Trong ánh sáng nước Ý: Những họa sĩ ‘chân thực với thiên nhiên’
“Không có hai ngày nào giống nhau, thậm chí hai giờ cũng không; hai chiếc lá trên cùng một cây cũng không giống nhau kể từ khi sáng thế. Các tác phẩm nghệ thuật chân chính cũng giống như tác phẩm của tự nhiên, tất cả đều khác biệt” – Họa sĩ phong cảnh người Anh John Constable nhận định.
Họa sĩ Constable đề cập đến hằng số duy nhất của tự nhiên: Sự thay đổi. Cho dù là một studio nghệ thuật hàn lâm thì vẫn không cách nào mô phỏng được ánh sáng chiếu xuống mặt đất vào một thời điểm cụ thể trong ngày. Do đó, các nghệ sĩ cần phải bước ra ngoài để tự trải nghiệm về tự nhiên.
Mary Morton là người phụ trách và là trưởng phòng tranh Pháp tại Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia ở Hoa Thịnh Đốn. Bà cho biết: “Vào cuối thế kỷ 18 và trong suốt thế kỷ 19, bạn không được coi là một nghệ sĩ được đào tạo cho đến khi bạn đến Rome và đắm chìm trong văn hóa cổ đại, kiến trúc cổ đại, nền điêu khắc cổ đại, hội họa và kiến trúc Phục hưng và Baroque. Và ngày càng tăng, vào những năm 1780 và những năm 1790, họ bước ra khỏi vùng quê Campagna của La Mã để ghi lại ánh sáng đẹp đẽ và huyền diệu của nước Ý, địa hình của vùng nông thôn La Mã”.
Trong luận thuyết về hội họa phong cảnh xuất bản năm 1800, nghệ sĩ người Pháp Pierre-Henri De Valenciennes đã khuyến khích các nghệ sĩ trẻ vẽ trực họa bằng sơn dầu ngoài trời.
Nhiều nghệ sĩ trẻ đã đến từ các thủ đô Châu Âu như Paris, Copenhagen và Berlin để hoàn thành chương trình đào tạo nghệ thuật của họ. Tại đây, họ học cách phác họa vùng nông thôn La Mã bằng sơn dầu – một truyền thống được gọi là vẽ trực họa (plein-air painting), hay vẽ ngoài trời (open-air painting). Tranh vẽ của các nghệ sĩ Châu Âu đã làm cho phong cảnh nước Ý trở nên bất hủ, đồng thời đưa Ý trở về với truyền thống nghệ thuật cổ xưa, nơi từng là cái nôi đào tạo ra những nghệ sĩ vĩ đại nhất về hội họa phong cảnh của Châu Âu.
Người nghệ sĩ đã mạnh dạn vẽ những ngọn núi, thung lũng, các con sông, thác nước và thậm chí cả núi lửa đang phun trào, họ nhanh chóng ghi lại mọi điều nhỏ nhặt trong khoảng cách giữa mặt đất với bầu trời. Những bản phác thảo sơn dầu không nhằm mục đích trở thành tác phẩm hoàn thiện đến từng chi tiết, mà là những nghiên cứu, hoặc như Morton mô tả, là những ghi chép thực địa.
Các nghệ sĩ sẽ truyền tay nhau những bản phác thảo này hoặc lưu trữ trong studio. Tại đây, bản phác thảo sẽ tiếp tục được vẽ thành tác phẩm hoàn chỉnh, hoặc người nghệ sĩ quay lại địa điểm đó nhiều lần để hoàn thiện hơn nữa tác phẩm của mình. Khi trở về nước, họ tham khảo các bản phác thảo sơn dầu để có được ý tưởng mới, và họ cũng tiếp tục duy trì truyền thống vẽ ngoài trời về phong cảnh nơi quê hương mình.
Du khách có thể ngắm nhìn vẻ đẹp Châu Âu qua khoảng 100 bức tranh sơn dầu trong triển lãm “Chân thực với thiên nhiên: Tranh trực họa ở Châu Âu, 1780–1870” tại Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia (NGA) ở Hoa Thịnh Đốn.
Các cuộc triển lãm đến từ bộ sưu tập của NGA và hai bộ sưu tập là Frits Lugt của Foundation Custodia ở Paris và Bảo tàng Fitzwilliam ở Cambridge, Vương quốc Anh. Morton phụ trách cuộc triển lãm cùng với giám đốc của Foundation Custodia là Ger Luijten và người lưu giữ tranh, bản vẽ và bản in của Bảo tàng Fitzwilliam là Jane Munro.
Tham dự triển lãm, du khách sẽ được chiêm ngưỡng các bức ký họa sơn dầu ngoại cảnh, đồng thời làm quen với các nghệ sĩ ít tên tuổi hơn và có cơ hội ngắm nhìn vẻ đẹp của Châu Âu.
Khám phá tranh vẽ trực họa
Theo Morton, hai thập kỷ vừa qua truyền thống phác thảo bằng sơn dầu đã được nhận thức đầy đủ hơn. Nhóm phụ trách cuộc triển lãm nghiên cứu về sự uyên thâm trong các tác phẩm từ thế kỷ 17 và 18 cũng như tác phẩm của cố họa sĩ Philip Conisbee – người phụ trách giàu kinh nghiệm tại các phòng tranh Châu Âu của NGA từ năm 1993 đến năm 2008.
Tất cả những điều trên đều được thảo luận trong danh mục triển lãm “Chân thực với thiên nhiên: Tranh trực họa ở Châu Âu, 1780–1870”. John Gere là người phụ trách bộ phận bản in và bản vẽ tại Bảo tàng Anh, đồng thời là chuyên gia về các bản vẽ cổ của Ý. Năm 1954, ông phát hiện một số tranh trực họa trong cuộc đấu giá. Ông vô cùng quan tâm và bắt đầu thu thập những bản phác thảo, khởi đầu cho việc khám phá lại nghệ thuật vẽ tranh trực họa. Họa sĩ Conisbee đã xem bộ sưu tập tại nhà của gia đình Gere và cũng bắt đầu nghiên cứu sâu hơn về chủ đề này.
Năm 1980, Conisbee viết danh mục cho cuộc triển lãm toàn diện đầu tiên về tranh trực họa tại Bảo tàng Fitzwilliam. Trong 40 năm tiếp theo, ông đã nghiên cứu về truyền thống vẽ tranh trực họa và xây dựng bộ sưu tập của NGA về thể loại tác phẩm này.
Năm 1996, ông giám tuyển các tác phẩm cho triển lãm “Trong ánh sáng nước Ý: Corot và bức vẽ trực họa tiên phong” tại NGA – triển lãm đầu tiên tại Hoa Kỳ về chủ đề này. “Chân thực với thiên nhiên” là phần tiếp nối công việc của Conisbee, bao gồm các bản phác thảo sơn dầu mà ông có được trong thời gian làm việc tại NGA và tại quỹ học bổng mới. Triển lãm nhằm mục đích tăng cường hiểu biết về một phần lịch sử nghệ thuật của Châu Âu vốn chưa từng được nghiên cứu trước đây.
Bên trong tranh trực họa
Một số chi tiết mà chúng tôi khám phá được có thể khiến bạn thấy thú vị hơn khi xem bản phác thảo sơn dầu. Ví dụ, trên một cạnh giấy vẽ của một số tác phẩm vẫn còn vết cắt khá rõ ràng bằng dao, giống như khi chúng ta dùng dao cắt nhỏ một tờ giấy để viết ghi chú. Thậm chí, một số bản phác thảo sơn dầu có vết cắt khá giống nhau, dường như được cắt từ cùng một tờ giấy và bởi cùng một người. Chúng ta có thể hình dung ra cảnh các nghệ sĩ chuẩn bị vật liệu của họ: cắt giấy bằng dạo, chọn cọ, và đóng gói màu vẽ cẩn thận. Các nghệ sĩ đã sử dụng túi da động vật để bảo quản sơn hoặc pha trộn một số màu để mang theo trên hành trình của mình.
Các nghệ sĩ đã cùng nhau trải qua những địa hình hiểm trở để phiêu lưu về miền thôn dã, mang theo giá vẽ, giấy và màu trong tay. Nghệ sĩ người Ý Giuseppe de Nittis đã dành sáu giờ mỗi ngày để đi và vẽ ngọn núi lửa dễ tiếp cận nhất của Ý, núi Vesuvius. Jane Munro từ Bảo tàng Fitzwilliam giải thích rằng, anh đã cưỡi ngựa đi một phần chặng đường và sau đó anh may mắn được một hướng dẫn viên chở đi. Tuy nhiên, anh đã thay đổi lộ trình sau khi cảm thấy mặt đất chuyển động, báo hiệu một vụ phun trào núi lửa sắp xảy ra.
Khi đến nơi, các nghệ sĩ sẽ vẽ trong một khoảng thời gian nhất định. Trong khóa đào tạo nghệ thuật hàn lâm, họ phải làm quen với kỷ luật về thời gian quy định để vẽ tranh. Cũng giống như một họa sĩ bằng nét vẽ nhanh chóng đã chụp lại tư thế của người mẫu trong thời gian ngắn, họ đã áp dụng lối vẽ tương tự để thuật lại các sắc thái của thiên nhiên. Morton nói, mỗi bản phác thảo bằng sơn dầu “giống như sự tôn kính dành cho một vị Thần duy nhất”.
Dưới bàn tay người họa sĩ, mỗi bản phác thảo là “một phần của thiên nhiên đã được chính thức hóa về mặt thẩm mỹ và làm họ hài lòng, bởi vì hầu hết những bức tranh này chính là dành cho họ” – Morton nhận định.
Sự đón nhận trường phái tranh trực họa
Triển lãm bắt đầu với hai vùng miền của Ý là Rome và Naples, sau đó mở rộng ra phần còn lại của Châu Âu. Với tổng số năm phòng trưng bày, các bản phác thảo đã được nhóm lại theo chủ đề vì các nghệ sĩ sẽ lưu trữ chúng trong studio của riêng mình. Có 11 thể loại, trong đó có đá và hang động, thác nước, núi lửa, v.v.
Họa sĩ phong cảnh người Pháp từ thế kỷ 19 là Jean-Baptiste-Camille Corot là một họa sĩ trực họa tài năng đã mang truyền thống đến Pháp. Là người theo chủ nghĩa truyền thống, Corot hứa rằng sẽ “tái tạo một cách tỉ mỉ nhất có thể” những gì ông thấy. Bản phác thảo sơn dầu của Corot mang tên “Đảo và cầu San Bartolomeo, Rome” được trưng bày trong triển lãm đã cho thấy rõ điều này. Giáo viên của Corot là Achille Etna Michallon đã dạy ông lối vẽ chân thực với thiên nhiên, Michallon hẳn đã học được điều này từ những người thầy của mình – nhà tân cổ điển Jacques-Louis David và Valenciennes.
Lời khuyên của Valenciennes dành cho các nghệ sĩ là hãy luôn bắt đầu với bầu trời khi vẽ tranh phong cảnh. Các nghệ sĩ có thể đưa vào tranh một dải đất như hướng dẫn cho việc định hướng, mặc dù vậy, Valenciennes vẫn tin rằng bầu trời sẽ thiết lập tông màu cho toàn bộ cảnh quan.
Một đồng môn người Anh của Valenciennes là Constable có lẽ cũng đồng tình với quan điểm này. Đối với Constable, bầu trời vô cùng quan trọng. Ông nói, trong tranh phong cảnh thì bầu trời là “nốt nhạc quan trọng, tiêu chuẩn tỷ lệ và bộ phận trọng điểm của cảm xúc”.
Constable bị ám ảnh bởi bầu trời. Ông đã đọc các báo cáo khí tượng và dành hàng giờ để “lướt thiên khung”, một thuật ngữ mà ông đặt ra để xem và ghi lại cảnh bầu trời đang thay đổi. Ông chú thích các nghiên cứu của mình với báo cáo thời tiết, hướng ánh sáng và các thông tin khí tượng khác. Morton mời chúng ta xem Constable làm những gì với ánh sáng trong các bức tranh của mình. Tại triển lãm, chúng ta có thể bắt đầu với “Nghiên cứu về đám mây: Bão tố hoàng hôn”.
“Santa Trinità dei Monti ngập trong tuyết” của André Giroux được vẽ bằng kiểu màu tương tự như bức họa “Nghiên cứu về đám mây: Bão tố hoàng hôn” của Constable. Các sinh viên Pháp như Giroux, những người được chính phủ Pháp bảo trợ, đã ở tại dinh thự Medici. Giroux vẽ bức phác thảo ngay từ cửa sổ phòng ngủ của mình.
Trong bản phác thảo, cảnh tuyết rơi mở ra trước mắt người xem, và ở một số phần của bức họa, Giroux dùng ngón tay để vẽ hoặc cạo qua lớp sơn ướt. Nhà sử học nghệ thuật kỹ thuật Ann Hoenigswald đã khám phá ra “dấu ấn” sáng tạo của Giroux. Việc nghiên cứu từng cuộc triển lãm đã giúp cô để hiểu thêm về cách những bức tranh trực họa này được kết xuất như thế nào.
Một nữ họa sĩ nổi bật là Louise-Joséphine Sarazin de Belmont là sinh viên của Valenciennes. Vào thời điểm đó, phụ nữ chưa được phép học tại các trường nghệ thuật, vì vậy Valenciennes đã dạy kèm cho Belmont. Sarazin de Belmont thường bắt đầu bằng việc vẽ tranh ngoài trời và sau đó tiếp tục vẽ tranh để bán tại các chợ nghệ thuật ở Paris. Bức tranh “Grotto in a Rocky Landscape” diễn tả “cảm giác hồi hộp khi ở trong lòng đất nhìn ra ngoài”, Morton nói.
Sarazin de Belmont đã cố gắng tạo ra một cảm giác quy mô lớn trên trang giấy vẽ, khiến người xem cảm giác như đang đâm đầu vào trong phong cảnh của bức tranh. Cô đã sử dụng phép phối cảnh của khí quyển để đạt được điều này: Nền tranh mờ dần đi trong khi mảng màu tươi sáng lấp đầy phần nền trước và phần giữa của bức họa.
Họa sĩ người Pháp Jean-Charles Rémond vẽ khá nhiều tranh ký họa sơn dầu, nhưng tác phẩm hoàn thiện của ông “Sự phun trào của Stromboli, ngày 30 tháng 8 năm 1842” là mẫu vật của Phòng trưng bày Khoa học Khoáng vật và Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở Paris. Màu đỏ phong phú và bóng tối thống trị bức tranh khi dung nham phun ra từ Stromboli.
Chân thực với thiên nhiên
Vậy, thế nào là “chân thực với tự nhiên”? Đó là những nghệ sĩ như Guiseppe de Nittis, người phác thảo núi lửa và dự đoán khả năng núi lửa phun trào bằng cách áp tai lên mặt đất để lắng nghe dung nham sục sôi bên dưới, hay là các khoa học gia như nhà vật lý Luigi Palmieri, giám đốc Đài quan sát Vesuvius, người theo dõi trái đất với máy đo địa chấn của mình? Đây cũng có thể là câu hỏi mà chúng ta đang thắc mắc.
Morton đề cập đến bức tranh có màu sắc khá mạnh của Nam tước François Gérard với cảnh hoàng hôn tím và đỏ khi một con sóng vỗ mạnh vào đá. “Bạn không có cách nào để vẽ một con sóng thật sự chân thực, mà bạn sẽ vẽ cảm giác về con sóng. Đó là điều mà Gérard đã làm”, Morton cho biết.
Mỗi bản phác thảo sơn dầu là một cuộc trò chuyện với thiên nhiên, gợi lên những cảm xúc và tình cảm chân thật của người nghệ sĩ vào thời điểm đó.
Triển lãm “Chân thực với thiên nhiên: Tranh trực họa tại Châu Âu, 1780–1870” được tổ chức tại Phòng triển lãm Nghệ thuật Quốc gia, Hoa Thịnh Đốn, vào tháng 5 năm 2020. Để tìm hiểu thêm, vui lòng truy cập NGA.gov.
Lorraine Ferrier
Thanh Mai biên dịch