Trò chơi xưa: phương thuốc để cai nghiện Game online cho giới trẻ ngày nay
Một trong những đề tài mà mỗi lần ngồi với nhau, các bậc cha mẹ thường hay bàn luận đó là chứng nghiện game online. Có thể nói đây là vấn nạn thời hiện đại mà rất nhiều bậc phụ huynh đã và đang phải đối đầu.
Có những em học sinh sáng nào cũng xách cặp đi học cuối buổi về nhưng thực tế chúng không đến trường mà là sà vào các quán game và chơi cho đến tận trưa. Thường các bậc phụ huynh chỉ phát hiện ra khi có thông báo từ nhà trường về sự vắng mặt nhiều ngày mà không có lý do của các em. Ma lực của các trò chơi điện tử quả thực là ghê gớm, mọi người thường nói với nhau ‘chúng như là ma túy’. Chúng không chỉ lôi cuốn các em học sinh phổ thông, mà trong tầng lớp sinh viên và cả giới công chức cũng có không ít người bị sa lầy vào các trò chơi này.
Khi các mẹ ngồi với nhau thì quả là có rất nhiều câu chuyện thực tế được kể ra, nghe muốn chảy nước mắt. Có một gia đình nọ, kinh tế chẳng khá giả gì, lo được cho đứa con từ quê ra Hà Nội học đại học là cả một sự cố gắng lớn, vậy mà cậu con trai mới học đến năm thứ hai đã bị đuổi học bởi không theo kịp chương trình, lý do là vì sa đà vào game online.
Một câu chuyện khác kể về hai vợ chồng trẻ đều đã tốt nghiệp đại học và đi làm. Người chồng nghiện game đến mức tối nào cũng đi thâu đêm, bỏ mặc vợ con không thèm đoái hoài gì đến, hậu quả là hai vợ chồng ly hôn. Tác hại mà chứng nghiện game gây ra quả thực vô cùng lớn, nó không chỉ hủy hoại sức khỏe, tinh thần, trí tuệ của người ta, mà chúng đặc biệt khiến cho đạo đức của họ trượt dốc trầm trọng. Không chỉ các em học sinh nhỏ tuổi mà cả một số người lớn nghiện game, dường như bị mất kiểm soát vào hành vi thái độ của chính bản thân mình. Nhiều thói xấu như nóng nảy, chửi bới, xung đột, đánh lộn, nói dối, trộm cắp, cướp giật,v.v. đã xảy ra cũng là xuất phát từ thói nghiện chơi game.
Thực tế cũng đã có nhiều bài viết phản ánh về tác hại của các trò chơi điện tử. Có một bài viết với tiêu đề ‘nghiện game online trong giới trẻ: vấn nạn nhức nhối chưa có “thuốc” đặc trị’ đăng trong trang báo ‘Văn hóa điện tử’ đã phản ánh rất rõ sự nguy hiểm của game online. Trong bài viết nói trên có các trích đoạn: ‘Theo ông Đặng Lê Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Vovinam và Thể thao (IVS), nhà tâm lý, chuyên gia giáo dục trị liệu nghiện game: “Game online là bóng đêm phủ lên tương lai của con người, nhất là đối với học sinh, sinh viên. Chúng ta phải nhìn nhận rằng, game online như một ly nước có độc, nếu chúng ta uống vào thì chẳng khác nào tự sát”.
Và “Theo thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, mỗi ngày có hàng trăm bệnh nhân tới viện khám và điều trị các bệnh lý liên quan tới sức khỏe tâm thần, từ mất ngủ, rối loạn trí nhớ, tâm thần phân liệt cho tới trầm cảm, mà nguyên nhân chính là do nghiện chơi game”.
Ngày 18/6/2019, WHO (tổ chức y tế thế giới) đã đưa chứng nghiện trò chơi điện tử vào danh sách các bệnh lý tâm thần.
Các trò chơi điện tử rõ ràng đang dẫn dắt lớp trẻ đi ngược lại các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp mà tổ tiên chúng ta để lại. Chúng làm cho đám thanh thiếu niên nghiện game ngày càng sống ảo, sống xa rời tự nhiên, xa rời luân thường đạo lý, sống chỉ biết mỗi bản thân mình mà không biết nghĩ cho ai.
Bây giờ mà nói về vấn đề đạo đức thì chắc không mấy bạn trẻ quan tâm, nhưng thời xưa thì ông bà tổ tiên chúng ta thường xuyên khuyên con cái sống phải có đạo đức. Ngày xưa các bậc cha mẹ thường hay áp dụng các câu tục ngữ ca dao trong việc răn dạy con cái, ví dụ như: ‘Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm’, ‘đói cho sạch rách cho thơm’, ‘gần mực thì đen gần đèn thì rạng’, ‘phải trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn’, và ‘Ai ơi ăn ở cho lành, Tu nhân tích đức để dành về sau’, v.v.
Nhìn vào toàn cảnh xã hội thời hiện đại, phần lớn những người làm ông bà, cha mẹ đều nhận thấy về mặt giải trí, lớp thanh thiếu niên bây giờ không có mấy trò chơi, có lẽ đó cũng là một trong những lý do làm cho trò chơi điện tử ngày càng có ma lực mạnh hơn. Có rất nhiều các trò chơi dân gian, nhưng chúng đã dần dần bị mai một hết. Nói đến các trò chơi dân gian, mỗi lần than thở, chia sẻ với nhau về vấn nạn game online là mấy người già lại thường cùng nhau ôn lại thời thơ ấu của mình với rất nhiều trò chơi dân gian thú vị.
Ở lứa tuổi trên dưới 60, có thể nói là ai cũng đều có một tuổi thơ gắn liền với các trò chơi dân gian. Nhiều lúc mọi người nói với nhau không hiểu sao chúng lành mạnh, phong phú, bổ ích và văn minh thế mà không được xã hội duy trì và phát triển. Đối với các em thiếu niên, môn cờ gánh rất trí tuệ mà lại đơn giản, trẻ con thời xưa, chỉ cần một miếng gạch vỡ hay viên phấn vạch bàn cờ lên sàn hoặc thềm nhà, hay sân rồi kiếm 16 cái vỏ hến, hoặc 16 cái lá cây loại nhỏ, cứng phù hợp vậy là đủ đồ để chơi rồi.
Trò chơi ô ăn quan rèn luyện trí nhớ, tính kiên nhẫn và biết cách tính, với trò này các em nhỏ thường dùng sỏi hoặc vỏ ốc nhỏ làm quân chơi, cũng có khi chúng dùng trái xoan đâu làm quân. Trò chơi nhảy lò cò không chỉ giúp các em rèn luyện sức khỏe mà còn giúp các bé luyện khả năng cân bằng, khéo léo, trò này cũng chỉ cần một miếng vỏ sành hay gạch vỡ, mài cho nó phẳng lại dùng làm con chì.
Nhảy dây là một trò chơi dân gian, hiện nay nó được coi như một trò thể dục thể thao, rất tốt cho việc rèn luyện thân thể về nhiều mặt. Hồi xưa trẻ con có nhiều kiểu nhảy dây lắm, nhảy đơn, nhảy đôi, nhảy ba, nhảy chéo, nó đúng là một môn nghệ thuật, giúp rèn luyện kỹ năng về nhiều mặt. Chơi chuyền giúp trẻ khéo tay, tinh mắt, trẻ con hồi xưa thường lấy trái cà hoặc trái chanh làm quả (gọi là quả nặng), và 10 que tre hoặc que cành gì đó làm que chuyền. Rất nhiều các trò chơi dân gian khác như chơi khăng, chơi ù, đánh đáo, đá cầu, bịt mắt bắt dê, kéo co, v.v.
Người lớn trong các dịp lễ hội thì chơi cờ tướng, cờ vua, cờ người, đấu vật, đua thuyền, đi cà kheo, đá cầu, đánh đáo, kéo co, đánh đu, thả diều, v.v. nhiều lắm, trò nào cũng hay, bổ ích, và không phải trò nào cũng đòi hỏi phải có không gian lớn. Các trò chơi dân gian rõ ràng là thể hiện được nét đẹp đặc sắc của nền văn hóa truyền thống Việt Nam. Đối với các bậc cao niên thì các trò chơi dân gian gắn liền với tuổi thơ và những kỷ niệm khó quên. Chúng vừa rất đơn giản vừa hòa hợp với tự nhiên, hòa hợp với đời sống lao động của con người. Các trò chơi dân gian không chỉ là giải trí mà chúng giúp mọi người gắn kết với nhau, có trao đổi, có kỷ luật, có chia sẻ, có sự cảm thông và nhất là có thể cùng nhau đề cao đạo đức.
Giá trị văn hóa truyền thống là kết tinh những điều tốt đẹp nhất qua quá trình lịch sử lâu dài, nó tạo nên bản sắc riêng của từng dân tộc. Văn hóa truyền thống thường được đúc kết dựa trên các giá trị đạo đức của con người. Những người có tín ngưỡng tin rằng văn hóa truyền thống chính là văn hóa thần truyền, và họ nghĩ những gì theo đúng với văn hóa thần truyền thì sẽ có tương lai lâu bền tốt đẹp, ngược lại thì sớm muộn cũng sẽ bị lụi tàn.
Lão Tử nói: “Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên”. Đúng là những gì thuận với quy luật tự nhiên, thuận với đạo đức làm người thì nên được bảo tồn, phát huy và phát triển.
An Giang
Xem thêm: