Tổng thống Biden đến Campuchia để thúc đẩy sự can dự của Hoa Kỳ trong khu vực
Hôm thứ Bảy (12/11), Tổng thống (TT) Joe Biden đã đến Campuchia để gặp gỡ các nhà lãnh đạo của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với mục đích thúc đẩy hơn nữa sự can dự của Hoa Kỳ trong khu vực này.
Trước tiên, ông Biden sẽ gặp Thủ tướng Campuchia Hun Sen, nước đăng cai hội nghị thượng đỉnh khu vực, trước khi tham dự hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN tại Phnom Penh. Ông cũng sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh Đông Á vào Chủ Nhật này (14/11).
On 12 November 2022, H.E. #JoeBiden, President of the United States of America, arrives in Cambodia this morning to attend the 40th and 41st ASEAN Summits and Related Summits in #PhnomPenh pic.twitter.com/K5CuedmpLG
— PM's Office of Cambodia 🇰🇭 (@peacepalace_kh) November 12, 2022
Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan nói rằng ông Biden đã dành hai năm còn lại trong nhiệm kỳ tổng thống của mình để “tăng cường sự can dự của chúng tôi trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” thông qua các sáng kiến như Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và liên kết đối tác an ninh AUKUS.
“Và ông muốn có thể sử dụng 36 giờ tới để xây dựng nền tảng đó nhằm thúc đẩy hơn nữa sự can dự của Hoa Kỳ và cũng để đưa ra một loạt sáng kiến cụ thể, thiết thực,” ông nói với các phóng viên, theo Tòa Bạch Ốc.
Ông Sullivan nói rằng ông Biden sẽ thảo luận với các nhà lãnh đạo ASEAN các sáng kiến mới về hợp tác hàng hải, kết nối kỹ thuật số, đầu tư kinh tế, và một loạt các vấn đề khác, bao gồm tự do hàng hải.
Ông có kế hoạch tiến hành một nỗ lực trong lĩnh vực hàng hải, vốn tập trung vào việc sử dụng tần số vô tuyến từ các vệ tinh thương mại để theo dõi tốt hơn hoạt động vận chuyển chui và đánh bắt bất hợp pháp cũng như nâng cao năng lực ứng phó với thảm họa của các quốc gia.
Ông Sullivan nói, “Tổng thống cũng rất chú trọng vào việc bảo đảm rằng chúng tôi duy trì một tư thế hiện diện quân sự ở ngoại quốc trong cách tiếp cận quốc phòng của chúng tôi đối với khu vực này.”
Một chủ đề khác mà ông Biden sẽ nêu ra là Miến Điện, còn được gọi là Myanmar, nơi chính quyền quân sự đã lật đổ chính phủ cầm quyền hồi tháng 02/2021. Ông sẽ thảo luận với các nhà lãnh đạo ASEAN về cách họ có thể phối hợp chặt chẽ hơn để tiếp tục áp đặt những biện pháp trừng phạt và gây áp lực lên chính quyền quân sự này.
Cuộc gặp ba bên với Nhật Bản, Nam Hàn
Trong thời gian ở Phnom Penh, ông Biden sẽ tổ chức một cuộc hội đàm ba bên với các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Nam Hàn để thảo luận về “các vấn đề an ninh rộng lớn hơn trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” cũng như các mối đe dọa do các chương trình hỏa tiễn và hạt nhân mà Bắc Hàn gây ra.
“Những gì chúng tôi thực sự muốn thấy là tăng cường hợp tác an ninh ba bên, trong đó ba quốc gia xích lại gần nhau — làm sao để tam giác đó sẽ ngày càng nhỏ hơn, nhỏ hơn nữa — giữa Nhật Bản, Đại Hàn Dân Quốc, và Hoa Kỳ,” ông Sullivan nói, sử dụng tên chính thức của Nam Hàn là Đại Hàn Dân Quốc (ROK).
Những nỗ lực của ông Biden tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN nhằm đặt nền móng trước cuộc gặp rất được mong đợi của ông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình — cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden với một nhà lãnh đạo mà Hoa Kỳ hiện xem là quốc gia đối địch có tiềm lực kinh tế và quân sự mạnh nhất.
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times