Tổng thống Biden không chất vấn ông Tập Cận Bình về vấn đề Miến Điện
Vấn đề Miến Điện trong nghị trình của các cuộc họp ASEAN và APEC
Tổng thống Joe Biden đã gặp lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo Á Châu tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN nhưng đã không chất vấn ông Tập về vấn đề Miến Điện (thường được gọi là Myanmar), nơi đang xảy ra cuộc chiến do Trung Quốc tài trợ nhằm vào các thiểu số tôn giáo và sắc tộc.
Cuộc chiến ở Miến Điện là một trong những vấn đề chính được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), được tổ chức vào từ ngày 10/11 đến ngày 13/11. Đây là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du Á Châu của Tổng thống Biden.
Mặc dù Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu đã lên án cuộc chiến ở Miến Điện và đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với những nhà lãnh đạo này, nhưng Trung Quốc và Nga vẫn tiếp tục giao thương với Miến Điện và cung cấp vũ khí cho nước này. Đáng buồn thay, Tổng thống Biden đã không chất vấn ông Tập về vai trò của Trung Quốc trong cuộc chiến này. Vấn đề Miến Điện cũng là một mục chính trong nghị trình tại hội nghị thượng đỉnh APEC, mà ông Biden đã không tham dự, mang đến cho ông Tập một cơ hội quá thuận lợi để thúc đẩy quan hệ công chúng.
Cuộc chiến chống lại các nhóm thiểu số sắc tộc và tôn giáo ở Miến Điện đã diễn ra từ năm 1948 khi Liên minh Quốc gia Karen — một trong những nhóm sắc tộc lớn nhất và là một trong những đội quân giành độc lập đầu tiên — đòi hỏi được hưởng các quyền mà họ đã được hứa hẹn vào thời điểm Miến Điện giành độc lập khỏi Anh Quốc. Kể từ đó, giao tranh vẫn tiếp diễn ở nhiều mức độ và giữa các phe phái sắc tộc và tôn giáo khi họ phải chịu sự đàn áp của các chính quyền quân sự kế tiếp nhau. Trong những năm qua, những người theo chủ nghĩa cộng sản, tín đồ Phật Giáo, Cơ Đốc Giáo, Tin Lành, và Hồi Giáo đã trang bị vũ khí chống lại lực lượng quân đội nhà nước, được gọi là Tatmadaw.
Toàn bộ 134 nhóm thiểu số sắc tộc của Miến Điện đều bị đàn áp. Nhiều nhóm đã thành lập quân đội kháng chiến và tham chiến, bao gồm Quân đội Karenni (năm 1949), Quân đội Quốc gia Pa-O (năm 1949), Quân đội Quốc gia Mon (1958), Quân đội Độc lập Kachin (năm 1961), Quân đội Giải phóng Arakan (năm 1968), Quân đội Quốc gia Wa (năm 1969), Quân đội tiểu bang Bắc Shan (năm 1971), Hội đồng Xã hội Chủ nghĩa Quốc gia Nagaland (năm 1980), Tổ chức Đoàn kết Rohingya (năm 1982), Mặt trận Dân chủ Toàn bộ Sinh viên Miến Điện (năm 1988), Quân đội Quốc gia Trung Quốc (năm 1988), và các lực lượng khác.
Năm 2021, một cuộc đảo chính quân sự đã lật đổ chính phủ được bầu một cách dân chủ của bà Aung San Suu Kyi, khiến ít nhất 2,400 thường dân thiệt mạng và hơn 1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Rất nhiều người bị buộc phải di tản trong nước, trong khi hàng chục ngàn người phải rời bỏ đất nước.
Năm 2021, đã có nhiều tin tức về các cuộc không kích quân sự, pháo kích, và đốt phá nhằm vào thường dân ở các khu vực của các nhóm sắc tộc tại các tiểu bang Kayah, Kayin, Kachin, và Chin. Người dân thường xuyên bị cưỡng bức tình dục, tra tấn, và sử dụng làm lá chắn sống. Tại thị trấn Thantlang, quân đội đã thiêu rụi ít nhất 160 ngôi nhà và bốn nhà thờ. Ở phía nam tiểu bang Shan, quân đội đã tiến hành một cuộc tấn công khiến 55 thường dân thiệt mạng, và một số nhà thờ đã bị phá hủy. Tại tiểu bang Kayah, 35 thường dân đã bị sát hại, trong đó có bốn trẻ em và hai nhân viên nhân đạo của Tổ chức Save The Children. Ở tiểu bang Kayah, các nhà thờ Công giáo đã trở thành mục tiêu, một nhân viên cứu trợ người Công giáo đã bị bắn thiệt mạng.
Tình hình năm nay cũng không khá hơn. Hồi tháng Mười, trong một ngày giao tranh đẫm máu nhất, ít nhất 80 người, chủ yếu là thường dân thuộc nhóm sắc tộc Kachin, đã thiệt mạng trong một cuộc không kích. Hôm 03/11, một chủng viện Baptist ở tiểu bang Kachin đã bị quân đội tấn công và bốn chủng sinh bị thương. Ngày hôm sau, 80 người Hồi giáo Rohingya đang muốn chạy thoát khỏi điều mà Ngoại trưởng Antony Blinken gọi là là cuộc diệt chủng đã bị bắt giữ khi họ định lên một con thuyền đến Malaysia.
Hoa Kỳ và EU đã áp các lệnh trừng phạt đối với Miến Điện. Tuy nhiên, Trung Quốc tiếp tục tài trợ cho chế độ này bằng việc mua các mặt hàng xuất cảng như khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). ĐCSTQ đang tiến hành đầu tư vào LNG, cảng biển, và sản xuất năng lượng. Nga sử dụng cuộc xung đột này để tránh các biện pháp trừng phạt từ cuộc xâm lược Ukraine bằng cách bán khí đốt và dầu mỏ cho Miến Điện. Cả Trung Quốc và Nga đều đang bán vũ khí cho chế độ này. Lực lượng Tatmadaw hiện đang sử dụng phi cơ do Nga và Trung Quốc chế tạo để [tiến hành các cuộc không kích] khiến thường dân thiệt mạng.
Ngoài các vấn đề nhân quyền rõ ràng liên quan đến việc Trung Quốc ủng hộ các tướng lĩnh Miến Điện, Hoa Kỳ và Ấn Độ có lợi ích chiến lược thực sự trong việc kiềm chế sự can dự của ĐCSTQ vào Miến Điện. Đa phần đầu tư của Trung Quốc vào Miến Điện nằm trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), được gọi là Hành lang Kinh tế Miến Điện (CMEC). Điểm cuối cùng của hành lang này là một cảng biển cho phép Trung Quốc tiếp cận Ấn Độ Dương.
Hôm 21/10, Đô đốc về hưu Gary Roughead, cũng là một cựu chỉ huy các hoạt động hải quân của Hoa Kỳ, nói rằng nhóm an ninh Bộ tứ (Quad) — bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, và Ấn Độ — nên duy trì một lực lượng hàng hải thường trực trong khu vực Ấn Độ Dương. Hôm 10/11, khi hải quân Ấn Độ đang chuẩn bị thử hỏa tiễn đạn đạo trong vùng đặc quyền kinh tế Ấn Độ, một tàu do thám Trung Quốc đã bị phát hiện trong khu vực này. Với các khoản đầu tư lớn vào Sri Lanka, Trung Quốc đã có một căn cứ tiềm năng cho các hoạt động [quân sự] trong khu vực. Miến Điện cung cấp cho chính quyền Trung Quốc thêm một điểm tiếp cận nữa, làm tăng thêm mối đe dọa an ninh đối với khu vực này.
Thiên Thư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times