Trí tuệ cổ xưa: Câu chuyện về khúc hát của người thợ giày
“Những câu chuyện về trí tuệ cổ xưa” nhắc nhở chúng ta về kho báu truyền thống và những giá trị đạo đức đã được gìn giữ khắp thế giới. Chúng tôi hy vọng những câu chuyện và thông điệp trong loạt bài này sẽ giúp sưởi ấm trái tim và tâm trí của độc giả.
“Khúc hát người thợ giày” là một câu chuyện cổ ngụ ý rằng tiền không phải lúc nào cũng mang lại hạnh phúc như người ta hằng mong muốn.
Câu chuyện này là một phần của bộ sưu tập đặc biệt dành cho trẻ em, gồm các câu chuyện bằng âm thanh và hình ảnh minh họa gốc được biên soạn và sản xuất vào năm 2012 thuộc chương trình “Những câu chuyện về trí tuệ cổ xưa” của Mạng phát thanh Sound of Hope.
Cùng đọc lại câu chuyện và lạc vào một thế giới khác!
Ngày xưa có một người thợ đóng giày nghèo khổ sinh sống tại một căn hầm trong một ngôi nhà rộng lớn ở Paris. Anh ấy đã phải làm việc rất vất vả từ sáng sớm cho tới tối khuya để trang trải cuộc sống cho bản thân và vợ con anh ấy. Nhưng trong căn phòng nhỏ tối tăm đó, anh ấy vẫn luôn yêu đời và không ngừng hát ca khi sửa lại những đôi giày cũ cho khách hàng.
Sống ở tầng trên là một người đàn ông rất giàu có. Các căn phòng của ông ta rộng rãi và ngập tràn ánh nắng. Ông chưng diện những bộ cánh lộng lẫy và thưởng thức những bữa tiệc xa hoa. Vậy mà ông chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc. Suốt đêm ông trằn trọc không ngủ được vì nghĩ đến tiền: làm thế nào để kiếm thêm, hay lo sợ ai đó lấy mất. Thường thì ông chỉ có thể chợp mắt khi mặt trời đã chiếu rọi bên cửa sổ.
Giờ đây khi trời tang tảng sáng, người thợ giày lại dậy sớm và đi làm như thường lệ. Hoà vào tiếng gõ của chiếc búa đóng giày là những khúc ca mà tiếng hát của anh đã bay tới căn phòng của người đàn ông giàu có khiến ông thức giấc.
Người đàn ông giàu có thốt lên: “Thật là khó chịu! Đêm mình đã mất ngủ vì lo cho đống tiền, giờ mình lại không ngủ được vào ban ngày chỉ vì giọng hát của tên thợ giày ngớ ngẩn kia. Chắc hẳn hắn ta không có gì phải lo nghĩ nhiều, nếu không hắn không thể hát nhiều đến thế. Mình phải nghĩ ra cách gì đó để ngăn hắn ta lại mới được.”
Vì vậy, người đàn ông giàu có bắt đầu ngồi xuống và tính toán. “Để xem nào”, ông ta tự nhủ: “Điều gì có thể làm con người bất an nhất nhỉ? Sao nào? Chỉ có thể là tiền thôi. Có người lo âu chỉ vì họ có rất ít tiền. Như tên thợ giày kia, hắn ta chắc chẳng có mấy tiền đâu mà vẫn không hề lo lắng. Hắn quả là người đàn ông hạnh phúc nhất mà mình từng biết.”
“Một số người thì lại lo lắng vì họ có quá nhiều tiền. Đó chính là vấn đề của mình. Không biết tên thợ giày kia có lo lắng không nếu hắn có nhiều tiền nhỉ? Giờ thì mình biết mình cần phải làm gì rồi.”
Một vài phút sau, người đàn ông giàu có bước vào ngôi nhà bần hàn của người thợ giày.
“Tôi có thể giúp được gì cho ngài?” người thợ giày thắc mắc vì sao một người đàn ông sang trọng như vậy lại ghé thăm không gian sửa chữa bé nhỏ của mình.
“À, ta có quà cho anh này”, người đàn ông giàu có vừa nói vừa đưa cho người đàn ông nghèo khổ một chiếc túi.
Người thợ giày mở túi ra và thấy trong đó chứa đầy các đồng tiền vàng lấp lánh. “Tôi không thể nhận số tiền này!” anh ta thốt lên “Xin ngài hãy nhận lại số tiền này vì tôi đâu có kiếm ra chúng.”
“Không!”, Người đàn ông giàu có trả lời “Anh kiếm được là nhờ các khúc hát của mình đó. Ta đưa nó cho anh vì anh là người đàn ông hạnh phúc nhất mà ta biết.” Sau đó, người đàn ông giàu có liền rời đi mà không cần đợi bất kỳ một lời cảm ơn nào từ phía anh thợ giày.
Người thợ giày đổ số tiền ra bàn và bắt đầu đếm. Khi đếm đến đồng vàng số 52, anh chợt nhìn lên và thấy một người đàn ông đi ngang qua cửa sổ. Anh vội vàng giấu số vàng dưới tạp dề và đi vào phòng ngủ rồi tiếp tục đếm để không ai có thể nhìn thấy. Nhìn đống vàng chất đầy trên giường mới thật sáng và lấp lánh làm sao. Chưa bao giờ anh có nhiều tiền đến vậy. Anh cứ ngắm đi ngắm lại số tiền cho đến khi trong mắt anh mọi thứ trong căn phòng đều lấp lánh ánh vàng. Rồi anh lại từ từ đếm chúng.
“Một trăm đồng vàng lận! Mình giàu thật rồi! Mình biết cất số vàng ở đâu cho an toàn đây?” Lúc đầu, anh ta tính giấu chúng dưới tấm ga trải ở phía cuối giường nơi anh có thể trông chừng từ phía bàn thợ. Sau đấy anh ta ngồi xuống và lại nhìn về phía số tiền: “Nhìn tấm ga cộm lên thế kia, ai đó sẽ nhận ra và lấy trộm mất. Có lẽ mình sẽ giấu nó dưới gối.”
Khi anh ta đang lúi húi giấu túi tiền dưới gối thì vợ anh bước vào phòng và hỏi: “Có chuyện gì với chiếc giường vậy anh?”. Người thợ giày giận dữ trừng mắt nhìn vợ và đuổi cô ra khỏi phòng với những lời lẽ cãi vã mà chưa bao giờ anh từng nói với cô trước đây.
Đến giờ ăn tối nhưng anh không nuốt nổi thìa nào. Anh rất sợ ai đó sẽ cướp mất gia tài của mình khi anh đang ngồi ăn. Lúc ăn khuya nhẹ, anh còn cảm thấy tệ hơn. Suốt ngày anh không mở miệng hát một câu nào. Anh cũng không nói với vợ dù một lời tử tế. Anh đi ngủ với tâm trạng muốn phát ốm vì lo âu và sợ hãi. Suốt đêm anh cứ lật gối lên để kiểm tra số vàng. Anh không dám đi ngủ vì sợ đến khi thức giấc số vàng đã không cánh mà bay.
Ngày lại ngày trôi đi và người thợ giày trông càng ủ rũ. Anh cứ lo lắng suốt ngày đêm về số tiền. Anh sợ không dám tin tưởng vợ. Anh cũng sợ không dám tin tưởng con. Anh cũng không còn vừa làm vừa hát, và cũng không nói gì ngoài những lời nói gắt gỏng, khó nghe. Trái tim của anh dường như trở nên khô cứng như những đồng tiền vàng.
Thế nhưng trên lầu, người đàn ông giàu có lại cảm thấy rất thích thú. “Quả là một kế hoạch hoàn hảo”, ông ta tự nhủ, “Giờ thì mình có thể ngủ cả ngày mà không bị tiếng hát của tên thợ giày đánh thức nữa.”
Người thợ giày cứ như thế bồn chồn bất an vì một trăm đồng vàng trong suốt một tháng. Anh ta trông gầy gò và xanh xao làm vợ con cũng buồn bã theo. Cuối cùng, anh ta không thể chịu nổi nữa liền gọi vợ và kể cho cô nghe toàn bộ câu chuyện.
“Anh yêu!”, cô nói, “Hãy trả lại số vàng ấy đi. Với em, tất cả tiền vàng trên thế giới này đều không giá trị bằng một khúc ca vui vẻ của anh trước kia.”
Người thợ giày cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi nghe những lời nói ấy từ cô. Anh liền nhặt túi tiền lên và chạy lên phòng của người đàn ông giàu có. Ném số vàng lên bàn, anh thốt lên “Đây, tiền của ngài đây. Hãy nhận lại chúng. Tôi vẫn có thể sống mà không cần số tiền của ngài, nhưng tôi không thể sống nếu thiếu các khúc hát của mình.”
Câu chuyện cổ “Khúc hát người thợ giày” được tái bản với sự cho phép của “Những câu chuyện cổ về trí tuệ – Sách bài tập dành cho học sinh” được xuất bản bởi Mạng phát thanh Sound of Hope, nơi đã sao chép câu chuyện từ “Truyện ngụ ngôn xa xưa” của Catherine T Bryce (Newson & Company , New York, 1910). Sách nói và hình ảnh minh họa do Mạng phát thanh Sound of Hope cung cấp. Bản quyền © 2012. Đã đăng ký bản quyền.
Thành Trang biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times