Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ quyết định liệu lời xúc phạm cựu TT Trump có thể được ghi danh nhãn hiệu hay không
Hôm 05/06, Tối cao Pháp viện đã quyết định xem xét liệu một nhà hoạt động cấp tiến có thể ghi danh nhãn hiệu cho một cụm từ xúc phạm cựu Tổng thống (TT) Donald Trump để sử dụng trên áo thun hay không.
Phán quyết này đang đặt chính phủ của Tổng thống Joe Biden, một thành viên Đảng Dân Chủ, vào tình thế bất thường khi bảo vệ lợi ích của ông Trump, người một lần nữa đang tìm kiếm đề cử tổng thống của Đảng Cộng Hòa cho năm 2024. Ông Biden từng nói rằng ông sẽ tái tranh cử vào năm 2024.
Cụm từ “Trump Too Small” (Trump Quá Tầm thường) được lấy cảm hứng từ một câu bông đùa mà Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida) đã thực hiện trong mùa bầu cử sơ bộ tổng thống của Đảng Cộng Hòa năm 2016. Ứng cử viên tổng thống đương thời Rubio đã chế giễu ứng cử viên Trump bằng cách nói rằng ông có “đôi bàn tay nhỏ.”
Ông Rubio đã kể với những người ủng hộ rằng ông Trump “luôn gọi tôi là ‘Marco bé nhỏ.’”
“Ông ấy cao hơn tôi, ông ấy cao đến 6’2” (1.88 mét), vì vậy tôi mới không hiểu tại sao bàn tay ông ấy lại có kích thước của một người cao 5’2” (1.57 mét),” ông Rubio nói vào thời điểm đó. “Quý vị có từng nhìn thấy bàn tay ông ấy chưa? Và quý vị biết người ta nói gì về những người đàn ông có bàn tay nhỏ rồi đấy.”
Tháng 08/2022, Tòa phúc thẩm Liên bang đã ra phán quyết rằng Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) đã sai khi từ chối đơn ghi danh nhãn hiệu của nhà hoạt động và luật sư cấp tiến Steve Elster cho cụm từ “Trump Too Small.”
Một luật sư thẩm định của USPTO đã từ chối việc ghi danh này theo Đạo luật Lanham, nhận thấy rằng “việc sử dụng tên ‘TRUMP’ trong nhãn hiệu được đề nghị sẽ bị công chúng hiểu là ám chỉ đến ông Donald Trump.” Viên chức này phát hiện ra rằng theo luật sở hữu trí tuệ, văn phòng của ông không thể ghi danh nhãn hiệu có tên của một người đang sống mà không có sự đồng ý bằng văn bản của người đó.
Hội đồng Xét xử và Kháng cáo Nhãn hiệu của USPTO đã giữ nguyên phán quyết của luật sư thẩm định này.
Ông Elster cho biết ông đã nộp đơn ghi danh nhãn hiệu năm 2018 vì ông muốn thông báo rằng “một số đặc điểm của Tổng thống Trump và các chính sách của ông ấy là tầm thường” và vì ông dự định đưa cụm từ này lên những chiếc áo thun, cùng với cụm từ “Trump’s package is too small” (Nghị trình của Trump quá tầm thường) ở mặt sau của chiếc áo này, kèm theo ví dụ về các lĩnh vực chính sách được cho là phù hợp với đặc điểm đó.
Ông Elster tuyên bố rằng USPTO đã vi phạm quyền tự do ngôn luận của ông theo Tu chính án thứ Nhất.
Tòa phúc thẩm đã đồng tình với ông Elster, cho rằng việc từ chối đơn ghi danh nhãn hiệu này “hạn chế quyền tự do ngôn luận một cách vi hiến, vi phạm Tu chính án thứ Nhất,” Tổng Biện lý Sự vụ Hoa Kỳ Elizabeth Prelogar lưu ý trong đơn kiến nghị (pdf) nộp lên Tối cao Pháp viện.
Tòa phúc thẩm nhận thấy rằng việc “hạn chế dựa trên nội dung” do USPTO áp đặt đã không vượt qua được sự giám sát theo Hiến Pháp “vì chính phủ không có một quyền lợi riêng tư hoặc công khai trong việc hạn chế phát ngôn chỉ trích các quan chức chính phủ hoặc nhân vật của công chúng trong bối cảnh nhãn hiệu — ít nhất là không có ác ý thực sự, vốn không bị cáo buộc ở đây.”
Trong đơn kiến nghị của mình, bà Prelogar đã kêu gọi Tối cao Pháp viện xét xử vụ việc này vì “[trong] hơn 75 năm qua, Quốc hội đã chỉ thị USPTO từ chối ghi danh nhãn hiệu sử dụng tên của một cá nhân cụ thể đang sống mà không có sự đồng ý bằng văn bản của người đó.”
Quyết định của tòa phúc thẩm cho rằng việc từ chối ghi danh nhãn hiệu nói trên vi phạm Tu chính án thứ Nhất là “không chính xác, và Pháp viện thường xem xét lại khi một tòa phúc thẩm đã vô hiệu hóa việc áp dụng một đạo luật liên bang.”
Án lệ bà Vidal kiện ông Elster (Vidal v. Elster) (hồ sơ tòa án 22-704) dự kiến sẽ được xét xử trong nhiệm kỳ mới của Tối cao Pháp viện bắt đầu vào tháng Mười. Để tòa án chấp nhận một đơn kiến nghị thì ít nhất bốn trong số chín thẩm phán phải bỏ phiếu để xét xử vụ án đó. Theo thông lệ, tòa án này đã không giải thích lý do tại sao lại chấp thuận đơn kiến nghị.
Bà Katherine Vidal là thứ trưởng bộ thương mại về sở hữu trí tuệ kiêm giám đốc của USPTO.
Cách đây 4 năm, Tối cao Pháp viện đã đưa ra một phán quyết ủng hộ quyền tự do ngôn luận trong lĩnh vực luật nhãn hiệu.
Tháng 06/2019, tòa án này đã hủy bỏ một phần của Đạo luật Lanham, khi phát hiện ra rằng một lệnh cấm đang ngăn chặn các từ và biểu tượng “vô đạo đức” hoặc “tai tiếng” được ghi danh nhãn hiệu đã vi phạm Tu chính án thứ Nhất.
USPTO đã từ chối đơn ghi danh nhãn hiệu của nhà sản xuất quần áo và nghệ sĩ Erik Brunetti cho một từ viết tắt theo chữ cái đầu tiên mà ông nói là viết tắt của câu “Friends U Can’t Trust.” Các thiết kế này có trên áo sơ mi, áo hoodie, và áo khoác.
Mặc dù ông Brunetti, người đã nói rằng ông muốn có nhãn hiệu này để có thể truy tìm những kẻ sao chép và làm hàng giả dễ dàng hơn, khẳng định rằng từ này phải được phát âm theo từng chữ cái. Tuy nhiên, mọi người thường phát âm từ này như thể nó tương đương với một dạng quá khứ phân từ của một sự thô tục phổ biến.
Trong một ý kiến đồng tình trong vụ kiện này, Iancu kiện Brunetti (Iancu v. Brunetti), Thẩm phán Samuel Alito lập luận rằng Tối cao Pháp viện của quốc gia không chấp nhận thuyết hư vô.
“Quyết định của chúng tôi không dựa trên thuyết tương đối về đạo đức mà dựa trên sự thừa nhận rằng một luật cấm ngôn luận mà các quan chức chính phủ coi là ‘vô đạo đức’ hoặc ‘tai tiếng’ có thể dễ dàng bị lợi dụng cho những mục đích bất hợp pháp,” ông Alito viết. “Quyết định của chúng tôi không ngăn cản Quốc hội thông qua một đạo luật đầu tư sự chú ý một cách cẩn trọng hơn nhằm ngăn chặn việc ghi danh các nhãn hiệu có chứa các thuật ngữ thô tục không đóng vai trò thực sự trong việc thể hiện các ý tưởng.”
Năm 2017, Tối cao Pháp viện cũng đã ra phán quyết trong án lệ Matal kiện Tam (Matal v. Tam) rằng một ban nhạc người Mỹ gốc Á có tên The Slants không thể bị từ chối ghi danh nhãn hiệu vì tên của ban nhạc đó bị coi là miệt thị chủng tộc. Ban nhạc đó lập luận rằng họ đã sử dụng cái tên này để thay đổi một hành vi sỉ nhục chủng tộc.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times