G-7 kêu gọi Trung Quốc ngừng ‘các hành động đe dọa’ xung quanh Đài Loan
Hôm 03/08, các bộ trưởng G-7 đã đưa ra một tuyên bố nhằm đáp trả thái độ quân sự và ngoại giao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với Đài Loan, kêu gọi nhà cầm quyền nước này ngừng các hành vi gây hấn trong khu vực.
“Chúng tôi lo ngại về các hành động đe dọa đã được công bố gần đây của Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa), đặc biệt là các cuộc tập trận bắn đạn thật và cưỡng bức kinh tế, gây nguy cơ leo thang không cần thiết,” tuyên bố viết. “Không có sự biện minh nào cho việc sử dụng một chuyến thăm làm lý do cho hoạt động quân sự gây hấn ở Eo biển Đài Loan.”
“Chúng tôi kêu gọi CHND Trung Hoa không đơn phương thay đổi hiện trạng trong khu vực bằng vũ lực, và giải quyết những bất đồng xuyên Eo biển bằng các biện pháp hòa bình.”
Các bình luận này được đưa ra sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi (Dân Chủ-California). ĐCSTQ phản đối chuyến đi này bằng cách thực hiện các lệnh cấm nhập cảng trả đũa đối với Đài Loan, tiến hành các cuộc tập trận quân sự bắn đạn thật xung quanh hòn đảo, và điều động các chiến đấu cơ vào Vùng Nhận dạng Phòng không của Đài Loan.
Trong vụ xâm nhập mới nhất như vậy, hôm 03/08, quân đội Đài Loan đã đáp trả cuộc tấn công bất ngờ của 22 chiến đấu cơ Trung Quốc bay qua đường trung tuyến ở Eo biển Đài Loan, vốn là đường ranh giới phân định giữa hòn đảo này và đại lục. Đài Loan tuyên bố rằng họ đã điều động phi cơ và khai triển các hệ thống hỏa tiễn để “theo dõi” các hoạt động của Trung Quốc.
Bà Pelosi và Tòa Bạch Ốc khẳng định rằng chuyến đi này phù hợp với các chính sách lâu đời điều chỉnh mối bang giao Trung-Mỹ và không có gì báo hiệu một hành động rời xa vai trò truyền thống của Hoa Kỳ trong khu vực. G-7 đồng tình với quan điểm của Hoa Kỳ và tuyên bố rằng chuyến thăm này không phải là có ý muốn thay đổi tiền lệ hoặc chính sách được xác lập từ xưa tới nay.
“Việc các nhà lập pháp từ các quốc gia của chúng tôi đi khắp thế giới là điều bình thường và theo thông lệ,” tuyên bố của G-7 viết. “Phản ứng leo thang của CHND Trung Hoa có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng và gây mất ổn định khu vực.”
“Chúng tôi nhắc lại cam kết chung và không đổi của chúng tôi trong việc duy trì hòa bình và ổn định trên Eo biển Đài Loan đồng thời khuyến khích tất cả các bên giữ bình tĩnh, kiềm chế, hành động minh bạch, và duy trì đường dây liên lạc cởi mở để phòng tránh hiểu lầm.”
Nhóm Bảy Đại cường quốc này là một diễn đàn chính trị liên chính phủ bao gồm Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Vương quốc Anh, và Hoa Kỳ.
ĐCSTQ chỉ trích chính sách không đổi của Hoa Kỳ
ĐCSTQ duy trì cái gọi là nguyên tắc Một Trung Quốc, trong đó tuyên bố rằng Đài Loan là một tỉnh ly khai phải được thống nhất với đại lục. Nhà cầm quyền Trung Quốc đã không loại trừ việc sử dụng vũ lực để đạt được mục tiêu này.
Tuy nhiên, Đài Loan đã đang tự quản từ năm 1949 và chưa bao giờ nằm dưới sự kiểm soát của ĐCSTQ. Ngoài ra, chính phủ dân chủ và nền kinh tế thị trường đang phát triển mạnh của Đài Loan khẳng định một điều rằng hòn đảo này đang duy trì mối liên hệ thương mại lành mạnh với nhiều cường quốc toàn cầu.
Mối bang giao của Hoa Kỳ với Đài Loan được ước thúc bởi một loạt các hiệp ước và điện tín ngoại giao trong những năm qua. Đáng chú ý, Hoa Kỳ tuân thủ chính sách Một Trung Quốc, vốn mang lại sự công nhận về mặt ngoại giao, chứ không phải là sự tán thành, đối với nguyên tắc Một Trung Quốc của ĐCSTQ. Chính sách này cũng quy định các mối liên hệ không chính thức rộng rãi với Đài Loan. Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979 quy định rằng Hoa Kỳ sẽ cung cấp các loại vũ khí cần thiết cho Đài Loan để tự vệ.
Trọng tâm của những căng thẳng đang diễn ra giữa ĐCSTQ và Hoa Kỳ là thỏa thuận lâu đời của họ, vốn quy định rằng không bên nào được cố gắng đơn phương thay đổi hiện trạng này thông qua vũ lực hay cưỡng bức.
Giới chức ĐCSTQ khẳng định rằng chuyến thăm của bà Pelosi là có ý định đơn phương thay đổi hiện trạng đó, trong khi các quan chức Hoa Kỳ thì lại cho rằng hoạt động gây hấn về kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực mới là có mục đích đó.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã mô tả chuyến thăm của bà Pelosi là một cuộc tấn công ác ý vào chủ quyền của Trung Quốc mà sẽ phá vỡ [sự ổn định của] toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ông nói rằng những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm hỗ trợ nền dân chủ là một phần của một mớ “hành động xấu ác” và đi xa đến mức mô tả tổng thống được bầu một cách dân chủ của Đài Loan là “lực lượng ly khai” đã “phản bội sự nghiệp đại nghĩa của dân tộc”.
Về phần mình, Hoa Kỳ đã bình tĩnh tiếp nhận lời chỉ trích gay gắt đó và nhắc lại cam kết lâu dài của mình đối với các mối liên hệ không chính thức với Đài Loan như được điều chỉnh bởi tất cả các tiền lệ hiện có.
“Chuyến thăm của bà Chủ tịch hoàn toàn phù hợp với chính sách Một Trung Quốc lâu đời của chúng tôi”, Điều phối viên Truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby cho biết trong một cuộc họp báo hôm 02/08. “Chúng tôi đã nói rất rõ ràng rằng không có gì thay đổi về chính sách Một Trung Quốc của chúng tôi, vốn được hướng dẫn theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan, ba Tuyên bố Chung CHND Trung Hoa-Hoa Kỳ, và Sáu Bảo đảm.”
“Chúng tôi đã nói chúng tôi phản đối bất kỳ những thay đổi đơn phương nào đối với tình trạng hiện có xuất phát từ một trong hai bên. Chúng tôi đã nói chúng tôi không ủng hộ sự độc lập của Đài Loan.”
Sự gây hấn của ĐCSTQ trở nên thất thường
Trước phản ứng thản nhiên từ các quan chức Hoa Kỳ trong toàn hội đồng, ban lãnh đạo ĐCSTQ, bao gồm cả ông Vương, dường như ngày càng trở nên thất thường trong những lời đe dọa và phát ngôn hiếu chiến của họ.
Những bình luận của ông Vương rằng Hoa Kỳ đang ‘đùa với lửa’ lặp lại những lời đe dọa của lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình rằng Hoa Kỳ sẽ ‘tự thiêu’ vì mối liên hệ của mình với Đài Loan. Trong một trường hợp khác, ông Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), cựu tổng biên tập của hãng truyền thông Thời báo Hoàn cầu do ĐCSTQ kiểm soát, đã hù dọa rằng phi cơ của bà Pelosi nên bị bắn hạ. Ngoài ra, một người khác, trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying), nói “Trung Quốc là nạn nhân” trong chuyến đi của bà Pelosi và do đó bất kỳ hành động quân sự nào xảy ra sau đó của ĐCSTQ đều là chính đáng.
Nhiều quan chức tại vị và cựu quan chức của Hoa Kỳ đã bác bỏ luận điệu như là đe dọa chiến tranh của ĐCSTQ.
Chuẩn tướng David Stilwell, cựu trợ lý ngoại trưởng đặc trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, đã mô tả thái độ của ĐCSTQ là “những lời đe dọa vu vơ, huyền hoặc, sáo rỗng, [có nghĩa là] họ khiến chúng ta tự nguyện rút lui mà không cần mất gì.”
Để đạt được mục tiêu đó, ông cho biết các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ là sức mạnh lớn nhất của nước này và rằng các diễn đàn quốc tế có thể phối hợp với nhau để gửi các phái đoàn mới đến Đài Loan.
“Vương Quốc Anh đã công bố chuyến thăm cấp lãnh đạo của riêng họ,” ông Stilwell nói. “Chúng ta cần phần còn lại của Quad, AUKUS, và những nước còn lại làm theo.”
Trong một hành động tương tự, một nhóm gồm 26 thành viên Đảng Cộng Hòa tại Thượng viện đã ký một tuyên bố chung khẳng định sự ủng hộ của họ đối với bà Pelosi, Đài Loan, và việc duy trì hiện trạng bấy lâu của Hoa Kỳ.
“Chúng tôi ủng hộ chuyến đi của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tới Đài Loan,” tuyên bố cho biết.
“Trong nhiều thập niên, các thành viên của Quốc hội Hoa Kỳ, bao gồm cả các Chủ tịch Hạ viện tiền nhiệm, đã đến Đài Loan. Chuyến đi này phù hợp với chính sách Một Trung Quốc của Hoa Kỳ mà chúng tôi đã cam kết. Giờ đây chúng tôi cũng cam kết, hơn bao giờ hết, đối với tất cả các mục trong Đạo luật Quan hệ Đài Loan.”
Về phần mình, nhà chức trách Đài Loan cam kết sẽ bảo vệ lối sống dân chủ của họ trước sự xâm lược của ĐCSTQ, bằng bất kể giá nào.
“Chúng tôi không háo hức với một cuộc chiến, và cũng sẽ không né tránh một cuộc chiến,” Bộ Quốc phòng Đài Loan tuyên bố trong một video được phát hành trên mạng xã hội. “Chúng tôi có năng lực và ý chí để bảo vệ nền tự do và dân chủ quý giá của chúng tôi, cũng như duy trì sự ổn định trong khu vực của chúng tôi.”
Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.