Tổng thống Biden ký sắc lệnh cấm đầu tư ngoại quốc vào công nghệ của Hoa Kỳ
Hôm thứ Năm (15/09), Tổng thống (TT) Joe Biden đã ký một sắc lệnh nhằm tăng cường khả năng của một ban điều hành trong việc giám sát đầu tư ngoại quốc vào các lĩnh vực được coi là sống còn đối với nền kinh tế Hoa Kỳ.
Mặc dù sắc lệnh này không trực tiếp đề cập đến chính quyền Trung Quốc, nhưng nó được đưa ra trong bối cảnh giới chức Hoa Kỳ ngày càng lo ngại về các khoản đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực công nghệ của Mỹ và các ngành công nghiệp khác. Lệnh này yêu cầu Ủy ban liên bang về Đầu tư Ngoại quốc tại Hoa Kỳ (CFIUS) xem xét các trường hợp liên quan đến “vi điện tử, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, và sản xuất sinh học, điện toán lượng tử, năng lượng sạch tiên tiến, và các công nghệ thích ứng với khí hậu.”
Nhóm liên ngành của CFIUS có nhiệm vụ xem xét các thương vụ và sáp nhập liên quan đến các cá nhân và tổ chức ngoại quốc. Ủy ban này sẽ gửi các phát hiện của mình và một khuyến nghị cho tổng thống, người có quyền đình chỉ hoặc cấm một giao dịch.
Ủy ban nói trên, được gọi là CFIUS, do Bộ trưởng Ngân khố lãnh đạo, bao gồm các thành viên của các bộ Ngoại giao, Quốc phòng, Tư pháp, Thương mại, Năng lượng, và An ninh Nội địa.
Sắc lệnh nêu rõ: “Mặc dù trong nhiều trường hợp, các khoản đầu tư ngoại quốc có thể giúp thúc đẩy sự đổi mới trong nước, nhưng điều quan trọng là phải bảo vệ vị trí dẫn đầu về công nghệ của Hoa Kỳ, đặc biệt khi các khoản đầu tư ngoại quốc liên quan đến các lĩnh vực trọng yếu đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.”
Sắc lệnh này chỉ thị CFIUS đánh giá liệu một khoản đầu tư hoặc bán ra ngoại quốc có thể ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của các chuỗi cung ứng chủ chốt của Hoa Kỳ và tác động mà việc đó có thể có đối với sự dẫn đầu về công nghệ của Hoa Kỳ trong các lĩnh vực ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Hoa Kỳ và các xu hướng đầu tư rộng lớn hơn hay không.
Rủi ro dữ liệu
Và Ủy ban này cũng sẽ có nhiệm vụ xem xét các thương vụ mua lại của các công ty ngoại quốc do lo ngại rằng một nhà đầu tư có thể giành quyền kiểm soát đối với một lĩnh vực công nghệ nhất định hoặc liệu các khoản đầu tư có thể gây ra rủi ro an ninh mạng hay không.
“Dữ liệu là một công cụ ngày càng mạnh mẽ để giám sát, truy tìm, theo dõi, và nhắm mục tiêu các cá nhân hoặc nhóm cá nhân, có khả năng tác động tiêu cực đến an ninh quốc gia,” lệnh cho biết, Ủy ban này hiện phải “xem xét liệu một giao dịch thuộc thẩm quyền của CFIUS liên quan đến một doanh nghiệp Hoa Kỳ có quyền truy cập vào dữ liệu nhạy cảm của cá nhân Hoa Kỳ hay không và liệu nhà đầu tư ngoại quốc, hoặc các bên mà nhà đầu tư ngoại quốc có kết nối, đã tìm kiếm hoặc có khả năng khai thác thông tin đó hay không.”
Trong những năm gần đây, các nhà lập pháp bày tỏ lo ngại rằng các công ty Trung Quốc đã khai thác các lĩnh vực trong luật pháp Hoa Kỳ để tiếp cận công nghệ nhạy cảm hoặc đánh cắp tài sản trí tuệ.
Theo một báo cáo năm 2017 của Hội đồng Quan hệ Ngoại giao, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đổ hàng tỷ dollar vào lĩnh vực công nghệ của Mỹ. Báo cáo cho thấy, trong năm 2010, các cá nhân Trung Quốc đã đầu tư khoảng 5 tỷ USD, nhưng con số đó đã tăng vọt lên hơn 180 tỷ USD vào năm 2016.
Và một báo cáo thường niên của Bộ Ngân khố được công bố hồi tháng Tám cho thấy các nhà đầu tư Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi số lượng đơn mà họ nộp vào năm 2021 để chính phủ Hoa Kỳ thông qua các đề nghị giao dịch.
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times