Trung Quốc: 80,000 khách du lịch mắc kẹt ở đảo Hải Nam vì COVID-19
Hôm 08/08, chính quyền Trung Quốc đã phong tỏa ít nhất chín thành phố trên đảo du lịch Hải Nam khi đợt bùng phát COVID-19 ập đến càn quyét nơi đây. Hơn 80,000 khách du lịch và sáu đội bóng đá chuyên nghiệp không thể rời khỏi tỉnh cực Nam này, đồng thời đang phải đối mặt với giá khách sạn cao hơn.
Giờ đây, trong không khí phong tỏa, đường phố ở thủ đô Hải Khẩu của đảo Hải Nam trở nên vắng tanh, còn những bãi biển trở thành nơi trú ngụ cho các loài hải điểu.
Toàn bộ hơn 10 triệu cư dân của đảo Hải Nam và bất kỳ khách du lịch nào ghé thăm đều đã được đề nghị xét nghiệm COVID-19 hôm 07/08. Theo dữ liệu chính thức, khoảng 8,600 nhân viên y tế từ 18 tỉnh đã đến hòn đảo này hôm 08/08 để hỗ trợ xét nghiệm hàng loạt.
Chính sách COVID-19 “không khoan nhượng” của chính quyền cộng sản quy định rằng khách du lịch có thể rời khỏi hòn đảo sau khi họ trả phiếu xét nghiệm với năm lần có kết quả âm tính trong vòng bảy ngày trước đó. Nhưng mọi chuyến bay chở khách thương mại từ đảo về đại lục đều không hoạt động. Khách du lịch nói với phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Quốc rằng họ đã bị đuổi khỏi phi cơ sau khi lên khoang hành khách với tất cả các phiếu xét nghiệm âm tính cần thiết, ngay trước khi cuộc phong tỏa được công bố hôm 06/08.
Bắc Kinh có kế hoạch biến tỉnh đảo rộng 12,800 dặm vuông (33,151 km vuông) này thành một cảng thương mại tự do khổng lồ. Không chắc chắn việc phong tỏa đó sẽ gây ra tác hại kinh tế như thế nào.
Một cuộc phong tỏa trên phạm vi rộng
Hôm 08/08, chính quyền tỉnh Hải Nam đã thông báo rằng hơn 1,500 ca nhiễm đã được chẩn đoán ở tỉnh này trong đợt bùng phát, bắt đầu từ hôm 01/08. Hôm thứ Hai (08/08), 77 ca nhiễm mới đã được chẩn đoán. Các báo cáo chính thức cho biết thêm nhiều ca nhiễm COVID-19 vẫn đang được phát hiện trong bối cảnh thực hiện nghiêm các biện pháp phong tỏa.
Để kiềm chế sự bùng phát, nhà cầm quyền nước này đã thông báo phong tỏa hết thành phố này đến thành phố khác trên hòn đảo. Kể từ chiều thứ Hai, người dân ở Tam Á, Ngũ Chỉ Sơn, Hải Khẩu, Đam Châu, Vạn Ninh, Quỳnh Hải, Đông Phương, Lăng Thủy, và Trừng Mại đã bị cấm rời khỏi nhà của họ.
“Chúng ta phải kiên quyết không để người dân đi ra ngoài. Chúng ta phải bảo đảm rằng không ai có thể rời khỏi [hòn đảo này],” Bí thư Thành ủy Hải Nam Thẩm Hiểu Minh (Shen Xiaoming) chỉ thị chính quyền tỉnh hôm 06/08. “Chúng ta phải giám sát những người vào Hải Nam. Mỗi ngư dân phải bị cách ly trong bảy ngày và xét nghiệm năm lần trong thời gian này.”
Ông Thẩm sau đó đã thông báo rằng tỉnh này sẽ hoạt động theo “chế độ thời chiến.”
Tâm chấn của đợt bùng phát ở Hải Nam là Tam Á. Hôm 07/08, chính quyền thành phố thông báo sẽ mở bệnh viện dã chiến thứ hai. Cơ sở mới có khả năng điều trị cho 2,000 bệnh nhân COVID-19 sẽ mở cửa vào ngày 11/08. Nhà cầm quyền cho biết hiện tại, bệnh viện dã chiến trên đảo có thể tiếp nhận 2,876 bệnh nhân.
Rất nhiều người bên ngoài hồ nghi về tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 thực sự ở Trung Quốc, do lịch sử che đậy và không minh bạch với dữ liệu chưa được kiểm duyệt của chính quyền nước này.
Khách du lịch thất vọng
Tam Á được mệnh danh là “Hawaii của Trung Quốc” vì những bãi biển nên thơ và khí hậu trong lành ở nơi đây. Vào chiều hôm 06/08, vài giờ sau khi chính quyền cho ngừng hoạt động toàn bộ các loại phương tiện giao thông công cộng, Thị trưởng Hà Thế Cương (He Shigang) đã thông báo: “Chúng tôi ước tính rằng hơn 80,000 khách du lịch đang mắc kẹt ở Tam Á.”
“334 chuyến bay đã bị hủy tại Phi trường Phượng Hoàng Tam Á hôm 06/08,” hãng thông tấn Hồng Tinh Tân văn (Hongxing News) của nhà nước đưa tin. “Một số chuyến bay chở khách đã phải quay trở lại Tam Á sau khi cất cánh.”
Bà Vương là người Thượng Hải. Gia đình bà đã bị giam hãm ở nhà suốt nhiều tháng trong năm nay theo chính sách COVID-19 “không khoan nhượng” của nhà cầm quyền. Sau khi lệnh phong tỏa ở Thượng Hải được dỡ bỏ, bà nhanh chóng sắp xếp chuyến đi đến Tam Á cho gia đình năm thành viên của mình, bao gồm bố mẹ già và một con nhỏ.
Vào đầu hôm 06/08, bà Vương biết được rằng Tam Á có thể tạm dừng tất cả các phương tiện giao thông công cộng. Bà đã mua ngay những tấm vé sớm nhất về Thượng Hải.
“Tôi nghĩ rằng mình đã may mắn có được những tấm vé cuối cùng [có thể rời khỏi Tam Á],” bà Vương, người không cung cấp tên của mình, nói với tờ Yicai do Nhà nước điều hành hôm 06/08. “Chúng tôi tức tốc đến phi trường, đi qua hệ thống an ninh, lên phi cơ, và nghe phi công nói rằng cửa phi cơ đang đóng. Chúng tôi nghĩ là mình có thể bay về Thượng Hải.”
Cuối cùng, bà Vương cho biết, phi cơ không được phép cất cánh, gia đình bà và các các hành khách khác đã buộc phải xuống phi cơ cùng với tổ bay.
Nữ doanh nhân Dương Tịnh (Yang Jing) nói với Reuters rằng cô quyết định đưa gia đình đi nghỉ dưỡng ở Tam Á vì hòn đảo này chỉ đưa tin có hai ca nhiễm COVID-19 vào năm 2021. Giờ đây, gia đình cô đang mắc kẹt trên hòn đảo này và phải đối mặt với giá khách sạn cao, khiến họ phải ăn mì gói để tiết kiệm tiền.
Cô Dương và những khách du lịch khác lo lắng rằng đợt phong tỏa ở Tam Á sẽ tương tự như đợt phong tỏa ở Thượng Hải, ban đầu dự kiến kéo dài trong năm ngày nhưng cuối cùng đã kéo dài ba tháng.
Nhiều đội bóng đá bị mắc kẹt
Báo Thanh niên Bắc Kinh (Beijing Youth) do nhà nước điều hành đưa tin hôm 08/08, Đội tuyển bóng đá quốc gia Trung Quốc và sáu đội bóng đá của giải Super League của Trung Quốc cũng bị mắc kẹt ở Hải Khẩu. Các đội bóng sẽ không thể tham dự các trận đấu theo lịch trình của họ.
Đội tuyển quốc gia đã đến Hải Khẩu sau khi kết thúc Giải vô địch bóng đá EAFF E-1 tại Nhật Bản hôm 28/07. Theo chính sách vào thời điểm đó, các cầu thủ bị cách ly ở một khách sạn trong mười ngày, sẽ được ra ngoài vào ngày 08/08. [Nhưng] bây giờ, họ đang phải đối mặt với việc bị phong tỏa lâu hơn.
Sáu đội bóng super league đang mắc kẹt ở Hải Khẩu là: Dung Thành-Thành Đô (Chengdu Rongcheng), Hổ Tân Môn-Thiên Tân (Jinmen Tigers), Thái Sơn-Sơn Đông (Shandong Taishan), Hà Bắc, Sư tử-Thương Châu (Cangzhou Lions), và Quảng Châu. Họ đã ở đó cho vòng 12 của giải đấu.
Hiệp hội bóng đá Trung Quốc (CFA) đã hoãn các trận đấu có sự tham gia của 6 đội bóng này.
Bà Nicole Hao là một phóng viên sống và làm việc tại Hoa Thịnh Đốn. Bà chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Trước khi gia nhập Epoch Media Group hồi tháng 07/2009, bà từng là giám đốc sản phẩm toàn cầu cho một doanh nghiệp đường sắt ở Paris, Pháp.