Tình trạng mất nước có thể liên quan đến hai căn bệnh ngoài ý muốn
Bạn nghĩ sao nếu một việc đơn giản như uống nhiều nước có thể cải thiện trầm cảm và giảm nguy cơ sa sút trí tuệ?
Tình trạng mất nước thường liên quan đến huyết áp thấp, nhịp tim nhanh và đau đầu. Nhưng mất nước cũng có thể dẫn đến hai căn bệnh ngoài ý muốn.
Các nhà nghiên cứu tin rằng bổ sung nước là một phương pháp hiệu quả giúp bộ não hoạt động tối ưu — cả về thể chất và cảm xúc.
Cơ thể và bộ não cần nước để hoạt động
Không có nước, một người trưởng thành chỉ có thể tồn tại trong khoảng ba ngày. Điều này hoàn toàn hợp lý khi nước chiếm khoảng 55-60% trọng lượng cơ thể ở người trưởng thành.
Nước là yếu tố quan trọng cho vô số chức năng và cơ quan, bao gồm bộ não. Khi não không được cung cấp đủ nước, các tế bào không thể hoạt động bình thường.
Tình trạng mất nước buộc não phải hoạt động quá mức để thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, mất nước có thể làm thay đổi thể tích của nhu mô não và não thất.
Tình trạng mất nước ở người cao tuổi được coi là hiện tượng phổ biến. Các báo cáo cho rằng khoảng 17- 28% người cao tuổi bị mất nước; đây cũng là lý do thường gặp khiến họ phải nhập viện. Một nghiên cứu cho thấy tình trạng mất nước gặp ở 8.9% bệnh nhân nhập viện trên 65 tuổi.
Tình trạng mất nước có thể dẫn đến bệnh tật và tử vong, đồng thời làm trầm trọng thêm nhiều bệnh lý.
Việc cung cấp không đủ hoặc mất nước do sốt, đổ mồ hôi, nôn mửa và tiêu chảy có thể dẫn đến tình trạng mất nước. Một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc lợi tiểu, và việc tiêu thụ caffein và rượu cũng dẫn đến mất nước do làm tăng số lần đi tiểu.
Tình trạng mất nước xảy ra khá dễ dàng. Chỉ cần giảm 1.5% trọng lượng cơ thể (ví dụ: 2.25 pound (1kg) ở một người trưởng thành nặng 150 pound (68kg)) do cung cấp không đủ hoặc thiếu nước có thể dẫn đến mất nước mức độ nhẹ. Việc không đủ nước trong tế bào và mạch máu sẽ gây ra một loạt triệu chứng khó chịu như chóng mặt, nhức đầu, mệt mỏi, khô miệng và táo bón.
Tình trạng mất nước khiến bạn cảm thấy suy kiệt
Tình trạng mất nước có mối liên quan với trầm cảm và lo lắng, mặc dù điều này có thể không được biết đến rộng rãi. Một nghiên cứu đã chứng minh được mối liên quan ngược giữa việc uống nước và trầm cảm. Các nhà nghiên cứu phát hiện những người uống từ 5 ly nước trở lên mỗi ngày có nguy cơ trầm cảm và lo lắng thấp hơn. Ngoài ra, những người uống ít hơn hai ly mỗi ngày tăng gấp đôi nguy cơ trầm cảm.
Tăng lượng nước uống có thể cải thiện tâm trạng ở người uống ít nước — và hạn chế lượng nước ở người uống nhiều sẽ khiến họ cảm thấy chán nản. Tại sao điều này xảy ra?
Trầm cảm có liên quan đến nồng độ serotonin thấp. Serotonin là một chất dẫn truyền thần kinh có ảnh hưởng đáng kể đến tâm trạng và nhận thức, được tạo ra từ acid amin tryptophan. Nếu không có đủ nước trong não, tryptophan không thể vượt qua hàng rào máu não – “một mạng lưới mạch máu và mô được tạo thành từ các tế bào xếp gần nhau giúp ngăn các chất có hại xâm nhập vào não,” theo đến Viện Ung thư Quốc gia. Tình trạng mất nước làm hạn chế lượng tryptophan vào não, do đó làm giảm mức serotonin, góp phần gây ra trầm cảm.
Bà Mindy Millard-Stafford, giám đốc của Phòng thí nghiệm Thể dục sinh lý học tại Viện Công nghệ Georgia và là tiến sĩ thể dục sinh lý học với nhiều nghiên cứu về tác động của tình trạng mất nước, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua email với The Epoch Times: “Tâm trạng rõ ràng bị ảnh hưởng bởi tình trạng mất nước, [khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và thiếu sức sống].”
Tình trạng mất nước cũng liên quan đến chất lượng giấc ngủ kém, có thể là một yếu tố gây ra trầm cảm. Ngoài ra, mất nước cũng làm tăng cortisol – một loại hormone gây căng thẳng – dẫn đến cảm giác lo lắng.
Mất nước gây suy giảm nhận thức
Nghiên cứu cho biết một tình trạng mất nước nhẹ cũng có tác động xấu đến hoạt động nhận thức. Một bài tổng quan về các nghiên cứu từ trước cho đến nay cho biết chỉ cần khoảng 2% lượng nước bị mất, khả năng thực hiện các nhiệm vụ đòi hỏi “kỹ năng chú ý, hoạt động tâm trí và trí nhớ tức thời” của cơ thể sẽ bị suy giảm.
Một nghiên cứu khác đã xem xét ảnh hưởng của mất nước mức độ nhẹ lên hoạt động nhận thức ở những nam thanh niên khỏe mạnh. Các nhà nghiên cứu phát hiện tình trạng mất nước nhẹ (từ 1 đến 2%) làm giảm sự chú ý và trí nhớ làm việc, đồng thời gia tăng lo lắng, căng thẳng và mệt mỏi.
“Lý do điều này xảy ra là khi có sự thay đổi chất lỏng trong bộ não, một số cấu trúc sẽ thay đổi kích thước, dựa trên nghiên cứu về hình ảnh học thần kinh,” bà Millard-Stafford giải thích, đồng thời lưu ý rằng giả thuyết này vẫn cần phải chứng minh thêm.
Người cao tuổi, những người có nguy cơ cao bị mất nước, thậm chí có thể trải qua những thay đổi đáng kể về nhận thức so với người trẻ tuổi, như lú lẫn và mê sảng, từ đó dẫn đến té ngã.
Người cao tuổi rất dễ bị mất nước— việc giảm dưới 1% trọng lượng cơ thể do cung cấp thiếu cũng có thể dẫn đến suy giảm nhận thức ở nhóm đối tượng này.
Người cao tuổi cũng có nguy cơ mất nước lớn hơn vì họ có lượng nước thấp hơn do mất khối lượng cơ bắp, dùng thuốc lợi tiểu và giảm khả năng cảm nhận khát. Sa sút trí tuệ cũng làm tăng nguy cơ mất nước do người bệnh quên uống nước hoặc khó truyền đạt nhu cầu uống nước.
Với một người cao tuổi vốn dễ bị mất nước, tình trạng mất nước kéo dài có thể xảy ra.
Bà Millard-Stafford cho biết: “Kết hợp [tình trạng mất nước kéo dài] với bất kỳ sự thiếu hụt nhận thức nào liên quan đến tuổi tác, điều này có thể dẫn đến những vấn đề rất lớn.”
Mối liên quan giữa tình trạng mất nước và sa sút trí tuệ
Có mối liên quan nào giữa tình trạng mất nước và chứng sa sút trí tuệ?
Một nghiên cứu của Đức gồm những người trong độ tuổi từ 60 đến 89 cho thấy, tình trạng mất nước có liên quan đáng kể đến sự suy giảm chức năng nhận thức và sức khỏe theo thời gian—xác nhận rằng việc bổ sung nước đóng vai trò quan trọng trong duy trì nhận thức và sức khỏe khi về già.
Một nghiên cứu khác đã điều tra mối liên quan giữa tình trạng mất nước và nguy cơ sa sút trí tuệ, cho thấy một số kết quả đáng lo ngại. Nghiên cứu có sự tham gia của hơn 1,000 người trên 65 tuổi và xác nhận rằng người bị mất nước có nguy cơ mắc sa sút trí tuệ cao hơn. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện những người sa sút trí tuệ có nguy cơ bị mất nước cao hơn, điều này có thể dẫn đến vòng tròn bệnh lý.
Người ta cho rằng tình trạng mất nước có thể làm tăng tốc độ suy giảm nhận thức ở người sa sút trí tuệ. Một nghiên cứu được công bố trên tập san Frontiers in Molecular Bioscatics vào năm 2016 cho thấy tình trạng mất nước có thể gây ra hiện tượng “protein lệch tâm” và protein dung hợp (các protein kết hợp với nhau để tạo thành cấu trúc tổng hợp). Cơ chế này gây mất dần cấu trúc và chức năng của tế bào thần kinh, bao gồm sự chết tế bào và giảm khả năng nhận thức ở người cao tuổi.
Một nghiên cứu khác được công bố trên tập san Nutrients năm 2018 cho thấy tình trạng mất nước có thể dẫn đến một loại sa sút trí tuệ, như bệnh Alzheimer hay sa sút trí tuệ do mạch máu.
Bổ sung nước giúp bạn có bộ não khỏe mạnh
Mất nước có thể làm suy giảm nhận thức, dẫn đến trầm cảm và lo lắng. Tuy nhiên, việc cung cấp đủ nước một cách thích hợp có thể cải thiện và thậm chí đảo ngược tình trạng này.
Theo Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia, nam giới nên tiêu thụ khoảng 125 ounce (3.7 lít) và nữ giới nên tiêu thụ 91 ounce (2.7 lít) nước mỗi ngày. Lưu ý rằng khoảng 80% lượng nước được bổ sung từ nước uống và các loại đồ uống khác—20% còn lại đến từ thực phẩm chúng ta ăn.
Tổng lượng chất lỏng cần thiết để giữ ẩm cho cơ thể có thể cần được điều chỉnh dựa trên mức độ tập thể dục, thời tiết nóng hay ẩm, tình trạng sốt, nôn mửa, tiêu chảy, mang thai và cho con bú.
Khi bạn không cảm thấy khát và có nước tiểu nhạt màu, điều đó có nghĩa là cơ thể đã được cung cấp đủ nước.
Hiện nay, có nhiều ứng dụng có thể giúp bạn kiểm soát quá trình bổ sung nước, nhưng những điều này có thể không cần thiết. Để giữ nước cho cơ thể, bạn nên bổ sung nước giữa các bữa ăn, trước, trong và sau khi tập thể dục và bất cứ khi nào bạn cảm thấy khát.
Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times