Trả đũa về vấn đề Tân Cương, Trung Quốc trừng phạt bốn quan chức Hoa Kỳ
Chế độ cộng sản ở Trung Quốc đang áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với bốn quan chức phụ trách tự do tôn giáo của Hoa Kỳ, để đáp lại nỗ lực của Hoa Thịnh Đốn nhằm gây áp lực lên Bắc Kinh về các hành vi vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.
Hôm 21/12, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) cho biết, các lệnh trừng phạt này sẽ nhắm vào Chủ tịch Nadine Maenza, Phó Chủ tịch Nury Turkel, và hai ủy viên của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF).
Theo ông Triệu, các biện pháp này sẽ ngăn họ đến Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, và Macau cũng như phong tỏa mọi tài sản bên trong Trung Quốc mà những cá nhân này sở hữu. Ông cũng lưu ý rằng các biện pháp trừng phạt này là “các biện pháp đáp trả” nhằm vào các lệnh trừng phạt mới đây của Hoa Kỳ, được áp đặt theo luật trừng phạt chống ngoại quốc của Trung Quốc.
Hoa Kỳ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt hôm 10/12 đối với một công ty Trung Quốc cùng bốn quan chức đương nhiệm và tiền nhiệm có liên quan đến việc nhà cầm quyền này áp bức người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi Giáo khác ở vùng viễn tây Tân Cương. Tuần trước, Hoa Kỳ cũng đưa hàng chục tổ chức của Trung Quốc vào danh sách đen vì đã tiếp tay cho sự lạm dụng của Bắc Kinh trong khu vực hoặc thúc đẩy quân đội của nhà cầm quyền này phát triển.
Hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi Giáo khác đã bị giam giữ trong các trại giam ở Tân Cương, nơi họ bị cưỡng bức triệt sản, tra tấn, tuyên truyền nhồi nhét chính trị, và cưỡng bức lao động. Hoa Kỳ và các nền dân chủ phương Tây khác đã gán nhãn các hành động của Bắc Kinh trong khu vực này là một tội ác diệt chủng.
Ông Triệu phủ nhận các cáo buộc lạm dụng trên và bày tỏ “sự phản đối và lên án mạnh mẽ” các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ tại cuộc họp báo hôm 21/12 ở Bắc Kinh. Ông cáo buộc Hoa Thịnh Đốn “can thiệp vào các vấn đề của Tân Cương và công việc nội bộ của Trung Quốc” và đe dọa sẽ trả đũa.
Ông Triệu nói: “Trung Quốc sẽ có những phản ứng tiếp theo tùy vào diễn biến của tình hình.”
Trong một tuyên bố hôm 21/12, USCIRF đã lên án mạnh mẽ các lệnh trừng phạt này.
Bà Maenza cho biết tổ chức này “không hề ngạc nhiên” khi bị đưa vào “các lệnh trừng phạt vô căn cứ” do chính quyền Trung Quốc áp đặt.
“Như chúng tôi đã nói trước đây — USCIRF sẽ không bị bịt miệng,” bà nói. “Chính quyền Trung Quốc cần chấm dứt cuộc đàn áp dẫn đầu bởi nhà nước đối với người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, người theo đạo Cơ Đốc, các học viên Pháp Luân Công, và những người khác, thay vì thi hành các biện pháp trừng phạt sai lầm.”
Vốn dĩ đã có ba ủy viên đương nhiệm hoặc tiền nhiệm của USCIRF bị nhà cầm quyền này chĩa mũi nhọn vào trong các biện pháp trừng phạt ăn miếng trả miếng. Mục tiêu gần đây nhất là cựu ủy viên của ủy ban, ông Johnnie Moore, người đã bị đưa vào danh sách đen này vào ngày 26/05, vài ngày sau khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố các biện pháp trừng phạt đối với một quan chức Trung Quốc vì vai trò của ông này trong việc đàn áp các học viên của môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công.
Lệnh trừng phạt hôm 21/12 từ Bắc Kinh được đưa ra trong bối cảnh áp lực leo thang từ Hoa Thịnh Đốn và các đồng minh về cuộc đàn áp của nhà cầm quyền này ở Tân Cương. Hoa Kỳ, Anh Quốc, Canada, và Úc đã tuyên bố tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội Mùa Đông 2022 của Bắc Kinh.
Hôm 16/12 vừa qua, Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua luật để cấm tất cả hàng nhập cảng từ Tân Cương vì lo ngại vấn đề lao động cưỡng bức, cũng đã được Hạ viện thông qua vài ngày trước đó. Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức Người Duy Ngô Nhĩ giờ đang thẳng tiến tới Hoa Thịnh Đốn; Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố rằng ông ấy sẽ ký dự luật này thành luật.
Cô Dorothy Li là phóng viên của The Epoch Times tại Âu Châu.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: