộc, và ngoại giao của Trung Quốc, với người Tây Tạng là một trong các nhóm mục tiêu trong hoạt động của họ.
ĐCSTQ hoạt động thông qua UFWD để mở rộng phạm vi ảnh hưởng của các hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa dẫn đường của mình bằng cách duy trì một mạng lưới ảnh hưởng thu hút giới tinh anh toàn cầu mà họ sử dụng để xâm nhập hoặc giành ảnh hưởng trong xã hội Trung Quốc và cộng đồng quốc tế.
Vẫn còn phải xem cách tiếp cận giám sát tôn giáo của ông Thôi sẽ như thế nào, mặc dù ông sẽ bị ràng buộc với tư tưởng chống tôn giáo của nhà nước độc đảng tại Trung Quốc.
Xóa bỏ mọi đức tin
Trước đây, The Epoch Times đã đưa tin rằng mục tiêu cuối cùng của ĐCSTQ là xóa sổ các tôn giáo và hệ thống tín ngưỡng tâm linh trên thế giới.
Một cư dân tại Toronto, ông Hà Lập Chí (He Lizhi), một cựu kỹ sư xây dựng dân dụng ở Bắc Kinh, nhớ lại một đoạn video tẩy não mà ông đã bị bắt xem khi bị giam giữ ở Trung Quốc vì đức tin Pháp Luân Công của mình.
Pháp Luân Công là một môn tu luyện tự thân bắt nguồn từ văn hóa Trung Hoa và truyền thống Phật gia. Môn tu luyện này dạy các học viên sống theo các nguyên lý phổ quát là chân, thiện, và nhẫn. Năm 1999, ĐCSTQ đã phát động một chiến dịch bức hại tàn bạo chống lại Pháp Luân Công, tiếp tục di sản của đảng này trong việc bức hại các truyền thống tín ngưỡng tin vào một Đấng Sáng Thế Chủ trí huệ.
Đoạn video cho thấy Trưởng ban Tôn giáo đương thời Diệp Tiểu Văn, tiết lộ các ý định của ĐCSTQ đối với các nhóm tôn giáo và tín ngưỡng, “xóa sổ tôn giáo, không chỉ ở Trung Quốc mà trên toàn thế giới, và xóa bỏ khái niệm về Thiên Chúa khỏi tâm trí của mọi người.”
Các nhận xét này được đưa ra trong một “bài thuyết giảng” mà ông Diệp đã trình bày với các quan chức hàng đầu của đảng khi ông đưa ra tình thế của chính quyền trong khi cố gắng thuyết phục họ rằng “việc xóa sổ Pháp Luân Công là điều Đảng cần làm để đạt được mục tiêu cuối cùng của mình.”
Ông Hà nhớ lại, “Ông Tiểu Văn giải thích rằng lý do chính quyền Trung Quốc vẫn để quyền tự do tôn giáo trong hiến pháp của họ là sử dụng quyền này như một thủ đoạn tạm thời ‘đánh lừa’, … để các thế hệ trẻ xa lánh khỏi cha mẹ của họ thông qua nền giáo dục vô thần … và cuối cùng xóa bỏ mọi đức tin.”
Nhiều tiếng nói trong cộng đồng quốc tế từ lâu đã lên án ĐCSTQ vì đã từ chối quyền tự do tín ngưỡng của người dân Trung Quốc. Tuy nhiên, mặc dù chính quyền này vi phạm nhân quyền ở trong nước, nhưng trên trường thế giới họ đã khăng khăng bác bỏ các cáo buộc nói rằng họ hạn chế các quyền tự do tôn giáo ở trong nước, bất chấp hàng chục ngàn báo cáo cho thấy điều ngược lại.
Theo một báo cáo năm 2019 của ông Thomas F. Farr, chủ tịch Viện Tự do Tôn giáo có trụ sở tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, năm 2002 Giám đốc Diệp đã đưa lên Quốc hội sự cam đoan của ông rằng “tự do tôn giáo không bị ảnh hưởng ở Trung Quốc” dưới sự cai trị của ĐCSTQ và rằng “trong thực tế, các bậc cha mẹ tự do dạy về tôn giáo cho con em họ.”
Ông Farr viết, “Có một nửa sự thật trong lời cam đoan của ông Tiểu Văn: Các bậc cha mẹ có thể lén lút dạy con em họ, nhưng hậu quả của việc bị bắt quả tang truyền giáo, ví dụ, giáo lý Công giáo về các vấn đề như tự do tôn giáo cho tất cả mọi người, phẩm giá bình đẳng của tất cả mọi người được tạo ra theo ảnh tượng và chân dung Đức Chúa Trời, hoặc sự tà ác của việc phá thai, là rất nghiêm trọng.”
Nhiệm vụ chính trị do văn phòng các vấn đề tôn giáo lãnh đạo: ‘Hán hóa tôn giáo’
Văn phòng Các vấn đề Tôn giáo cũng là văn phòng được giao nhiệm vụ hồi năm 2015 trong việc đạt được một sự “Hán hóa tôn giáo”, theo nhận xét của lãnh đạo đảng Tập Cận Bình, có nghĩa là “duy trì nguyên tắc phát triển các tôn giáo trong bối cảnh Trung Quốc, và cung cấp hướng dẫn tích cực cho sự thích ứng của các tôn giáo với xã hội xã hội chủ nghĩa.”
Ông Thọ Thái Hà (Cai Xia), một người trong đảng, trước đây là một giáo sư tại Trường Đảng Trung ương ưu tú của ĐCSTQ ở Bắc Kinh, đã từng giải thích trong một bài đăng trên Twitter rằng “Hán hóa tôn giáo” cho phép ĐCSTQ đưa các nhà lãnh đạo tôn giáo Trung Quốc vào như “một phần của bộ máy tuyên truyền của họ để hỗ trợ tẩy não và kiểm soát dân chúng — Phật giáo, Đạo giáo, Công giáo, Cơ đốc giáo, hoặc Hồi giáo.”
Đối với hệ thống tín ngưỡng Pháp Luân Công, có nguồn gốc từ Trung Quốc, ĐCSTQ tin rằng họ có một mục tiêu dễ dàng để tiêu diệt, do lúc đó nhận thức và hiểu biết về đức tin ở bên ngoài Trung quốc còn hạn chế. Tuy nhiên, bất chấp một chiến dịch xóa sổ tàn bạo, các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã chống lại các nỗ lực của chính quyền nhằm buộc họ từ bỏ đức tin của mình.
Cựu giám đốc Diệp và phó giám đốc Vương vẫn bị cáo buộc kích động, xúi giục, âm mưu, ra lệnh, lập kế hoạch, và/hoặc hỗ trợ và tiếp tay cho việc tra tấn, diệt chủng, và các hành vi vi phạm nhân quyền khác đối với các học viên Pháp Luân Công.
Trong một chuyến thăm Hoa Kỳ vào ngày 05/06/2006, từng người trong số họ đã bị một tòa án tại Hoa Kỳ ban hành một trát đòi hầu tòa dân sự về những cáo buộc nghiêm trọng nói trên.
Bản tin có sự đóng góp của Haizhong Ning và Melanie Sun.
Cô Mary Hong đã đóng góp cho Epoch Times từ năm 2020. Cô đưa tin về các vấn đề nhân quyền và chính trị của Trung Quốc.