Trong hôn nhân có một loại mỹ đức gọi là ‘tu khẩu’
Trong cuộc sống xung quanh chúng ta, có lẽ không khó để nhận thấy rằng, có rất nhiều người thích nói về nửa kia của mình để giành được sự chú ý và đồng cảm của mọi người. Đáng tiếc là, những lời khen ngợi và lòng biết ơn thì hiếm, còn những lời phàn nàn và chỉ trích lại rất nhiều.
Nhiều người cho rằng những điều này đều là chuyện nhỏ không ảnh hưởng gì, nhưng nó lại thường hay trở thành chướng ngại vật lớn nhất trong cuộc sống và hôn nhân.
Anh Quốc Hoa là chuyên viên có thâm niên của công ty, chăm chỉ tích cực trong công tác, và có được một số thành tích xuất sắc. Trong đợt đánh giá thành tích để thăng chức lần này, anh tràn đầy tự tin, cảm thấy mấy năm nay bản thân tích cực làm việc đạt nhiều thành tích, nhất định sẽ được cấp trên đề bạt thăng chức. Tuy nhiên, điều khiến người ta không ngờ chính là, mặc dù rất khả quan, nhưng ở bước cuối cùng vẫn bị gạt ra ngoài, mà nguyên nhân trong đó lại là: Do anh thích nói về chuyện riêng tư của gia đình với các đồng nghiệp, than phiền về người vợ đã kết hôn nhiều năm của mình.
Một vị quản lý cao cấp trong công ty tiết lộ rằng: “Người mà chúng tôi cần không chỉ có năng lực chuyên môn giỏi, mà còn là người có đạo đức và phẩm hạnh. Khẩu đức không tốt thì nhân phẩm cũng không tốt. Anh ấy hôm nay than phiền oán trách vợ của mình, chẳng phải hôm khác sẽ oán trách công ty của mình sao?”
Còn có một người bạn tên là Nghiên Nghiên, cá tính hoạt bát hướng ngoại, chồng của cô lại tao nhã kiệm lời. Trước khi cưới, tính cách này của chồng vốn là ưu điểm khiến cô ấy yêu thích, nhưng sau khi kết hôn lại trở thành khuyết điểm để chê bai. Trong một lần công ty tổ chức liên hoan, chồng của cô hiếm lắm mới đến dự cùng. Khi mọi người đã ăn uống xong xuôi, có một người đồng nghiệp lại lỡ miệng nói: “Tôi thấy anh rất tốt, sao Nghiên Nghiên cứ nói hôn nhân không cảm xúc chút nào, cuộc sống đau khổ không chịu nổi?”. Chồng của Nghiên Nghiên nghe xong thì mặt biến sắc, mặc dù không rời khỏi buổi tiệc ngay lập tức, nhưng nó cũng đã trở thành ngòi nổ nghiêm trọng cho cuộc ly hôn giữa hai người.
Con người từ khi bi bô tập nói cho đến khi bắt đầu nói chuyện, chỉ cần khoảng thời gian mấy năm ngắn ngủi, nhưng để hiểu được không nên than phiền oán trách, không nói lời khó nghe, lại cần chúng ta dùng trí tuệ cả một đời để thực hiện. Làm người đã như thế, trong hôn nhân cũng là như vậy. Vậy nên ở đây xin đưa ra 4 thiển ý, hy vọng chúng ta cùng nhau cố gắng!
Kết quả tốt hay xấu, đều quyết định bởi một ý niệm
Khi có mâu thuẫn hay tranh chấp với người bạn đời, thì hai người cần lý trí sáng suốt để hiểu nhau, đây là phương pháp trực tiếp và hữu hiệu nhất. Nếu cần tìm người để tâm sự và trao đổi, thì nên tìm người có thể tin tưởng.
Và điều quan trọng nhất chính là: “Kết quả tốt hay xấu, đều quyết định bởi một ý niệm của con người”. Nếu thực tâm nghĩ cho bạn đời, hy vọng sống chung với nhau hòa hợp hơn, thì những thiện niệm trong sáng này sẽ làm cho mối quan hệ giữa hai người và cuộc hôn nhân càng thêm tốt đẹp. Ngược lại, nếu oán trách xen lẫn tức giận, sinh ra bất mãn và ghét bỏ, thì đối phương cũng sẽ chuyển biến theo chiều hướng không tốt giống như những gì bạn đã oán trách và mong muốn.
Rộng lượng để hóa giải mâu thuẫn
Mối quan hệ giữa người với người là bởi ngàn tơ vạn sợi mối nhân duyên tạo thành, tự nhiên trong đó cũng sẽ có những lời nói đụng chạm làm tổn thương đến đối phương mà tạo thành nghiệp. Nếu như khi chúng ta gặp phải bất công và uất ức, đều có thể “dĩ hòa vi quý”, lấy tấm lòng rộng rãi để đối đãi, thì mâu thuẫn giữa hai người tự nhiên sẽ hóa giải tiêu tan. Nhưng nếu nếu không biết giữ vững tâm tính, một mực oán trách đối phương, phàn nàn liên tục, thì ý niệm xấu căm giận uất ức này sẽ như đốm lửa bùng cháy trên thảo nguyên, cho đến khi tình hình trở nên mất kiểm soát.
Chỉ nhìn thấy ưu điểm của đối phương
Rất nhiều cặp vợ chồng sau một thời gian dài chung sống với nhau, đã quên mất lý do cảm mến và thu hút lẫn nhau như trước kia. Ngược lại, họ đã quen với việc cầm kính lúp để soi xét về người bạn đời, nhưng chưa từng nhìn nhận một cách khách quan về bản thân mình. Đương nhiên, thừa nhận khuyết điểm và sai lầm cũng không phải là việc dễ dàng, nhưng nếu quen lấy khuyết điểm của đối phương để nâng tầm bản thân, thì chỉ sẽ làm mối ngăn cách giữa hai người càng ngày càng lớn.
Không nên quá xem trọng lý lẽ bề ngoài và đúng sai trên hình thức. Đôi khi, ưu khuyết điểm của một người vốn là hai mặt cùng tồn tại, nếu biết nhìn vào ưu điểm, bớt nghĩ đến khuyết điểm, khen ngợi và yêu thương nhiều hơn, bớt đi trách móc và xoi mói, thì vợ chồng tự nhiên sẽ không quên tình cảm thuở ban đầu, trở nên ân ái như xưa.
Chớ coi hôn nhân là chuyện ngoài đường
Khẩu đức của một người thể hiện đạo đức của người đó. Những gì bạn nói cũng thể hiện bạn là người như thế nào. Người xưa có câu: “Thuyết nhân thị phi giả, tựu thị thị phi nhân” (tạm dịch: Người nói chuyện thị phi của người khác, chính là kẻ thị phi). Rất nhiều người thường ở bên ngoài than phiền chuyện hôn nhân, công khai phê phán khắp nơi, nhưng lại quên rằng, kỳ thực chính mình mới là kẻ khởi xướng tạo ra lục đục trong cuộc hôn nhân đó.
Đời người, sự tình không như ý có đến tám, chín phần, cuộc sống không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Vì vậy, điều nên học nhất khi gặp phải khó khăn, chính là không oán trời trách người!
Mạt Lỵ biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ