Một trận chiến sắp diễn ra tại Tối cao Pháp viện có thể sẽ quyết định cách mà các công ty truyền thông xã hội kiểm duyệt nội dung như thế nào. Tòa án cấp cao nhất của quốc gia sẽ xét xử những thách thức về luật ở Florida và Texas mà trong đó quy định việc kiểm duyệt nội dung trên mạng xã hội.
Các nhà quan sát và các nhà hoạt động cánh tả cũng như cánh hữu đều đang theo dõi các vụ kiện này.
Trong tình thế này là quyền của người dân Mỹ được tự do bày tỏ trên mạng và quyền của các nền tảng truyền thông xã hội được đưa ra quyết định biên tập về nội dung mà họ quản lý. Cả hai quyền này đều được Tu chính án thứ Nhất của Hiến Pháp Hoa Kỳ bảo vệ.
Đảng Cộng Hòa và những người theo phái bảo tồn truyền thống đã phẫn nộ khi các nền tảng phối hợp hành động để cấm cựu Tổng thống (TT) Donald Trump vào tháng 01/2021, chặn một bài báo có thể thay đổi cuộc bầu cử của New York Post về máy điện toán xách tay của ông Hunter Biden vào năm 2020, và bịt miệng những ý kiến bất đồng quan điểm về nguồn gốc của virus COVID-19, những phương pháp điều trị căn bệnh do virus này gây ra, và vaccine Covid-19.
Ông Steven Allen, một thành viên cao cấp nổi tiếng tại Capital Research Center, một tổ chức giám sát, cho biết rằng những người theo phái bảo tồn truyền thống từ lâu đã phàn nàn về cách đối xử trên các nền tảng truyền thông xã hội.
“Giả sử nếu quý vị có một hệ thống tương tự như Facebook, nếu quý vị nói điều gì đó qua điện thoại với ai đó mà Facebook không thích, hoặc công ty điện thoại không thích, thì họ sẽ ngắt cuộc gọi của quý vị và nói, ‘quý vị biết đấy, các chuyên gia không đồng ý với điều đó,’… và sau đó họ không cho phép quý vị tiếp tục nói những gì quý vị muốn nói,” ông Allen nói.
“Tất nhiên mọi người sẽ phẫn nộ.”
Ông chia sẻ với The Epoch Times rằng Facebook không được phép “chọn những thứ mà công ty này không thích.”
Mặt khác, Đảng Dân Chủ và những người thiên tả cho rằng các nền tảng này không ra sức đủ để loại bỏ các nội dung được gọi là phát ngôn thù hận và thông tin được cho là sai lệch, điều mà họ cho là những vấn đề xã hội ngày càng trở nên cấp bách.
Người điều hành trang mạng xã hội Reddit đã đưa ra một tuyên bố ngắn gọn rằng nếu luật này được giữ nguyên, trang này sẽ không thể gỡ bỏ nội dung đe dọa, chẳng hạn như đe dọa tới các thẩm phán Tối cao Pháp viện.
Họ cung cấp ảnh chụp màn hình của một bài viết có tiêu đề “Ông John Roberts của Tối cao Pháp viện nói rằng hệ thống tư pháp ‘không thể và không nên sống trong sợ hãi.’”
Một người bình luận rằng, “Chúng tôi có máy chém, tốt nhất ông nên chạy đi”.
Trả lời một bài viết khác về Pháp viện, một người dùng viết: “Cổ súy bạo lực là phản ứng hợp lý duy nhất, đó là lý do tại sao chính quyền không muốn quý vị làm điều đó.”
Hai tổ chức ủng hộ việc kiểm soát súng đã đệ trình bản tóm tắt lên Tối cao Pháp viện với lập luận rằng các công ty truyền thông xã hội phải được phép chống lại phát ngôn thù hận, điều mà họ cho rằng đã góp phần vào “bạo lực súng đạn trong thực tế.”
Ông Douglas Letter, giám đốc pháp lý của Trung tâm Ngăn chặn Bạo lực Súng đạn Brady (Brady Center for Prevent Gun Violence), cho biết trong thông cáo báo chí kèm theo bản tóm tắt rằng “qua mạng trực tuyến, thủ phạm của các vụ xả súng hàng loạt thường bị thúc đẩy trở nên cực đoan.”
“Những trải nghiệm ở trên mạng như vậy đang làm nảy sinh những hành vi sát nhân này,” ông Letter nói. “Tối cao Pháp viện phải hiểu mối quan hệ có tính sát nhân giữa nội dung trực tuyến và thảm kịch trong thế giới thực.”
Luật ở Florida, Texas bị thách thức
NetChoice, một liên minh các hiệp hội thương mại đại diện cho các công ty truyền thông xã hội và doanh nghiệp thương mại điện tử, đã thách thức một luật của tiểu bang Florida vốn quy định việc loại bỏ một ứng cử viên chính trị khỏi nền tảng là vi phạm luật của Florida, và có thể bị phạt 250,000 USD mỗi ngày.
Luật này cũng thiết lập các hạn chế đối với việc loại bỏ những người dùng khác khỏi nền tảng và yêu cầu áp dụng các quy tắc kiểm duyệt một cách đồng nhất.
Tòa Phúc thẩm Liên bang Khu vực 11 đã tạm dừng một phần luật này và Florida đã kháng cáo lên Tối cao Pháp viện.
Khi ký ban hành luật này vào năm 2021, Thống đốc Ron DeSantis của tiểu bang Florida, một thành viên Đảng Cộng Hòa, cho biết đạo luật này bảo đảm cho người dân Florida “được bảo vệ trước giới tinh hoa ở Thung lũng Silicon.”
“Nhiều người ở tiểu bang của chúng tôi đã trực tiếp trải qua tình trạng kiểm duyệt và các hành vi độc tài khác ở Cuba và Venezuela,” ông DeSantis nói. “Nếu các nhà kiểm duyệt của Big Tech thực thi các quy tắc một cách không nhất quán, để phân biệt đối xử theo hướng có lợi cho hệ tư tưởng thống trị ở Thung lũng Silicon, thì giờ đây họ sẽ phải chịu trách nhiệm.”
Cựu TT Trump đã đệ trình một bản tóm tắt lên Tối cao Pháp viện vào tháng 10/2022 với tư cách là một công dân, kêu gọi tòa án này xét xử vụ kiện của Florida.
Bản tóm tắt của ông nêu rõ: “Kinh nghiệm gần đây đã thúc đẩy mối lo ngại rộng lớn và ngày càng tăng rằng các nền tảng truyền thông xã hội lớn đang sử dụng quyền lực của họ để đàn áp phe đối lập chính trị.”
“Mối lo ngại này càng tăng cao vì các nền tảng này thường che giấu các quyết định loại trừ một số người dùng và các quan điểm nhất định một cách bí mật, không đưa ra lời giải thích có ý nghĩa nào về lý do tại sao một số người dùng nhất định bị loại trừ trong khi những người khác đăng nội dung tương đương nhưng lại được chấp nhận.” Ohio, Arizona, Missouri, Texas, và 12 tiểu bang khác đã lập luận trong một bản tóm tắt của tòa án rằng Internet là quảng trường công cộng thời hiện đại và việc các nền tảng truyền thông xã hội tham gia kiểm duyệt đã “làm suy yếu việc trao đổi tự do các ý tưởng vốn được tạo thuận tiện bởi các biện pháp bảo vệ quyền tự do ngôn luận.”Bản tóm tắt nêu rõ, việc đàn áp các ý tưởng sẽ đe dọa “sự phát triển của những hiểu biết và khám phá quan trọng, nhiều trong số đó bắt đầu từ những quan điểm ngoài lề.”Tòa Phúc thẩm Liên bang Khu vực 11 đã bác bỏ một phần luật của Florida, nhận thấy rằng “với những ngoại lệ nhỏ, chính phủ không thể yêu cầu một cá nhân hoặc tổ chức tư nhân phải nói gì hoặc nói như thế nào.”Ngay cả những nền tảng “lớn nhất” cũng là “các tổ chức tư nhân có các quyền được Tu chính án thứ Nhất bảo vệ … [và] cái gọi là các quyết định kiểm duyệt nội dung của họ cũng được xem là hoạt động đánh giá biên tập và được bảo vệ.”Tòa Phúc thẩm Liên bang Khu vực 5 đã thực hiện một hành động ngược lại, cho rằng luật chống loại bỏ người dùng trên nền tảng của Texas là hợp hiến và bác bỏ “ý tưởng rằng các tập đoàn có quyền tự do theo Tu chính án thứ Nhất để kiểm duyệt những gì mọi người nói.”
Luật của cả hai tiểu bang này đều yêu cầu các nền tảng [mạng xã hội] phải giải thích các quyết định kiểm duyệt nội dung của họ.
Các câu hỏi pháp lý
Tối cao Pháp viện sẽ cố gắng trả lời liệu các hạn chế kiểm duyệt nội dung và yêu cầu giải trình cá nhân của hai điều luật tiểu bang nói trên có tuân thủ Tu chính án thứ Nhất hay không.
Ông Christopher Newman, một giáo sư luật tại Trường Luật Antonin Scalia thuộc Đại học George Mason, dự đoán Mục 230 của Đạo luật Khuôn phép Giao tiếp liên bang năm 1996 sẽ có hiệu lực.
Điều khoản này thường bảo vệ các công ty và các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) khỏi phải chịu trách nhiệm pháp lý về những gì người dùng tuyên bố trên nền tảng của họ. Những người ủng hộ nói rằng điều khoản này, đôi khi được gọi là “26 từ ngữ đã tạo ra Internet,” đã thúc đẩy một môi trường trực tuyến mà trong đó tự do ngôn luận phát triển mạnh mẽ.
Mục 230 quy định rằng, “Không có nhà cung cấp hoặc người sử dụng dịch vụ máy điện toán giao tiếp nào được xem là nhà xuất bản hoặc người phát ngôn đối với bất kỳ thông tin nào do nhà cung cấp nội dung thông tin khác cung cấp.”
Ông Newman nói rằng Tòa án Phúc thẩm Khu vực 5 đã xem xét phần này và nói rằng điều đó có nghĩa là Quốc hội tin rằng các ISP, khi xuất bản các bài đăng, không tuyên bố theo quyền hạn của riêng họ và do đó “không được yêu cầu bảo vệ theo Tu chính án thứ Nhất.”
Tuy nhiên, Mục 230 cũng quy định rằng “Các ISP được miễn trách nhiệm pháp lý đối với quyết định xóa bỏ một số nội dung nhất định của họ, bởi vì nội dung đó mang tính xúc phạm, tục tĩu, hoặc về bất cứ điều gì,” ông Newman nói.
Ông nói, mục tiêu chính đằng sau mục này là “đúng đắn là vì chính phủ muốn các nền tảng truyền thông xã hội cố gắng kiểm soát và loại bỏ nội dung khiêu dâm khỏi các trang web của họ.”
“Rõ ràng là Quốc hội mong muốn các nền tảng truyền thông xã hội có được quyền hạn, được miễn trách nhiệm pháp lý … có cả hai quyền này … để vừa được bảo vệ khỏi trách nhiệm pháp lý đối với những nội dung xấu mà họ cho phép người dùng đăng tải, đồng thời được miễn trách nhiệm pháp lý vì chọn lọc những gì họ cho phép.”
Ông Newman cho biết, học thuyết về nhà cung cấp dịch vụ phổ biến, có nguồn gốc từ Anh quốc, cũng có thể được đưa ra trong các cuộc tranh luận miệng.
Ông nói, ý tưởng cơ bản đằng thân phận nhà cung cấp dịch vụ phổ biến là điều này “gần giống như đối xử với công ty đó như một [công ty] tiện ích,” giúp cho chính phủ có quyền quản lý công ty đó vì lợi ích công cộng.
Ông Newman nói rằng việc xem công ty đó như một nhà cung cấp dịch vụ phổ biến mang lại cho chính phủ quyền “áp đặt các nghĩa vụ cơ bản không phân biệt đối xử … [như] những nghĩa vụ mà họ áp đặt đối với một cơ sở tiện ích công cộng. Quý vị không chỉ có quyền tùy tiện loại trừ mọi người khỏi nền tảng mà còn phải cung cấp dịch vụ cho mọi người theo những điều khoản tương đương.”
Ông nói, cả hai đạo luật của tiểu bang đều cấm các nền tảng này thực hiện một số kiểu phân biệt đối xử nhất định, đồng thời “áp đặt các yêu cầu tiết lộ khá phiền toái, về cơ bản, mỗi khi quý vị đưa ra một quyết định kiểm duyệt nội dung, quý vị phải đưa ra một lời giải thích lý do tại sao quý vị làm như vậy.”
“Hãy tưởng tượng rằng quý vị là một công ty truyền thông xã hội đang giải quyết hàng tỷ bài đăng mỗi ngày và phải đưa ra quyết định kiểm duyệt nội dung trên quy mô lớn.”
Theo ông Newman, việc cứ phải viết một lời một giải thích để biện minh cho mỗi quyết định kiểm duyệt sẽ mang tính “cấm đoán.”
Ông Jim Burling, phó chủ tịch phụ trách các vấn đề pháp lý của Tổ chức Pháp lý Thái Bình Dương, một công ty luật bất vụ lợi quốc gia chuyên thách thức các hành vi lạm quyền của chính phủ, cho biết người Mỹ tức giận một cách chính đáng về hành vi của các nền tảng truyền thông xã hội.
Ông Burling nói với The Epoch Times rằng những ai bày tỏ quan điểm nghi ngờ “giáo điều cấp tiến” này đã bị cấm sử dụng mạng xã hội và nhiều người dùng đã bị loại khỏi YouTube.
“Vì vậy, rất nhiều người cảm thấy khó chịu một cách chính đáng về việc các công ty truyền thông xã hội ngăn cấm họ. Và tất nhiên, có một điều may mắn là những gì mà chúng ta đã học được gần đây về việc [chính phủ] Hoa Kỳ đang gây áp lực cực độ lên các công ty truyền thông xã hội trong vấn đề kiểm duyệt.”
Hôm 20/10, Tối cao Pháp viện đã chấp nhận đơn kiến nghị trong vụ Murthy kiện Missouri. Pháp viện sẽ xem xét liệu chính phủ TT Biden có vi phạm Hiến Pháp hay không khi thúc đẩy các công ty công nghệ xóa những nội dung mà họ cho là sai sự thật hoặc gây hiểu lầm về COVID-19 và cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 đang được tranh cãi.
Ông Burling cho biết các vụ kiện ở Texas và Florida đã khiến ông nhớ đến Học thuyết Công bằng, một chính sách năm 1949 của Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ (FCC) buộc những người nắm giữ giấy phép phát thanh phải đưa ra những quan điểm khác nhau về các vấn đề gây tranh cãi.
Chính sách này được Tối cao Pháp viện duy trì vào năm 1969 nhưng bị FCC hủy bỏ vào năm 1987.
Ông nói: “Thỉnh thoảng có những người muốn áp dụng lại một số loại Học thuyết Công bằng,” và nói thêm rằng các tòa án “chưa bao giờ thực sự bác bỏ học thuyết này một cách kiên quyết.”
“Một chính quyền — ở cấp tiểu bang, liên bang, hoặc địa phương — có thể quy định sự bày tỏ trên mạng truyền thông xã hội ở mức độ nào?” ông Burling nói.
“Đó sẽ là câu hỏi trị giá 64,000 USD.”
Các vụ kiện gần đây
Trước đó trong năm nay, Tối cao Pháp viện đã cân nhắc về các vấn đề truyền thông xã hội.
Pháp viện đã bỏ qua vấn đề các nền tảng được quyền tránh khỏi trách nhiệm pháp lý đối với nội dung của người dùng trong phán quyết ngày 18/05 về hai vụ Twitter Inc. kiện Taamneh và Gonzalez kiện Google LLC.
Vụ Taamneh liên quan đến một người đàn ông Jordan thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố của ISIS tại hộp đêm ở Istanbul. Gia đình của nạn nhân đã lập luận rằng Twitter, Facebook, và Google phải chịu trách nhiệm pháp lý vì họ đã không làm đến nơi đến chốn việc gỡ bỏ các video của ISIS mà họ khẳng định là đã giúp đỡ cho nhóm khủng bố.
Trong vụ Gonzalez, gia đình của một phụ nữ Hoa Kỳ thiệt mạng trong vụ tấn công của ISIS ở Paris đã khởi kiện, tuyên bố rằng Google, chủ sở hữu YouTube, phải chịu trách nhiệm pháp lý theo Đạo luật Chống Khủng bố Liên bang vì đã giúp đỡ các nỗ lực chiêu mộ của ISIS bằng điều được cho là sử dụng thuật toán để hướng người dùng đến các video của ISIS.
Tối cao Pháp viện đồng thuận ra phán quyết có lợi cho Twitter, Google, và Facebook. Họ tuyên bố rằng trong hai vụ kiện này, mối liên hệ giữa những đại công ty ở Thung lũng Silicon và việc người thân của bên nguyên đơn thiệt mạng chưa được chứng minh, vì vậy không cần thiết phải viện dẫn Mục 230.
Hôm 31/10, Tối cao Pháp viện cũng đã xét xử hai vụ án, O’Connor-Ratcliff kiện Garnier, và Lindke kiện Freed.
Vấn đề pháp lý là liệu một quan chức có tham gia vào hành động của chính phủ theo Tu chính án thứ Nhất hay không khi chặn người khác truy cập vào trương mục mạng xã hội của quan chức đó.
Trong vụ kiện đầu tiên, hai ủy viên dân cử của hội đồng trường học địa phương ở California, sử dụng các trương mục Facebook và Twitter cá nhân của họ để liên lạc với công chúng, đã chặn các bậc cha mẹ mà họ cho rằng đang gửi thư rác cho họ.
Các bậc cha mẹ đã phản đối rằng họ đã giao tiếp một cách có thiện chí.
Tòa Phúc thẩm Liên bang Khu vực 9 đã ra phán quyết có lợi cho các bậc cha mẹ, khi nhận thấy rằng các quan chức dân cử sử dụng trương mục mạng xã hội đang tham gia vào một diễn đàn công cộng.
Trong vụ kiện thứ hai, một người quản lý thành phố ở Michigan, sử dụng Facebook để liên lạc với cử tri, đã chặn những người chỉ trích sự ứng phó của chính quyền thành phố đối với đại dịch COVID-19. Tòa Phúc thẩm Liên bang Khu vực 6 đã ra phán quyết có lợi cho quan chức này, cho rằng ông chỉ hành động với tư cách cá nhân và các hoạt động của ông không được xem là hành động của chính phủ.
Hồi năm 2017, Viện Hiệp sĩ Tu chính án thứ Nhất cùng bảy người mà ông Donald Trump đã chặn trên Twitter đã khởi kiện ông. Tòa Phúc thẩm Liên bang Khu vực 2 đã đồng ý với những người này và cho rằng tổng thống đương thời đã vi phạm Tu chính án thứ Nhất.
Hồi tháng 04/2021, gần ba tháng sau khi cựu TT Trump bị cấm khỏi Twitter, Tối cao Pháp viện đã ra phán quyết rằng cuộc tranh chấp là vô nghĩa vì tổng thống đã mãn nhiệm. Ông Elon Musk sau đó đã mua lại Twitter và hủy bỏ lệnh cấm.
Cuộc tranh luận trực tiếp trong vụ Moody kiện NetChoice LLC và NetChoice LLC kiện Paxton dự kiến sẽ diễn ra vào mùa xuân.