Indonesia phê chuẩn kế hoạch xây dựng mỏ khí đốt ngoài khơi trong vùng Biển Đông tranh chấp
Hôm 02/01, Indonesia đã phê chuẩn kế hoạch ban đầu nhằm xây dựng mỏ khí đốt ngoài khơi Tuna gần hải giới của nước này với Việt Nam nằm trong vùng Biển Đông đang tranh chấp. Khí đốt tự nhiên từ này dự kiến sẽ được xuất cảng sang Việt Nam vào năm 2026.
SKK Migas, cơ quan quản lý dầu khí thượng nguồn của Indonesia, cho biết mỏ Tuna sẽ được phát triển với tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 3.07 tỷ USD, và dự kiến sẽ đạt sản lượng khai thác ít nhất 115 triệu feet khối tiêu chuẩn mỗi ngày vào năm 2027.
Tháng trước, Bộ trưởng Năng lượng Indonesia Arifin Tasrif cho biết khí đốt tự nhiên từ mỏ này, do hãng Harbor Energy vận hành, sẽ được xuất cảng sang Việt Nam bắt đầu từ năm 2026 ở mức từ 100 đến 150 triệu feet khối tiêu chuẩn mỗi ngày.
Hôm thứ Hai (02/01), ông Dwi Soetjipto, chủ tịch của SKK Migas, cho biết dự án này sẽ nhấn mạnh các quyền hàng hải của Indonesia trong vùng Biển Đông tranh chấp đồng thời mang lại lợi ích kinh tế cho nước này.
Ông Dwi nói: “Sẽ có hoạt động ở vùng ranh giới nơi là một trong những điểm nóng địa chính trị của thế giới.”
Ông nói thêm: “Hải quân Indonesia cũng sẽ tham gia bảo vệ dự án dầu khí thượng nguồn này để cho dự án này trở thành một sự khẳng định chủ quyền của Indonesia về mặt kinh tế và chính trị.”
Mỏ dầu Tuna, với trữ lượng tương đương khoảng 100 triệu thùng dầu, đã được Harbour Energy phát hiện gần Cụm mỏ khí Ngoài khơi Quần đảo Natuna hồi tháng 04/2014.
Indonesia xem vùng biển xung quanh quần đảo Natuna là thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này. Tuy nhiên, yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông đã ảnh hưởng đến các hoạt động năng lượng của Indonesia gần quần đảo này.
Căng thẳng giữa Indonesia và Trung Quốc
Căng thẳng giữa Indonesia và Trung Quốc về vùng biển tranh chấp đã leo thang sau sự cố tàu đánh cá hồi năm 2016, thời điểm mà một tàu tuần tra của Indonesia chặn một tàu đánh cá Trung Quốc gần Natuna. Một tàu hải cảnh có vũ trang của Trung Quốc đã tiến vào vùng đặc quyền kinh tế này và giải thoát cho tàu đánh cá nói trên.
Năm 2020, các tàu quân sự và tàu cá giữa Trung Quốc và Indonesia xảy ra nhiều vụ xung đột hơn. Trong khi đó, Indonesia đã phàn nàn rằng các tàu nghiên cứu của Trung Quốc đã tăng cường quá cảnh qua vùng biển của Indonesia và nghi ngờ họ thả thiết bị bay không người lái để lập bản đồ đáy biển cho các mục đích tác chiến tàu ngầm.
Biển Đông là một tuyến đường thương mại toàn cầu với các ngư trường và trữ lượng năng lượng phong phú. Chính quyền Trung Quốc tuyên bố chủ quyền cho phần lớn Biển Đông dựa trên cái mà họ gọi là “đường chín đoạn,” bất chấp các tuyên bố tranh chấp chủ quyền từ Brunei, Indonesia, Đài Loan, Việt Nam, Malaysia, và Philippines.
Các quốc gia Đông Nam Á, được Hoa Kỳ và phần lớn các quốc gia còn lại trên thế giới ủng hộ, đã lập luận rằng các yêu sách chủ quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là thiếu cơ sở pháp lý, nhưng ĐCSTQ đã không đồng ý và tiếp tục xâm nhập vào vùng biển này.
Trong những năm gần đây, ĐCSTQ đã gia tăng gây hấn ở Biển Đông với các nước Đông Nam Á khác, trong đó có Việt Nam hồi năm 2019.
Bản tin có sự đóng góp của Alex Wu và Reuters
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times