Tối cao Pháp viện ra phán quyết duy trì hiệu lực chính sách biên giới Đề mục 42
Hôm thứ Ba (27/12), Tối cao Pháp viện đã cho phép Đề mục 42, lệnh về nhập cư và y tế công cộng thời cựu Tổng thống Donald Trump, được giữ nguyên trong thời điểm hiện tại.
Tòa án cấp cao này đã biểu quyết (pdf) với tỷ lệ 5–4 để chấp thuận yêu cầu khẩn cấp của 19 tổng chưởng lý các tiểu bang do Đảng Cộng Hòa quản lý tìm cách can thiệp để bảo vệ quy định này, đồng thời ngăn chặn phán quyết cho phép quy định này hết hiệu lực hồi tuần trước của Thẩm phán Tòa Địa hạt Liên bang Colombia Emmet Sullivan, người được cựu Tổng thống Clinton bổ nhiệm.
Các thẩm phán Neil Gorsuch, Sonia Sotomayor, Elena Kagan, và Ketanji Brown Jackson đã biểu quyết phản đối việc chấp thuận yêu cầu này, trong khi các thẩm phán John Roberts, Samuel Alito, Clarence Thomas, Brett Kavanaugh, và Amy Coney Barrett ủng hộ. Tuần trước, chánh án Roberts đã tạm dừng kế hoạch này để Tối cao Pháp viện có thêm thời gian xem xét vấn đề.
“Bản thân việc hoãn [bãi bỏ Đề mục 42] không ngăn cản chính phủ liên bang thực thi bất kỳ hành động nào liên quan đến chính sách đó,” lệnh ngắn, không có chữ ký này cho biết hôm thứ Ba. “Việc Pháp viện xem xét lệnh chuyển hồ sơ lên tòa cấp trên (certiorari) được giới hạn ở vấn đề can thiệp. Mặc dù các giá trị căn bản của lệnh phán quyết tóm tắt của Tòa án Địa hạt Liên bang phù hợp với phân tích đó, nhưng Pháp viện không cho phép xem xét các giá trị nào vốn chưa được Tòa án Phúc thẩm giải quyết.”
Một bản nêu ý kiến bất đồng dài hai trang, do thẩm phán Gorsuch chấp bút, đã nêu rõ rằng “phán quyết can thiệp của Tòa án Địa hạt Liên bang Đặc khu Columbia giải quyết tất cả các điểm nổi bật chỉ bởi vì sự hiện diện của tòa này trong một tranh chấp căn bản lớn hơn về các lệnh của Đề mục 42.” Bản ý kiến này nói thêm rằng “không rõ là chúng ta có thể đạt được điều gì.”
Mười chín tiểu bang nói trên đã lập luận rằng việc dỡ bỏ chính sách này có thể dẫn đến các vụ vượt biên, vốn đã đạt mức kỷ lục, sẽ gia tăng. Trong khi đó, Thống đốc Texas Greg Abbott đã đề nghị Tối cao Pháp viện và các tòa án khác giữ nguyên quy định này, cảnh báo rằng điều đó sẽ dẫn đến làn sóng nhập cư bất hợp pháp gia tăng.
Lệnh áp dụng Đề mục 42 được thực thi lần đầu tiên hồi tháng 03/2020 dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Sau khi nhậm chức hồi năm 2021, Tổng thống Joe Biden đã giữ nguyên những hạn chế này trong hơn một năm mặc dù đã hứa sẽ từ bỏ các chính sách nhập cư đã được ông Trump thông qua.
Dữ liệu cho thấy các nhân viên Lực lượng Tuần tra Biên giới Hoa Kỳ đã bắt giữ một con số kỷ lục 2.2 triệu di dân ở biên giới phía tây nam trong năm tài chính 2022, đã kết thúc vào ngày 30/09. Gần một nửa số người bị bắt đã nhanh chóng bị trục xuất theo chính sách Đề mục 42.
Trong một tuyên bố theo sau quyết định của Tối cao Pháp viện, Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre cho biết chính phủ sẽ tuân thủ lệnh này và chuẩn bị cho việc xem xét của tòa án.
Bà Jean-Pierre nói: “Đồng thời, chúng tôi đang đẩy nhanh việc chuẩn bị để quản lý biên giới một cách an toàn, có thứ tự, và nhân đạo khi Đề mục 42 cuối cùng được dỡ bỏ và sẽ tiếp tục mở rộng các con đường nhập cư hợp pháp.”
Các tranh luận
Hồi tháng Tư, sau khi các cơ quan y tế Hoa Kỳ nói rằng lệnh Đề mục 42 không còn cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, chính phủ Tổng thống Biden đã tìm cách dỡ bỏ lệnh này. Tuy nhiên một thẩm phán tòa địa hạt liên bang do cựu Tổng thống Trump bổ nhiệm ở Louisiana đã ngăn chặn việc dỡ bỏ nhằm đáp lại một thách thức pháp lý do Đảng Cộng Hòa dẫn đầu.
Thay mặt chính phủ tranh luận, Tổng Biện lý Sự vụ Hoa Kỳ Elizabeth B. Prelogar nói với chín vị thẩm phán [của Tối cao Pháp viện] rằng chính phủ đã công nhận việc dỡ bỏ Đề mục 42 sẽ dẫn đến “tình trạng hỗn loạn và các vụ vượt biên trái phép tạm thời tăng lên” nhưng khẳng định rằng giải pháp cho vấn đề nhập cư “không thể cứ kéo dài vô thời hạn một biện pháp y tế công cộng mà hiện nay tất cả đều thừa nhận là đã tồn tại lâu hơn so với lý do về y tế công cộng của biện pháp này.”
Bà cũng đã viết (pdf), chính phủ đang hướng tới việc đưa ra “các chính sách mới để ứng phó với tình trạng hỗn loạn tạm thời có khả năng xảy ra ngay khi các lệnh của Đề mục 42 kết thúc.” Bà Prelogar đã không nói cụ thể rằng có thể áp đặt những gì nhưng cam kết rằng “chính phủ liên bang sẵn sàng làm điều đó, bao gồm cả việc gia tăng các nguồn lực và viện dẫn thẩm quyền theo Đề mục 8 của mình để thực thi các chính sách mới nhằm phản ứng với tình trạng hỗn loạn tạm thời khả năng xảy ra ngay khi các lệnh của Đề mục 42 kết thúc.”
Tuy nhiên, các quan chức ở các tiểu bang Đảng Cộng Hòa đã yêu cầu tòa án cấp cao này can thiệp và ngăn chặn các kế hoạch của Tòa Bạch Ốc nhằm loại bỏ Đề mục 42. Họ nói rằng số lượng những người ngoại quốc nhập cư bất hợp pháp băng qua biên giới Hoa Kỳ-Mexico gia tăng đáng kể sẽ đặt ra gánh nặng quá mức lên các tiểu bang của họ.
“Như tòa án Louisiana đã nhận ra, việc chấm dứt Hệ thống Đề mục 42 sẽ gây ra thiệt hại không thể vãn hồi cho những Tiểu Bang này,” những tiểu bang này viết (pdf). Đơn kiến nghị của họ nêu thêm: “Khả năng xảy ra tổn hại không thể vãn hồi đối với Hoa Kỳ, được nhấn mạnh qua sự kiện [Bộ An ninh Nội địa] yêu cầu 3-4 tỷ USD tài trợ khẩn cấp nhằm ứng phó với thảm họa tức thì mà phán quyết của tòa án địa hạt này sẽ dẫn đến.”
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times