Cư dân Thượng Hải cho rằng việc mở cửa trở lại của thành phố vẫn còn ‘xa vời’
Hôm 17/05, các quan chức Thượng Hải cho biết không có ca lây nhiễm bên ngoài khu vực cách ly trong ba ngày liên tiếp, đánh dấu cột mốc được mong đợi từ lâu đối với một thành phố đã bị phong tỏa trong hơn bảy tuần mặc dù hầu hết cư dân vẫn bị buộc ở trong nhà.
Ông Triệu Đan Đan (Zhao Dandan), Phó Giám đốc Ủy ban Y tế Thượng Hải, cho biết trong một cuộc họp báo hôm 17/05 rằng tất cả 16 quận ở Thượng Hải đã đạt được “zero COVID linh hoạt toàn xã hội” trong ba ngày liên tiếp. “Zero COVID linh hoạt toàn xã hội” có nghĩa là tất cả các trường hợp lây nhiễm đều được báo cáo tại các cơ sở cách ly tập trung hoặc các cộng đồng dân cư đang bị phong tỏa.
Giới chức địa phương cho biết, tính đến ngày 18/05, ước tính có khoảng 790,000 người vẫn đang ở trong các khu vực bị phong tỏa. Các quan chức này không cho biết có bao nhiêu người ở trong các trung tâm cách ly.
Tại cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ Tư (18/05), ông Triệu cho biết Thượng Hải đã ghi nhận 815 ca nhiễm trong 24 giờ qua. Tuy nhiên, cư dân và giới chuyên gia nghi ngờ con số chính thức này, khi họ cho thấy lịch sử từng hạ thấp và che đậy thông tin về các đợt bùng phát dịch bệnh trên khắp đất nước của chính quyền Trung Quốc.
Trung tâm thương mại 25 triệu người này đã đưa ra một thời gian biểu để dần thoát khỏi tình trạng phong tỏa kéo dài hơn bảy tuần, cho biết họ dự định mở cửa trở lại từ đầu tháng Sáu. Khi lệnh phong tỏa mới được đưa ra hồi cuối tháng Ba, chính quyền dự kiến chỉ kéo dài tám ngày. Nên sẽ không có gì lạ khi kế hoạch này vấp phải sự hoài nghi của các cư dân, những người thấy hy vọng của mình bị dập tắt hết lần này đến lần khác.
Một cư dân họ Vương (Wang) vẫn đang bị giam hãm ở trong nhà cho biết giới chức đã đánh mất uy tín. Cộng đồng dân cư chỗ ông Vương đã bị đặt vào “thời kỳ yên ắng” kể từ hôm 15/05 và không nhận được lời giải thích chính thức nào. Trong mười ngày này, không ai được phép ra khỏi nhà, và việc giao hàng bị tạm dừng.
Một số người cho biết họ đã được cấp thẻ để ra khỏi khu dân cư. Hôm 17/05, một cư dân địa phương nói với The Epoch Times rằng thẻ này chỉ cho phép một người trong mỗi gia đình được đi ra ngoài trong vài giờ vào một thời điểm xác định trong ngày.
Một người dân khác ở quận Phụng Hiền cho biết thẻ có hiệu lực trong ba giờ đồng hồ. Người đàn ông họ Trần (Chen) nói với The Epoch Times rằng mọi người cần phải xếp hàng từ một đến hai giờ đồng hồ để vào siêu thị; nếu không quay lại đúng giờ, tấm thẻ đó sẽ bị thu.
Theo ông Trần, ngay cả khi mọi người có thẻ đi lại, họ cũng chỉ có thể đi loanh quanh mấy dãy phố gần nhà. Ông vẫn chưa thể đến thăm con gái sống ở quận Phố Đông, cách nhà ông khoảng 45 phút lái xe.
“Việc mở cửa lại hoàn toàn hay tiếp tục công việc vẫn còn rất xa vời,” một cư dân khác đã bị giam hãm trong nhà tại một cộng đồng dân cư ở quận Mẫn Hàng trong 60 ngày qua cho biết.
Trên nền tảng Weibo, tiểu blog nổi tiếng của quốc gia này, hãng thông tấn chính thức của của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đăng một số bức ảnh cho thấy các cửa hàng ăn sáng, nhà hàng, và tiệm làm tóc mở cửa làm dấy lên sự giận dữ từ những người dân Thượng Hải đang bị phong tỏa.
Một người dùng mạng xã hội đã mô tả bài đăng này là “vô nghĩa”.
“Chúng tôi đã bị nhốt ở nhà hai tháng nay … Bài đăng này dành cho người nào đó chứ không phải những người dân ở Thượng Hải.”
Đến sáng thứ Ba, bài đăng này đã bị xóa.
Thoát khỏi Thượng Hải
Nhiều công nhân nhập cư tại Thượng Hải khao khát muốn trở về quê sau khi trải qua tình trạng phong tỏa kéo dài.
Các bài đăng trên mạng xã hội cho thấy những người xếp hàng dài, chủ yếu là công nhân nhập cư, bên ngoài một trong những ga xe lửa chính của thành phố, mong được trở về nhà sau khi được phép ra ngoài.
Một số bức ảnh cho thấy cảnh một số người thồ hành lý trên những xe đạp công cộng hoặc đi bộ từ những ngóc ngách xa xôi của thành phố.
Một người giao hàng họ Lưu (Liu) cho biết “khó lắm” mới mua được vé tàu về quê.
Hôm 17/05, anh Lưu tâm sự với The Epoch Times rằng, anh biết có một người công nhân nọ phải trả thêm 500 nhân dân tệ (74 USD) cho một người phe vé để có được một tấm vé. “Mua được vé là may mắn lắm rồi”. Anh cũng cho biết rằng các công nhân vẫn phải bị cách ly khi về nhà.
Anh Tôn Vỹ (Sun Wei, hóa danh), làm việc trên mạng xã hội, đã bị mất thu nhập trong hơn hai tháng do tình trạng phong tỏa. Cuối cùng, anh cũng được cộng đồng khu phố cho phép rời thành phố hôm 17/05.
“Nếu tiếp tục ở lại Thượng Hải, tôi sẽ chết đói,” anh Tôn nói với The Epoch Times từ một khách sạn cách ly ở quê nhà tại thành phố Phụ Dương, tỉnh An Huy, cách Thượng Hải khoảng bảy giờ lái xe.
Anh đã trả khoảng 900 nhân dân tệ (133 USD) phí cách ly tập trung kéo dài một tuần trước khi được phép về nhà cách ly thêm bảy ngày nữa.
Biện pháp hạn chế hà khắc này đã gây ra nỗi đau cho hàng triệu cư dân trong thành phố và tàn phá nền kinh tế của quốc gia này.
Dữ liệu kinh tế tháng Tư của Trung Quốc rất ảm đạm: doanh số bán lẻ và sản xuất nhà máy giảm xuống mức tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bùng phát và tỷ lệ thất nghiệp của quốc gia này đạt mức cao nhất trong vòng hai năm qua. Số liệu do Cục Thống kê Quốc gia công bố hôm 16/05 tồi tệ hơn những gì mà các nhà kinh tế đã kỳ vọng.
Hôm 17/05, Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc cho biết chính sách zero COVID của chính quyền này sẽ cản trở đầu tư ngoại quốc trong nhiều năm tới do các hạn chế đi lại làm gián đoạn các dự án. Các công ty lớn cũng đang tìm kiếm các giải pháp thay thế cho chuỗi cung ứng của họ.
“Thật không may, đợt phong tỏa COVID-19 trong năm nay và các hạn chế trong hai năm qua sẽ có nghĩa là ba, bốn, năm năm nữa tính từ giờ, chúng ta khả năng cao sẽ chứng kiến sự giảm sút đầu tư,” chủ tịch phòng thương mại Michael Hart cho biết.
Cô Dorothy Li là phóng viên của The Epoch Times tại Âu Châu.
Bản tin có sự đóng góp của Lạc Á, Cố Hiểu Hoa, Triệu Phượng Hoa, Phương Hiểu và Reuters
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: