Không có bình luận nào về Đài Loan trong các cuộc họp của bà Pelosi với lãnh đạo Nam Hàn
Hôm thứ Năm (04/08), Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đã gặp gỡ giới lãnh đạo chính trị ở Nam Hàn trong khuôn khổ chuyến công du Á Châu đang diễn ra của bà. Cả phái đoàn của bà Pelosi lẫn ban lãnh đạo Nam Hàn đều không bình luận những căng thẳng gia tăng hiện nay với nhà nước Trung Quốc cộng sản về vấn đề Đài Loan.
Bà Pelosi đã gặp trực tiếp Chủ tịch Quốc hội Nam Hàn Kim Jin Pyo và các thành viên cao cấp khác của Quốc hội Nam Hàn, sau đó bà đã có một cuộc điện đàm với Tổng thống Yoon Suk Yeol đang trong thời gian nghỉ phép.
Hai bên đã thảo luận về liên minh Mỹ-Hàn, chính sách ngoại giao và các vấn đề khác, nhưng không thảo luận về vấn đề Đài Loan.
Hoa Kỳ và Nam Hàn đã duy trì một liên minh bền chặt kể từ hồi Chiến tranh Triều Tiên vào những năm 1950, vốn là lần cuối cùng quân đội Hoa Kỳ chiến đấu với Trung Quốc cộng sản. Hồi tháng Năm, ông Yoon nhậm chức tổng thống với tuyên bố sẽ thúc đẩy liên minh quân sự của Nam Hàn với Hoa Kỳ chống lại Bắc Hàn
Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề Trung Quốc là một chủ đề nhạy cảm đối với Nam Hàn, bởi vì các quốc gia này là những đối tác thương mại chính. Nam Hàn đã phải chật vật để đạt được sự cân bằng giữa mối bang giao của họ với Hoa Kỳ và Trung Quốc khi sự cạnh tranh Trung-Mỹ đã trở nên sâu sắc hơn trong vài năm qua.
Đài Loan kiên quyết chống lại sự xâm lược của ĐCSTQ
Người dân Nam Hàn đã đặt nghi vấn về việc ông Yoon không gặp trực tiếp bà Pelosi trong khi bà đang công du Á Châu và gặp gỡ các nhà lãnh đạo từ Singapore, Malaysia và Nhật Bản.
Tuy nhiên, điểm dừng chân của bà chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ ở Nam Hàn sau chuyến thăm Đài Loan được công khai hồi đầu tuần này (01-08/08) mà các lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã sử dụng như một cái cớ để khởi động một loạt hoạt động gây hấn và trả đũa về kinh tế, mạng, và quân sự.
Trong những ngày sau đó, ĐCSTQ đã tiến hành một số cuộc tấn công mạng nhắm vào Đài Loan, ban bố hàng trăm lệnh cấm nhập cảng và phong tỏa hòn đảo thực tế bằng các cuộc tập trận quân sự chưa từng có.
Tuy nhiên, hành động leo thang nhất cho đến nay là quyết định của ĐCSTQ phóng một số hỏa tiễn qua Đài Loan và vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản (EEZ), một khu vực cách bờ biển của quốc gia này 200 hải lý (230 dặm).
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi cho biết: “Đây là lần đầu tiên 5 hỏa tiễn Trung Quốc rơi trong EEZ của Nhật Bản như thế này.”
“Chúng tôi đã phản đối mạnh mẽ thông qua các kênh ngoại giao.”
ĐCSTQ duy trì cái gọi là nguyên tắc Một Trung Quốc, trong đó tuyên bố rằng Đài Loan là một tỉnh ly khai phải được sáp nhập với đại lục. Chính quyền này đã không loại trừ việc sử dụng vũ lực để đạt được mục tiêu đó. Tuy nhiên, Đài Loan đã tự quản kể từ năm 1949 và chưa bao giờ bị ĐCSTQ kiểm soát. Và chính phủ dân chủ và nền kinh tế thị trường đang phát triển mạnh của Đài Loan bảo đảm rằng họ duy trì mối bang giao thương mại lành mạnh với nhiều cường quốc trên toàn cầu.
Mối bang giao của Hoa Kỳ với Đài Loan và Trung Quốc được chi phối bởi một loạt các hiệp ước và điện tín ngoại giao kéo dài từ những năm 1970. Điều đáng chú ý là Hoa Kỳ tuân thủ chính sách Một Trung Quốc, vốn thừa nhận, nhưng không chứng thực, về nguyên tắc Một Trung Quốc của ĐCSTQ. Chính sách này cũng quy định các mối bang giao không chính thức rộng rãi với Đài Loan. Đạo luật Bang giao với Đài Loan năm 1979 quy định thêm rằng Hoa Kỳ sẽ cung cấp vũ khí cần thiết cho Đài Loan để tự vệ.
Trọng tâm của những căng thẳng đang diễn ra giữa ĐCSTQ và Hoa Kỳ là thỏa thuận lâu đời của họ rằng không bên nào sẽ đơn phương cố gắng thay đổi hiện trạng này thông qua vũ lực hoặc cưỡng bức.
Giới chức ĐCSTQ khẳng định rằng chuyến thăm của bà Pelosi nhằm mục đích đơn phương thay đổi hiện trạng đó, trong khi các quan chức Hoa Kỳ cho rằng chính Trung Quốc đang làm điều đó khi gia tăng sự xâm lược kinh tế và quân sự của họ trong khu vực này.
“Ngày nay thế giới phải đối mặt với sự lựa chọn giữa dân chủ và chuyên quyền,” bà Pelosi nói trong một bài diễn văn ngắn trong cuộc gặp với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) hôm thứ Tư (04/08). “Quyết tâm của Mỹ trong việc bảo tồn nền dân chủ, ở Đài Loan và trên toàn thế giới, vẫn luôn mạnh mẽ.”
“Chuyến thăm của chúng tôi nhắc lại rằng Mỹ sát cánh cùng Đài Loan: một nền dân chủ mạnh mẽ, sôi động và là đối tác quan trọng của chúng tôi ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương,” bà Pelosi nói thêm trong một tweet sau chuyến đi.
Bộ Quốc phòng Đài Loan gọi các cuộc tập trận của Trung Quốc là “những hành động phi lý nhằm thay đổi hiện trạng, phá hủy hòa bình và ổn định của khu vực.”
Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.