Trí tuệ phòng dịch của người xưa: 6 loại hương liệu tự nhiên giúp tăng cường miễn dịch (2)
Xem thêm Phần 1.
Trong 10 năm trở lại đây, mọi người ngày càng chú ý đến cách sử dụng các nguyên liệu tự nhiên để cải thiện thể chất và tăng cường khả năng miễn dịch. Khi đại dịch virus Trung Cộng (COVID-19, viêm phổi Vũ Hán) [1] lưu hành, rất nhiều người cũng đã chú ý đến cách ăn uống sao cho dinh dưỡng và lành mạnh để giúp cơ thể chống lại bệnh tật.
Khi mô tả cách chống lại “ngũ dịch”, “Hoàng đế nội kinh” viết rằng: “Chính khí tồn nội, tà bất khả can”, ý tứ là chỉ cần cơ thể con người có đủ chính khí, tà khí của bệnh tật sẽ không dễ dàng xâm nhập.
Tất nhiên, để có một cơ thể khỏe mạnh và cường tráng, trước tiên cần phải ngủ đủ giấc, tập thể dục, ăn uống điều độ, và giữ cho tâm thái bình hòa.
Ngoài ra, còn có một số loại gia vị và thảo mộc có thể giúp cải thiện sức đề kháng, là sự đúc kết từ trí tuệ dưỡng sinh của người xưa trong hàng nghìn năm. Để đối mặt với dịch bệnh, ngoài việc rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang, chúng ta cũng nên chuẩn bị nhiều hơn những nguyên liệu tự nhiên này trong nhà bếp và sử dụng với lượng thích hợp trong các bữa ăn hàng ngày.
6 loại hương liệu thực phẩm tự nhiên giúp tăng cường miễn dịch
Nghệ
Nghệ là một loại cây thân thảo lâu năm thuộc họ gừng, thân và củ dưới đất của nó có thể được nấu chín và sấy khô làm gia vị, cũng như tạo màu vàng hấp dẫn cho món cà ri.
Ở Ấn Độ và các nước Đông Nam Á, nghệ được sử dụng rộng rãi như một loại gia vị, làm thuốc và thuốc nhuộm. Củ nghệ đã được tiêu thụ ở Ấn Độ trong hơn 4,000 năm, cả hai hệ thống y học Ayurveda và Siddha ở Ấn Độ đều cho rằng nghệ có thể tăng cường năng lượng của con người, cải thiện tiêu hóa, điều hòa kinh nguyệt và giảm viêm khớp. Phụ nữ Ấn Độ cũng sử dụng bột nghệ như một sản phẩm chăm sóc da và làm đẹp.
Ngoài Ấn Độ, nghệ cũng là một loại thảo dược được sử dụng phổ biến ở trong y học Unani và Trung y. Theo nghiên cứu nguyên bản của Lý Thời Trân – y học gia nổi tiếng thời nhà Minh, những ghi chép sớm nhất về nghệ ở Trung Quốc là ở trong cuốn “Tân tu bản thảo”, được viết bởi nhóm học giả Tô Kính thời nhà Đường. Trung y cho rằng nghệ có vị đắng, tính ấm, thuộc về kinh tỳ và gan, có chức năng thúc đẩy tuần hoàn máu, lưu thông khí, thông kinh mạch và giảm đau. Trong dân gian Trung Quốc, bột nghệ cũng được sử dụng để ngâm rau (như củ cải vàng ngâm chua) để tạo ra màu sắc bắt mắt.
Củ nghệ có chứa hàng trăm hợp chất như turmerone, volatile oils và curcumin, có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm, kháng khuẩn, chống ung thư, giảm ho và cải thiện hệ tiêu hóa. Một nghiên cứu từ Trung tâm Ung thư MD Anderson của Đại học Texas đã phát hiện ra rằng, ngay cả liều lượng thấp của curcumin cũng có thể tăng cường phản ứng kháng thể, điều tiết hệ thống miễn dịch và cải thiện sức khỏe trên tổng thể.
Sữa nghệ
Thật dễ dàng để thêm nghệ vào cuộc sống hàng ngày, có thể làm “cơm nghệ” bằng cách thêm một thìa cà phê bột nghệ vào khi nấu cơm, hoặc có thể thêm một ít vào món xào. Dưới đây, chúng tôi sẽ chia sẻ công thức làm “sữa nghệ”, một thức uống lành mạnh rất phổ biến.
Sữa nghệ hay còn gọi là “sữa vàng” đã có từ rất lâu đời ở Ấn Độ. Sữa nghệ có công dụng giảm đau bụng kinh, rất thích hợp cho phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt. Hơn nữa, tiêu thụ nghệ còn có thể giúp thải máu ứ đọng trong tử cung, giúp phụ nữ điều hòa kinh nguyệt. Vì curcumin là chất hòa tan trong chất béo nên chất béo trong sữa có thể giúp hấp thụ curcumin một cách hiệu quả. Ngoài ra, một nghiên cứu của Ấn Độ đã chỉ ra rằng chất piperine trong hạt tiêu đen có thể làm tăng tỷ lệ hấp thụ curcumin lên 20 lần, hiệu quả khi dùng chung thậm chí còn tốt hơn.
Nguyên liệu: 2 cốc sữa (sữa bò, sữa hạnh nhân hoặc nước cốt dừa), 1 thìa cà phê bột nghệ, 1/2 thìa bột quế, một ít tiêu đen, một ít dầu dừa, một ít mật ong hoặc siro phong.
Cách làm:
- Lấy một cái nồi nhỏ, đổ sữa vào, thêm bột nghệ, bột quế và bột tiêu đen.
- Đun sôi ở lửa vừa và nhỏ, thêm mật ong hoặc siro lá phong vào và khuấy đều.
- Bắc ra khỏi bếp, rưới một ít dầu dừa vào là có thể dùng.
Lưu ý nhỏ: Có thể dùng các loại sữa thực vật để thay thế sữa bò. Nếu thích hương vị của trà gừng, bạn cũng có thể cho thêm một ít gừng cắt lát. Để làm sữa nghệ nhanh hơn, cũng có thể cho sữa vào lò vi sóng trước, sau đó đổ các nguyên liệu khác vào và khuấy đều.
Cây xô thơm
Chi Xôn (Salvia) là họ lớn nhất trong họ Hoa môi (Lamiaceae), với hơn 900 loài trên toàn thế giới, rất nhiều loại trong số đó đều là hương liệu và thảo dược truyền thống ở khắp nơi trên thế giới. Ngoài “cây xô thơm” nổi tiếng nhất (Salvia Officinalis), có một số chủng loại khác cũng có thể ăn được hoặc làm thuốc.
Vào thời Hy Lạp-La Mã, người ta gọi cây xô thơm là “dược thảo Thần Thánh”, từ “Salvia” xuất phát từ tiếng Latinh “salvare”, nói lên rằng lúc đó người ta tin rằng cây xô thơm có khả năng kéo dài tuổi thọ. Ngoài ra, người La Mã cổ đại còn sử dụng nó như một loại thuốc lợi tiểu và giảm đau, đồng thời cho rằng nó có thể làm tăng khả năng sinh sản của phụ nữ. Thuận theo cuộc viễn chinh của người La Mã ra bốn phương, cây xô thơm cũng đã được sử dụng phổ biến khắp Địa Trung Hải.
Đến thời Trung cổ, cây xô thơm thường được trồng trong các tu viện như một loại gia vị và thảo mộc, tên khoa học “officinalis” của nó xuất phát từ tiếng Latinh “officina”, có nghĩa là kho thuốc của tu viện. Trong lịch sử Âu Châu, cây xô thơm được dùng để sát trùng, ngăn ngừa bệnh dịch hạch, chữa viêm miệng, cải thiện trí nhớ, giúp phụ nữ tiết sữa và hạ sốt, v.v. Trong các món ăn truyền thống ở nhiều quốc gia Âu Châu, cây xô thơm cũng là một loại gia vị hoặc nguyên liệu pha trộn được sử dụng phổ biến.
Trong những thập kỷ gần đây, những nghiên cứu về cây xô thơm đang ngày càng trở nên phong phú. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng cây xô thơm rất giàu vitamin K và flavonoid, có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa, chống vi trùng, giúp hạ đường huyết, cải thiện cholesterol, điều hòa nồng độ estrogen, đồng thời có thể chống lại bệnh mất trí nhớ và ung thư.
Trà xô thơm hoa hồng
Pha trà với cây xô thơm có rất nhiều lợi ích. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, do cây xô thơm có bao hàm các hợp chất chống ung thư nên có tiềm năng ngăn ngừa ung thư, hơn nữa trà xô thơm còn rất thích hợp cho phụ nữ mãn kinh vì nó có thể làm giảm cảm giác khó chịu. Ngoài ra, súc miệng bằng trà xô thơm cũng có thể giúp duy trì sức khỏe răng miệng.
Tuy nhiên, trong cây xô thơm có chứa Thujone, đây là chất có thể gây độc nếu dùng với liều lượng cao. Mặc dù hàm lượng Thujone trong trà xô thơm rất thấp nhưng vì lý do an toàn, các chuyên gia khuyến cáo người bình thường không nên uống quá 6 tách mỗi ngày, phụ nữ có thai nên tránh sử dụng. Bạn cũng có thể chọn cách pha trà bằng cây xô thơm Tây Ban Nha, cây này không chứa Thujone, sẽ bảo đảm hơn khi uống.
Nguyên liệu: 1 muỗng cà phê xô thơm khô, 1 muỗng cà phê hoa hồng khô, mật ong hoặc siro phong với lượng thích hợp.
Cách làm:
- Cho 1 muỗng cà phê hoa hồng khô và 1 muỗng cà phê xô thơm khô vào ấm trà.
- Đun sôi nước và đổ vào ấm trà, ngâm khoảng 5 phút rồi chắt trà ra.
- Nếu bạn thích ngọt, có thể thêm một lượng mật ong hoặc siro phong thích hợp.
Lưu ý nhỏ: Lượng hoa hồng và xô thơm ở trên có thể dùng để pha 2 ~ 3 lần. Bạn cũng có thể cho thêm nước cốt chanh, sẽ giải khát và ngon miệng hơn. Hiện nay trên thị trường có bán các loại trà túi lọc xô thơm, bạn cũng có thể sử dụng loại túi trà này để pha trà. Cây xô thơm có tác dụng hạ đường huyết, nếu bạn đang dùng thuốc hạ đường huyết thì nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi uống.
Tỏi
Tỏi là loại gia vị phổ biến nhất trên thế giới và là một trong những cây thuốc được sử dụng sớm nhất trong lịch sử loài người. Theo ghi chép của Herodotus, người Ai Cập cổ đại đã biết tỏi có thể tăng cường thể lực và phòng ngừa bệnh dịch, vậy nên đã phân phát tỏi cho những người Do Thái bị nô lệ như một loại thuốc bổ để tăng cường sức lao động của họ. Cuốn Codex Ebers của Ai Cập cũng ghi chép rằng, tỏi dùng để điều trị các bệnh tim mạch và ký sinh trùng. Trong cuộc khai quật lăng mộ của Pharaoh Tutankhamun vào năm 1922, người ta cũng đã tìm thấy một số miếng tép tỏi nguyên vẹn.
Thật trùng hợp, người ta cũng tìm thấy tỏi được bảo quản rất tốt trong di tích của cung điện Minos ở Crete, Hy Lạp. Giống như người Ai Cập, người Hy Lạp tin rằng tỏi có thể mang lại sức mạnh và khả năng chịu đựng, vậy nên trong Thế vận hội Olympic cổ đại, các đối thủ đều dùng tỏi để tăng cường thể lực. Hippocrates, được biết đến như cha đẻ của y học, cũng đã sử dụng tỏi để điều trị các bệnh về phổi và phụ khoa.
Ở phương Đông, tỏi được coi là vị thuốc có chức năng ôn trung kiện vị (làm ấm bụng, tráng kiện dạ dày), hỗ trợ tiêu hóa, điều hòa khí, giải độc và diệt côn trùng, là một chất bảo quản được dùng phổ biến ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Hiện nay, các nhà khoa học đã khẳng định trong tỏi có hàm lượng sulfua hữu cơ cao, có tác dụng chống ung thư, kháng khuẩn, kháng virus, giảm tỷ lệ mắc các bệnh tim mạch, bảo vệ gan và tăng cường thể lực.
Một nghiên cứu của Peter Josling về Allicin có trong tỏi của vào mùa đông (giữa tháng 11 và tháng 2) cũng cho thấy rằng, so với nhóm dùng giả dược, các triệu chứng cảm lạnh ở nhóm dùng Allicin ngắn hơn tới 70%. Hơn nữa, số người bị cảm lạnh chỉ bằng 37% so với nhóm còn lại, rõ ràng nó đã làm tăng đáng kể khả năng chống lại virus cảm lạnh.
Chè đường đen gừng tỏi
Khi trời se lạnh, uống một bát chè đường đen gừng tỏi có thể giúp bạn xua tan lạnh giá. Gừng và đường đen đều là những thực phẩm có tính ấm, rất có lợi cho những người sợ lạnh hoặc có các triệu chứng ban đầu của cảm lạnh. Nhưng cần đặc biệt chú ý, nếu bị cảm phong nhiệt thì không nên uống chè này.
Nguyên liệu: 30g tỏi, 30g gừng, 45g đường đen, 125ml nước.
Cách làm:
- Cắt nhỏ gừng và để riêng.
- Đổ nước vào nồi nấu chè, cho gừng lát, tỏi và đường đen vào, đun trên lửa vừa.
- Sau khi nước sôi thì đun tiếp 10-15 phút nữa là được.
Lưu ý nhỏ: Chè đường đen gừng tỏi nhất định phải uống nóng, nếu như nguội rồi thì cần hâm lại trước khi uống.
Ghi chú [1]: Đây là loại virus corona mới, còn được gọi là virus viêm phổi Vũ Hán, Epoch Times cho rằng gọi là “virus Trung Cộng” thì chính xác hơn, bởi vì con virus này đến từ Trung Quốc dưới sự thống trị của Trung Cộng, do Trung Cộng che đậy dịch bệnh nên virus đã lây lan ra thế giới và gây ra đại dịch toàn cầu.