Trí tuệ cổ xưa: Người tù và cây xanh bé nhỏ
Người vợ tốt bụng của Napoleon Đại đế nhìn thấy chiếc khăn tay mà người tù đã viết về vẻ đẹp của cái cây. Bà nói, “chẳng có ích gì cho chúng ta khi giam giữ một người đàn ông như vậy trong tù”.
Những câu chuyện về trí tuệ cổ xưa nhắc nhở chúng ta về những truyền thống và giá trị đạo đức đã được trân trọng và gìn giữ trên khắp thế giới. Chúng tôi hy vọng những câu chuyện và thông điệp trong loạt bài này sẽ khiến trái tim và tâm trí của độc giả được thăng hoa.
Câu chuyện “Picciola” kể về một người đàn ông bị bỏ tù oan. Ông cảm thấy rằng không có ai trên đời quan tâm đến mình, cho đến khi một cây con mọc lên trong khuôn viên nhà tù thu hút sự chú ý của ông. Và điều đó đã thay đổi mọi thứ.
Câu chuyện được kể lại này là một phần của bộ sưu tập đặc biệt dành cho trẻ em, gồm các câu chuyện bằng âm thanh và hình ảnh minh họa gốc được biên soạn và sản xuất vào năm 2012 như một phần của chương trình “Những câu chuyện về trí tuệ cổ xưa” của Đài Phát thanh Hy Vọng.
Hãy đọc bản dịch câu chuyện bên dưới, và du hành vào một thế giới khác!
Nhiều năm trước, có một quý ông tội nghiệp tên là Charney bị nhốt vào một trong những nhà ngục lớn nhất nước Pháp. Charney vô cùng buồn bã và cảm thấy bất hạnh vì bị bỏ tù oan và dường như không có ai trên đời quan tâm đến ông.
Ông không thể đọc sách, vì trong nhà tù không có sách. Ông cũng không thể viết, vì bản thân ông không được phép có bút hoặc giấy. Ông sống lay lắt qua ngày qua tháng. Ông không có việc gì làm để khiến ngày dài thu ngắn lại. Thú tiêu khiển duy nhất của ông là đi đi lại lại trong khoảng sân được lát đá của nhà tù. Không có việc gì để làm và cũng không có ai để nói chuyện.
Một buổi sáng mùa xuân đẹp trời, Charney lại ra sân và lại đi quanh quanh trong đó. Ông đang đếm những viên đá lát đường, giống như đã làm cả ngàn lần trước đó. Bỗng nhiên, ông dừng lại: có một gò đất nhỏ nằm giữa hai hòn đá.
Ông khom người xuống nhìn: Một hạt giống nào đó đã rơi vào cái khe giữa các viên đá. Nó đã nảy mầm, và có một chiếc lá xanh biếc nho nhỏ đang vươn mình lên khỏi mặt đất. Charney định dùng chân đè bẹp chiếc lá thì thấy có một lớp màng mỏng manh bao phủ bên trên chiếc lá bé nhỏ. Ông tự nhủ: “À! Thì ra lớp màng này là để giữ cho chiếc lá được an toàn. Thế thì mình không nên làm hại nó”. Ông lại tiếp tục đi dạo.
Ngày hôm sau, Charney đã suýt giẫm lên cái cây nhỏ. [Nhưng rồi] ông đã dừng bước để quan sát nó. Cây nhỏ giờ đã có hai chiếc lá, khỏe khoắn và xanh tốt hơn hôm trước. Ông đã ở lại và ngắm nhìn kỹ tất cả các bộ phận của cây nhỏ, trong thời gian rất lâu.
Sau đó, mỗi sáng, Charney đều đến thăm cây nhỏ của mình trước tiên. Ông muốn xem liệu nó có bị chết cóng bởi thời tiết lạnh giá, hay bị thiêu đốt bởi ánh nắng mặt trời không, và cây nhỏ ấy đã lớn đến mức nào.
Một ngày nọ, khi đang nhìn qua từ khung cửa sổ, ông thấy người quản ngục đi trong sân. Ông ta lướt qua cái cây nhỏ gần đến nỗi sắp giẫm phải nó. Charney run rẩy từ đầu đến chân.”Ôi Picciola của tôi!” ông kêu lên.
Khi người quản ngục mang thức ăn đến cho Charney, ông đã cầu xin người quản ngục để ý đến cây nhỏ của mình. Ông nghĩ rằng người đàn ông đó sẽ cười nhạo mình. Nhưng không. Tuy là một người cai ngục, nhưng ông ta lại có một trái tim lương thiện.
“Ông nghĩ rằng tôi sẽ làm tổn thương cái cây nhỏ của ông đấy ư?” người quản ngục hỏi. “Thật sự không đâu. Lẽ ra nó đã chết từ lâu nếu tôi không thấy rằng ông quan tâm nhiều đến nó như vậy”.
“Ông thật là tử tế” Charney nói. Ông cảm thấy có chút xấu hổ vì đã nghĩ người quản ngục không tốt.
Mỗi ngày, ông đều quan sát Picciola, ông đã đặt tên cho cái cây như vậy. Ngày qua ngày, nó lớn dần lên và trở nên tươi tốt hơn. Nhưng có một lần, cái cây suýt bị gãy bởi những móng vuốt khổng lồ của con chó của người cai ngục. Trái tim Charney chùng xuống. Ông nhủ thầm: “Picciola cần phải có một ngôi nhà nhỏ. Để xem liệu mình có thể làm cho nó một cái không nào”.
Vậy nên, mỗi ngày trôi qua, bất chấp những đêm dài lạnh giá, Charney lấy một phần củi sưởi ấm được cấp cho để xây một ngôi nhà nhỏ xung quanh cái cây. Ông nhận ra rằng nhìn ở góc nào, cái cây cũng đều xinh đẹp: cách cây luôn hơi cong về phía mặt trời; cách những bông hoa cụp cánh lại trước một cơn bão. Trước đây, ông chưa bao giờ nhận ra những điều đó, mặc dù thường xuyên lướt qua nhiều vườn hoa nở rộ.
Một ngày nọ, ông làm một ít mực bằng bồ hóng và nước; trải chiếc khăn tay ra để làm giấy; dùng một que củi đã được gọt sắc để làm bút. Tất cả những thứ đó để làm gì vậy? Ông cảm thấy rằng mình cần phải viết lại quá trình phát triển của cây nhỏ yêu quý. Ông dành tất cả thời gian của mình bên cái cây. “Hãy nhìn quý ông và quý bà của tôi kìa!” người quản ngục nói vậy mỗi khi trông thấy Charney và cây nhỏ Picciola.
Mùa hè trôi qua, Picciola trở nên tốt tươi hơn. Có ít nhất ba mươi bông hoa trên thân nó. Tuy nhiên, vào một buổi sáng ảm đạm, cây bắt đầu rủ xuống. Charney không biết phải làm gì. Ông tưới nước cho cây, nhưng nó vẫn rũ xuống. Những chiếc lá đang khô héo dần. Các viên đá trong sân nhà tù không để cho cây tiếp tục sống.
Charney biết rằng chỉ có một cách để cứu lấy cái cây yêu quý của mình. Chao ôi! Làm sao ông hy vọng rằng việc này có thể thành công? Các viên đá phải được bốc đi cùng một lúc. Nhưng đây là điều mà người quản ngục không dám làm. Nội quy của nhà tù rất nghiêm khắc: không được di chuyển các viên đá. Chỉ có những viên chức cao cấp nhất trong đất nước mới có thể được làm điều đó.
Charney tội nghiệp không thể ngủ được: Picciola phải chết. Những bông hoa đã khô héo; những chiếc lá sẽ sớm rụng khỏi thân cây. Rồi ông chợt nảy ra một ý tưởng: ông sẽ nhờ chính Napoleon đại đế cứu lấy cái cây của mình.
Đối với Charney mà nói, đó là một việc làm khó khăn: cầu xin sự giúp đỡ từ người đàn ông mà ông căm ghét, người đã nhốt ông vào trong nhà tù này. Nhưng vì Picciola, ông sẽ làm điều đó.
Ông đã viết câu chuyện nhỏ của mình lên chiếc khăn tay. Sau đó, ông giao chiếc khăn cho một cô gái trẻ, người đã hứa sẽ mang nó đến cho Napoleon. Ôi, giá như cái cây tội nghiệp có thể sống thêm được vài ngày nữa.
Đó quả là một hành trình dài đối với cô gái trẻ, và là một cuộc chờ đợi đằng đẵng buồn rầu với Charney và Picciola. Tuy nhiên, cuối cùng thì tin vui cũng truyền đến nhà tù. Những viên đá sẽ được bốc đi. Picciola sẽ được cứu! Người vợ tốt bụng của hoàng đế đã nghe về câu chuyện của Charney và cái cây. Bà đã thấy chiếc khăn tay mà ông viết về vẻ đẹp của cái cây. “Chắc chắn rồi,” bà nói, “chẳng có ích gì cho chúng ta khi giam giữ một người đàn ông như vậy trong tù”.
Và thế là, Charney đã được trả tự do. Tất nhiên, ông không còn cảm thấy buồn bã và bất hạnh nữa. Ông đã nhận ra được cách mà Thượng đế chăm sóc cho mình và cái cây nhỏ, cũng như tấm lòng nhân hậu và chân thành của ngay cả những người đàn ông cứng rắn [nhất]. Ông coi Picciola như một người bạn thân thiết và yêu thương mà ông không bao giờ có thể quên được.
Đội ngũ Epoch Inspired đem đến đến những câu chuyện ca ngợi lòng tốt, truyền thống và tâm linh, cung cấp những hiểu biết có giá trị về cuộc sống, văn hóa, gia đình, cộng đồng và thiên nhiên.
Nhã Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: