Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ bác bỏ vụ kiện nhằm ngăn chặn cựu TT Trump tranh cử vào năm 2024
Khả năng đủ điều kiện tham gia cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 của cựu tổng thống đang bị thách thức ở một số tiểu bang.
Hôm thứ Hai (02/10), Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã từ chối thụ lý một thách thức pháp lý ít có khả năng thành công đối với tư cách tranh cử của cựu Tổng thống (TT) Donald Trump ở New Hampshire trong cuộc tuyển cử năm 2024.
Ông John Anthony Castro đã đệ đơn kháng cáo lên Tối cao Pháp viện vài tuần trước và tuyên bố rằng cựu tổng thống nên bị loại theo một cách diễn giải Tu chính án thứ 14 của Hiến Pháp Hoa Kỳ. Ông Castro, một luật sư ở Texas đang tranh cử tổng thống, tuyên bố cựu TT Trump đã tham gia vào một cuộc nổi dậy chống lại chính phủ liên bang trong sự kiện vụ xâm nhập Điện Capitol vào ngày 06/01/2021.
“Quyết định của Tòa án Địa hạt Liên bang cho Địa hạt Phía Nam Florida đã bác bỏ vụ kiện dân sự của Nguyên đơn John Anthony Castro với lý do ông không có đủ tư cách hiến pháp để kiện một ứng cử viên khác được cho là không đủ tiêu chuẩn để giữ chức vụ công tại Hoa Kỳ theo Mục 3 Tu chính án thứ 14 của Hiến Pháp Hoa Kỳ,” ông Castro viết trong bản kiến nghị yêu cầu xét xử lại (pdf).
Đồng thời, ông khẳng định rằng do ông là một ứng cử viên thuộc Đảng Cộng Hòa, việc tên của cựu TT Trump nằm trên lá phiếu sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng nhận được quyên góp của ông. Theo hồ sơ từ Ủy ban Bầu cử Liên bang, ông Castro đã vận động được chính xác là 0 USD và dường như đã chi cho chiến dịch tranh cử của chính mình 20 triệu USD.
Đơn kiến nghị gửi lên Tối cao Pháp viện của ông được đệ trình trong bối cảnh một số nhóm hoạt động cánh tả đang cố gắng ngăn cản cựu tổng thống xuất hiện trên các lá phiếu cấp tiểu bang, sử dụng lý do tương tự như lập luận của ông Castro.
Chẳng hạn, tổ chức cánh tả Free Speech for People (Tự do Ngôn luận cho Mọi người) đã viết thư cho đổng lý của các tiểu bang Florida, New Hampshire, New Mexico, Ohio, và Wisconsin, kêu gọi họ không đưa tên cựu TT Trump vào lá phiếu của các tiểu bang đó. Hồi đầu tháng Chín, sáu cử tri Colorado cũng đã đệ đơn kiện để ngăn chặn ông xuất hiện theo cách giải thích của họ về Tu chính án thứ 14, vốn được soạn thảo sau Nội chiến Hoa Kỳ vào giữa thế kỷ 19.
Tuy nhiên, ngay cả các đổng lý của Đảng Dân Chủ dường như cũng không muốn ngăn cản cựu TT Trump bằng những lý do này. Một số nhà phân tích pháp lý cũng nói rằng điều khoản nổi dậy theo Tu chính án thứ 14 là nhắm vào những cá nhân đã chiến đấu cho Liên minh miền Nam trong Nội chiến.
Đổng lý Michigan Jocelyn Benson, một thành viên Đảng Dân Chủ, người thường xuyên chỉ trích cựu tổng thống, đã nói với Axios hồi tháng Chín rằng: “Chúng tôi không phải là cảnh sát xét duyệt điều kiện tham gia tranh cử. Chúng tôi chịu trách nhiệm bảo đảm rằng các thông tin cơ bản được đáp ứng để đưa ai đó vào lá phiếu.” Lúc đó bà đang đáp lại những lời kêu gọi từ các nhóm gây áp lực nhằm ngăn cản cựu tổng thống có tên trong lá phiếu ở tiểu bang của bà.
Về phần ông Castro, ông đã đệ đơn kiện ở nhiều tiểu bang, bao gồm Alaska, Arizona, Idaho, Kansas, Maine, Montana, New Mexico, Nevada, North Carolina, Oklahoma, Pennsylvania, Utah, West Virginia, và Wyoming, theo một cuộc phỏng vấn gần đây của Newsweek. Ông cũng có ý định đệ đơn kiện tại tòa án ở Massachusetts và những nơi khác.
Cựu TT Trump chưa đưa ra bình luận công khai nào về tuyên bố của ông Castro. Vài tuần trước, phát ngôn viên của ông Trump, ông Steven Cheung, nói với Newsweek về ông Castro: “Người này là ai vậy?”
Ông Cheung đã chỉ trích các vụ kiện và nỗ lực cản trở cựu tổng thống xuất hiện trên lá phiếu theo những cách giải thích của Tu chính án thứ 14.
Ông Cheung nói trong một tuyên bố với các hãng thông tấn hồi tháng trước rằng, “Những người đang theo đuổi thuyết âm mưu vô lý này và cuộc tấn công chính trị nhắm vào cựu Tổng thống Trump đang bóp méo nghiêm trọng luật pháp, giống như các công tố viên chính trị ở New York, Georgia, và thủ đô Hoa Thịnh Đốn.” Ông nói thêm rằng, “Không có cơ sở pháp lý nào cho nỗ lực này ngoại trừ trong suy nghĩ của những người đang thúc đẩy việc đó.”
Cựu tổng thống đã viết trên Truth Social hồi tháng Chín rằng các tuyên bố về Tu chính án thứ 14 chỉ đơn thuần là “can thiệp bầu cử” và đại diện cho “một ‘mánh lới’ khác được những người Cộng sản Cánh tả Cấp tiến, những người theo chủ nghĩa Marx, và những người theo chủ nghĩa Phát xít sử dụng để đánh cắp Cuộc bầu cử một lần nữa.”
Trong khi đó, giáo sư Luật Harvard đã về hưu Alan Dershowitz đã lập luận vào mùa hè trong một bài viết thể hiện quan điểm rằng cựu TT Trump không thể bị loại theo Mục 3 của Tu chính án thứ 14. Ông viết, đó là bởi vì “tu chính án này không cung cấp quy chế nào để xác định liệu một ứng cử viên có nằm trong phạm vi bị loại này hay không, mặc dù tu chính án này cũng nói rằng” Quốc hội có thể bỏ phiếu để “loại bỏ tình trạng không đủ điều kiện như vậy” với đa số ⅔ tại Hạ viện và Thượng viện.
“Tuy nhiên, một cách diễn giải công bằng về văn bản và lịch sử của Tu chính án thứ 14 cho thấy tương đối rõ ràng rằng điều khoản dành cho người không đủ điều kiện chỉ nhằm áp dụng cho những người đã phục vụ Liên minh miền Nam trong Nội chiến,” ông viết. “Điều khoản đó không nhằm mục đích trở thành một điều khoản chung trao quyền cho một đảng loại bỏ ứng cử viên hàng đầu của đảng kia trong bất kỳ cuộc bầu cử nào trong tương lai.”
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times