Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ thực hiện một bước đi mới trong vụ kiện ngày 06/01
Hôm 23/04, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã chỉ thị Bộ Tư pháp phúc đáp một người đàn ông bị kết án trong vụ xâm phạm Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ ngày 06/01/2021.
Các thẩm phán cho biết hạn chót để bộ này phúc đáp ông Russell Alford là ngày 23/05.
Ông Alford đã bị một bồi thẩm đoàn kết tội bốn khinh tội, nhưng ông đang thách thức hai tội danh trong số đó, lập luận rằng chúng không áp dụng cho hành vi của ông.
Một hồ sơ mà các luật sư của ông Alford đệ trình lên Tối cao Pháp viện cho biết, lẽ ra các cáo buộc không nên được đưa ra vì các điều luật mà họ áp dụng ngăn cấm hành vi gây mất trật tự và gây rối trong một tòa nhà Quốc hội và trong một tòa nhà bị hạn chế, nhưng ông Alford chỉ đơn thuần bước vào Quốc hội và đứng im lặng dựa vào một bức tường sau đó rời đi.
Thẩm phán Tòa Địa hạt Liên bang Tonya Chutkan, một người được cựu Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm, ban đầu đã từ chối yêu cầu bác bỏ những cáo buộc này của ông Alford, tuyên bố rằng việc ông “chỉ hiện diện bên trong Tòa nhà Quốc hội đã làm xáo trộn sự bình yên nơi công cộng hoặc làm suy yếu an toàn công cộng.”
Hồi tháng Một, một tòa phúc thẩm liên bang, sau khi xem xét lệnh từ chối đó, đã giữ nguyên phán quyết của tòa sơ thẩm. Mặc dù ông Alford “không dùng bạo lực hay phá hoại … nhưng bồi thẩm đoàn có thể nhận thấy một cách hợp lý rằng sự hiện diện trái phép của ông tại Tòa nhà Quốc hội với tư cách là một phần của một đám đông ngỗ ngược đã góp phần làm gián đoạn thủ tục chứng nhận bầu cử của Quốc hội và gây nguy hiểm cho an toàn công cộng,” phán quyết nêu rõ.
“Tòa án nên chấp nhận xem xét lại vì vụ án này nêu lên một câu hỏi quan trọng về cách diễn giải luật liên bang,” các luật sư của ông Alford viết cho Tối cao Pháp viện, mô tả phán quyết của tòa phúc thẩm là “[đang] thiết lập một tiêu chuẩn không rõ ràng và mâu thuẫn với văn bản [luật] để hình sự hóa hành vi trong bối cảnh hoạt động chính trị.”
Một trong những luật này, Mục 1752(a)(2) Điều 18 Bộ luật Hoa Kỳ, cấm mọi người “cố ý, và có ý định gây trở ngại hoặc làm gián đoạn việc tiến hành có trật tự công việc của chính phủ hoặc các chức năng chính thức, thực hiện hành vi gây mất trật tự hoặc gây rối ở, hoặc gần, bất kỳ tòa nhà hoặc khu vực hạn chế nào khi, hoặc đến nỗi, hành vi như vậy thực sự gây trở ngại hoặc làm gián đoạn việc tiến hành có trật tự công việc của chính phủ hoặc các chức năng chính thức.”
Điều luật còn lại, Mục 5104(e)(2)(D) Điều 40 Bộ luật Hoa Kỳ, quy định hành vi “hét to, đe dọa, hoặc lăng mạ bằng lời nói, hoặc tham gia vào hành vi gây mất trật tự hoặc gây rối, tại bất kỳ địa điểm nào trong khuôn viên hoặc trong bất kỳ các Tòa nhà Quốc hội nào với ý định gây trở ngại, làm gián đoạn, hoặc làm xáo trộn việc tiến hành có trật tự của một phiên họp Quốc hội hoặc viện Quốc hội, hoặc tiến hành có trật tự trong tòa nhà đó một phiên điều trần trước đó, hoặc bất kỳ cuộc thảo luận nào của một ủy ban của Quốc hội hoặc một viện của Quốc hội” là phạm tội.
Theo lệnh gửi cho các thẩm phán, các phán quyết của tòa án cấp dưới là sai một phần vì chúng tập trung vào những ảnh hưởng của hành vi của ông Alford, chứ không phải bản chất của hành vi đó.
Trọng tâm đó “gộp yếu tố hành vi thành yếu tố gây hại bằng cách nêu ra các tính từ không có sức mạnh rõ ràng,” họ nói. Sau đó, họ lập luận rằng việc đơn thuần hiện diện [ở Tòa nhà Quốc hội] “không phải là hành vi gây mất trật tự trừ phi sự hiện diện đó là thách thức một lệnh giải tán.”
Nếu Pháp viện thụ lý đơn kiến nghị này, thì Pháp viện sẽ xem xét vụ việc và quyết định xem các phán quyết [của tòa cấp dưới] đó có phù hợp hay không.
Hôm 12/04, Tổng Biện lý Sự vụ của Bộ Tư pháp, bà Elizabeth Prelogar, nói với Pháp viện rằng chính phủ đang từ bỏ quyền nộp đơn phúc đáp đối với hồ sơ tòa án, “trừ phi tòa án yêu cầu làm như vậy.” Hôm 18/04, đơn kiến nghị đã được gửi cho các thẩm phán cho cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày 09/05 của họ. Sau đó, hôm thứ Ba (23/04), các thẩm phán đã chỉ thị Bộ Tư pháp gửi một bản phúc đáp tới ông Alford.
Các luật sư của ông Alford và chính phủ đã không trả lời các yêu cầu bình luận.
Nếu các thẩm phán chấp nhận đơn kiến nghị và ra phán quyết có lợi cho ông Alford, thì một số bị cáo và những người bị kết án khác trong vụ ngày 06/01 có thể được hủy bỏ các cáo buộc.
Cáo buộc cản trở
Pháp viện đã đồng ý xem xét lại một cáo buộc khác đối với nhiều bị cáo trong vụ ngày 06/01.
Hôm 16/04, các thẩm phán đã ngồi nghe các tranh luận trực tiếp liên quan đến tội cản trở một thủ tục tố tụng chính thức — một cáo buộc nhắm vào cựu sĩ quan cảnh sát Joseph Fischer sau khi ông đi vào Tòa nhà Quốc hội hôm 06/01.
Một trong những luật sư của ông Fischer cho biết lẽ ra cáo buộc này không nên được đưa ra bởi vì luật này chỉ có mục đích sử dụng trong các trường hợp giả mạo bằng chứng.
Bà Prelogar nói với các thẩm phán rằng cáo buộc này là hợp lý vì luật này “không bị giới hạn ở việc phá hủy bằng chứng.”
Thẩm phán Neil Gorsuch, do cựu Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm, đã băn khoăn liệu chính phủ có đưa ra cáo buộc này đối với những người đã cản trở tòa án hay không.
“Liệu một cuộc biểu tình ngồi làm gián đoạn một phiên tòa hoặc việc tiếp cận một tòa án liên bang có được xem là vi phạm hay không? Liệu một người chất vấn trong số các khán giả ngày hôm nay hay tại bài diễn văn Thông điệp Liên bang có được xem là vi phạm hay không? Liệu việc kéo chuông báo cháy trước một cuộc bỏ phiếu đủ cơ sở để ngồi tù liên bang 20 năm hay không?” ông hỏi.
Sau đó, một thẩm phán khác đã đặt câu hỏi liệu những người biểu tình chặn lối vào phiên tòa có phải đối mặt với cáo buộc này hay không, lưu ý rằng trước đây, các cuộc biểu tình đã diễn ra tại Tối cao Pháp viện nhưng chính phủ không buộc tội những người biểu tình theo luật này.
Bà Prelogar cho biết luật này có thể áp dụng trong những trường hợp như vậy, nếu có bằng chứng về “mục đích sai trái.”
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times