Tình yêu, tự do và sự quý giá của cuộc sống
Ba nữ họa sĩ ở ba thế hệ với các tác phẩm nghệ thuật nhắc nhở chúng ta về giá trị của tình yêu, tự do và sự quý báu của cuộc sống.
Judith Leyster, Angelica Kauffman và Elizabeth Jane Gardner Bouguereau là ba trong số những nữ họa sĩ danh giá mà chúng tôi muốn nhắc đến. Giới thiệu sơ lược về họ là như vậy, và bây giờ chúng ta hãy cùng nhau thưởng lãm một số tác phẩm của họ.
Judith Leyster (1609–1660)
Bà Judith Leyster là họa sĩ Hà Lan vào thế kỷ 17. Cha bà đã đổi họ của gia đình thành Leyster sau khi ông sở hữu một nhà máy bia. Vào năm 1628, khi mới chỉ 19 tuổi, bà đã được bộ trưởng Hà Lan kiêm nhà thơ Samuel Ampzing công nhận là nghệ sĩ có những đóng góp tích cực ở Haarlem.
Vào năm 1633, ở độ tuổi 24, bà Leyster là người phụ nữ đầu tiên được công nhận là thành viên của Hội Thánh Luca Haarlem. Cũng vào thời gian đó, bà đã nhận ba người học viên để truyền dạy nghệ thuật hội họa cho họ.
Phần lớn tranh của bà thuộc thể loại tranh phong cảnh và tĩnh vật. Tuy nhiên “Giọt cuối cùng,” (The Last Drop), là một bức tranh thuộc thể loại vanitas vẽ những đồ vật mang ý nghĩa biểu tượng. Tranh vanitas như lời nhắc nhở người xem về sự hư ảo và cám dỗ của cuộc sống, thông qua hình ảnh memento mori (những món đồ như đầu lâu, để gợi cho người xem thông điệp “Hãy nhớ rằng ai rồi cũng sẽ trở về với cát bụi”)
Bức “Giọt cuối cùng” khắc họa hai người đàn ông đang uống rượu. Người đàn ông bên phải cầm một cái tẩu hút thuốc trong tay phải và một cái bình dốc ngược xuống đất ở bên tay trái, chứng tỏ rằng anh ta đã uống hết rượu. Còn người đàn ông kia say mèm cười đùa trong khi giơ hai tay ra phía trước để giữ thăng bằng.
Người đàn ông bên trái đang ngồi, dốc đáy bình của mình lên trên và nuốt chửng hết thứ được chứa đựng trong đó, vội vã bắt nhịp cơn say rượu cùng với người bạn đồng hành. Phía sau họ, có một bộ xương khô đang đứng với tay trái cầm hộp sọ và ngọn nến, trong khi tay phải giữ chiếc đồng hồ cát. Bộ xương khô cúi xuống để nhìn người thanh niên bên trái.
Bộ xương khô như một lời nhắc nhở người xem rằng thời gian của chúng ta ở đây là hữu hạn và không nên phung phí vào những thứ phù phiếm của cuộc sống. Cuộc sống là vô giá. Đến một lúc nào đó, ngọn nến le lói sẽ lụi tàn và chiếc đồng hồ cát sẽ trống rỗng, nhưng cái chết thì vẫn còn đó.
Angelica Kauffman (1741–1807)
Bà Angelica Kauffman, một nữ họa sĩ đến từ Thụy Sĩ, đã được trao nhiều cơ hội hiếm có từ khi còn trẻ. Cha bà là nghệ sĩ vẽ bích họa, bà đã đồng hành cùng ông trong các chuyến đi với vai trò là người trợ lý của ông. Bà không chỉ học được những kỹ pháp sáng tạo từ cha mình mà còn học hỏi từ việc nghiên cứu và sao chép các tác phẩm nghệ thuật cổ điển và tác phẩm thời kỳ Phục hưng. Bà cũng đã được gặp gỡ những người dẫn dắt phong trào Tân cổ điển (Neoclassical) trong các chuyến đi của mình.
Khi còn trẻ, bà Kauffman đã vẽ các bức chân dung theo đặt hàng trước. Vào năm 23 tuổi, bà đã được chọn là thành viên của Accademia di San Luca, một hiệp hội các nghệ sĩ có trụ sở tại Rome, nơi đào tạo nâng cao kỹ năng về nghệ thuật.
Sau đó bà Kauffman đã chuyển đến London, nơi bà gặp gỡ và trở thành bạn thân của họa sĩ Joshua Reynolds. Khi Học viện Nghệ thuật Hoàng gia được thành lập vào năm 1768, ông Reynolds, với tư cách là chủ tịch đầu tiên của trường, đã mời hai phụ nữ trở thành thành viên sáng lập, một trong số đó là bà Kauffman, mới 27 tuổi.
Sau đó, học viện Nghệ thuật Hoàng gia đã ủy quyền cho bà Kauffman vẽ bốn tác phẩm nghệ thuật theo phong cách tả thực mà ông Reynolds theo đuổi trong “Các bài giảng về nghệ thuật” của mình. Bốn bức tranh đó là “Phát minh” (Invention), “Bố cục” (Composition), “Thiết kế” (Design) và “Màu sắc” (Colour).
Bức tranh “Sắc màu” khắc họa một người phụ nữ tỏa sáng trong trang phục truyền thống, để hở phần ngực trái. Nàng đang ngồi trên một tảng đá giữa cảnh vật thiên nhiên. Trên tay trái, nàng đang cầm cọ vẽ và bảng màu. Nàng nhìn lên trời và vươn cây cọ trong tay phải lên chiếc cầu vồng để thu thập màu sắc.
Nàng vươn lên trên cao, vượt ra ngoài thế giới để sưu tầm màu sắc, gợi ý rằng những gì đem lại sự tươi sáng, cảm xúc và sức sống cho nghệ thuật là đến từ siêu nhiên, hoặc trên cả tự nhiên (tiền tố ‘siêu’ hàm ý là đến từ bên trên).
Phần ngực trái của nàng lộ ra gợi lên những bức tranh khắc họa về sự bao dung: thiên chức của người phụ nữ là nuôi dưỡng sự sống qua bầu ngực — nơi trái tim của nàng. Vì thế, khi một tác phẩm được truyền cảm hứng từ những gì vượt trên cả tự nhiên, thì đó chính là phản ánh tấm lòng thiện lương, bao dung, khát khao gìn giữ đời sống văn hóa từ tận đáy lòng của con người.
Elizabeth Jane Gardner Bouguereau (1837–1922)
Bà Elizabeth Jane Gardner Bouguereau (Gardner) sinh ra ở Hoa Kỳ, và sau đó chuyển đến Pháp để học nghệ thuật với mong ước đạt được Huy chương Salon (huy chương danh giá về mỹ thuật của Pháp). Bà đã triển lãm 36 bức tranh trong khoảng thời gian 45 năm — nhiều hơn bất kỳ nữ nghệ sĩ nước ngoài nào khác ở Pháp — và là phụ nữ Mỹ duy nhất nhận được Huy chương Salon vào năm 1887.
Năm 1896, sau một thời gian dài đính hôn, bà Gardner đã cưới họa sĩ danh tiếng người Pháp là William-Adolphe Bouguereau. Chồng bà đã khuyến khích bà vẽ theo phong cách biểu đạt (figurative) hơn là chỉ xoay quanh những chủ đề truyền thống dành cho phụ nữ.
Bà Gardner là một người rất yêu thích chim. Bà nuôi vài con trong xưởng vẽ của mình và cho những chú chim khác ăn bên ngoài cửa sổ. Trong tác phẩm “La Captive” (Sự giam cầm), bà Gardner đã họa lên một chú chim bồ câu cùng với hai người phụ nữ mặc trang phục cổ điển trong khung cảnh thiên nhiên.
Cô gái mặc chiếc đầm xanh lam đứng bên phải đang mở chiếc lồng chim đặt trên đùi của nàng. Nàng nhìn chăm chút một cô gái đang mặc chiếc đầm màu trắng hồng, trong tay ôm một chú chim chim bồ câu. Cô gái mặc áo trắng hồng quỳ gối và nhìn người phụ nữ mặc áo xanh trong khi ôm chim bồ câu đưa vào lòng.
Tất nhiên là chim bồ câu, con vật đang bị giam cầm cuối cùng cũng sẽ được thả tự do. Hình ảnh đó có thể biểu trưng cho sự khao khát tự do mà ngày càng có nhiều phụ nữ đang tìm kiếm trong nghệ thuật cũng như cuộc sống nói chung. Tuy nhiên, chim bồ câu cũng là hình ảnh tượng trưng cho các giá trị truyền thống về hòa bình, tình yêu và sự thuần khiết.
Hai nàng cùng nhau hiện thực hóa khía cạnh truyền thống của hình ảnh chim bồ câu: cô gái mặc đầm xanh lam trầm ngâm nhìn chim bồ câu, trong khi cô gái mặc áo hồng nhìn chăm chú vào cô gái mặc đầm xanh lam, như muốn nói rằng chúng ta phải tìm kiếm những giá trị này bên trong tâm hồn của chính mình để trả tự do cho những chú chim. Những ai nhận ra điều đó bằng cách nhìn vào bên trong tâm hồn đều thật cao quý và xứng đáng được tôn trọng.
Thanh Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times