Nhận định về các dòng tiền đầu tư gần đây vào Trung Quốc
Đầu tư trực tiếp của ngoại quốc (FDI) vào Trung Quốc đã tăng lên rõ rệt trong môi trường hậu đại dịch này. FDI vào Trung Quốc thậm chí đã vượt qua đầu tư ngoại quốc vào Hoa Kỳ, một thực tế mà giới truyền thông Hoa Kỳ đã viết rất nhiều. Bởi vì hầu hết truyền thông đưa tin đã sử dụng thông tin này để tiếp tục hành vi khờ khạo của họ là biến mọi thứ về kinh tế – về mọi thứ – thành một thứ gì đó giống như một cuộc thi điền kinh, việc đưa thông tin này nói chung đã bỏ lỡ những nội dung quan trọng nhất mà những số liệu gần đây cung cấp về bản chất của nền kinh tế Trung Quốc và tương lai của nó – rằng nền kinh tế đã phát triển đủ để khiến Trung Quốc không còn trông cậy vào tăng trưởng dựa trên xuất cảng nữa và tốc độ phát triển của họ sẽ chậm lại.
Đại dịch năm ngoái làm chậm đầu tư trên toàn thế giới một cách dễ hiểu. Trong trường hợp của Trung Quốc, tác động của FDI đã bị trì trệ đáng kể. Phần lớn là do các loại quyết định đầu tư này được đưa ra từ trước, nên phần lớn dòng tiền chảy vào năm 2020 đã được phân bổ vào năm 2019 nếu không muốn nói là sớm hơn. Kết quả là, sau sự gián đoạn mạnh mẽ trong trận đại dịch tồi tệ nhất vào mùa xuân năm ngoái (2020), nửa cuối năm 2020 chứng kiến sự bắt kịp đáng kể so với những gì đã được phân bổ trước đó. Dòng vốn FDI hàng tháng tăng gần 90% trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 12 năm ngoái. Nhưng sau đó do khó khăn, năm 2020 đã có nhiều quyết định đầu tư bị trì hoãn hoặc hủy bỏ, nên FDI đã giảm mạnh trong những tháng đầu năm nay (2021). Dòng vốn hàng tháng trong tháng 01/2021 thấp hơn mức thấp nhất là của tháng 07/2020 trước đó. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trên khắp thế giới dường như đã nhanh chóng tính toán lại mọi thứ, bởi dòng vốn FDI đã tăng nhanh chóng từ đó đến nay. Tháng Sáu vừa qua, tháng gần đây nhất mà dữ liệu được cung cấp, dòng vốn hàng tháng hầu như đã phục hồi lại bằng những tháng cao của cuối năm 2020.
Điều thú vị hơn những con số tổng hợp trên là tiền đến từ đâu. Các nguồn từ Hoa Kỳ đang giảm dần, chỉ chiếm 2.0% tổng dòng vốn trong dữ liệu có sẵn gần đây nhất. Các khoản đầu tư có nguồn gốc từ Nhật Bản cao hơn một chút so với tỷ trọng của Hoa Kỳ, dưới 3.0% một chút trong tổng số, nhưng các dòng vốn này, cũng giảm so với mức trước đó. Âu Châu có tỷ trọng lớn hơn, với riêng [nguồn vốn từ] Anh Quốc và Đức đã vượt quá dòng vốn từ Hoa Kỳ và Nhật Bản cộng lại. Rõ ràng, những lo ngại về chuỗi cung ứng đang ảnh hưởng nhiều hơn đến những người ra quyết định [đầu tư] của Hoa Kỳ và Nhật Bản. Đối với người Mỹ, đó cũng là di sản của “cuộc chiến thương mại” năm 2019 giữa Tòa Bạch Ốc của ông Trump và Trung Quốc. Cuộc chiến này đã thúc đẩy nhiều nhà sản xuất Trung Quốc lách thuế bằng cách thiết lập sản xuất ở các nước thứ ba, chủ yếu ở những nơi khác ở Á Châu, và các đối tác Hoa Kỳ của họ đã theo đó mà điều hướng lại dòng dollar của họ.
Tuy nhiên, có sự thấu hiểu hơn khi đi từ các loại hình đầu tư mà những người ngoại quốc đang thực hiện ở Trung Quốc. Cách đây không lâu, ngành sản xuất đã chiếm thị phần chi phối của toàn bộ vốn FDI vào Trung Quốc. Trong một thống kê gần đây hơn, loại hình này đã giảm xuống chỉ còn hơn 30% trong tổng số, vẫn là một phần lớn nhưng không phải như trước đây. Ngược lại, ngành dịch vụ, bán lẻ, bất động sản, và các lĩnh vực tương tự chiếm gần 60% các dòng vốn FDI gần đây. Có vẻ như người ngoại quốc đã dịch chuyển khỏi việc thuê sản xuất ở Trung Quốc với mục đích nhập cảng đầu ra trở lại để bán tại thị trường nội địa của họ, và thay vào đó giờ đây họ đang đầu tư để có được một phần của thị trường nội địa rộng lớn và đang phát triển của Trung Quốc. Ở một mức độ nào đó, sự thay đổi này phù hợp với mục tiêu của Bắc Kinh là làm cho nền kinh tế bớt phụ thuộc vào xuất cảng, mặc dù theo một phương diện khác thì sự thay đổi này hẳn là làm thất vọng quyết định của Bắc Kinh trong việc có được các công nghệ của phương Tây thông qua việc cung cấp các ưu đãi khuyến khích cho các công ty ngoại quốc đầu tư vào trí tuệ nhân tạo và các công nghệ phức tạp.
Sự thay đổi trọng tâm của FDI là có lý do. Trung Quốc đã phát triển đủ để không còn là nơi thuê sản xuất rẻ nhất. Chắc chắn, chi phí ở Trung Quốc vẫn thấp hơn so với tại Hoa Kỳ, Tây Âu hoặc Nhật Bản, nhưng họ đã mất lợi thế so với các nước nghèo hơn khác. So sánh mức lương giữa Mexico và Việt Nam có thể giúp làm rõ vấn đề. Từ năm 2016 đến năm 2020, mức lương trung bình cho một công nhân ngành sản xuất ở Trung Quốc đã tăng 7% mỗi năm, nhanh hơn nhiều so với Mexico, dưới 6% một năm, hoặc Việt Nam, chỉ trên 5%, do đó hiện nay chi phí lao động của Trung Quốc cao hơn 35% so với mức tương đương của Mexico và 120% so với mức tương đương của Việt Nam. Ngay cả khi người lao động trung bình của Trung Quốc tạo ra nhiều thứ hơn nhờ vào [trình độ] giáo dục và đào tạo, thì so sánh này giúp dễ dàng đưa ra quyết định về việc định vị sản xuất giản đơn. Đồng thời, mức lương cao hơn ở Trung Quốc mang lại cho nền kinh tế nội địa của nước này nhiều sức mua hơn, và đầu tư ngoại quốc đã bắt đầu nhắm đến sức mua này.
Bức tranh đang nổi lên ở Trung Quốc hầu như không phải là đặc thù riêng đối với quốc gia này. Nó phản ánh một mô hình tăng trưởng và phát triển cổ điển. Ban đầu, một nước nghèo, chẳng hạn như Trung Quốc, phát triển nhanh chóng như một nguồn cung cấp cho các nước giàu hơn. Đầu tư ngoại quốc đổ vào các ngành công nghiệp xuất cảng của quốc gia đó. Thật vậy, khoản đầu tư này xây dựng nên những ngành công nghiệp đó. Các khoản đầu tư và nhu cầu từ các khu vực giàu có hơn trên thế giới thúc đẩy tạo mức tăng trưởng nhanh chóng như Trung Quốc đạt được trong một số thập kỷ. Do đó, trong những năm 1990 và thập kỷ mở đầu của thế kỷ này, FDI đã chiếm tới 4.5 đến 5.0% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc. Tuy nhiên, khi quốc gia đó phát triển, nó trở nên kém hấp dẫn hơn đối với loại hình thuê sản xuất này, như Trung Quốc [hiện nay]. Dòng đầu tư giờ đây tận dụng lợi thế của thị trường nội địa giàu có hơn. Nhưng dòng vốn này trở nên ít quan trọng hơn. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã chứng kiến FDI chỉ đạt trên 1.0% GDP. Và tăng trưởng tổng thể trở nên chậm hơn bởi vì quốc gia đang được đề cập này, tức Trung Quốc, không còn được thúc đẩy bởi sức mua từ các khu vực mà [hiện] không còn quá giàu so với [Trung Quốc] nữa. Đó là triển vọng của Trung Quốc hiện nay. Tốc độ tăng trưởng chậm lại và bản chất cũng như quy mô tương đối của FDI đều vẽ nên bức tranh kinh tế cổ điển này.
Ông Milton Ezrati là một biên tập viên cộng tác với The National Interest, một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Vốn Con người tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested, công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Cuốn sách mới nhất của ông là “Ba Mươi Ngày Mai: Ba Thập Kỷ Tiếp Theo Của Toàn Cầu Hóa, Nhân Khẩu Học, và Cách Chúng Ta Sẽ Sống.”
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Milton Ezrati thực hiện
Bình Hòa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: