Trung Cộng làm ngưng dòng tiền từ ngoại quốc
Các quyết định của Bắc Kinh hồi tháng trước đã khiến các nhà đầu tư Hoa Kỳ tổn thất rất nhiều tiền. Các động thái quản lý chống lại các công ty Trung Quốc có cổ phiếu được niêm yết gần đây trên các sàn giao dịch chứng khoán của Hoa Kỳ đã làm suy sụp thị trường vốn dĩ đang bùng nổ cho những việc niêm yết như vậy. Các động thái này cũng đã làm hao tổn rất lớn giá trị của những công ty đã được niêm yết. Nhìn bề ngoài, các động thái này dường như đi ngược lại lợi ích của Trung Quốc.
Dòng tiền của Hoa Kỳ từ các công ty Trung Quốc niêm yết tại Hoa Kỳ thông qua Chứng chỉ giao dịch Lưu ký tại Hoa Kỳ (ADR) đã mang lại cho Trung Quốc một nguồn tài chính lớn cho tăng trưởng và phát triển. Nhưng như Trung Cộng đã chứng minh nhiều lần, Trung Cộng coi bảo mật và quyền kiểm soát quan trọng hơn mọi thứ khác, bao gồm cả tăng trưởng kinh tế và sự giàu có. Tuy nhiên, dù dòng chảy của đồng dollar đã được chào đón thế nào đi nữa, cũng cần thiết phải có công bố thông tin về tình trạng của doanh nghiệp Trung Quốc, yêu cầu này là thứ mà giới lãnh đạo Trung Cộng không chịu và không thể trao thêm chút quyền kiểm soát nào cho các cơ quan quản lý của Hoa Kỳ và các cổ đông Hoa Kỳ sở hữu các cổ phần này.
Vì vậy, hiện nay thị trường phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của các công ty Trung Quốc ở Hoa Kỳ đã đóng cửa hoàn toàn. Giá trị của các công ty Trung Quốc đã niêm yết tại Hoa Kỳ đã giảm gần 30%, và chỉ trong tháng Bảy (2021), chủ sở hữu của những chứng chỉ ADR này đã mất tới 400 tỷ USD. Theo lời của một tiêu đề của Wall Street Journal, các nhà đầu tư Hoa Kỳ chắc hẳn đã cảm thấy bị giới lãnh đạo Trung Cộng “chơi xỏ”. Nhiều người ở New York và những nơi khác ở Hoa Kỳ giờ hẳn là ước ao rằng danh sách đen các công ty Trung Quốc bán cổ phần ở Hoa Kỳ của ông Donald Trump đã có thể lớn hơn và kéo dài hơn còn Tổng thống Biden thì đã có thể mở rộng danh sách này. [Nhưng] tất nhiên là, tiền thì đã mất rồi.
Để bảo vệ các nhà đầu tư Hoa Kỳ trong tương lai, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) hứa sẽ xem xét hướng dẫn niêm yết và yêu cầu công bố thông tin nhiều hơn và sự bảo đảm lớn hơn từ các công ty Trung Quốc muốn niêm yết tại Hoa Kỳ. Dù sao đi nữa, Bắc Kinh [cũng] đã bày tỏ sự bất ngờ trước những gì mà các hành động đã gây ra và hứa trong tương lai sẽ tính đến sự nhạy cảm của thị trường tốt hơn. [Nhưng] ngay cả khi các biện pháp này cho phép dòng chảy của đồng dollar tăng trở lại, thì thời gian sẽ còn rất lâu, nếu có, trước khi dòng chảy này có thể trở lại mức cũ. Trung Quốc sẽ bỏ lỡ sự hỗ trợ tài chính cho tăng trưởng trong tương lai, nhưng Trung Cộng sẽ đạt được mong muốn.
Bắc Kinh từ lâu đã duy trì các lệnh cấm đối với quyền sở hữu của ngoại quốc đối với nhiều loại công ty, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, thông tin và tất nhiên, quốc phòng. Nhiều ban quản lý (doanh nghiệp) đã bỏ qua những hạn chế này bằng cách thiết lập cái được gọi là “các thực thể có lợi ích thay đổi” (VIE). Những thực thể này có thể thu thập vốn của Hoa Kỳ và ngoại quốc nói chung bằng cách thành lập một công ty vỏ bọc ở ngoại quốc mà theo hợp đồng được hưởng một phần lợi nhuận của công ty mẹ [ở Trung Quốc] và người ngoại quốc có thể mua cổ phần. Bắc Kinh có vẻ chấp thuận với những kiểu sắp xếp như vậy vì công ty Trung Quốc nhận được nguồn tài chính từ ngoại quốc với những công bố thông tin chỉ là về công ty vỏ chứ không phải công ty mẹ còn người ngoại quốc không bao giờ có quyền sở hữu hoặc kiểm soát công ty sản xuất [ở Trung Quốc]. Tất nhiên, kiểu dàn xếp này là một vấn đề khác với các công ty Trung Quốc được niêm yết trên các sàn giao dịch của Hoa Kỳ. Đối với các VIE này, cả SEC và các sàn giao dịch chứng khoán đều có thể yêu cầu công bố thông tin, có thể áp đặt các quy định bổ sung, và ra lệnh quyền kiểm soát được phân chia theo tỷ lệ sở hữu cho người mua Hoa Kỳ. Mặc dù các VIE này không phải là những công ty bị cấm, nhưng các yêu cầu này rõ ràng là quá nhiều đối với Trung Cộng.
Trong trường hợp khi các công ty không bị những biện pháp nghiêm ngặt như vậy hạn chế, Bắc Kinh rõ ràng đã thực hiện một con đường khác để kiểm soát vấn đề. Sự kiện gần đây nhất cung cấp một minh họa hoàn hảo. Công ty gọi xe Trung Quốc Didi vừa hoàn thành một đợt IPO bom tấn tại Hoa Kỳ. Chính phủ Trung Quốc dường như không phản đối nhưng sau đó ngay lập tức sử dụng cơ quan quản lý của mình để cấm Didi đăng ký thêm bất kỳ người dùng nào. Cổ phiếu của Didi tại Hoa Kỳ, nếu không muốn nói là vô giá trị, đột nhiên trở nên kém giá trị hơn rất nhiều so với thời điểm IPO. Bắc Kinh đã phản ứng tương tự với một công ty dạy thêm lớn khi họ đã niêm yết chứng chỉ ADR bằng cách cấm công ty này dạy những gì mà các trường công lập đã dạy, hay nói cách khác là những môn dạy phổ biến nhất của công ty. Những hành động này, mặc dù bề ngoài không liên quan gì đến việc niêm yết, đã khiến các công ty Trung Quốc hủy bỏ kế hoạch niêm yết và tạo ra nghi ngờ về giá trị của 418 công ty Trung Quốc đã niêm yết tại Hoa Kỳ.
Lời hứa của Trung Cộng sẽ quản lý tế nhị hơn trong tương lai và lời hứa của SEC về việc tìm kiếm công bố thông tin và sự bảo đảm lớn hơn cũng có thể không rõ ràng. Giờ đây có rất ít hoạt động niêm yết mới diễn ra. Thực sự là, nhiều công ty Trung Quốc chuẩn bị IPO đã hủy bỏ những kế hoạch này. Không nghi ngờ gì nữa, các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã thề sẽ cẩn thận hơn nhiều với các giao dịch mua của họ hoặc đơn giản là tránh xa hoàn toàn các hoạt động niêm yết của Trung Quốc. Những diễn biến này cùng với việc các nhà sản xuất Hoa Kỳ quyết định đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc cho thấy rõ ràng rằng cuộc thảo luận từ lâu về sự tách rời của nền kinh tế Trung Quốc và Hoa Kỳ đang diễn ra nhanh chóng, bất kể ý định của hai chính phủ là gì.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Milton Ezrati là một biên tập viên đóng góp của The National Interest, một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Vốn Con người tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested, một công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Trước khi gia nhập Vested, ông là nhà chiến lược thị trường và nhà kinh tế trưởng cho Lord, Abbett & Co. Ông cũng thường xuyên viết bài cho City Journal và thường xuyên viết blog cho Forbes. Cuốn sách mới nhất của ông là “Ba mươi ngày mai: Ba thập kỷ tiếp theo của toàn cầu hóa, nhân khẩu học và cách chúng ta sẽ sống.”
Do Milton Ezrati thực hiện
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: