Tòa án ở châu Âu phán quyết Thụy Sĩ vi phạm các quyền do không hành động về biến đổi khí hậu
Tòa án này xác định Thụy Sĩ đã không thực hiện được các nghĩa vụ rõ ràng này để bảo vệ công dân của mình khỏi biến đổi khí hậu
Tòa án Nhân quyền Âu Châu ra phán quyết rằng chính phủ Thụy Sĩ đã vi phạm nhân quyền của công dân nước này khi không thực hiện đầy đủ hành động để bảo vệ họ trước những rủi ro về khí hậu.
Phán quyết hôm thứ Ba (09/04) của tòa án ở Strasbourg, Pháp, là một chiến thắng dành cho hiệp hội Verein KlimaSeniorinnen Schweiz.
Verein KlimaSeniorinnen Schweiz, có tên dịch sang tiếng Anh là “Phụ nữ Cao niên Bảo vệ Khí hậu,” đã lập luận rằng Công ước Nhân quyền Âu Châu năm 1950 (ECHR) có nội dung cụ thể là bắt buộc chính phủ của họ phải bảo vệ họ trước những tác hại của biến đổi khí hậu.
Điều 8 của ECHR mô tả chung chung về quyền của một cá nhân được tôn trọng vì cuộc sống riêng tư và gia đình của cá nhân đó, cũng như nhà ở và thư từ cá nhân của người đó.
Bên đệ đơn yêu cầu phán quyết về nhân quyền này lập luận rằng quyền riêng tư và quyền sống của cá nhân được mô tả trong Điều 8 của ECHR đòi hỏi quyền không để cuộc sống cá nhân của một người bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và đặt ra nghĩa vụ cho các quốc gia thành viên của công ước này phải bảo đảm quyền đó.
Chính phủ Thụy Sĩ khẳng định họ đã nhận ra những tác hại tiềm ẩn của biến đổi khí hậu và đã thực hiện các bước nhằm giảm lượng phát thải khí nhà kính (GHG) nhưng đặt câu hỏi về những cơ sở pháp lý để đưa ra một vụ kiện như vậy. Chính phủ Thụy Sĩ lập luận rằng những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe mà bên đệ đơn có thể phải chịu do nhiệt độ tăng cao là mơ hồ đến mức không thể có thể quy kết cụ thể cho bất kỳ việc không hành động nào của chính phủ Thụy Sĩ.
“Lượng phát thải khí nhà kính là do cộng đồng các Quốc gia gây ra và các Quốc gia khác nhau phát thải lượng khí nhà kính khác nhau. Với cường độ GHG thấp như hiện tại của Thụy Sĩ, những thiếu sót được quy cho Thụy Sĩ không có tính chất đến mức gây ra sự chịu đựng cho người đệ đơn hay gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến sinh mạng cũng như cuộc sống riêng tư và cuộc sống gia đình của họ,” chính phủ Thụy Sĩ lập luận, theo một bản tóm tắt các lập luận của họ được đưa ra trong phán quyết hôm thứ Ba.
Tòa án Nhân quyền Âu Châu, được thành lập để xét xử các vụ việc liên quan đến ECHR, cuối cùng đã đứng về phía những người đệ đơn khi kết luận Điều 8 của công ước năm 1950 đó “bao gồm quyền được nhà chức trách Quốc gia bảo vệ thực sự khỏi những tác động bất lợi nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đối với cuộc sống, sức khỏe, hạnh phúc, và chất lượng cuộc sống.”
Tòa án này xác định Thụy Sĩ đã không thực hiện được các nghĩa vụ rõ ràng này để bảo vệ công dân của mình khỏi biến đổi khí hậu vì nước này đã không thực hiện đầy đủ khuôn khổ trong nước để quản lý phát thải khí nhà kính.
Tòa án Nhân quyền Âu Châu còn ra phán quyết thêm rằng hệ thống tòa án Thụy Sĩ đã vi phạm Điều 6 của ECHR khi từ chối nghe chính những tranh luận về khí hậu của những người đệ đơn. Điều 6 của ECHR bắt buộc các quốc gia thành viên phải bảo đảm công dân của họ có quyền được xét xử công bằng.
Bản kết án này, vốn không thể bị kháng cáo, có thể buộc chính phủ Thụy Sĩ phải có hành động mạnh mẽ hơn để giảm lượng phát thải khí nhà kính.
Phán quyết này sẽ tác động đến 46 quốc gia là thành viên của Hội đồng Âu Châu và ECHR, buộc các quốc gia thành viên đó phải bảo đảm thiết lập các chính sách để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Văn phòng Tư pháp Liên bang Thụy Sĩ đã mô tả phán quyết hôm thứ Ba của Tòa án Nhân quyền Âu Châu là phán quyết cuối cùng và cho biết phán quyết này phải được thực thi.
Văn phòng chính phủ Thụy Sĩ cho biết: “Cùng với các cơ quan liên quan, giờ đây chúng tôi sẽ phân tích phán quyết sâu rộng này và xem xét lại các biện pháp mà Thụy Sĩ sẽ thực hiện trong tương lai.”
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press và Reuters
Cẩm An lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times