Người Trung Quốc tương lai sẽ được tạo ra từ phòng thí nghiệm?
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang lo lắng trước tình trạng dân số suy giảm nhanh chóng — nhưng cách họ phản ứng lại gây hoang mang.
Mùa thu năm ngoái, ông Tập Cận Bình, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), tuyên bố rằng phụ nữ Trung Quốc phải sinh con, hoặc như ông nói, phải bắt đầu một “xu hướng gia đình mới” ở Trung Quốc.
Sự thật là ĐCSTQ đang gặp khó khăn trong việc thuyết phục người dân mà họ cai trị sinh thêm nhiều người nữa.
Tại đây có rất nhiều điều trớ trêu cần phải lưu ý. Đầu tiên, trẻ em sơ sinh luôn là một trong những niềm vui lớn nhất trong cuộc đời mỗi người; ít nhất đã từng như vậy. Nhưng ĐCSTQ đã huỷ hoại trải nghiệm hạnh phúc đó trừ phi người Trung Quốc quên mất điều mà đảng này đã làm. Thêm nữa là một thực tế rằng Trung Quốc có khoảng 1.4 tỷ dân, chỉ sau Ấn Độ. Điều trớ trêu là dân số Trung Quốc có thể nhanh chóng giảm xuống còn một nửa con số đó. Con số thống kê đáng buồn đó cũng là do ĐCSTQ gây ra.
Dù chính sách một con bắt đầu từ năm 1979 đã kết thúc vào năm 2015, nhưng đến lúc đó, sự phá hủy trong văn hoá nhân khẩu học đã xảy ra. Hai thế hệ đã phải chịu đựng việc nhà nước cưỡng ép phá thai, bỏ rơi trẻ em, và những hành vi phản nhân tính khác dưới bàn tay của ĐCSTQ.
Kể từ sau những năm 1990 trở đi, khi người dân Trung Quốc có cuộc sống khấm khá hơn, ý tưởng về việc có nhiều hơn một con, hoặc thậm chí chỉ có một con, đã trở nên phai nhạt dần trong công chúng. Lối suy nghĩ của người dân bắt đầu đi theo hướng: “Tại sao lại phải có con trong khi quý vị có thể có một chiếc BMW?”
Số ca sinh ít hơn số ca tử vong kể từ sau Nạn Đói Lớn
Hơn nữa, cũng như việc ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về tình trạng suy thoái dân số Trung Quốc, họ cũng hoàn toàn phải chịu trách nhiệm về tình trạng già hóa nhanh chóng và gánh nặng do dân số cao tuổi ở Trung Quốc. Ngày nay, Trung Quốc có số người cao tuổi lớn nhất trên thế giới, lên tới 254 triệu người trên 60 tuổi vào năm 2019. Con số đó dự kiến sẽ tăng lên hơn 400 triệu hay tương đương 30% dân số vào năm 2035. Đó là 400 triệu người già, những người sẽ cần được chăm sóc y tế nhiều hơn và các dịch vụ xã hội đắt đỏ khác. Để thanh toán chi phí đó, ĐCSTQ sẽ phải dựa vào thuế của những người trong độ tuổi lao động, những người chỉ còn gần một nửa so với hiện nay.
Trong vấn đề này tỷ lệ sinh nói lên tất cả. Năm 2021, chỉ có 12 triệu trẻ sơ sinh được sinh ra ở Trung Quốc, giảm so với con số 18 triệu vào năm 2016. Lần đầu tiên kể từ năm 1961, số ca tử vong nhiều hơn số ca sinh ở Trung Quốc. Chỉ trong một năm, dân số Trung Quốc đã giảm 850,000 người; đến năm 2100, dân số Trung Quốc có thể chỉ bằng một phần ba dân số ngày nay.
Giới trẻ không muốn sinh con
Thực tế là nhiều người Trung Quốc không muốn có con chính bởi vì cách mà ĐCSTQ đã và đang điều hành đất nước. Chính sách của nhà nước đã hạ thấp giá trị của việc mang thai, trẻ sơ sinh, và gia đình kể từ khi họ tiếp quản Trung Quốc vào năm 1949 và trừng phạt những ai phản đối chính sách đó. Các giá trị truyền thống đã bị chế giễu và hạ thấp một cách mạnh mẽ trên cơ sở cấp quốc gia trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa và trong nhiều thập niên tiếp theo.
Sau đó, khi Trung Quốc phát triển với sự hội nhập sâu rộng của tiền bạc và công nghệ phương Tây, tỷ lệ sinh của nước này đã giảm xuống. Hai yếu tố đó dường như có tác động trong một hoặc hai thập niên, nhưng đó chỉ là bối cảnh cho cuộc suy thoái nhân khẩu học mà Trung Quốc đang chứng kiến ngày nay và trong tương lai gần. Xu hướng này càng trở nên trầm trọng hơn trước áp lực suy thoái kinh tế mà Trung Quốc hiện đang phải đối mặt. Đó cũng là một xu hướng ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Hậu quả là, những người trẻ Trung Quốc muốn có con đang trì hoãn việc sinh con vì họ không đủ khả năng để nuôi nấng con cái cũng như cha mẹ già. Và đây không phải là thứ văn hoá có thể thay đổi chỉ sau một đêm. Giới trẻ Trung Quốc hiện nay không còn niềm tin vào ông Tập, vào Đảng hay vào tương lai của chính họ về vấn đề này. Sự tín nhiệm đối với ĐCSTQ đã suy giảm.
Một ‘thế hệ cuối cùng’ bi quan
Trên thực tế, một người dùng mạng xã hội nắm bắt được tâm lý xã hội Trung Quốc trong một bài đăng với nội dung: “Ở đất nước này, yêu thương con chính là đừng bao giờ để con ra đời.”
Một phụ nữ Trung Quốc 26 tuổi tên Kongkong, người có một công việc tốt trong lĩnh vực nghiên cứu, đã được tờ The Guardian dẫn lời vào năm 2021 như sau: “Chúng ta phải trả một cái giá quá đắt đỏ để bọn trẻ có một cuộc sống tử tế. Thứ họ dạy ở trường học là sự tuyên truyền, vậy nên tôi muốn gửi các con đến trường quốc tế hoặc học ở ngoại quốc. Nhưng tôi không thể chi trả được.” Cô Kongkong là người thuộc giới trẻ Trung Quốc với tâm lý phổ biến rằng họ là “thế hệ cuối cùng”, cô cam đoan rằng cô sẽ không sinh con.
Phản ứng của ĐCSTQ có vẻ tức cười, hoài nghi, và thậm chí là tàn ác.
Về mặt có vẻ nực cười, ông Tập đang trở thành người cổ vũ cho làn sóng bùng nổ sinh con của thế kỷ 21, hứa hẹn những đám cưới xa hoa cho những phụ nữ kết hôn và ca ngợi các giá trị gia đình, sinh con và những ảnh hưởng ổn định của họ đối với xã hội — những điều mà ĐCSTQ trước đây đã lên án và trừng phạt. Có vẻ như ông Tập đang hy vọng tái tạo lại một Trung Quốc đang bị trống rỗng mà ông và Đảng đã tạo ra dưới dạng “nhà nước bảo mẫu phiên bản 2.0”.
Nhưng đã quá muộn cho việc đó. “Trung Quốc mà ông Mao xây dựng” đang chết dần do chính sai lầm của ông ta, cũng như hầu hết các nước phương Tây. Trung Quốc chỉ kịch tính hơn một chút. Nhà nước độc đảng đã mất đi tất cả ảnh hưởng hay uy tín (mặc dù nhà nước này kiểm soát tất cả các phương tiện truyền thông trong nước) và phải thay thế sự mất mát đó bằng sự cưỡng bức và thực thi pháp luật cay nghiệt hơn vốn là điều đương nhiên đối với Đảng này. Điều đó có thể sẽ vượt xa việc chỉ giám sát người dân. Họ có thể sẽ dùng đến nhiều biện pháp cưỡng chế hơn, điều này sẽ chỉ khiến thế hệ trẻ xa lánh hơn và khẳng định điều họ đã biết: rằng ĐCSTQ hận người dân của chính mình.
Nhà máy sản xuất người của Trung Quốc
Liệu việc ép buộc mang thai có hiệu quả không?
Liệu điểm tín nhiệm xã hội có bị điều chỉnh khi một phụ nữ trẻ mang thai hay không?
Có lẽ, nhưng chính sách này sẽ không có tác dụng đủ kịp thời, đó là lý do tại sao có suy đoán rằng ĐCSTQ đang xem xét việc tái tạo dân số ở Trung Quốc bằng những người Trung Quốc được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm:
Người dùng Triệu Đại Súy (Zhao DaShuai) thuộc Cục Tuyên truyền của Cảnh sát Vũ trang Nhân dân đã viết trên nền tảng X vào tháng 08/2023 rằng: “Sớm hay muộn, sinh sản sẽ là một quá trình công nghiệp hóa, đó là cách duy nhất để duy trì tỷ lệ sinh ổn định”. Cô đã đăng một bức ảnh về một bào thai người bên trong một chiếc máy, lưu ý rằng “điều quan trọng là làm cho nó hoạt động ở trạng thái ổn định, bảo đảm sự cân bằng tuyệt đối trong quy trình này.”
Với việc nhà nước từng thực hiện những việc này ở Trung Quốc, thực sự có điều gì mà người dân Trung Quốc cần phải lo lắng không?
Thuần Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times