Trung Cộng đào tạo 6 Tổng thống Phi Châu nhằm mở rộng Mặt Trận Thống Nhất
Sự thâm nhập trong hàng thập kỷ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) vào Phi Châu đã được đền đáp vào ngày 12/03, khi nước này giành được sự ủng hộ từ Nga và các nước Phi Châu, cũng như Ai Cập và Nam Sudan vì đã lên án “vi phạm nhân quyền” của Úc trong một tuyên bố trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Geneva.
Kể từ khi Trung Cộng lên nắm quyền, học viện quân sự của nó đã đào tạo sáu tổng thống, tám bộ trưởng quốc phòng, hơn 100 chỉ huy và một số lượng lớn quân nhân cho Phi Châu.
Cho đến nay, có đến năm tổng thống và cựu tổng thống của các nước Phi Châu đã tốt nghiệp trường Cao đẳng Chỉ huy Quân đội Nam Kinh của Trung Cộng. Họ là Samuel Nujoma, tổng thống lập quốc của Namibia; Jakaya Kikwete, tổng thống thứ tư của Tanzania; Laurent Kabila, tổng thống thứ ba của Cộng Hòa Dân chủ Congo (DRC); Isaias Afwerki, tổng thống đầu tiên và hiện tại của Eritrea; và Joao Vieira, cựu tổng thống Guinea-Bissau.
Ngoài ra, cựu Tổng Thống Cộng Hòa Dân chủ Congo là Joseph Kabila (còn được gọi là Kabila Jr.), con trai cả của cựu Tổng thống Laurent Kabila đã từng theo học tại Đại học Quốc phòng của Quân Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc trong sáu tháng trước khi được cha ông ta gọi về nước do tình hình đất nước thay đổi đột ngột. Ông này đã kế vị tổng thống sau khi cha mình bị ám sát.
Ngoài các tổng thống, Trung Cộng còn đào tạo một lượng lớn quân nhân cho các nước Phi Châu thông qua các học viện quân sự của họ như Đại học Quốc phòng Quân Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc, trường Cao đẳng Chỉ huy Quân đội Nam Kinh và Cao đẳng Chỉ huy Quân đội Thạch Gia Trang.
Viện trợ miễn phí dưới thời Mao Trạch Đông
Trong vài thập kỷ qua, mô hình viện trợ quân sự của Trung Cộng cho Phi Châu đã thay đổi đáng kể.
Trong kỷ nguyên của thế hệ lãnh đạo tiên phong của Trung Cộng-Mao Trạch Đông-Phi Châu đã nhận được viện trợ miễn phí.
Mao Trạch Đông đã áp dụng chính sách “bế quan” với Hoa Kỳ và Liên Xô dưới chế độ của mình, và ông ta nhất thiết phải lôi kéo các nước Phi Châu và các nước thế giới thứ ba khác để đối đầu với hai siêu cường này.
Năm 1971, Trung Quốc cộng sản đã thành công trong việc trở thành một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc với sự ủng hộ quan trọng từ số phiếu của 26 quốc gia Phi Châu. Theo lời của Mao Trạch Đông, “Chính những người anh em da đen gốc Phi đã mang chúng tôi vào đây.”
Từ năm 1964 đến năm 1985, theo chính sách “viện trợ miễn phí” của Mao, Trung Cộng đã cử 3,418 chuyên gia quân sự bao gồm 226 đặc phái viên đến các quốc gia Phi Châu, gồm cả Algeria, Tanzania, Congo, Zambia và Mali. Trung Cộng đã huấn luyện 17,000 binh sĩ, tiếp nhận 3,022 học viên quân sự và cử các đội ngũ nông dân, kỹ sư và y tế đến hỗ trợ các quốc gia này trong việc xây dựng các dự án công nghiệp và cơ sở hạ tầng.
Mức phí vừa phải trong kỷ nguyên của Đặng Tiểu Bình
Đối mặt với sự cô lập với cộng đồng quốc tế và nguy cơ sụp đổ kinh tế, nhà lãnh đạo thế hệ thứ hai của Trung Cộng là Đặng Tiểu Bình đã chấm dứt chính sách bế quan tỏa cảng của Mao nhằm cải thiện mối bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc.
Vào những năm 1980, viện trợ quân sự của Đặng cho Phi Châu được điều chỉnh theo chính sách áp dụng chi phí hợp lý và trao đổi hàng hóa, bổ sung các viện trợ không hoàn lại, và tăng dần thành quy mô bán thiết bị quân sự.
Trong 30 năm sau đó, Trung Cộng đã bán cho các nước Phi Châu các thiết bị quân sự như máy bay phản lực, xe tăng, xe chiến đấu bộ binh, thuyền hộ tống và thiết bị quân sự, trong đó phổ biến nhất là máy bay phản lực, xe huấn luyện K-8 và xe bọc thép WZ-551.
Các nước Phi Châu như Ai Cập, Tanzania và Algeria là những khách hàng mua vũ khí chính của Trung Quốc.
Kinh doanh vũ khí trong kỷ nguyên của Giang Trạch Dân
Lãnh đạo thế hệ thứ ba của Trung Cộng Giang Trạch Dân, người lên nắm quyền thông qua chiến dịch đàn áp đẫm máu Cuộc biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, không chỉ thấu hiểu được tầm quan trọng về mặt chính trị của các nước Thế giới thứ ba mà còn nhìn thấy những cơ hội to lớn trong việc kinh doanh với họ.
Năm 1996, sau khi thăm sáu nước Phi Châu, Giang đề nghị chiến lược “vươn ra thế giới” nhằm phát triển tại thị trường Phi Châu, Mỹ Latinh, Đông Nam Á và các nước đang phát triển khác, cũng như Đông Âu và Cộng đồng các quốc gia độc lập thuộc Liên Xô cũ (CIS).
Tiếp đó, Trung Cộng đã thay thế chính sách viện trợ vũ khí bằng việc xuất cảng vũ khí.
Năm 2013, Trần Hồng Sinh, chủ tịch của Poly Group, nhà buôn vũ khí lớn nhất Trung Quốc cho biết trong cuộc phỏng vấn với một trang web tiếng Trung và tạp chí Talents rằng, xuất cảng vũ khí và thiết bị quân sự là một phần quan trọng trong chính sách ngoại giao của Trung Cộng và Trung Cộng cần phải bán thiết bị để thu mua tài nguyên từ các quốc gia khác.
Theo Trần Hồng Sinh, Poly đã sở hữu hàng chục nghìn km vuông đất với trữ lượng dầu mỏ tại Phi Châu vào thời điểm đó.
Báo cáo trách nhiệm xã hội thường niên năm 2013 của Poly Group cho thấy các hợp đồng xuất cảng quân sự của Poly Technology lên tới 5,07 tỷ đô la trong năm 2013, chiếm một nửa trong tổng số hợp đồng xuất cảng quân sự của Trung Quốc trong năm đó. Các hợp đồng xuất cảng quân sự của nước này sang các nước Phi Châu đã vượt quá 1 tỷ đô la.
Buôn bán vũ khí tối tân trong thời đại của Tập Cận Bình
Kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, các loại vũ khí cao cấp nhất của Trung Cộng đã bắt đầu xuất hiện thường xuyên tại các cuộc triển lãm vũ khí lớn. Các loại vũ khí như máy bay chiến đấu Tiểu Long (Xiaolong-cũng như Joint Fighter-17 Thunder), nhiều mẫu tàu hộ tống khác nhau, nhiều bệ phóng hỏa tiễn rocket cỡ lớn và loạt máy bay không người lái Cầu Vồng/Rainbow và Vĩnh Long/Wing Loong, đã được xuất cảng sang Phi Châu.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) tại Thụy Điển, 25 nhà phân phối vũ khí toàn cầu hàng đầu đã giao dịch tổng cộng 361 tỷ đô la trong năm 2019, trong đó Hoa Kỳ dẫn đầu với 61% thị phần và Trung Quốc ở vị trí thứ hai với 16%.
Các số liệu của SIPRI cho thấy trong giai đoạn 2016-2020, số lượng vũ khí của Trung Quốc xuất cảng sang Phi Châu chiếm 16%, còn trong giai đoạn 2014-2018 chiếm 20% lượng vũ khí xuất cảng của nước này.
Chiến lược đại tu lớn tại Phi Châu: Thiết lập căn cứ quân sự ở nước ngoài
Sự tái định hướng chính trong chiến lược Phi Châu của Trung Cộng có thể được bắt nguồn từ hội nghị thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-Phi Châu được tổ chức tại Johannesburg-Nam Phi vào tháng 12/2015.
Tại hội nghị thượng đỉnh này, ông Tập Cận Bình đã trao tặng Phi Châu một số phần quà hậu hĩnh bao gồm đề xướng “Mười kế hoạch hợp tác chính” trong ba năm, trong đó có kế hoạch hợp tác hòa bình và an ninh, và hỗ trợ tài chính lên đến 60 tỷ đô la.
Vào tháng 07/2017, Trung Cộng đã thành lập một căn cứ quân sự tại Djibouti, một quốc gia nằm ở khu vực Sừng Phi Châu. Căn cứ này có diện tích khoảng 90 mẫu Anh và có sức chứa lên đến 10,000 quân, bao gồm các cơ sở lưu trữ vũ khí, cơ sở bảo dưỡng tàu thuyền và máy bay trực thăng, cũng như năm bến cảng thương mại và một bến tàu quân sự.
Djibouti là tuyến huyết mạch chính yếu của thương mại hàng hải giữa Âu Châu, Trung Đông và Nam Á, và là điểm khởi đầu cho các hoạt động quân sự trên lục địa Phi Châu. Do đó, Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản và Ý đều đặt căn cứ quân sự tại đó, và căn cứ quân sự thường trực duy nhất của Hoa Kỳ ở Phi Châu là tại Djibouti.
Mặc dù Trung Cộng tuyên bố rằng căn cứ của họ chỉ là “căn cứ hỗ trợ hậu cần,” nhưng đây được xem là một động thái chiến lược với quy mô lớn. Giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Trường Cao đẳng Chiến tranh Hải quân tại Rhode Island-ông Peter Dutton nói với New York Times rằng, lý do là nó đánh dấu căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên của Trung Cộng.
Theo báo cáo của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ hồi năm 2018, Djibouti có thể chuyển giao quyền kiểm soát cảng container Doraleh cho Trung Cộng. Thomas Waldhauser, khi đó là Tư lệnh Bộ Tư lệnh Phi Châu của Hoa Kỳ cho biết, việc kiểm soát bến cảng của Trung Cộng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với việc cung cấp cho các căn cứ của Hoa Kỳ tại Djibouti và khả năng tiếp tế cho các tàu hải quân.
Hồi tháng 01/2020, Djibouti đã bác bỏ phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế London để trao lại quyền kiểm soát một cảng container cho nhà khai thác cảng toàn cầu là DP World, sau khi nó đã tiếp quản trong hai năm và cho phép một thực thể nhà nước Trung Quốc xây dựng một cảng riêng cho thị trường Phi Châu đang phát triển.
Phi Châu quan trọng đối với Mặt Trận Thống Nhất thúc đẩy sự thống trị toàn cầu của Trung Cộng
Theo nhà bình luận về các vấn đề thời sự của Trung Quốc-Lý Diễm Minh, Phi Châu là một phần quan trọng trong các nỗ lực của Mặt Trận Thống Nhất tại hải ngoại của Trung Cộng nhằm thúc đẩy sự thống trị toàn cầu của chế độ này.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, Ông Lý nói rằng, ngày càng có nhiều người nhìn thấu ham muốn tham vọng toàn cầu của Trung Cộng khi nó điều động sức mạnh quân sự sang Phi Châu bên cạnh sự thâm nhập về kinh tế, chính trị và hệ tư tưởng trên mọi mặt trận.
Theo phân tích của ông Lý, nguyên nhân Trung Cộng có thể bành trướng ở Phi Châu là do số tiền khổng lồ mà nó đã chi trả cho các chức sắc Phi Châu, và do các chế độ độc tài Phi Châu đã có thể củng cố sự cai trị toàn trị của họ với sự giúp đỡ của Trung Cộng.
Ông giải thích rằng khi các nước phương Tây viện trợ cho Phi Châu, họ thường đòi hỏi nhân quyền, tự do báo chí và các giá trị dân chủ, đồng thời đặt ra những thách thức lớn hơn cho các nhà cầm quyền.
Tuy nhiên, khẩu hiệu “không ràng buộc chính trị” của Trung Cộng đã khiến các nước Phi Châu bám vào nó để có được nguồn tài trợ.
Ông Lý nói thêm rằng; trong bối cảnh cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng, các lực lượng quốc tế do Hoa Kỳ lãnh đạo đang gia tăng nỗ lực nhằm kiềm chế Trung Cộng tại Biển Đông, eo biển Đài Loan và Bán đảo Triều Tiên.
Trong khi đó, Trung Cộng đang cố tình công khai việc khai triển quân sự cũng như ảnh hưởng chính trị và quân sự ở Phi Châu nhằm đe dọa các đối thủ của mình.
Ông Lý cho biết không nên đánh giá thấp tham vọng quân sự của Trung Cộng, vì nó đang trong cơn hấp hối cuối cùng và có khả năng đang nghĩ rằng “Tại sao không chơi một canh bạc, và nếu như phải chết, tất cả chúng ta có thể chết cùng nhau”-và Phi Châu đã trở thành một lực lượng quan trọng trong cuộc đọ sức mới giữa hai siêu cường Hoa Kỳ và Trung Quốc, đồng thời là một trong những chiến trường của cuộc chiến tranh lạnh của Hoa Kỳ-Trung Cộng.
Winnie Han và Jennifer Zeng thực hiện
Oanh Oanh biên dịch
Xem thêm: