Trí tuệ vĩnh hằng: Thời đại của ‘Giải trí đến chết’
Khi 19 tuổi, tôi có cơ hội được đọc cuốn sách của Neil Postman có tựa đề “Giải trí đến chết” (Amusing Ourselves to Death), cuốn sách đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi kể từ đó. Mặc dù được xuất bản vào năm 1985, nhưng qua mỗi năm, nội dung của cuốn sách càng trở nên sát thực và dự báo những điềm xấu có khả năng xảy ra.
Postman cho rằng phương tiện truyền thông điện tử đang nhấn chìm chúng ta, biến sự đối thoại của chúng ta thành hình thức giải trí vì lợi nhuận hơn là giá trị nội dung, điều này không chỉ cản trở khả năng giao tiếp của chúng ta mà còn cả khả năng tư duy như một người trưởng thành. Tác giả đã tìm hiểu về hiện tượng này trong lĩnh vực chính trị, tôn giáo và giáo dục.
Phần mở đầu của cuốn sách “Giải trí đến chết” có những lời tiên tri thật đáng sợ:
“Chúng tôi đã để mắt đến cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng “1984” của nhà văn, nhà báo người Anh George Orwell, xuất bản năm 1949. Khi năm 1984 đến mà lời tiên đoán không thành sự thực, những người Mỹ thận trọng đã cất tiếng hát nhẹ nhõm ngợi ca chính họ. Cái gốc của nền dân chủ tự do vẫn được giữ vững. Dù nơi nào đang xảy ra khủng bố nhưng ít nhất chỗ chúng tôi đây không bị cơn ác mộng Orwellian ghé thăm.
Nhưng chúng ta đã quên rằng, song song với viễn cảnh đen tối mà Orwell dự đoán, còn có một lời tiên tri khác, cũ xưa hơn, ít nổi tiếng hơn, nhưng cũng rùng rợn không kém: Đó là Tân Thế giới Dũng cảm (Brave New World) của Aldous Huxley.
Khác với suy nghĩ thông thường, Huxley và Orwell lại có những tiên đoán hoàn toàn trái ngược. Orwell cảnh báo rằng chúng ta sẽ bị khuất phục trước một thế lực áp bức từ bên ngoài. Còn trong tầm nhìn của Huxley, không có Big Brother (Anh Cả) nào tước quyền tự chủ, sự trưởng thành và lịch sử của loài người. Mọi người đều tự nguyện yêu thích sự áp bức đó và ngưỡng mộ những công nghệ làm suy giảm khả năng tư duy của họ.
Điều mà Orwell lo sợ là cuốn tiểu thuyết sẽ bị cấm, còn điều Huxley lo sợ là không có lý do gì để cấm cuốn sách đó vì chẳng ai muốn đọc nó. Orwell lo sợ những kẻ tước đoạt thông tin của chúng ta, còn Huxley lo sợ truyền thông mang lại quá nhiều thông tin sẽ khiến chúng ta trở nên thụ động và ích kỷ. Orwell lo sợ rằng sự thật sẽ bị che giấu, Huxley lại lo sợ sự thật sẽ bị nhấn chìm trong biển cả thông tin không mấy liên quan. Orwell lo sợ rằng nền văn hóa sẽ bị kiểm soát, Huxley lo sợ nền văn hóa sẽ trở nên tầm thường… Trong tác phẩm “1984”, con người bị kiểm soát trong đau đớn, còn trong “Tân Thế giới Dũng cảm”, con người bị điều khiển trong khoái cảm. Tóm lại, Orwell lo sợ những gì chúng ta ghét sẽ hủy hoại chúng ta, còn Huxley lo sợ chính những gì chúng ta yêu thích sẽ hủy hoại chúng ta.
Cuốn sách nàychỉ ra rằng Huxley, chứ không phải Orwell, đã đúng.”
Theo cách nói của Postman: “Bao quanh bởi tàn tích của một nền văn hóa đã bị sụp đổ và kiệt quệ”, nền văn hóa của chúng ta đã trở thành “một nền văn hóa tầm thường” và đang trên tiến trình trở thành một nền văn hóa “nô lệ” (captive culture)?
Tổ phụ lập quốc đã khẳng định rõ ràng hai điều: Để một xã hội duy trì tự do, các công dân của xã hội đó phải vừa có đức hạnh vừa có tri thức. Tự do không thể được duy trì bởi một xã hội đầy đam mê nhưng thiếu lý trí.
Điều đó giải thích vì sao chính trị của chúng ta trở nên ngày càng điên rồ và không ngừng can thiệp sâu hơn vào cuộc sống của người dân: Bởi chúng ta, nền văn hóa của chúng ta, không coi trọng và phỉ báng những giá trị đó.
Chúng ta không xem trọng việc theo đuổi sự thật (thậm chí chúng ta còn không chắc nó tồn tại); chúng ta xem trọng việc tự gia cố buồng vang thông tin (echo chambers)* do chính chúng ta tạo ra.
(*echo chambers – một thuật ngữ cho một môi trường mà người bên trong chỉ tiếp nhận những thông tin, quan điểm giúp phản ánh và củng cố quan điểm sẵn có của họ).
Chúng ta không xem trọng kiến thức; chúng ta coi trọng các luận điểm và những mẩu tweet.
Chúng ta không xem trọng tính tự chủ; chúng ta đánh giá cao cái tôi, sự thể hiện và chứng thực bản thân quá mức.
Chúng ta không xem trọng lịch sử, không xem trọng kho tàng kinh nghiệm sẵn có của nhân loại cho việc đào tạo và phát triển trí tuệ của chúng ta. Chúng ta đánh giá cao những thứ mới mẻ, khác lạ, sành điệu và hợp thời để đáp ứng những mong muốn nhất thời và sự buồn chán vô tận của chúng ta.
Chúng ta không xem trọng thực chất, chiều sâu và tính hợp lý; chúng ta đánh giá cao bất cứ thứ gì có thể bày bán, tiếp thị và rao bán với sự hào nhoáng, quyến rũ và hấp dẫn.
Trong “Thời đại của Postman” (Age of Postman), tất cả những khuynh hướng giải trí này đang được sử dụng để chống lại chúng ta, làm suy giảm khả năng tư duy của chúng ta, và do đó làm tan biến xã hội vốn dựa vào những công dân thấu đáo và có hiểu biết để tồn tại.
Một sự thật trớ trêu là nước Mỹ chưa bao giờ tràn ngập thông tin nhưng lại thiếu khôn ngoan đến vậy. Tôi đã nói điều này trong nhiều năm: “Với sự đồng thuận đầy nhiệt thành của người dân, mạng xã hội đang biến người lớn thành trẻ em.” Đây cũng chính là điều mà Postman đã tiên đoán: Một thời điểm mà những cuộc đàm thoại sẽ “từ bỏ tính logic, lý trí, trình tự và không có tiêu chuẩn kép” để chuyển sang giải trí đơn thuần. Cụ thể là, về mặt thẩm mỹ thì xuất hiện phong trào nghệ thuật nổi loạn đi ngược lại những giá trị xã hội, chính trị, văn hóa đương thời (chủ nghĩa Dada); về mặt triết học thì có chủ nghĩa hư vô (chối bỏ tôn giáo và các nguyên tắc đạo đức, coi cuộc đời là vô nghĩa); về khía cạnh tâm lý học thì có chứng tâm thần phân liệt.
Một xã hội tự do sẽ lâm vào tình cảnh nguy hiểm cùng cực khi con người hoàn toàn tha hóa và chính phủ bằng cách này hay cách khác là hình ảnh phản chiếu của những người dân đó. Các chính trị gia ép buộc chúng ta, và đến lượt chúng ta phải nếm trải những trái đắng khi bị nhấn chìm bởi một luồng kích thích liên tục từ bên ngoài mà không cần một chút nỗ lực tư duy nào. Nó hoàn toàn mang tính cảm giác, chỉ hấp dẫn những dục vọng và bản năng thấp kém nhất của loài người — phần “con” trong mỗi chúng ta. Chính khả năng tư duy là yếu tố phân biệt con người với động vật. Do đó, sự tha hóa ở đây chính là sự tha hóa bản chất căn bản nhất của loài người: nhân tính.
Postman cảnh báo, đây chính xác là thứ mà các bạo chúa tìm mọi cách để đạt được:
“Mọi bạo chúa luôn biết giá trị của việc cung cấp cho quần chúng những thú vui như một phương tiện để xoa dịu sự bất mãn. Nhưng hầu hết bạo chúa sẽ không thể kỳ vọng rằng quần chúng sẽ phớt lờ những điều mà họ cho là không thú vị. Đó là lý do tại sao bạo chúa luôn dựa vào sự kiểm duyệt. Rốt cuộc, kiểm duyệt là một cống vật các bạo chúa dành cho giả định rằng công chúng hiểu sự khác biệt giữa đàm luận nghiêm túc và giải trí — và họ quan tâm đến điều đó. Tất cả các vị Vua, Nga hoàng và Quốc trưởng trong quá khứ sẽ vui mừng biết bao khi biết rằng kiểm duyệt không phải là điều cần thiết khi tất cả các diễn ngôn chính trị đều dưới hình thức một trò đùa.”
Nhưng chúng ta không cần sự xuất hiện của Postman mới nhận ra mối nguy hiểm này. Chúng ta chỉ cần chú ý đến những lời cảnh báo của các Tổ phụ lập quốc.
Tổ phụ nói với chúng ta những thử nghiệm của Hoa Kỳ (American experiment) rất đặc biệt, nhưng bản thân chúng ta thì không. Người Mỹ chúng ta cũng giống như tất cả mọi người. Ngài John Adams cảnh báo: “Chúng ta tự làm cho mình trở thành nổi tiếng bằng cách nói với đồng bào rằng chúng ta đã khám phá, thai nghén ra những phát minh và thực hiện những cải tiến. Chúng ta có thể khoa trương rằng chúng ta là người được chọn, chúng ta thậm chí có thể tạ ơn Chúa rằng chúng ta không giống như những người đàn ông khác. Nhưng, xét cho cùng, đó chỉ là sự xu nịnh, sự ảo tưởng và tự dối mình như người Pharisêu.”
Như tôi đã viết vào năm 2016, “Nhắc lại Tuyên ngôn Độc lập của chúng ta — khi một đoàn tàu dài gồm những điều tầm thường và tiêu khiển, theo đuổi đến cùng một mục tiêu giống nhau là hướng tới sự thoải mái, thú vui và giải trí, thì đó là gánh nặng, sự trừng phạt và ‘quả’ của người dân khi cùng lúc đó họ phải gánh chịu tai họa do một nền chính trị đã mục ruỗng và thối nát bởi sự tha hóa đạo đức và năng lực trí tuệ của họ gây ra.”
Thay vì xuất hiện những điều mà ngài Churchill vào những năm 1930 gọi là “sự hồi phục đạo đức và khí phách cao thượng”, một thời đại mới đã ló dạng, hoặc ít nhất đã chín muồi — đó là một thời đại nham hiểm và quỷ quyệt hơn nhiều so với những gì chúng ta nhận ra.
Minh Vi biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times