Tình trạng dư thừa công suất và sự thống lĩnh về xe điện của Trung Quốc gây lo ngại trên toàn cầu
Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen dự kiến sẽ đến thăm Trung Quốc lần thứ hai vào tháng Tư. Bà sẽ tập trung vào mối đe dọa do việc Trung Quốc bán phá giá hàng xuất cảng năng lượng xanh giá rẻ ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới. EU cũng lo ngại về mối đe dọa tiềm tàng đối với ngành công nghiệp xe hơi và đã mở cuộc điều tra về các khoản trợ cấp của Trung Quốc cho xe điện vào năm ngoái.
Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, bà Katherine Tai, đã tuyên bố trong báo cáo thường niên mới nhất rằng chính quyền Trung Quốc đang tìm cách thống lĩnh thị trường toàn cầu trong các ngành công nghiệp thông qua các biện pháp phi thị trường.
Chuyến thăm của bà Yellen
Hôm 27/03, bà Yellen đã tuyên bố sẽ nêu vấn đề dư thừa công suất với những người đồng cấp Trung Quốc. Nói chuyện tại nhà máy pin quang năng Suniva ở Norcross, Georgia, bà đã cảnh báo rằng chiến lược xuất cảng của Trung Quốc đang gây bất ổn cho chuỗi cung ứng toàn cầu trong các ngành công nghiệp như quang năng, xe điện, và pin lithium-ion.
“Tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc làm méo mó giá cả và các mô hình sản xuất toàn cầu, đồng thời gây tổn hại cho các công ty và nhân viên của Hoa Kỳ cũng như các công ty và nhân viên trên toàn thế giới,” bà nói. “Những thách thức đối với từng công ty có thể dẫn đến các chuỗi cung ứng bị tập trung, tác động tiêu cực đến khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu.”
Bà Yellen so sánh khoản đầu tư quá mức của Trung Quốc vào năng lượng xanh với khoản đầu tư quá mức trước đây vào ngành thép và nhôm, nói rằng sự đầu tư quá mức của Trung Quốc đã dẫn đến “những tác động lan tỏa trên toàn cầu.”
Sự phát triển kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại đáng kể kể từ đại dịch COVID-19. Hiện tại, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang nỗ lực kích thích tăng trưởng kinh tế thông qua xuất cảng xe điện, tấm pin quang năng, và pin lithium. Tuy nhiên, việc Trung Quốc xuất cảng phá giá năng lượng xanh giá rẻ đã gây ra nhiều vấn đề cho thị trường quốc tế.
Theo dữ liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) công bố hồi năm 2023, tổng kim ngạch xuất cảng xe điện, tấm pin quang năng, và pin lithium đã lên tới 10.6 ngàn tỷ nhân dân tệ (1.407 ngàn tỷ USD), tăng 29.9 % so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Trong số đó, xuất cảng pin lithium của Trung Quốc đã đạt mức cao lịch sử 65 tỷ USD, tăng 27.8% so với cùng thời kỳ năm ngoái, với Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất. Xuất cảng tấm pin quang năng đã tăng 38.5% so với cùng thời kỳ năm trước, với giá bán sỉ giảm gần một nửa.
Ông Lý Hằng Thanh (Li Hengqing), một học giả kinh tế Trung Quốc sống ở Hoa Kỳ, gần đây đã nói với The Epoch Times rằng do các hoạt động phi thị trường của Trung Quốc, nên tồn tại một vấn đề nghiêm trọng về dư thừa công suất và một lượng lớn sản phẩm tồn đọng trong các ngành do chính phủ trợ cấp. Một trong những mục đích của cái gọi là “Sáng kiến Vành đai và Con đường” của Trung Quốc là xuất cảng năng lực dư thừa trong nước và các sản phẩm tồn đọng ra ngoại quốc.
Ông Lý cho rằng Trung Quốc phải vận hành theo kinh tế thị trường thì giá hàng hóa Trung Quốc mới tăng lên, giúp thị trường quốc tế cân bằng dựa trên cung cầu. Tuy nhiên, các chính sách hiện nay của Trung Quốc đang khiến quan hệ cung cầu trở nên hết sức khó thể hiện ra.
Thách thức Tesla trên thị trường xe điện
Hôm 29/3, đại công ty điện thoại thông minh Trung Quốc Xiaomi đã chính thức ra mắt mẫu sedan chạy điện SU7. Giá khởi điểm của Xiaomi SU7 là 215,900 nhân dân tệ (29,884 USD), thấp hơn kỳ vọng của thị trường.
Chủ tịch công ty Xiaomi Lôi Quân (Lei Jun) đã trình bày nhiều bộ dữ liệu tại một cuộc họp báo, khẳng định rằng SU7 của Xiaomi vượt trội hơn Model 3 của Tesla. Tuy nhiên, không thể xác minh một cách độc lập về độ tin cậy của dữ liệu được công bố và hiệu suất thực tế của chiếc xe.
Buổi họp báo của Xiaomi đã thu hút sự chú ý và đã trở thành chủ đề nóng trên mạng xã hội bị kiểm duyệt gắt gao của Trung Quốc. Hành động thách thức Tesla một cách công khai bằng dữ liệu so sánh của Xiaomi được dư luận hiểu là một chiến lược tiếp thị cạnh tranh gay gắt.
Hơn nữa, việc bán xe điện Trung Quốc với giá thấp như vậy cũng được cho là sẽ gây rối loạn thị trường quốc tế.
Đầu năm nay, Giám đốc điều hành Tesla, ông Elon Musk, đã cảnh báo: “Nếu không có rào cản thương mại, thì xe điện Trung Quốc sẽ phá hủy hầu hết các công ty xe hơi khác trên thế giới.”
Những lo ngại của EU
Hôm 27/03, tổ chức bất vụ lợi Âu Châu, Liên đoàn Giao thông và Môi trường Âu Châu (T&E), đã công bố một báo cáo cho biết, vào năm 2024, xe điện do Trung Quốc sản xuất sẽ chiếm hơn 25% thị trường xe điện Âu Châu, tăng dự kiến là 5 điểm phần trăm hàng năm.
Trong năm 2023, các sản phẩm của Trung Quốc chiếm 19.5% số xe điện bán ra ở châu Âu, với tỷ lệ thậm chí còn cao hơn ở các thị trường Pháp và Tây Ban Nha, nơi đạt gần ⅓.
Báo cáo tin rằng nếu việc tăng thuế quan buộc các nhà sản xuất Trung Quốc phải chuyển chi phí sang người tiêu dùng, thì xe sedan và SUV cỡ trung do Trung Quốc sản xuất sẽ đắt hơn các mẫu xe tương tự do châu Âu sản xuất, tình huống mà cuối cùng có thể buộc các nhà sản xuất xe Trung Quốc phải tham gia vào sản xuất nội địa hóa nhiều hơn.
Bà Julia Poliscanova, giám đốc Xe điện và Di động-Điện toán tại T&E, tin rằng thuế quan sẽ buộc dẫn tới sự nội địa hóa sản xuất xe điện Trung Quốc, biện pháp có thể tạo ra việc làm ở EU. Tuy nhiên, thuế quan không đủ để bảo vệ lợi ích của các nhà sản xuất xe hơi truyền thống của châu Âu về lâu về dài.
Báo cáo thương mại của Hoa Kỳ về Trung Quốc
Hôm 29/03, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai đã công bố Báo cáo Ước tính Thương mại Quốc gia về các Rào cản Ngoại thương năm 2024, trong đó nêu cụ thể rằng Trung Quốc đã đặt ra các mục tiêu của các ngành công nghiệp then chốt mà chỉ có thể đạt được thông qua các biện pháp phi thị trường, tìm cách trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về các chuỗi công nghiệp trọng điểm.
Báo cáo này nêu rằng, mặc dù Hoa Kỳ và Trung Quốc đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một hồi tháng 01/2020, nhưng về căn bản, thỏa thuận này không làm thay đổi hệ thống thương mại phi thị trường và thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc hoặc giảm bớt những tác động có hại của hệ thống này đối với nền kinh tế Hoa Kỳ.
Báo cáo cho biết chính quyền Trung Quốc đã cung cấp cho các công ty Trung Quốc một lượng lớn trợ cấp, các nguồn lực, và sự hỗ trợ pháp lý của chính phủ, trong khi hạn chế không cho các mặt hàng nhập cảng, hàng hóa sản xuất ở ngoại quốc, và các nhà cung cấp dịch vụ ngoại quốc thâm nhập thị trường Trung Quốc.