Tổng thống Biden công bố kế hoạch mới nhằm giảm phát thải lượng khí methane vào năm 2030
Chính phủ Tổng thống (TT) Biden chuẩn bị công bố một kế hoạch đầy tham vọng mới mà sẽ giảm 30% lượng phát thải khí methane toàn cầu của thế giới vào năm 2030, bắt đầu từ các mỏ dầu khí.
Tòa Bạch Ốc cho biết trong một tuyên bố hôm 02/11 rằng Kế hoạch Hành động Giảm Phát thải Khí methane mới của Hoa Kỳ sẽ sử dụng “các quy định theo lẽ thường, khuyến khích tài chính xúc tác, tính minh bạch và tiết lộ dữ liệu hữu dụng, cũng như các quan hệ đối tác công và tư” để xác định và giảm phát thải lượng khí methane theo một cách hiệu quả về chi phí từ tất cả các nguồn chính.
Chính phủ cho biết điều này sẽ giúp “bảo vệ sức khỏe cộng đồng, thúc đẩy sự đổi mới của Hoa Kỳ trong các công nghệ mới,” và hỗ trợ tạo việc làm cho hàng chục nghìn người lao động lành nghề trên khắp Hoa Kỳ.
Cụ thể là, kế hoạch này sẽ đưa ra các quy định mới rằng “sẽ mở rộng và tăng cường đáng kể việc giảm phát thải khí methane đối với các cơ sở dầu khí mới” và sẽ yêu cầu các tiểu bang xây dựng kế hoạch giảm phát thải khí methane từ các nguồn hiện có trên toàn quốc, chính phủ ước tính gồm có khoảng 300,000 địa điểm có mỏ dầu khí.
Ngành công nghiệp dầu khí là nguồn phát thải khí methane công nghiệp lớn nhất ở Hoa Kỳ và chịu trách nhiệm cho khoảng 30% tổng lượng phát thải khí methane.
Tòa Bạch Ốc cho biết yêu cầu mới này sẽ giảm thiểu khoảng 75% lượng khí thải từ các nguồn đó.
Cơ quan Quản lý An toàn Đường ống và Vật liệu Độc hại của Bộ Giao thông Vận tải cũng đang thực hiện Đạo luật PIPES lưỡng đảng bằng cách nâng cấp và mở rộng các quy tắc về đường ống. Các quy tắc đó sẽ yêu cầu các nhà khai thác dầu khí cắt giảm việc rò rỉ và phát thải khí methane. Bộ Nội vụ (DOI) cũng sẽ giải quyết việc thải và đốt khí methane từ các hoạt động khai thác dầu khí và đóng cửa mỏ dầu khí trên các vùng đất và vùng biển công.
Phát thải khí methane ở bãi rác thải, vốn là nguồn khí methane công nghiệp lớn thứ hai ở Hoa Kỳ, cũng sẽ được giảm bớt như một phần của kế hoạch và Cơ quan Bảo vệ Môi trường sẽ “đưa ra một sáng kiến để giảm thiểu việc thất thoát và lãng phí thực phẩm vốn đóng vai trò chính trong việc phát thải khí methane ở bãi rác thải”, Tòa Bạch Ốc cho biết.
Trong khi đó, DOI sẽ khởi động một “chương trình táo bạo” để lấp lại hàng trăm nghìn mỏ dầu khí bị bỏ hoang, trong đó có nhiều mỏ vẫn đang thải khí methane, mà chính phủ cho biết việc này sẽ tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người lao động nghiệp đoàn hơn trên khắp cả nước.
Tổng thống Joe Biden tiết lộ kế hoạch mới trùng với ngày thứ hai của hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26, còn được gọi là Hội nghị Các bên 26, ở Glasgow, Scotland.
Các nhà lãnh đạo, trong đó có Tổng thống Joko Widodo của Indonesia, Tổng thống Ivan Duque của Colombia, và Tổng thống Cộng hòa Dân chủ Congo Felix Tshisekedi, hiện đang tham dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu để thảo luận về các vấn đề chính liên quan đến việc ấm lên toàn cầu và đặt ra các mục tiêu giảm phát thải mới.
Ông Biden đã đặt mục tiêu cắt giảm hơn 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 nhưng đang gặp khó khăn trong việc có được sự chấp thuận của Quốc hội đối với gói chi tiêu xã hội-khí hậu trị giá 1.75 nghìn tỷ USD của mình.
Quản trị viên Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ Michael Regan nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn về kế hoạch này rằng, “Thời điểm của kế hoạch này là rất quan trọng. Khi chúng ta nói chuyện, ngay lúc này các nhà lãnh đạo thế giới đang tụ họp tại Glasgow và họ đang trông chờ sự lãnh đạo thực sự của Hoa Kỳ. Đề xuất này là hoàn toàn táo bạo, quyết đoán, và toàn diện.”
Trong khi nhiều người ủng hộ nỗ lực đầy tham vọng của ông Biden đối với năng lượng xanh, thì tổng thống cũng phải đối mặt với những lời chỉ trích từ những người làm việc trong ngành dầu khí.
Tháng trước (10/2021), ông Jerry Simmons, chủ tịch của Liên minh các Nhà sản xuất Năng lượng Trong nước (DEPA) cho biết các chính sách của ông Biden đang cản trở không cho các công ty dầu khí của Hoa Kỳ sản xuất các mặt hàng năng lượng, khiến giá cả tăng cao, từ đó dẫn đến việc người tiêu dùng phải trả nhiều tiền hơn.
DEPA là sự hợp tác trên toàn quốc của 39 hiệp hội liên minh đại diện cho các cá nhân và công ty tham gia vào hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí tự nhiên trên đất liền ở trong nước.
Ông Simmons lưu ý rằng trong ngày đầu tiên nhậm chức, ông Biden đã huỷ bỏ hợp đồng đường ống dẫn dầu Keystone XL, một đường ống dài 1,700 dặm được thiết kế để vận chuyển khoảng 800,000 thùng dầu mỗi ngày từ Alberta đến Bờ Vịnh Texas, đi qua Montana, South Dakota, Nebraska, Kansas, và Oklahoma.
Ông nói, “Họ khuyến khích ngành ngân hàng không cho bên dầu khí và nhiên liệu hóa thạch vay vốn, các công ty than cũng bị như vậy. Vì vậy mà trong năm nay, khả năng tiếp cận vốn của chúng tôi không còn, và tình hình trở nên rất khó khăn… chính một loạt những điều đã xảy ra khiến cho các loại giá cả tăng lên.”
Ông Simmons nói tiếp, “Cái ý tưởng rằng quý vị có một chính phủ liên bang đã nói họ muốn loại bỏ dầu, xăng, và than vào năm 2050 khiến mọi người rất khó nghĩ về nó như một nguồn tài nguyên trong tương lai.”
Chủ tịch DEPA nói thêm rằng, “Chính phủ TT Biden đã làm tất cả những gì có thể để cản trở chúng tôi. Chúng tôi có một số khoản khấu trừ thuế mà chúng tôi nhận được vì kinh doanh ở quốc gia này vậy mà họ đang cố gắng loại bỏ, và một lần nữa, điều đó làm tăng thêm chi phí và khi quý vị tăng chi phí, thì mọi người sẽ ngừng kinh doanh một số ngành nghề, hoặc họ tăng chi phí kinh doanh ngành nghề đó lên rồi chuyển chi phí đó sang cho người tiêu dùng, đấy chính xác là những gì đang xảy ra.”
Cô Katabella Roberts là một phóng viên hiện đang sống tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cô đưa tin về tin tức nói chung và tin kinh doanh cho The Epoch Times, tập trung chủ yếu vào Hoa Kỳ.
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: