Mối liên hệ bất ngờ giữa uống nước và đột quỵ: Cách uống nước giúp tối ưu sức khỏe
Nước không chỉ là thức uống giải khát, mà còn giúp cơ thể thải độc và trợ giúp kiểm soát cân nặng. Nghiên cứu gần đây thậm chí đã cho thấy uống đủ nước có thể là nhân tố chính của trường thọ và chống lão hoá. Ngược lại, không uống đủ nước có thể làm tăng sodium máu, dẫn đến nguy cơ bị các bệnh mạn tính như đột quỵ, suy tim và suy giảm nhận thức.
Vậy loại nước nào tốt nhất cho sức khoẻ tổng thể, và làm thế nào để chúng ta bảo đảm đủ nước cho cơ thể trong cuộc sống hàng ngày?
Cơ thể người có khoảng 60% là nước. Các dưỡng chất từ thực phẩm, như vitamin và khoáng chất, cần hoà tan trong nước để tuần hoàn trong máu và đến các cơ quan. Nước cũng có vai trò cải thiện chuyển hóa của cơ thể và loại bỏ chất thải.
Thiếu nước và uống không đủ nước có thể gây mệt mỏi, lo âu, trầm cảm, tập trung kém, ngủ không yên giấc và khó thở. Hơn thế nữa, thiếu nước còn có thể dẫn đến nhiều bệnh, bao gồm viêm kinh niên, đau kinh niên, táo bón, tăng huyết áp và tiểu đường. Thậm chí béo phì do ăn quá nhiều cũng có liên quan với thiếu nước. Với một số bệnh nhân, giải pháp cho bệnh của họ có thể chỉ đơn giản là uống thêm nước.
Theo nghiên cứu mới nhất từ National Institutes of Health (Hiệp hội Y khoa Quốc gia), cơ thể đủ nước sẽ duy trì được nồng độ sodium trong máu ở ngưỡng bình thường, là yếu tố quan trọng giúp trường thọ và chống lão hóa. Ngược lại, nồng độ sodium cao có thể làm tăng nguy cơ bị các bệnh mạn tính.
Nghiên cứu theo dõi 11,255 người trong 25 năm, phát hiện thấy dù có nồng độ sodium trong máu ở giới hạn bình thường (từ 135 đến 146 mmol/l), song những người có nồng độ sodium cao hơn vẫn có độ tuổi sinh học cao hơn, và bị bệnh kinh niên ở tuổi trẻ hơn.
Nồng độ sodium trong máu trên 142 mmol/l có liên quan với tăng 64% nguy cơ bị các bệnh kinh niên, như đột quỵ, suy tim, rung nhĩ, bệnh mạch máu ngoại vi, bệnh phổi kinh niên, tiểu đường và suy giảm nhận thức.
Nước là “dược vương,” uống nhiều nước phòng được bệnh tật
Trung Hoa cổ có câu nói, “Thuốc bổ không bằng ăn bổ, ăn bổ không bằng nước bổ.” Nước được coi là “vương của trăm loại thuốc” và hầu hết các sách Trung y cổ đều coi nước là vị thuốc hàng đầu. Chẳng hạn, trong sách Bản Thảo Cương Mục, dược vật đầu tiên được giới thiệu là nước. Và trong chương đầu tiên của cuốn sách nổi tiếng về liệu pháp ẩm thực có tên “Tùy Tức Cư Ẩm Thực Phổ” của một đại y gia triều đại nhà Thanh Vương Sĩ Hùng, cũng là viết về nước. Điều này cho thấy tầm quan trọng của nước trong mắt các thầy thuốc xưa.
Lý Thời Trân, tác giả nổi tiếng của cuốn Bản Thảo Cương Mục đã viết, “nước là nguồn gốc của vạn vật, đất là mẹ của vạn vật.” Theo ông, có hơn 40 loại nước, bao gồm nước mưa, hạt sương, cam lộ, nước sương mùa đông và nước giếng, mỗi loại đều có tác dụng chữa bệnh riêng. Nước với các đặc tính khác nhau như ôn nhiệt lương hàn (ấm, nóng, mát, lạnh), có thể được sử dụng để điều trị nhiều loại bệnh khác nhau.
4 điểm then chốt khi uống nước
Nhiều người không uống đủ nước. Nguyên nhân phần lớn là do mọi người thích đồ uống có đường, nước trái cây hay sữa hơn, vốn khác với nước trắng về phương diện ảnh hưởng đến chức năng cơ thể. Những thức uống này không thể thay thế nước hiệu quả, cũng không cung cấp đủ nước cho cơ thể. Bên cạnh đó, một số người chọn uống cà phê, trà, hay rượu thay cho nước. Tuy nhiên những thức uống này có khả năng lợi tiểu mạnh, có thể thải nước khỏi cơ thể và gây thiếu nước.
Uống nước trắng là lựa chọn tốt nhất dành cho sức khỏe, ngoài ra còn có một số phương diện nhất định cần lưu ý khi uống nước
1. Nhiệt độ nước
Nhiệt độ của nước nên ở quanh khoảng nhiệt độ của cơ thể. Uống nước quá nóng có thể gây tổn thương họng và dẫn đến ung thư. Mặt khác, nước quá lạnh lại ảnh hưởng đến tuần hoàn máu.
2. Thời điểm uống nước
Khuyến cáo nên uống nước vào buổi chiều, khoảng từ 3 đến 5 giờ chiều. Trong khoảng thời gian này, kinh bàng quang tuần hành, và cơ thể sẽ sử dụng nước để trợ giúp một cách hiệu quả quá trình chuyển hóa và thải độc.
Đồng thời bạn nên uống một ly nước trước khi đi ngủ hai tiếng. Trong khoảng thời gian ngủ từ sáu đến bảy tiếng, cơ thể không được bổ sung thêm nước. Uống nước trước khi ngủ có thể giảm cô đặc máu vào buổi tối và sáng, do đó làm giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch.
Một số người có thói quen uống một ly nước lớn vào buổi sáng. Tuy nhiên điều này không thích hợp đối với người bị tỳ hư. Vì nước là âm nhu, người bị tỳ hư uống nhiều nước buổi sáng sẽ gây tổn thương dương khí của tỳ vị. Nếu muốn uống nước vào buổi sáng lúc dạ dày còn rỗng, thì chỉ nên uống dưới 50ml nước.
3. Nước đun sôi
Trung y cho rằng không nên uống nước chưa đun sôi do có thể khiến cơ thể nhiễm hàn và sinh bệnh.
Nước đun sôi trong các loại ấm khác nhau sẽ có vị khác nhau. So với nước đun trong ấm inox, ấm gang và gốm, thì uống nước đun từ ấm gốm có vị ngon nhất, có cảm giác ôn nhuận mềm mại.
4. Lượng nước uống
Không phải ai cũng phải uống tám ly nước một ngày. Lượng nước một người nên uống chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, như khí hậu, tốc độ chuyển hóa, giới tính, tuổi, lượng thực phẩm ăn và hoạt động thể chất. Khuyến cáo chung là uống 6 đến 10 ly nước mỗi ngày (250ml một ly).
Người không thể đi tiểu như bình thường, chẳng hạn như người có bệnh tim, bệnh thận hoặc phù, nên làm theo hướng dẫn của bác sĩ và không nên uống quá nhiều nước.
Nước tự nhiên tốt hơn nước đã qua máy lọc
Trong những năm gần đây, nhiều nhãn hiệu lọc nước nổi lên trên thị trường. Các nhà sản xuất tuyên bố rằng các sản phẩm trên trải qua nhiều quá trình lọc và có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Điều này khiến người tiêu dùng gặp khó khăn khi quyết định mua loại nào. Tuy nhiên thực tế thì nước đã qua xử lý không nhất định tốt hơn nước tự nhiên.
Chẳng hạn, nước ion kiềm có thể hữu ích cho cơ thể người, tuy nhiên uống trong thời gian dài có thể lại bất lợi cho sức khỏe. Loại nước này có tính lạnh, do vậy thích hợp với người thể chất khô nóng hoặc hỏa khí lớn. Tuy nhiên những người thể chất hư hàn sẽ thấy rằng uống nước ion kiềm càng khiến bệnh tình thêm nặng hơn.
Nước RO (thẩm thấu ngược) là một loại nước phổ biến khác, sử dụng công nghệ thẩm thấu ngược để tạo ra nước tinh khiết và loại bỏ khoáng chất. Có một quan niệm sai lầm rằng nhu cầu khoáng chất và nguyên tố vi lượng phần nhiều đến từ thực phẩm hơn là từ nước. Sự thực là nước uống cung cấp 20% lượng khoáng chất và nguyên tố vi lượng mỗi ngày. Khi nước “tinh khiết” vào cơ thể sẽ hòa tan khoáng chất và nguyên tố vi lượng từ xương cũng như các bộ phận khác của cơ thể, dần dần gây thiếu hụt các chất này, dẫn đến triệu chứng của thận hư trong Trung y.
Khi uống các loại nước lọc kể trên, điểm quan trọng là cần cân nhắc xem liệu nước thực sự có ích cho cơ thể, thay vì tin vào tuyên bố của nhà sản xuất. Có một nguyên tắc chung là uống bất kỳ loại nước nào không phải ở dạng tự nhiên thì đều không hữu ích cho sức khỏe con người trong dài hạn.
Trên thực tế, nước trực tiếp từ vòi tại nhà thường là lựa chọn tốt nhất cho sức khỏe. Trước khi dùng nước, bạn chỉ cần trải qua hai bước lọc: đầu tiên, sử dụng carbon hoạt tính để loại bỏ mùi và tạp chất; thứ hai, loại bỏ chất độc và vi khuẩn. Bạn cũng có thể đơn thuần để nước trong bình lớn cả ngày cho chlorine bay hơi.
Đại Hải biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times