Tòa phúc thẩm giữ nguyên lệnh cấm học sinh mặc áo ‘chỉ có hai giới tính’
Những lệnh cấm như vậy tùy thuộc vào các viên chức nhà trường, chứ không phải thẩm phán, hay phán quyết của tòa án.
Hôm 09/06, một tòa phúc thẩm Hoa Kỳ đã ủng hộ một lệnh cấm học sinh trung học cơ sở ở Massachusetts mặc áo có dòng chữ “Chỉ có hai giới tính.”
Một lệnh cấm khác của ban giám hiệu trường, lần này là cấm chính học sinh đó mặc chiếc áo có những từ ngữ “chỉ có hai” được dán băng dính, và trên băng dính có dòng chữ “bị kiểm duyệt,” cũng được cho phép theo tiền lệ của tòa án, theo phán quyết nói trên của Tòa Phúc thẩm Liên bang Khu vực 1.
Thẩm phán Tòa Phúc thẩm Liên bang David Barron đã viết cho hội đồng đã đồng thuận của tòa án rằng: “Câu hỏi ở đây không phải là có nên cấm những chiếc áo T-shirt đó không. Câu hỏi là ai sẽ quyết định việc có nên cấm chúng hay không — các nhà giáo hay thẩm phán liên bang. Dựa trên vụ Tinker, các trường hợp áp dụng lệnh cấm này, và trong vụ việc cụ thể ở đây, chúng ta không thể nói rằng trong trường hợp này, Hiến Pháp giao phán quyết nhạy cảm (và có thể gây hậu quả) này để quyết định điều gì sẽ tạo nên ‘môi trường thuận lợi cho việc học tập’ tại NMS cho chúng ta thay vì giao cho các nhà giáo dục có liên quan nhất với tình huống này.”
Trong vụ Tinker kiện Học khu Cộng đồng Độc lập Des Moines hồi năm 1969, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã ra phán quyết rằng lệnh cấm sinh viên đeo băng tay để phản đối Chiến tranh Việt Nam đã vi phạm quyền của sinh viên theo Tu chính án thứ Nhất.
Thẩm phán Tòa Phúc thẩm Liên bang Indira Talwani đã trích dẫn phán quyết này khi vào năm 2023, bà ra phán quyết có lợi cho ban giám hiệu Trường Trung học John T. Nichols (NMS) và Học khu Middleborough ở Massachusetts chống lại Liam Morrison, cậu bé đã mặc chiếc áo “hai giới tính” đến trường.
“[Nhà trường] đã kết luận một cách hợp lý rằng chiếc áo đó xâm phạm quyền của người khác,” Thẩm phán Talwani nói trước khi trích dẫn vụ Tinker. “Các trường học có thể cấm những phát ngôn ‘xâm phạm đến quyền được an toàn và không bị quấy rầy của người khác.’”
Một phần quy định về trang phục của NMS nêu rõ rằng học sinh không được mặc những trang phục “tuyên bố, ám chỉ, hoặc diễn tả về lời nói hoặc hình ảnh thù địch [nhắm vào] các nhóm dựa trên chủng tộc, dân tộc, giới tính, khuynh hướng tính dục, nhận dạng giới tính, tôn giáo, hoặc bất kỳ sự phân loại nào khác.”
Cậu bé Liam đã bị đuổi khỏi lớp sau khi một giáo viên bày tỏ lo ngại về chiếc áo của cậu. Cuối cùng, cậu bị gửi về nhà sau khi từ chối bỏ chiếc áo, và cha của cậu nói rằng ông cũng không ép buộc cậu phải bỏ.
Vào một ngày khác, khi Liam đến trường với chiếc áo bị dán một phần bằng băng dính, ban giám hiệu trường đã yêu cầu cậu cởi nó ra, và cậu đã tuân theo.
Luật sư của Liam lập luận rằng những chiếc áo này không xâm phạm quyền của các học sinh khác. Họ đã viết trong một văn bản gửi lên tòa phúc thẩm rằng những chiếc áo này “giống như những chiếc băng tay của các trẻ em trong vụ Tinker, một hình thức ‘biểu đạt ý kiến một cách im lặng và thụ động.’”
“Họ đã cấm Liam Morrison mặc chiếc áo T-shirt này dựa trên một vài khiếu nại chủ quan rằng các học sinh [khác] cảm thấy khó chịu, không an toàn, hoặc bị nhắm tới,” họ nói. “Nhưng vụ Tinker ngăn cấm các trường học kiểm duyệt việc biểu đạt dựa trên ‘sự khó chịu’ hay ‘nỗi sợ’ phát sinh từ việc tiếp xúc với ‘[các quan điểm] không được ưa chuộng.’”
Trong một phán quyết liên quan của Tòa phúc thẩm Liên bang Khu vực 3, tòa án này đã ra phán quyết rằng một học khu không thể cấm phát ngôn về “các vấn đề gây tranh cãi” như “tập quán chủng tộc,” “truyền thống tôn giáo,” hoặc “xu hướng tính dục” mà không có “một lý do cụ thể rằng tại sao điều này được dự đoán là sẽ làm gián đoạn đáng kể [việc học tập].”
Hôm 10/06, Hội đồng Tòa Phúc thẩm Liên bang Khu vực 1 tuyên bố rằng ngay cả khi những chiếc áo này không xâm phạm quyền của người khác, thì ban giám hiệu trường vẫn có thể dự đoán hợp lý rằng chúng sẽ gây gián đoạn việc học.
Ban giám hiệu trường nói rằng thông điệp trên áo sẽ “làm gián đoạn nghiêm trọng đến khả năng tập trung vào việc học của các học sinh chuyển giới và không theo chuẩn giới tính khi ở một lớp học có thông điệp đó được hiển thị.” Tòa án liên bang đã đồng ý, vì “tính chất xúc phạm của thông điệp” và việc ban giám hiệu chứng minh rằng họ biết có một số học sinh tự nhận là người chuyển giới đang tranh đấu với suy nghĩ tự sát.
Thẩm phán Barron viết, cùng với sự đồng thuận của các Thẩm phán O. Rogeriee Thompson và Lara Montecalvo của Tòa Phúc thẩm Khu vực Liên bang: “Trong những hoàn cảnh như vậy, chúng tôi cho rằng việc học khu Middleborough dự đoán rằng một thông điệp phủ nhận sự tồn tại của các nhận dạng giới tính của học sinh chuyển giới và không theo chuẩn giới tính được hiển thị suốt cả buổi học sẽ có tác động tiêu cực nghiêm trọng đến khả năng tập trung vào bài học trên lớp của những học sinh đó là hợp lý.”
Các thẩm phán Barron, Thompson, và Talwani đều do Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm. Thẩm phán Montecalvo được Tổng thống Joe Biden bổ nhiệm.
Ông David Cortman, phó trưởng bộ phận phụ trách kiện tụng tại Hoa Kỳ của Liên minh Bảo vệ Tự do (Alliance Defending Freedom), một tổ chức đang đại diện cho cậu bé Liam, đã chia sẻ với The Epoch Times qua thư điện tử rằng “hệ thống pháp luật của chúng ta được xây dựng dựa trên sự thật rằng chính phủ không thể bịt miệng bất kỳ người phát ngôn nào chỉ vì họ không đồng ý với những gì người đó nói.”
Ông cho biết Tòa Phúc thẩm Liên bang Khu vực 1 đã sai lầm khi ra quyết định này và tổ chức này đang xem xét tất cả các lựa chọn pháp lý, bao gồm cả kháng cáo.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times