Trung Quốc áp lệnh trừng phạt đối với bà Pelosi để trả đũa cho chuyến đi Đài Loan
Chính quyền Trung Quốc đang áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi (Dân Chủ-California) để trả đũa cho việc bà thăm Đài Loan bất chấp Bắc Kinh phản đối.
Một phát ngôn viên bộ ngoại giao của nhà cầm quyền này cho biết trong một tuyên bố hôm 05/08 rằng lệnh trừng phạt sẽ nhắm vào bà Pelosi và những người thân trực tiếp của bà.
“Bà Pelosi nhất quyết đến thăm Đài Loan bất chấp việc Trung Quốc lo ngại sâu sắc và kiên quyết phản đối,” theo nội dung từ tuyên bố trên.
Chế độ này đã khiển trách “các hành động xấu xa và khiêu khích” của bà Pelosi khi đến thăm Đài Loan, một hòn đảo tự trị mà Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ của riêng mình, sẽ bị thâu tóm bằng vũ lực nếu cần thiết.
Chuyến thăm ngắn ngủi của bà Pelosi đến Đài Loan — khoảng 19 tiếng — đã khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phẫn nộ. Đảng này phản đối bất kỳ trao đổi chính thức nào với Đài Bắc mà có thể cho thấy hòn đảo này là một quốc gia độc lập trên thực tế.
Thông báo của Bộ Ngoại giao được đưa ra trong bối cảnh quốc tế ngày càng lên án hành động của ĐCSTQ sử dụng chuyến thăm của bà Pelosi như một cái cớ để tung ra một loạt các hành động quân sự, không gian mạng, và thương mại mang tính gây hấn và trả đũa.
Hôm thứ Sáu (05/08), Bắc Kinh đã tiếp tục các cuộc tập trận quân sự xung quanh khu vực này, với phi cơ và chiến hạm băng qua đường trung tuyến của Eo biển Đài Loan, một vùng đệm không chính thức giữa hai nước láng giềng này. Sư việc cũng diễn ra một ngày sau khi Trung Quốc phóng 11 hỏa tiễn đạn đạo vào vùng biển xung quanh Đài Loan, Nhật Bản cho biết có năm hỏa tiễn trong số đó đã đáp xuống trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ.
Nhà cầm quyền này đã không nêu rõ các biện pháp trừng phạt trong tuyên bố ngắn gọn trên.
Nhưng ngay sau khi công bố các lệnh trừng phạt, Bộ Ngoại giao của chính quyền này cho biết họ sẽ ngừng hợp tác với Hoa Kỳ về một loạt vấn đề, bao gồm biến đổi khí hậu, quân sự, và các biện pháp chống ma túy, để đáp trả chuyến thăm của bà Pelosi.
‘Một cái cớ’
Bà Pelosi, người đã có chuyến dừng chân cuối cùng trong chuyến công du Á Châu tại Nhật Bản hôm thứ Sáu, cho biết hành trình ở Đài Bắc không nhằm mục đích thay đổi hiện trạng khu vực này mà nhằm duy trì mối liên hệ với Đài Loan dân chủ theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan và chính sách Hoa Kỳ-Trung Quốc.
Bà nói với các phóng viên ở Tokyo: “Với lý do đó, như quý vị thấy, người Trung Quốc đã đình công, hầu như chắc chắn đã sử dụng chuyến thăm của chúng tôi như một cái cớ.”
“Họ có thể cố gắng ngăn Đài Loan từ việc đến thăm hoặc tham gia vào những nơi khác, nhưng họ sẽ không cô lập Đài Loan bằng cách ngăn cản chúng tôi đến đó,” bà nói. “Tình hữu nghị của chúng tôi với Đài Loan rất bền chặt.”
Khi được hỏi bà nghĩ chuyến đi của mình tới Á Châu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mối banh giao Trung-Mỹ, bà Pelosi cho biết hai quốc gia cần duy trì liên lạc.
Nhưng “nếu chúng ta không lên tiếng bảo vệ nhân quyền ở Trung Quốc vì lợi ích thương mại, thì chúng ta sẽ mất hết thẩm quyền đạo đức để nói về nhân quyền ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.”
Nhà lập pháp này nói rằng mặc dù Trung Quốc đã đạt được tiến triển trong một số lĩnh vực, nhưng nước này vẫn là một quốc gia đầy “những mâu thuẫn” và đưa ra các vấn đề nhân quyền như lạm dụng đối với người Duy Ngô Nhĩ mà Hoa Thịnh Đốn và các nền dân chủ phương Tây khác gọi là tội ác diệt chủng.
Hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác bị giam giữ trong các trại giam giữ ở Tân Cương, nơi họ bị triệt sản, tra tấn, tuyên truyền chính trị, và lao động cưỡng bức.
“Một lần nữa, chuyến thăm của chúng tôi không phải là việc xác định mối bang giao Mỹ-Trung là như thế nào. Đó là một thách thức lớn hơn và lâu dài hơn nhiều, và có một thách thức mà chúng ta phải nhận ra rằng chúng ta phải làm việc cùng nhau trong một số lĩnh vực nhất định,” bà Pelosi cho biết.
Cô Dorothy Li là một phóng viên của The Epoch Times tại Âu Châu.