Hướng dẫn cơ bản về bệnh Zona (Herpes Zoster): Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và các cách tiếp cận tự nhiên
Có tới 30% dân số Hoa Kỳ bị bệnh zona trong cuộc đời và nguy cơ bị bệnh sẽ tăng lên khi chúng ta già đi.
Khoảng 1/3 người Mỹ sẽ bị bệnh zona trong cuộc đời. Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh dường như không đổi hoặc đang giảm trong những năm gần đây, nhưng nguy cơ phát triển bệnh zona vẫn tăng lên theo tuổi. Mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng bệnh lý này có thể gây ra những cơn đau rất khó chịu.
Bệnh zona thường dễ chẩn đoán trừ trường hợp không có phát ban. Sự phát triển của bệnh zona mà không đi kèm phát ban được gọi là “Zona không mụn nước” (Zoster sine herpete – ZSH), mặc dù hiếm gặp nhưng dạng bệnh này có thể gây nhiều khó khăn cho chẩn đoán chính xác và phù hợp.
Zona có nhiều loại bệnh khác nhau hay không
Bệnh zona không có nhiều loại khác nhau. Đây là một bệnh lý nhiễm virus do hoạt động của virus varicella-zoster (VZV), còn được gọi là virus herpes người type 3, cùng loại với virus gây bệnh thủy đậu. Nếu từng bị bệnh thủy đậu, bạn đã tiếp xúc với virus varicella-zoster, loại virus này sẽ lưu tồn trong cơ thể bạn đến hết cuộc đời. Sau nhiều năm, virus có thể tái hoạt động dưới dạng bệnh zona.
VZV là một thành viên của họ virus herpes. Khi bệnh zona phát triển, virus tấn công các dây thần kinh trên khắp cơ thể gây ra các triệu chứng đau đớn và khó chịu.
Các dấu hiệu và triệu chứng sớm của bệnh Zona
Bệnh zona có thể kéo dài khoảng 2-6 tuần và xuất hiện một số triệu chứng như:
- Sốt.
- Đau đầu.
- Thờ ơ.
- Ớn lạnh.
- Đầy bụng (buồn nôn, khó tiêu).
- Ngứa, đau nhói hoặc nóng rát ở vùng da tổn thương.
- Cơn đau giống như bị điện giật.
- Da đỏ tấy.
- Phát ban (thường thấy nhất ở thân mình).
- Các mụn nước chứa nhiều dịch trên nền phát ban.
- Thay đổi thị lực nếu dây thần kinh thị giác bị tổn thương (mất thị lực, nhạy cảm với ánh sáng, mù lòa).
Khi di chuyển dọc theo các dây thần kinh, virus zona làm xuất hiện các phát ban dạng dải ở một bên cơ thể, tương ứng với vị trí dây thần kinh tổn thương. Bệnh hầu như vẫn còn khu trú (tức chưa lan ra khắp cơ thể).
Mặc dù các triệu chứng có thể gây khó chịu, nhưng đối với những người trưởng thành khỏe mạnh có hệ miễn dịch tốt, bệnh zona thường không đe dọa đến tính mạng. Người lớn suy giảm miễn dịch có nhiều nguy cơ bị biến chứng do bệnh zona hơn.
Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh zona là do virus thủy đậu, VZV gây ra. Sau khi bị thủy đậu, virus sẽ ẩn mình trong các dây thần kinh của cơ thể. Nếu virus được tái kích hoạt, thường là ở giai đoạn sau của cuộc đời, bệnh zona có thể phát triển. Ở Hoa Kỳ trước năm 1980, bạn có thể bị thủy đậu, ngay cả khi bạn có thể không nhớ. Đối với nhiều người, virus có thể không hoạt động và không bao giờ phát triển thành bệnh zona.
Mặc dù lý do tái hoạt động vẫn chưa được hiểu rõ hoàn toàn, nhưng người ta tin rằng virus zona có thể tái kích hoạt nếu hệ miễn dịch suy yếu hoặc tổn hại hoặc bởi thuốc ức chế miễn dịch hoặc căng thẳng cao độ. Khi già đi, chức năng miễn dịch giảm dần, khiến bạn dễ bị bệnh zona hơn.
Những người nào dễ bị bệnh zona?
Khả năng bị bệnh zona tăng lên bởi các yếu tố như tuổi tác, sức khỏe tổng thể và yếu tố di truyền. Bệnh zona là do sự tái hoạt của VZV, virus có thể được kích hoạt bởi các yếu tố sau:
- Tuổi tác: Nguyên nhân chính gây ra bệnh zona là tuổi tác. Khi cơ thể già đi, sự phát triển của tế bào T (tế bào điều hòa miễn dịch) bị giảm sút từ đó gây giảm toàn bộ chức năng miễn dịch. Những người trên 50 tuổi có nguy cơ cao nhất và những người trên 60 tuổi có nhiều nguy cơ bị biến chứng trầm trọng hơn.
- Giới tính: Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), phụ nữ có nhiều nguy cơ hơn nam giới.
- Chủng tộc: Người da trắng có nguy cơ bị bệnh zona cao hơn ít nhất 30% so với người da đen. Một cuộc khảo sát khác năm 2018 cho thấy người gốc Tây Ban Nha và người Á Châu có nguy cơ bị bệnh cao hơn so với người da trắng lần lượt là 16% và 17%
- Thuốc và điều trị: Một số loại thuốc hoặc phương pháp điều trị, đặc biệt là thuốc ức chế miễn dịch, có thể làm tổn hại đến hệ thống miễn dịch khiến người bệnh dễ bị bệnh zona. Xạ trị và hóa trị có thể làm tăng nguy cơ, cũng như các loại thuốc ngăn ngừa thải ghép tạng hoặc sử dụng steroid như prednisone kéo dài.
- Di truyền: Mặc dù cần nghiên cứu sâu hơn về vai trò của di truyền trong việc kích hoạt virus bệnh zona, nhưng người ta cho rằng tiền sử gia đình có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh này. Người ta cũng cho rằng một số gene nhất định, như kháng nguyên bạch cầu ở người (HLA), có thể làm tăng nguy cơ bị di chứng đau dây thần kinh dai dẳng sau nhiễm Herpes.
- Các bệnh nền: Các bệnh lý như ung thư và HIV làm suy yếu hệ thống miễn dịch của một người khiến người đó có nguy cơ cao hơn.
- Tiền sử chấn thương thực thể: Theo phân tích gộp năm 2020, tiền sử chấn thương thực thể là một trong những nguy cơ chính của bệnh zona.
Chẩn đoán bệnh Zona
Bệnh zona thường được chẩn đoán dễ dàng do phát ban dọc theo đường đi của dây thần kinh bị tổn thương. Nhiều khi cảm giác khó chịu hoặc đau ở dây thần kinh xảy ra trước phát ban vài ngày và do đó chẩn đoán xác định [có thể] bị chậm trễ trong thời gian ngắn.
Thông thường, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sẽ đặt câu hỏi liên quan đến tiền sử bệnh và tiến hành thăm khám sức khỏe. Nếu có phát ban, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe thường có thể chẩn đoán bệnh zona chỉ bằng quan sát. Hãy gặp nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn trong vòng 72 giờ kể từ khi phát ban để tối ư việc điều trị tiếp theo.
Nếu có dấu hiệu đau rễ thần kinh nghi ngờ [Zona] kéo dài hơn 3 ngày nhưng không có phát ban hoặc phát ban không điển hình, có thể cần các xét nghiệm chuyên sâu hơn. Các xét nghiệm có thể được sử dụng để hỗ trợ chẩn đoán [trong tình huống] khó bao gồm:
- Xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR): Dùng tăm bông lấy [bệnh phẩm] từ vết thương hở, vảy, nước bọt hoặc mô và phân tích để tìm sự hiện diện của VZV. Thường làm xét nghiệm PCR hoặc DNA khi có các triệu chứng, giúp phát hiện virus đang hoạt động. Sau khi lấy tăm bông, thường có kết quả trong vòng một ngày.
- Xét nghiệm kháng thể hoặc huyết thanh học: Lấy máu để kiểm tra nồng độ kháng thể IgM và IgG được sinh ra sau khi tiếp xúc với VZV. IgM thường xuất hiện sau một hoặc hai tuần kể từ lần tiếp xúc đầu tiên, trong khi kháng thể IgG sinh ra sau vài tuần kể từ khi tiếp xúc và/hoặc nhiễm trùng. Xét nghiệm kháng thể VZV cũng có thể được chỉ định để xem liệu một người có khả năng miễn dịch với virus hay không.
- Xét nghiệm kháng thể huỳnh quang trực tiếp (DFA): Xét nghiệm này phân tích các tế bào của vùng da tổn thương. Đây là phương pháp xét nghiệm nhanh hơn nhưng kém chính xác hơn so với xét nghiệm PCR.
Các biến chứng của bệnh Zona
Bệnh zona có thể phát triển cùng với một số biến chứng, ảnh hưởng đến nhiều vị trí trên cơ thể.
Một số biến chứng có thể xảy ra của bệnh zona bao gồm:
- Đau dây thần kinh sau herpes (Postherpetic neuralgia – PHN): Đây là biến chứng phổ biến nhất của bệnh zona liên quan đến cảm giác bỏng rát dai dẳng ở dây thần kinh và vùng da tổn thương. Cơn đau có thể kéo dài, tồn tại lâu hơn phát ban và mụn nước, thường khu trú ở vùng cơ thể từng phát ban. Những người gặp phải biến chứng này có thể bị đau kéo dài trên ba tháng, vùng tổn thương trở nên rất nhạy cảm như ngứa hoặc tê bì trên da. Khoảng 10% đến 18% số người gặp phải biến chứng này trên tất cả các nhóm tuổi. Tuy nhiên, sau 60 tuổi, nguy cơ tiến triển thành PHN là trên 60% và có thể kéo dài lâu hơn.
- Biến chứng ở mắt: Khoảng 20% trường hợp bệnh zona liên quan đến dây thần kinh vùng đầu nên có thể ảnh hưởng đến mắt và thị lực. Bệnh zona có thể biến chứng đến giác mạc và/hoặc võng mạc dẫn đến suy giảm thị lực, nhạy cảm với ánh sáng, đau mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt, chảy dịch và/hoặc có thể bị bội nhiễm thứ phát.
- Hội chứng Ramsay Hunt: Tình trạng này có thể phát triển nếu virus bệnh zona gây tổn thương đến dây thần kinh mặt ở vị trí gần tai. Điều này dẫn đến yếu/liệt một bên mặt và tai mất thính lực cùng bên tổn thương. Nếu được phát hiện sớm và điều trị bằng thuốc, cơn đau có thể thuyên giảm và và hạn chế nguy cơ biến chứng trở nên trầm trọng hơn.
- Sẹo: Nếu phát ban kèm theo mụn nước, các mụn nước sẽ bắt đầu đóng vảy khi thương tổn hồi phục. Nếu làm bong có thể để lại sẹo. Chăm sóc vết thương đúng cách bằng cách thoa kem, ngâm mình trong bồn tắm với bột yến mạch, mặc quần áo rộng rãi và uống thuốc (nếu cần) là cách tốt nhất để ngăn ngừa sẹo.
Các biến chứng hiếm hơn có thể gặp của bệnh zona bao gồm:
- Viêm phổi: Viêm phổi do thủy đậu có thể là một biến chứng hiếm gặp của bệnh zona nếu virus tấn công đường hô hấp. Các triệu chứng tại phổi thường phát triển trong vòng một đến sáu ngày sau khi nhiễm trùng và thường cần điều trị kháng sinh.
- Viêm gan: Một số ít trường hợp ghi nhận tổn thương gan là biến chứng của sau nhiễm VZV. Đặc biệt nguy hiểm đối với những người suy giảm miễn dịch.
- Viêm tủy cắt ngang: Mặc dù hiếm gặp nhưng viêm tủy có thể xảy ra sau khi bị nhiễm VZV, đặc biệt trên người suy giảm miễn dịch. Điều trị biến chứng này cần dùng thuốc và các liệu pháp phục hồi chức năng,
- Viêm não: Viêm não do Zona là một biến chứng rất hiếm gặp nhưng gây tử vong.
Điều trị bệnh Zona
Không có phương pháp đặc hiệu điều trị bệnh zona, nhưng có những phương pháp hiệu quả giúp kiểm soát virus và các triệu chứng của bệnh. Lưu ý rằng hiệu quả điều trị tốt nhất là trong vòng 72 giờ kể từ khi nổi phát ban. Bắt đầu dùng thuốc kháng virus trong khoảng thời gian này giúp ngăn ngừa biến chứng đau dây thần kinh sau herpes. Tuy nhiên, thuốc kháng virus vẫn có thể hữu ích sau 72 giờ nếu vẫn mọc thêm các mụn nước mới.
Các phương pháp điều trị thường quy bao gồm:
- Acyclovir: thuốc kháng virus dùng để điều trị nhiễm trùng, giúp giảm đau và khó chịu do vết loét.
- Famciclovir: một loại thuốc kháng virus được sử dụng để kiểm soát VZV đồng thời giúp giảm đau và khó chịu do vết loét.
- Valacyclovir: một loại thuốc kháng virus giúp kiểm soát VZV và điều trị bệnh thủy đậu. Thuốc cũng giúp giảm bớt sự khó chịu do vết loét và tăng lành vết loét.
- Corticosteroid: Trong thực tế gần đây, corticosteroid đường uống thường xuyên được kê toa nhằm giảm viêm, giảm đau và giảm tỷ lệ PHN. Do đó, các nghiên cứu đã đặt ra câu hỏi về hiệu quả của corticosteroid trong việc làm giảm sự xuất hiện biến chứng PHN. Tuy nhiên, cũng có một số bằng chứng cho thấy thuốc có thể giúp giảm đau cấp tính trầm trọng trong giai đoạn đầu của bệnh zona.
- Thuốc bổ sung: Các loại thuốc giảm đau khác như miếng dán capsaicin, thuốc chống co giật, thuốc chống trầm cảm, thuốc gây tê và tiêm steroid có thể được kê toa để điều trị bệnh zona.
Ảnh hưởng của tinh thần đến bệnh zona
Tinh thần có thể ảnh hưởng đến khả năng bị bệnh zona do tác động của căng thẳng đến hệ miễn dịch. Khi cơ thể chịu nhiều căng thẳng, điều này có thể dẫn đến suy yếu hệ miễn dịch, làm tăng khả năng tái hoạt VZV.
Nghiên cứu chỉ ra rằng căng thẳng nói chung, các vấn đề căng thẳng trong cuộc sống và trầm cảm có liên quan đến tỷ lệ tái hoạt VZV và bùng phát bệnh zona cao. Do đó, sẽ rất hữu ích nếu những người dễ khởi phát bệnh zona cố gắng tư duy lạc quan hơn và/hoặc dùng các liệu pháp giải tỏa căng thẳng. Một nghiên cứu theo dõi gần 13,000 người trên 50 tuổi cho thấy áp lực căng thẳng lớn hơn làm tăng đáng kể nguy cơ phát triển bệnh zona.
Một nghiên cứu sơ bộ cho thấy xu hướng giảm PHN và cải thiện cơn đau và sức khỏe thể chất đối với những người tham gia thực hành thiền định. Có mối liên hệ tích cực giữa các bài tập thiền, sức khỏe tinh thần và chất lượng cuộc sống. Mặc dù các nghiên cứu sâu hơn được bảo đảm để khảo chứng mối quan hệ này một cách chi tiết hơn, nhưng nghiên cứu này chỉ ra rằng chánh niệm và/hoặc thực hành thiền định có thể giúp mọi người kiểm soát cơn đau và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Các phương pháp tiếp cận tự nhiên đối với bệnh zona
Mặc dù những phương pháp này không thể tiêu diệt virus hoặc chữa khỏi bệnh zona, nhưng một số phương pháp tự nhiên có thể giúp giảm đau và khó chịu do bệnh gây ra.
Một số cách tiếp cận này bao gồm:
- Tắm: Ngâm trong bồn tắm với nước ấm hòa cùng bột yến mạch giúp làm dịu các vết phồng rộp. Đổ 1 – 2 chén bột yến mạch dạng keo vào nước ấm. Ngoài ra, tắm nước lạnh hoặc tắm vòi sen cũng giúp làm mát vùng da bị viêm. Tránh nước nóng, có thể làm nặng thêm các triệu chứng.
- Chườm mát: Chườm lạnh lên vùng tổn thương có thể giúp giảm bớt sự khó chịu do phồng rộp hoặc phát ban.
- Thuốc chống ngứa: Các phương pháp giảm ngứa như baking soda trộn với bột ngô và/hoặc kem chống ngứa như calamine cũng có tác dụng làm khô mụn nước.
- Thực phẩm giúp nâng cao hệ miễn dịch: Thực phẩm chống viêm, trợ giúp miễn dịch có thể nâng cao miễn dịch và ngăn ngừa sự tái hoạt động của virus. Việc bổ sung các loại thực phẩm đa màu sắc có thể giúp bổ sung chất chống oxy hóa. Ngoài ra, cung cấp đầy đủ protein là điều cần thiết để gia tăng khả năng miễn dịch và nuôi dưỡng khối cơ nạc.
- Vitamin D: Duy trì đủ lượng vitamin D trong máu cũng giúp tăng miễn dịch của cơ thể từ đó ngăn chặn virus hoạt động. Một nghiên cứu hồi cứu năm 2019 trên tập san Chất dinh dưỡng đã tìm thấy bằng chứng về mối liên hệ giữa lượng vitamin D thấp và PHN. Ngoài ra, một nghiên cứu ở Hàn Quốc cho thấy tỷ lệ vitamin D thấp trên những bệnh nhân nhập viện vì bệnh herpes zoster.
Phòng ngừa bệnh zona
Một số phương pháp chính để giảm thiểu nguy cơ phát triển bệnh zona bao gồm: