Tôn trọng người khác là nền tảng dẫn đến thành công
Những phép tắc, ứng xử chuẩn mực trong giao tiếp xã hội luôn được đề cao trong văn hóa truyền thống. Đó chính là chìa khóa dẫn đến thành công và hạnh phúc. Ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của truyền hình, ứng dụng trực tuyến, chúng ta đang dần mất đi cơ hội thực hành, tương tác những hành vi ứng xử tốt đẹp.
Một lần, nhà văn người Anh Danny Wallace (ông cũng là nhà làm phim, diễn viên hài, người dẫn chương trình phát thanh và truyền hình) muốn ăn xúc xích. Ông đến nhà hàng ăn tối, thanh toán tiền xong và ngồi chờ được phục vụ, nhưng ông chờ cả tiếng đồng hồ mà đồ ăn vẫn chưa được mang tới.
Ông hỏi người phục vụ một cách nhã nhặn lý do ông phải chờ lâu như vậy, nhưng không ngờ ông đã bị xua đuổi ra khỏi nhà hàng vì họ cho rằng ông gây phiền nhiễu.
Sự cố tồi tệ tại nhà hàng khiến nhà văn bị ám ảnh nhiều ngày sau đó. Vì thế ông đã viết một bài bình luận trên trang mạng để trút bỏ nỗi thất vọng và giận dữ của mình. Khi câu chuyện trở thành chuyên đề dài 85.000 từ, ông quyết định khảo sát và nghiên cứu sức ảnh hưởng của văn hóa thô lỗ trong ứng xử ở chiều sâu hơn.
Trong cuốn sách của nhà văn “F You Very Much: Understanding the Culture of Rudeness—and What We Can Do About It”, tạm dịch (Văn hóa thô lỗ, chúng ta có thể làm gì để ngăn chặn nó), Wallace đã tìm hiểu các tác động tâm lý và xã hội học của hành vi cư xử thô lỗ.
Hành vi thô lỗ như một loại độc tố thần kinh có tính lây nhiễm
Một số nhà nghiên cứu mô tả hành vi thô lỗ trong giao tiếp như một loại chất độc thần kinh tra tấn tinh thần và thậm chí có thể biến đổi suy nghĩ của người khác.
“Đôi khi một người đang có những lời lẽ chỉ trích, làm tổn thương cảm xúc của người khác. Nhưng thực tế thì không phải họ cố ý làm vậy. Họ chẳng qua đã bị nhiễm phải căn bệnh “thô lỗ” mà họ không tự biết”. Nhà văn Wallace nói.
Những hành vi ứng xử dưới tiêu chuẩn của phép lịch sự cơ bản, như biết nghĩ cho cảm xúc của người khác, nói những câu “làm ơn” và “cảm ơn”… gây ảnh hưởng nặng nề khiến người khác cảm thấy bị xúc phạm và xấu hổ. Đó có thể là lối cư xử ác ý và có chủ ý, hoặc cũng có thể chỉ là hành vi, lời nói bất cẩn, thiếu tôn trọng người khác, nó thường mang lại một cảm giác rất khó chịu.
“Theo bản năng, ngay lập tức người bị đối xử muốn đáp trả dưới bất kỳ hình thức nào”. Nhà văn Wallace cho biết.
Khoa học đã chứng minh, ngay cả khi chúng ta có thể kiểm soát được cơn tức giận muốn trả đũa của mình, hành vi bất lịch sự do người khác gây ra khiến chúng ta mất tập trung và ảnh hưởng đến những quyết định. Nó không chỉ làm hỏng một ngày tốt đẹp mà còn tạo ra hiệu ứng lan truyền, có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Nghiên cứu cho thấy, một hành vi thô lỗ có mức ảnh hưởng không lâu dài, vẫn có thể làm giảm 50% khả năng của bác sĩ phẫu thuật.
Hành vi thô lỗ trái ngược với những ứng xử lịch thiệp
Tiến sĩ Joyce Mikal-Flynn, phó giáo sư tại Đại học Bang California – Sacrament cho rằng, hành vi thô lỗ làm suy yếu khả năng suy nghĩ của chúng ta, nhưng những ứng xử lịch thiệp thì hoàn toàn trái lại. Trong các buổi lên lớp của tiến sĩ Flynn, cô luôn khuyến khích và đề cao thái độ bình tĩnh, ứng xử lịch thiệp và những hành vi có kiểm soát. Đặc biệt đối với những giờ giảng của bộ môn nghiên cứu về hệ thần kinh và não bộ
“Trong khoa học não bộ, cách ứng xử thể hiện sự tôn trọng người khác có ảnh hưởng đến chất dẫn truyền thần kinh hạnh phúc của chúng ta, cho phép tạo ra những kết nối cá nhân tuyệt vời. Từ cơ sở sinh hóa, nó còn tạo ra sự khác biệt, mang lại cảm giác an toàn và thoải mái”. Tiến sĩ Flynn cho biết.
Vào những buổi lên lớp đầu tiên của khóa học, tiến sĩ Flynn thường giới thiệu đề cương khóa học của mình, đồng thời cô yêu cầu học viên của mình thực hiện tuân thủ giờ giấc, giao tiếp theo cách tôn trọng người khác. Cô lấy cảm hứng từ phương châm của tập đoàn Ritz-Carlton, một thương hiệu khách sạn sang trọng và uy tín hàng đầu ở Hoa Kỳ “Chúng tôi là những quý bà và quý ông chuyên phục vụ cho những quý bà và quý ông”, sinh viên của cô cần phải đáp ứng được tiêu chuẩn lịch thiệp này ở mức cao hơn. Cô mong muốn “tất cả hòa chung một giai điệu tràn đầy hy vọng và tự tin để tạo nên môi trường học tập hiệu quả”.
Câu hỏi đặt ra là nếu chúng ta đều ứng xử lịch thiệp với nhau, lý do vì sao hành vi thô lỗ lại trở nên phổ biến?
Nhà văn Wallace chỉ ra hai quan điểm hoàn toàn đối lập nổi lên rõ nét trong văn hóa ứng xử hiện nay của chúng ta, nơi khó tìm thấy điểm chung. Những ứng xử lịch thiệp thường được cho là biểu hiện của sự lép vế. Đời sống văn hóa từ phong trào văn nghệ quần chúng hiện đại dường như đã đổ thêm dầu vào lửa.
“Với sự gia tăng của truyền thông xã hội và các kênh truyền hình thực tế, cả hai lĩnh vực hoạt động sôi nổi này, nơi những lời chỉ trích, nhận xét dễ làm tổn thương cảm xúc, hạ gục ai đó lại đang có một môi trường hoàn hảo để phát triển mạnh mẽ.” Nhà văn Wallace nhận xét.
Sức mạnh của sự tôn trọng
Cách ứng xử thể hiện sự tôn trọng người khác là nền tảng dẫn đến thành công.
Paige Arnof-Fenn, nhà sáng lập và giám đốc điều hành của công ty tư vấn chiến lược tiếp thị toàn cầu Mavens & Moguls, nói rằng phần lớn kết quả kinh doanh bà đạt được là qua cách giao tiếp ứng xử lịch thiệp và quan tâm đến cảm xúc của người khác. Một khách hàng chia sẻ với bà rằng, anh ta trả tiền sử dụng dịch vụ chủ yếu chủ yếu vì thái độ phục vụ, còn những thứ khác có thể học được qua quá trình làm việc.
Bà Arnof-Fenn cho rằng hành vi ứng xử luôn hiện sự tôn trọng người khác của mình là do bà lớn lên ở miền nam Hoa Kỳ – một vùng đất luôn cố gắng duy trì những thứ “lỗi mốt”. Bà khẳng định, bạn không cần phải là một quý bà hay quý ông miền nam để có thái độ và hành vi tốt hơn mức tiêu chuẩn.
“Thật đáng ngạc nhiên khi những chuẩn mực trong giao tiếp ứng xử ngày nay đã rớt xuống mức rất thấp. Chỉ cần bạn giữ lời hứa thực hiện việc gì đó với ai vào ngày cuối tuần, đó đã được xem như là hành vi ứng xử tốt”. Bà Arnof-Fenn đề cập trong một email.
Sự giảm sút phép ứng xử lịch thiệp trong giao tiếp là nguồn cảm hứng cho Maryanne Parker thành lập công ty Manor of Manners – một công ty có trụ sở tại San Diego, Mỹ chuyên đào tạo các nghi thức ngoại giao quốc tế và hệ thống các quy tắc ứng xử trong các buổi lễ lớn cho trẻ em và người lớn.
Maryanne Parker đã từng làm việc trong lĩnh vực tài chính doanh nghiệp trước đây, cô đi du lịch khắp nơi trên thế giới nhưng bất cứ nơi nào cô đến, đều nhận thấy kỹ năng giao tiếp ứng xử chưa được chú trọng. Những doanh nhân dù tài năng nhưng thiếu kỹ năng ngoại giao cơ bản, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tổn hại đến thành công của chính mình.
“Cách chúng ta đối xử với nhau rất quan trọng, nếu không, chúng ta sẽ sống trong một thế giới hỗn loạn”
— MARYANNE PARKER —
Parker mô tả ứng xử và xã giao được xem như loại ngôn ngữ có hình thức biểu hiện phức tạp và kín đáo. Ở đó, có những quy tắc, nhưng chúng khá dễ dàng tiếp thu và bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận. Nhưng trên hết, chúng phục vụ cho một mục đích cao cả: Giúp những người xung quanh chúng ta cảm thấy thoải mái.
“Nghi thức ứng xử có sức ảnh hưởng, khiến mọi người muốn kết giao với bạn”. Parker nói.
Quy tắc ứng xử xã hội đã được tuân thủ thực hiện từ thời cổ đại. Nhưng Parker theo đuổi nguồn gốc hành vi ứng xử và nghi thức ứng xử từ thời Louis XIV vào thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18. Với tài năng của mình, vua Louis XIV đã giúp nước Pháp hùng mạnh, đứng đầu châu Âu cả về văn chương, nghệ thuật, chiến tranh và trị quốc. Chính vì thế mà Louis XIV còn được gọi là “vua Louis vĩ đại” hay “vua mặt trời”.
Vua Louis đã giữ triều đình của mình vững mạnh, lề lối bằng cách yêu cầu dân chúng tuân thủ quy tắc nghiêm ngặt về trang phục và mọi hành vi phải được kiểm soát bằng thái độ bình tĩnh và lịch thiệp.
Những người thuộc tầng lớp quý tộc đã bận rộn thực hành hệ thống quy tắc xã hội phức tạp của nhà vua đến nỗi không còn thời giờ để lập mưu tạo phản.
Khi nhà vua được thay thế bởi quan chức được bầu chọn, phần lớn các nghi thức không quan trọng bị lược bỏ, văn hóa xã hội trở nên càng ngày càng bình dị hơn. Quá trình đánh mất những nghi lễ bị xem là cổ xưa ngột ngạt, cũng là quá trình chúng ta cũng đã đánh mất “tinh thần” của ứng xử thể hiện sự tôn trọng.
“Mọi người không nhận ra, biết cách ứng xử và giao tiếp là một lợi thế rất lớn. Nếu không, chúng ta sẽ sống trong một thế giới hỗn loạn.” Parker nói.
Và khi nói đến phép tắc ứng xử, chúng ta không phải quá chú trọng tới việc phải sử dụng loại nĩa nào hoặc cách di chuyển lọ hạt tiêu thế nào cho đúng cách. Những dịp trang trọng có thể yêu cầu thêm một vài quy tắc, nhưng sự tôn trọng người khác luôn là mục tiêu hướng đến dù ở bất kỳ sự kiện nào.
“Đơn giản chỉ cần tập trung vào những điều cơ bản: Mỉm cười, đúng giờ, chân thành, và mặc trang phục phù hợp. Hãy lịch sự yêu cầu được hướng dẫn nếu bạn không chắc phải làm điều gì đó như thế nào. Khi được giới thiệu với một người mới tiếp xúc, hãy đứng lên và bắt tay”. Parker chia sẻ.
Nâng cao tiêu chuẩn
Ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của truyền hình, ứng dụng trực tuyến, chúng ta đang dần mất đi cơ hội thực hành, tương tác những hành vi ứng xử tốt đẹp.
Và còn một lý do khác nữa khiến hành vi cư xử thô lỗ dễ dàng và thuận tiện thể hiện, đó là tính ẩn danh cho người dùng internet. Tính ẩn danh khuyến khích người dùng internet truyền đi các nhận xét thô tục, phản cảm, càng nhìn vào màn hình, chúng ta sẽ càng thấy nhiều hơn. Nhưng nghiên cứu đã chỉ ra rằng hành vi cư xử thô lỗ với ai đó sẽ khó thực hiện hơn nhiều khi giao tiếp trực diện.
Một trong những cách mà tiến sĩ Mikal-Flynn đảm bảo mọi học viên luôn phải ứng xử đúng mực trong giờ giảng của cô. Cô yêu cầu tất cả học viên đều cất tất cả các đồ dùng, thiết bị cá nhân tiên tiến. Ban đầu, một số tỏ ra khó chịu, nhưng sau đó, họ đều tham gia thảo luận bài giảng sôi nổi. Và đương nhiên, tiến sĩ Mikal-Flynn luôn áp dụng quy tắc này đối với chính mình.
“Nếu điện thoại của tôi phát ra âm thanh trong lớp học, điều này là vi phạm quy tắc, buổi học hôm đó, mọi học viên sẽ được điểm tuyệt đối”. Tiến sĩ Mikal-Flynn chia sẻ.
“Làm sao bạn có thể biểu hiện sự tôn trọng người khác trong khi bạn cứ nhìn chăm chăm vào chiếc điện thoại”
Làm sao bạn có thể biểu hiện sự tôn trọng người khác trong khi bạn cứ nhìn chăm chăm vào chiếc điện thoại của mình. Mọi người thường biện minh – vì nhiều người cũng đang làm như vậy. Dù hành vi đó là tốt hay là xấu, chúng ta đều đang sao chép và biến thành của mình.
“Nhưng nếu tất cả chúng ta đều hướng tới tiêu chuẩn ứng xử ở mức cao hơn, thì sự thô lỗ sẽ không thể tồn tại. Tương tự, chúng ta có nhiệm vụ chỉ ra sự thô lỗ một cách lịch sự khi chúng ta nhìn thấy nó. Nếu không, căn bệnh này sẽ lây lan trên diện rộng.
Lưu ý cho mọi người biết rằng, họ đang thực hành giao tiếp xã hội, và để hoạt động này diễn ra theo cách như tất cả chúng ta mong muốn, cần nâng cao tiêu chuẩn, luôn quan tâm và biết nghĩ cho người khác. Nếu muốn bảo tồn nền văn minh của nhân loại, chúng ta hãy chọn cách trở thành một công dân biết ứng xử”. Nhà văn Wallace nhắn nhủ.