Trớ trêu thay, chủ báo New York Times kêu gọi quay trở về nền báo chí độc lập
Cũng chính vào ngày báo cáo của ông Durham được công bố, trong đó tiết lộ rằng chưa bao giờ có bất kỳ thực chất nào đằng sau câu chuyện thông đồng Trump-Nga mặc dù giới truyền thông đã ám ảnh về vụ việc này trong suốt hai năm qua, thì trớ trêu thay, ông A.G Sulzberger, chủ báo của tờ New York Times lại đưa ra một bài bình luận nêu lên tầm quan trọng của một nền báo chí không thiên vị.
Trong bài viết của mình trên tạp chí Columbia Journalism Review, ông Sulzberger ủng hộ mạnh mẽ rằng New York Times cần tiếp tục thực hành nghề báo chí “độc lập.” Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng nhiều người trong tờ báo của mình không đồng tình, và lời kêu gọi độc lập của ông dường như chỉ áp dụng cho cách đưa tin như thế nào, còn nội dung tin tức gì được đưa ra, vốn có tầm quan trọng ngang hàng thì không [được nhắc đến].
Ông Sulzberger nên được khen ngợi vì đã nêu ra vấn đề này. Nước Mỹ đang bị chia rẽ nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào khác kể từ cuối những năm 1960, và nguyên nhân chính là do sự thay đổi vai trò của giới truyền thông đại chúng.
Vào thời điểm đó, nước Mỹ bị chia rẽ sâu sắc về quyền công dân, Chiến tranh Việt Nam, và một phong trào xã hội chủ nghĩa cực đoan và thường xuyên bạo lực. Cuộc chiến tranh kết thúc, quyền công dân được chấp nhận rộng rãi, phong trào xã hội chủ nghĩa đi vào hoạt động trong bí mật, và cuộc cách mạng Reagan xảy ra. Chúng ta đã chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh và Mỹ nổi lên như một siêu cường duy nhất trên thế giới, mang lại niềm tự hào và văn minh của người Mỹ. Tổng thống Reagan [thuộc Đảng Cộng Hòa] đã hợp tác với [Chủ tịch Hạ viện] O’Neill [thuộc Đảng Dân Chủ], Tổng thống Clinton [thuộc Đảng Dân Chủ] đã hợp tác với [Chủ tịch Hạ viện] Gingrich [thuộc Đảng Cộng Hòa], và sự kiện 11-9 đã gắn kết người Mỹ lại với nhau theo cách chưa từng thấy kể từ Đệ nhị Thế Chiến.
Nhưng dưới thời [cựu TT] Bush, nước Mỹ lại bị chia rẽ sâu sắc về một cuộc chiến (Iraq). Điều này dẫn đến sự đắc cử của một Tổng thống cực tả, ông Barack Obama. Phong trào xã hội chủ nghĩa nổi lên dưới danh nghĩa chủ nghĩa cấp tiến, và sau đó trực tiếp là dưới danh nghĩa ông Bernie Sanders, một người theo chủ nghĩa xã hội dân chủ, và gần như kế tục ông Obama. Điều này khiến hai đảng có rất ít điểm chung.
Sự xuất hiện của Fox News đã làm trầm trọng thêm sự chia rẽ này, như một câu trả lời cho khuynh hướng truyền thông thiên tả tồn tại đã lâu. Fox vô cùng thành công vì đã giải quyết được một nhu cầu chưa được đáp ứng. Những người Mỹ bảo tồn truyền thống đã thất vọng trước một hãng truyền thông thiên tả trong nhiều thập niên. Cuối cùng, họ đã có thể nhận được điều mà Fox gọi là đưa tin tức “một cách ngay thẳng và cân bằng.” Ngoài ra, các chương trình giờ vàng được tổ chức bởi các nhà bình luận theo phái bảo tồn truyền thống đầy sức thuyết phục như Glenn Beck, Megan Kelly, Bill O’Reilly, và Sean Hannity. Nếu quý vị là một người theo phái bảo tồn truyền thống, thì sao quý vị lại đi xem bất cứ thứ gì khác? Hầu hết họ đều không xem thứ khác.
Cho đến nay Fox News đã trở thành mạng tin tức truyền hình cáp được xem nhiều nhất. Đây thực sự là kênh được xem nhiều nhất so với bất kỳ kênh truyền hình cáp nào khác. Fox đã giành được số lượng đáng kể người theo dõi từ CNN, hãng phát minh ra [mạng] tin tức truyền hình cáp. CNN đã từng tự xưng là “cái tên đáng tin cậy nhất về tin tức thời sự.” Mặc dù CNN chắc chắn có khuynh hướng thiên tả, điều đó là đúng nhưng chỉ ở một mức độ nào đó. Đó là nhà tiên phong của tin tức truyền hình cáp. Mức độ phủ sóng tin tức quốc tế của CNN là chưa từng có, với các phóng viên trải khắp toàn cầu. CNN tuyển dụng những người chủ trì chương trình từ cả hai phía cánh tả và cánh hữu, nhiều người trong số họ sau này đã chuyển sang Fox, chẳng hạn như Beck, Lou Dobbs, Tucker Carlson, Bill Hemmer, và Stuart Varney. CNN đã giữ chân những phóng viên đặc biệt như Christiane Amanpour và Wolf Blitzer.
Nhưng CNN đã thay đổi để đáp trả sự xuất hiện của Fox. Vì biết rằng những người bảo tồn truyền thống hiện đang theo dõi Fox, nên CNN không cần đưa tin tức một cách cân bằng nữa. Không có người xem nào phàn nàn về khuynh hướng thiên tả của CNN. Và cánh báo chí thiên tả tại ABC, CBS, và NBC cũng lệch về bên cánh tả nhiều hơn, lại cũng là do phản ứng tự nhiên trước thực tế là người theo dõi họ giờ đây hầu như đều có khuynh hướng thiên tả.
Điều tương tự cũng xảy ra với báo in/kỹ thuật số khi Fox cạnh tranh với CNN và vượt qua New York Times về lượng người theo dõi. Các nguồn đưa tin trực tuyến mới đã xuất hiện, trong đó mỗi nguồn tin được định rõ là thiên tả (Huffington Post, Slate, Politico) hoặc bảo tồn truyền thống (Breitbart, Daily Caller, Daily Wire).
Kết quả là nước Mỹ bị chia thành hai nguồn tin tức riêng rẽ. Người Mỹ không chỉ nhận được những quan điểm khác nhau về tin tức mà họ cũng đang nhận được những tin tức khác nhau. Một trong những ví dụ rõ nét nhất về điều này là cuộc khủng hoảng biên giới. Sự việc bắt đầu bằng việc ông Biden xóa bỏ chính sách “Ở lại Mexico,” vào ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của mình. Những người di cư chỉ cần nộp đơn xin tị nạn chính trị và họ được phép ở lại Hoa Kỳ cho đến ngày hẹn ra tòa trình diện, vốn được ấn định sẽ rơi vào nhiều năm sau đó. Chưa tới 10% trong số những người này sẽ ra trình diện tại tòa. Kết quả là, ước tính có hơn 5.5 triệu người đã vượt qua biên giới phía nam dưới thời ông Biden.
Tuy nhiên, chủ đề này hầu như không được đưa tin trong hai năm ngoại trừ Fox. Vấn đề này chỉ được đưa tin khi những người di cư bị đưa đến đảo Martha’s Vineyard [thuộc tiểu bang Massachusetts], hoặc giờ đây khi mà Đề mục 42 hết hiệu lực. Thay vào đó, CNN tiếp tục tập trung phần lớn tin tức của mình vào ông Trump và sự kiện ngày 06/01. Khi tôi nêu ra cuộc khủng hoảng biên giới với những người bạn Đảng Dân Chủ, tôi nhận được một cái nhìn chằm chằm trống rỗng. Họ thực sự không biết tôi đang nói về cái gì.
Một ví dụ gần đây hơn là báo cáo của Quốc hội, tiết lộ hàng triệu dollar đã được trả cho các thành viên gia đình Biden thông qua nhiều công ty từ các nguồn nước ngoài trong thời gian ông Biden làm phó tổng thống. Đó là câu chuyện hàng đầu trên Fox trong hai ngày, nhưng hầu như không được CNN và MSNBC nhắc đến.
Việc người ta không đồng tình với tin tức nào đó thì cũng được thôi, nhưng bản thân tin tức nên được mọi người chấp nhận. Như ông Sulzberger đã nói, “Công dân vẫn được hưởng lợi từ một tập hợp các tin tức thực tế được chia sẻ.” Theo ông, để giải quyết bầu không khí gây chia rẽ, “báo chí độc lập chính xác là liều thuốc bổ mà thế giới cần nhất vào thời điểm mà sự phân cực và thông tin sai lệch đang làm lung lay nền tảng của các nền dân chủ tự do.”
Thật đáng kinh ngạc, ông Sulzberger thừa nhận rằng nhiều người ở chính tờ báo của ông ấy không cùng niềm tin với ông. “Tôi đã chứng kiến những lập luận chống lại mô hình báo chí độc lập này ngày càng lan rộng và dai dẳng hơn, ngay cả trong hàng ngũ các tổ chức tin tức lâu đời, bao gồm cả tờ Times,” ông Sulzberger viết.
Nhưng ông Sulzberger khẳng định: “sẽ không có tương lai tốt đẹp cho nghề báo chí nếu nghề của chúng tôi từ bỏ giá trị cốt lõi, một giá trị khiến công việc của chúng tôi trở nên thiết yếu đối với xã hội dân chủ, một giá trị trả lời câu hỏi tại sao chúng tôi xứng đáng được công chúng tin tưởng, và những sự bảo vệ đặc biệt mà giới báo chí tự do nhận được. Giá trị đó là sự độc lập của báo chí.”
Tuy nhiên, bài viết của ông Sulzberger tập trung vào cách đưa tin như thế nào, chứ không đề cập về những tin tức nào được đưa ra. Cả hai đều quan trọng như nhau. Nếu tin tức không được đưa ra, thì chúng ta thậm chí không đặt ra câu hỏi nó được đưa tin như thế nào. Ông Sulzberger nêu ra quan điểm của bản thân về những tin tức mà ông ấy cho rằng nên được đưa ra, qua đó bộc lộ ra vấn đề này.
Ông Sulzberger tuyên bố “báo chí độc lập” là rất cần thiết để xã hội đáp ứng “những thách thức hiện hữu của thời đại.” Những thách thức đó là gì, theo ông Sulzberger? Đó là “sự bất bình đẳng,” “rối loạn chức năng chính trị” (hãy tìm đọc điều gọi là “cuộc tấn công vào dân chủ” của ông Trump), và “biến đổi khí hậu,” ba ưu tiên lớn nhất của phe cánh tả!
Ngoài ra, trong khi kêu gọi độc lập, ông Sulzberger chỉ đổ lỗi cho Đảng Cộng Hòa vì đã mất niềm tin vào giới truyền thông. “Đặc biệt trong vài năm qua, một chiến dịch liên tục và leo thang từ phe cánh hữu của Mỹ đã tập trung vào việc tấn công báo chí để giành phiếu bầu và tự chích ngừa trước những lời chỉ trích hoặc soi mói. Thay vì phản ứng với bản chất của việc đưa tin không mấy hay ho, họ đã gán cho các phóng viên là ‘kẻ thù của người dân’ và sản phẩm của chúng tôi là ‘tin giả.’”
Tất nhiên, ông Sulzberger không biết rằng báo cáo của ông Durham, trong đó tiết lộ câu chuyện sai sự thật về thông đồng giữa Nga và ông Trump mà giới báo chí theo đuổi trong hai năm, đã được đưa ra cùng thời điểm khi ông viết bài phê bình này!
Hầu hết người Mỹ đồng ý với khái niệm về một nền báo chí độc lập. Câu hỏi là: Làm thế nào để chúng ta thực sự quay trở lại một dạng báo chí độc lập nào đó? Theo quan điểm của tôi, thị trường tự do cuối cùng sẽ giải quyết điều này. Hãng truyền thông đầu tiên thực sự đi theo đường lối độc lập, sẽ là người chiến thắng. Điều này có nghĩa là phải có một hội đồng quản trị với số lượng đại diện cho cách tả và cánh hữu, là bằng nhau. Tỷ lệ của những người chủ trì chương trình, những người viết báo, và nhà bình luận của hãng thông tấn đó cũng phải cân bằng như vậy.
Đối với một mạng tin tức truyền hình cáp, sự việc này trông sẽ ra sao. Đó là sẽ có những người dẫn chương trình không thiên vị, vốn sẽ phỏng vấn khách mời một cách cân bằng từ cả hai phía cánh tả và cánh hữu. Đó có nghĩa là các chương trình bình luận có hai người chủ trì, chẳng hạn như chương trình “Hannity & Colmes” trước đây của Fox hoặc một số lượng chương trình bằng nhau, do mỗi phía cánh tả hoặc cánh hữu chủ trì. Tôi thích xem mạng tin tức này hơn. Tôi nghĩ rằng đa số mọi người ở cả hai phía cánh tả và cánh hữu sẽ thích điều đó.
Ai sẽ là người tiên phong? Có lẽ là một mạng tin tức trên truyền hình cáp tiên phong đang tìm cách trở thành cái tên đáng tin cậy nhất trong ngành tin tức thời sự chăng?
Yến Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times