Tổng thống Biden sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại San Francisco vào tuần tới
Tại cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC, chính phủ Tổng thống Biden hy vọng có thể bảo đảm với Trung Quốc rằng Hoa Kỳ không tìm kiếm xung đột.
Tổng thống (TT) Joe Biden sẽ gặp lãnh đạo cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình vào tuần tới (13/11-19/11) trong một nỗ lực nhằm ổn định mối bang giao căng thẳng giữa hai quốc gia.
Theo các quan chức chính phủ cao cấp, hai nguyên thủ quốc gia này sẽ thảo luận về nhiều vấn đề có thể gây căng thẳng, trong đó có việc Trung Quốc can thiệp vào các cuộc bầu cử, việc chính quyền nước này ngày càng giúp đỡ nhiều hơn cho Nga và Iran, cũng như tương lai của Đài Loan.
Một quan chức cho biết trong một cuộc họp báo trước sự kiện này, “Chúng tôi đã nói rõ với những người đối thoại Trung Quốc rằng về cơ bản mọi yếu tố trong mối bang giao song phương của chúng tôi sẽ được đưa ra thảo luận.”
“Tôi nghĩ phải thẳng thắn nói rằng chúng tôi sẽ đề cập đến toàn bộ các chủ đề có khả năng gây tranh cãi.”
Cuộc họp sẽ diễn ra hôm 15/11 tại khu vực Vịnh San Francisco. Đây sẽ là cuộc gặp trực tiếp thứ hai giữa hai nhà lãnh đạo này dưới thời chính phủ TT Biden.
Chính phủ TT Biden hy vọng có thể bảo đảm với Trung Quốc rằng Hoa Kỳ không tìm kiếm xung đột mặc dù ngày càng có nhiều sáng kiến nhằm bảo vệ nền kinh tế Hoa Kỳ khỏi ảnh hưởng xấu của cường quốc cộng sản.
“Chúng tôi thấy rất rõ ràng về điều này,” một quan chức cho biết. “Chúng tôi biết những nỗ lực định hình hoặc cải tổ Trung Quốc trong nhiều thập niên qua đã thất bại. Chúng tôi cho rằng ngoại giao là cách chúng ta làm sáng tỏ những hiểu lầm, báo hiệu, giao tiếp, tránh những điều bất ngờ, và giải thích các bước cạnh tranh của mình.”
“Chúng ta đang cạnh tranh với Trung Quốc. Nhưng chúng ta không tìm kiếm xung đột, đối đầu, hay một cuộc Chiến Tranh Lạnh mới.”
Tổng thống Biden sẽ ‘tái khẳng định’ với ông Tập về Đài Loan
Một vấn đề then chốt — và có lẽ là vấn đề duy nhất có thể buộc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới gây chiến với nhau — là tương lai của Đài Loan.
Vấn đề Đài Loan trở nên đặc biệt quan trọng đối với hai cường quốc hiện nay, khi Đài Loan bước vào một năm bầu cử và có thể lựa chọn một chính phủ thân thiết với Trung Quốc hơn Hoa Kỳ.
“Trong mọi cuộc trò chuyện, chúng tôi chắc chắn sẽ đề cập đến các vấn đề xuyên eo biển. Nếu chúng ta nhìn về năm tới, thì cuộc bầu cử ở Đài Loan, quá trình chuyển giao chức tổng thống và tất nhiên là cuộc bầu cử của chính chúng ta [có thể] khiến năm sau trở thành một năm có khá nhiều biến động,” một quan chức cho biết.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) — đang điều hành Trung Quốc như một quốc gia độc đảng — tuyên bố rằng Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, nhà cầm quyền này chưa bao giờ kiểm soát hòn đảo này, vốn được tự quản với chính phủ riêng của họ và duy trì một nền kinh tế thị trường với các mối bang giao quốc tế mạnh mẽ.
Trong những năm gần đây, ĐCSTQ đã phát động một chiến dịch đe dọa quân sự ngày càng tăng vào hòn đảo này. Họ đã điều động các tàu quân sự và chiến hạm đến kiểm tra phản ứng của Đài Loan và thậm chí phóng hỏa tiễn qua hòn đảo này.
Về phần mình, Hoa Kỳ duy trì một chính sách “Một Trung Quốc,” tức là chỉ duy trì quan hệ chính thức với ĐCSTQ nhưng bị các thỏa thuận pháp lý ràng buộc phải cung cấp cho Đài Loan những vũ khí cần thiết để duy trì khả năng tự vệ, trong đó có khả năng tự vệ trước Trung Quốc.
Các quan chức chính phủ cho biết TT Biden sẽ cố gắng xoa dịu nỗi bất an của ông Tập bằng cách trấn an nhà lãnh đạo cộng sản này rằng Hoa Kỳ không ủng hộ nền độc lập của Đài Loan.
Một quan chức cho biết, “Chúng tôi không ủng hộ nền độc lập của Đài Loan. Đó là chính sách lâu dài của chúng tôi. Và bước vào cuộc bầu cử này, tôi nghĩ đó tất nhiên sẽ là một vấn đề mà chúng tôi sẽ cố gắng tái khẳng định.”
“Tất nhiên, mục tiêu của chúng tôi khi tham gia các cuộc họp sẽ là tái khẳng định chính sách Một Trung Quốc của Hoa Kỳ, trọng tâm của chúng tôi là duy trì hiện trạng, trọng tâm của chúng tôi là bảo đảm hòa bình và ổn định, nói rõ với người Trung Quốc rằng bất kỳ hành động hoặc sự can thiệp nào vào cuộc bầu cử sẽ gây ra những lo ngại vô cùng mạnh mẽ từ phía chúng tôi.”
Các quan chức nói thêm rằng chính phủ vẫn “khá lo ngại” trước các hoạt động quân sự của ĐCSTQ xung quanh Đài Loan mà họ cho là “chưa từng có,” “nguy hiểm,” và “khiêu khích.”
Hoa Kỳ tìm cách ‘ổn định’ mối bang giao với Trung Quốc
Những lo ngại về địa chính trị toàn cầu cũng sẽ xuất hiện nhiều trong các cuộc thảo luận với Hoa Kỳ nhằm tìm cách hạn chế sự giúp đỡ ngày càng tăng của ĐCSTQ đối với Iran, Bắc Hàn, và Nga.
Tổng thống Biden đã tiến hành xây dựng một liên minh khu vực hiệu quả ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với hy vọng gây áp lực buộc ĐCSTQ rời xa các mối quan hệ như vậy và ngăn chặn xung đột trong khu vực.
Để đạt được mục tiêu đó, tổng thống đã tham gia một loạt cuộc họp cao cấp trong năm qua với các nhà lãnh đạo từ Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Philippines, và Nam Hàn.
Các quan chức cho biết, giờ đây, TT Biden hy vọng sẽ xoa dịu mối bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc theo hướng có lợi cho các đồng minh của quốc gia.
Một quan chức cho biết: “Chúng tôi đang tìm cách ổn định mối bang giao nhằm trợ giúp các đối tác và liên minh của chúng tôi cũng như trợ giúp người dân Mỹ.”
“Cách tiếp cận của chúng tôi là ổn định và nhất quán. Chúng tôi sẽ không lùi bước trước lợi ích và giá trị của mình. Chúng tôi đang tiến về phía trước.”
Một phần quan trọng của nỗ lực đó sẽ là thiết lập lại các cuộc liên lạc quân sự giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, điều mà chế độ ĐCSTQ đã cắt đứt hơn hai năm trước.
Một quan chức cho biết: “Tổng thống đã quyết tâm thực hiện các bước cần thiết để khôi phục những gì chúng tôi tin là các cuộc liên lạc thiết yếu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về mặt quân sự.”
“Khi chúng ta nói về việc quản lý rủi ro, về việc tránh xung đột, thì đây chính xác là kiểu liên lạc mà chúng ta cần có ở cấp cao của quân đội cả hai nước cũng như giữa các nhà điều hành.”
Các quan chức cho biết, nhìn chung, chính phủ TT Biden tin rằng họ có vị thế tốt để tiến hành các cuộc đàm phán với Trung Quốc và cuộc gặp sẽ mở ra cơ hội cho các cuộc đối thoại sâu sắc hơn giữa hai cường quốc về một số vấn đề chính.
“Chúng tôi ủng hộ việc quản lý cuộc cạnh tranh một cách có trách nhiệm. Bước vào cuộc họp sắp tới, chúng tôi sẽ tự tin với cách tiếp cận tổng thể và quan điểm của chúng tôi,” một quan chức cho biết.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times