Tôn kính phụ nữ: Nghi lễ cổ điển ở Athens
Mặc dù các nhà sử học thường coi phụ nữ thời Hy Lạp cổ đại là một đám đông vô danh không có quyền lực chính trị, tuy vậy phụ nữ lại là những người thống trị về lĩnh vực tinh thần trong cuộc sống.
Là nữ tu sĩ, họ phải lo các vấn đề tôn giáo và giao tiếp với các vị thần. Những gì phụ nữ cổ đại làm, trong khi những người đàn ông nổi tiếng của họ bận rộn với việc thiết lập nền dân chủ và chính trị hiện đại ở Âu Châu, được trưng bày trong triển lãm “Tôn thờ phụ nữ: Nghi lễ và Hiện thực cuộc sống ở Athens cổ đại” trong các phòng trưng bày của Trung tâm Văn hóa Onassis ở New York. Cụ thể là, những bức tượng làm bằng đất nung có đáy bằng đá cẩm thạch, bia mộ chạm khắc, các đồ dùng trong cuộc sống hàng ngày và những lời giải thích chuyên sâu kèm theo những chiếc bình được vẽ một cách tinh xảo.
Vai trò của người phụ nữ
Là người chăm lo trong suốt cuộc đời, phụ nữ đóng vai trò chủ đạo trong đời sống gia đình và tôn giáo. Có sự phân chia rõ ràng giữa lĩnh vực chính trị của nam giới và nghĩa vụ của phụ nữ trong đời sống tinh thần của Hy Lạp cổ đại, và cả hai bộ phận này phối hợp hài hòa với nhau để bổ sung cho nhau. Những người phụ nữ thường được vinh danh vì công lao của họ, điều này thể hiện qua nhiều bia mộ được khai quật.
Đáng chú ý nhất là trong các cuộc khai quật ở Athens, số bia mộ dành cho phụ nữ nhiều hơn đáng kể so với bia mộ dành cho nam giới. Người Hy Lạp thường dựng chúng lên khi họ muốn đặc biệt tưởng nhớ người đã khuất – và không phải tất cả mọi người đều nhận được vinh dự này. Bằng cách này, họ đã tôn vinh những người vợ và người mẹ của các công dân. Và tại đây, nhiệm vụ của người phụ nữ là cúng viếng người đã khuất và thường xuyên đến thăm nghĩa địa.
Trái với suy nghĩ của nhiều người, các nữ tu sĩ thường đã kết hôn và lập gia đình. Họ là những người có quyền lực trong đời sống xã hội. Nắm giữ chìa khóa đền thờ lớn là một đặc điểm phổ biến nhất của họ, cho thấy rằng họ là người giữ an toàn cho dinh thự của các vị thần. Triển lãm cũng trưng bày chiếc chìa khóa – vật dụng kỳ lạ và đáng kinh ngạc. Ngoài ra, một chiếc trống, vốn cần thiết trong các nghi lễ và lễ hội, có thể là một đồ vật của nữ tư tế.
Trung tâm của triển lãm là bức tượng bằng đá cẩm thạch của Artemis, người bảo hộ sự sinh nở. Nàng nhận được sự cho phép của cha mình là thần Zeus để giữ gìn trinh tiết và không kết hôn, do đó nàng trở thành thần hộ mệnh cho các cô gái chưa kết hôn và thanh niên trong trắng. Những người này sẽ dành tặng một lọn tóc của họ cho nàng trước khi kết hôn.
Văn học có đề cập về những phụ nữ trải qua quá trình sinh nở đau đớn hoặc nguy hiểm, những người này đã dâng quần áo của họ cho Artemis. Ngoài ra, quần áo của những phụ nữ qua đời trong quá trình sinh nở cũng được dành riêng cho thánh địa của nàng. Vì tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em rất cao trong thời cổ đại, nên sử dụng những món quà vàng mã để cảm ơn vị thần cho việc sinh nở an toàn và dễ dàng là rất phổ biến. Bức tượng bằng đá cẩm thạch có kích thước thật của một cô bé là một món quà như vậy.
Một món quà phổ biến khác là krateriskos, một chén thánh sơn nhỏ, đựng đầy những lễ vật dạng lỏng hoặc rắn. Nó được vẽ với các họa tiết như cây cọ, bàn thờ, hươu, nai và những cô bé đang chạy hoặc nhảy múa.
Đứng trên hai điểm giao thoa lớn của cuộc đời một người phụ nữ, hôn nhân và làm mẹ, Artemis là trung tâm của sự tôn kính. Một chiếc bình lekythos lớn màu trắng có một bức vẽ tinh tế của Artemis với một con thiên nga. Nó được được khắc họa bằng những đường nét sinh động và nhẹ nhàng.
Rosemarie Fruhauf
Trúc Đoàn biên dịch
Xem thêm: