TNS. Johnson ca ngợi bộ phim tài liệu mới về ngày 06/01 của Epoch Times tại buổi chiếu ở Tòa nhà Capitol
Vào ngày 09/01, bộ phim tài liệu ‘Câu chuyện Có thật về Ngày 06/01: Đường Về Nhà Còn Dài’ được chiếu tại Tòa nhà Quốc hội, tiếp đó là một buổi hội thảo.
HOA THỊNH ĐỐN—Thượng nghị sĩ Ron Johnson (Cộng Hòa-Wisconsin) ca ngợi bộ phim tài liệu mới của The Epoch Times. Bộ phim này khám phá các sự kiện diễn ra vào ngày 06/01/2021 tại Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ cũng như những ảnh hưởng của những sự kiện này đối với cuộc sống của người Mỹ.
Hôm 09/01, bộ phim tài liệu “Câu chuyện Có thật về Ngày 06/01, Phần 2: Đường Về Nhà Còn Dài” đã được công chiếu lần đầu tiên tại Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ trong một sự kiện do ông Johnson tổ chức.
Bộ phim tài liệu này hiện được chiếu trực tuyến cho những người ghi danh vào trang web của The Epoch Times.
Được phát hành nhân kỷ niệm ba năm cuộc biểu tình “Ngừng Đánh cắp Cuộc bầu cử” (Stop the Steal), bộ phim tài liệu này là phần tiếp theo được chờ đợi từ lâu của “Câu chuyện Có thật về Ngày 06/01.”
Cả phần một và phần tiếp theo của bộ phim tài liệu này đều được ký giả điều tra cao cấp Joe Hanneman của Epoch Times nghiên cứu và tường thuật.
Trong khi tập 1 đã khám phá bản thân các sự kiện xảy ra vào ngày 06/01/2021, thì tập tiếp theo lại đi sâu vào khám phá những hậu quả mà sự kiện ngày 06/01 để lại đã thay đổi nước Mỹ như thế nào.
Ông Johnson ca ngợi bộ phim tài liệu, nói rằng bộ phim tiếp tục quá trình cố gắng tìm ra câu trả lời cho nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ về ngày 06/01.
Ông Johnson nói trong phần mở đầu: “Chúng tôi thậm chí còn chưa bắt đầu được kể toàn bộ câu chuyện, có nghĩa là sự thật về ngày 06/01.”
“Họ luôn nói, ‘Người chiến thắng sẽ là người giành được chiến lợi phẩm.’ Lịch sử được viết nên từ góc nhìn của người chiến thắng. Và thật không may, vào tháng 11/2020, Đảng Dân Chủ đã có tất cả. Họ là những người nắm quyền lực và họ đã viết nên lịch sử cho ngày 06/01.”
Sau khi nắm quyền kiểm soát lưỡng viện trong Quốc hội và Tòa Bạch Ốc, Đảng Dân Chủ đã bắt đầu thúc đẩy lối đưa tin rằng ngày 06/01 được xem là một “cuộc nổi dậy” bất thành chống lại chính phủ Hoa Kỳ.
Lối đưa tin về các sự kiện này là luận điệu do Ủy ban Ngày 06/01 của Hạ viện hiện đã giải tán thúc đẩy. Luận điệu này để lại một số câu hỏi chưa được giải đáp — những trường hợp tử vong, những hành vi sai trái có thể xảy ra của cảnh sát, vai trò của đặc vụ ngầm, và sự thiếu hụt một cách tổng thể trong quy trình chuẩn bị an ninh của Tòa nhà Quốc hội vào ngày hôm đó.
Ông Johnson nói: “Có rất nhiều câu hỏi thậm chí còn chưa được hỏi, câu trả lời còn ít hơn nữa, để có thể hiểu được toàn bộ câu chuyện — để biết được toàn bộ sự thật.”
“Có quá nhiều câu hỏi chưa được trả lời. Tôi thật sự cảm ơn The Epoch Times vì đã đóng vai trò là những ký giả đang sử dụng các quyền trong Tu chính án thứ Nhất về tự do báo chí, tự do ngôn luận, trở thành cầu nối trung thực trong việc cố gắng vạch trần và nói cho người dân Mỹ biết sự thật.
“Và tất cả những gì mà tôi có thể yêu cầu bất kỳ ai ở đây trong số khán giả hoặc những người đang xem đoạn băng video sắp được chiếu này là hãy cố gắng tìm ra sự thật, hãy nhận thức sự thật này. Hãy tra cứu các trang như The Epoch Times, và ghi danh.”
‘Nhân tố thay đổi cuộc chơi’
Những khán giả khác tham dự buổi chiếu phim cũng đều hào hứng không kém.
Ông Armstrong Williams, người dẫn chương trình “The Armstrong Williams Show,” gọi bộ phim tài liệu này là “nhân tố thay đổi cuộc chơi.”
“Nghe này, nếu quý vị quan tâm đến sự thật, nếu quý vị quan tâm đến danh dự, nếu quý vị tôn trọng Hiến Pháp, thì ít nhất quý vị nên xem bộ phim tài liệu này, vì bộ phim này sẽ là nhân tố thay đổi cuộc chơi đối với quý vị,” ông nói với The Epoch Times. “Thông tin thật là thuyết phục. Và kiến thức cho quý vị sức mạnh và lòng can đảm để tìm kiếm sự thật.”
Ông Jeff Clark, một cựu trợ lý cho tổng chưởng lý dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump và là đồng bị cáo trong vụ án bầu cử ở Georgia nhắm vào cựu Tổng thống Trump, cũng đồng tình.
“Tôi nghĩ mọi người đều muốn có được thông tin đầy đủ,” ông nói. “Mọi người ở Mỹ suốt ngày phải nghe cùng một nội dung với các bài tường thuật chính thức do các hãng truyền thông chính thống và Ủy ban Ngày 06/01 đưa ra, nên việc xem một bộ phim như thế này sẽ giúp mọi người có được góc nhìn rộng hơn. Và sau đó họ có thể bắt đầu đặt câu hỏi, và sau đó họ có thể bắt đầu yêu cầu Quốc hội có một cuộc điều tra cân xứng.”
Ông Darrell Smith, một nhà thầu quốc phòng làm việc tại Hoa Thịnh Đốn, cũng khen ngợi bộ phim này.
“Tôi rất vui vì The Epoch Times đã phát hành nội dung này vì có rất nhiều thứ không được công bố cho công chúng,” ông Smith nói. “Đây là loại thông tin mà công chúng cần xem để họ có thể đưa ra quan điểm của riêng mình.”
Bà Rita Solon, một thành viên quản trị của nhóm vận động ủng hộ các bị cáo ngày 06/01, nói rằng bộ phim tài liệu này “thật tuyệt vời.”
Bà nói: “Bộ phim cho thấy rất nhiều sự khác biệt giữa những gì chúng ta được nghe và những gì chúng ta thực sự khám phá được.”
Bà Solon và những người khác khen ngợi bộ phim tài liệu này đã tập trung vào những tác động đến con người của mạng lưới truy tố của Bộ Tư pháp (DOJ) sau ngày 06/01.
Bà Solon nói: “Bộ phim này cho thấy một số tác động thực sự mà các gia đình đã phải trải qua và lòng dũng cảm mà họ thể hiện với tư cách nạn nhân.”
Ông Noel Fritsch, một nhà xuất bản của National File, cũng đồng ý, trích dẫn câu chuyện về những người tố cáo trong FBI đã phải đối mặt với sự trả thù nhanh chóng và khắc nghiệt vì đã lên tiếng phản đối phản ứng của FBI với [những người tham gia sự kiện] ngày 06/01.
“Tôi nghĩ đây là một đoạn mở đầu hay về một số câu chuyện mọi người quan tâm mà ông Hanneman đã đề cập để đưa ra ý tưởng rằng một số người trong số này đang cố gắng thực hiện công việc của mình. Những người như [người tố cáo FBI Garrett] O’Boyle,” ông nói. “Những người này là đặc vụ liên bang đang cố gắng thực hiện nhiệm vụ và rõ ràng đã bị đuổi việc vì cố gắng thực hiện công việc. Đây là phần mở đầu rất hay về các sự kiện ngày 06/01 … và hậu quả sau đó, từ góc nhìn của những người đã ở đó và sau đó được giao nhiệm vụ thực thi điều vô lý này với chính phủ liên bang.”
Buổi hội thảo
Đời sống người Mỹ đã có những thay đổi cốt lõi nào sau ngày 06/01 là chủ đề thảo luận chính mà những người tham luận viên nói đến sau sự kiện.
Buổi thảo luận do người chủ trì chương trình “American Thought Leaders” Jan Jekielek dẫn đầu, bao gồm các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực liên quan.
Trong số đó có ông Tom Speciale, cựu chiến lược gia thu thập cao cấp về khủng bố nội địa tại Trung tâm Chống khủng bố Quốc gia của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia, người đã xuất hiện trong phim tài liệu. Từ kinh nghiệm cá nhân, ông Speciale nói về việc các cơ quan chấp pháp và tình báo liên bang đã thay đổi như thế nào trong những năm gần đây.
Một tham luận viên khác là ông Bill Shipley, một người kỳ cựu làm việc trong Bộ Tư pháp (DOJ) 21 năm, sau đó trở thành luật sư bào chữa. Ông Shipley, người đã bào chữa cho hàng chục thân chủ bị vướng vào mạng lưới truy tố rộng lớn của DOJ sau sự kiện ngày 06/01/2021, đã nói rất nhiều về việc bộ này đã thay đổi các trình tự thông thường như thế nào kể từ đó.
Tham gia cùng họ có Giám đốc Giám sát Dự án của Quỹ Di sản Mike Howell và ông Hanneman.
Các tham luận viên đã đề cập đến việc những thay đổi về chính sách và hoạt động của DOJ đã trở nên hung hãn như thế nào đối với các bị cáo ngày 06/01 — từ các phương pháp thu thập bằng chứng cho đến việc sử dụng các đội chiến thuật để bắt giữ những người bị cáo buộc khinh tội cho đến việc [sử dụng] các tội danh để gây sức ép lên các bị cáo.
Các đội SWAT
Hơn 1,250 người đã bị bắt kể từ ngày 06/01/2021, liên quan đến các sự kiện ngày hôm đó. Phần lớn những người bị bắt đã phải đối mặt với khinh tội, chủ yếu liên quan đến việc xâm phạm bất hợp pháp vào khu đất bị hạn chế của liên bang. Một số người đã phải đối mặt với các trọng tội nặng hơn như cản trở một thủ tục chính thức, một điều khoản liên quan đến cản trở tư pháp đã được mở rộng để phù hợp với các sự kiện ngày 06/01.
Một số người — bao gồm cả những người chỉ bị buộc tội nhẹ — đã bị một đội SWAT bố ráp vào nhà để bắt giữ. Theo nhận xét của cựu Đặc vụ FBI Stephen Friend trong bộ phim tài liệu, điều này hoàn toàn không phổ biến.
Ông Hanneman cho biết đây là điều khiến ông quan tâm nhất trong cuộc điều tra của ông về ngày 06/01.
“Đó là điều hồi giờ chưa từng nghe đến, xông vào và hành động như thể họ [những nhân viên đội SWAT] đang gặp nguy hiểm,” ông nói. “Và tôi đã nghe điều đó từ rất, rất nhiều bị cáo. Họ nói rằng họ nhìn vào mắt các đặc vụ chiến thuật đang đến, và họ có cảm giác như thể họ sắp bị bắn và bỏ mạng tại đó; họ nói rằng họ mới là những người gặp nguy hiểm.”
Theo quan điểm của ông Speciale, việc thực thi cực đoan này có mục đích là “bôi nhọ những người theo phái bảo tồn truyền thống.”
“Đây là về sự phá hoại phong trào bảo tồn truyền thống ở Hoa Kỳ,” ông nói, đồng thời lưu ý rằng việc thực thi cực đoan đối với các bị cáo ngày 06/01 là để chứng minh luận điệu rằng họ là những “kẻ cực đoan trong nước” đầy nguy hiểm, như một phần trong mục tiêu lớn hơn của FBI là có được một đạo luật khủng bố nội địa từ Quốc hội.
Ông Shipley cho biết nguyên nhân dẫn đến những biện pháp này không nằm ở FBI mà thuộc về DOJ; cơ quan này đã “thoát khỏi rắc rối” bằng cách làm cho điều đó có vẻ như là một quyết định của FBI.
Thay vào đó, ông nói, nguyên nhân dẫn đến cuộc bố ráp của đội SWAT là do DOJ.
Ông Shipley giải thích, thông thường, những người bị buộc tội — bao gồm trọng tội trong nhiều trường hợp — sẽ nhận được một lệnh yêu cầu hầu tòa. Chỉ trong một số ít trường hợp, những tội danh này mới tăng lên đến mức thành một lệnh bắt giữ, khi đó FBI được yêu cầu phải đến nhà để bắt giữ nghi phạm. Ông cho biết, trong trường hợp các bị cáo ngày 06/01, DOJ đã thúc đẩy mạnh mẽ việc ban hành lệnh bắt giữ các bị cáo — khiến ngay cả những người phải đối mặt với cáo buộc khinh tội đơn giản cũng phải trải qua cơn ác mộng bị đội SWAT bắt giữ.
‘Điều phiền phức đó được gọi là Hiến Pháp’
Theo ông Speciale, kết quả và mục tiêu của việc này là “một cuộc tấn công trực tiếp nhắm vào Hiến Pháp của chúng ta” và các quyền trong Tu chính án thứ Nhất bằng cách thúc đẩy một đạo luật chống khủng bố trong nước.
Cộng đồng chấp pháp liên bang đã liên tục thúc đẩy lối đưa tin rằng chủ nghĩa khủng bố nội địa là mối đe dọa lớn nhất mà người Mỹ phải đối mặt.
Tuy nhiên, những cáo buộc của người tố cáo trước đây đã cho rằng cơ quan chấp pháp đã thổi phồng một cách giả tạo số lượng các vụ việc cực đoan trong nước để củng cố luận điệu này.
Theo ông Speciale, điều này phù hợp với mục tiêu lớn hơn của cơ quan chấp pháp liên bang là ngăn chặn quyền tự do ngôn luận.
“Đó là một cuộc tấn công trực tiếp nhắm vào Tu chính án thứ Nhất,” ông nói. “FBI biết rằng họ không thể bắt giữ mọi người vì suy nghĩ của họ. Họ muốn có thể bắt giữ quý vị vì đã suy nghĩ hoặc nói những điều đó, nhưng họ không thể làm như vậy vì điều phiền phức đó — và theo nghĩa đen, tôi đã nghe điều này từ các đặc vụ FBI và các đặc vụ cao cấp — vì thứ phiền phức được gọi là Hiến Pháp và Tu chính án thứ Nhất.”
“[Điều phiền phức đó] cản trở họ ‘cứu’ chúng ta.”
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times