Tinh thần của Giáng Sinh đã không còn vẹn nguyên
Theo truyền thống, Ngày Giáng Sinh là để tưởng nhớ sự ra đời của Chúa Giêsu. Các hoạt động kỷ niệm bắt nguồn từ thời ngoại giáo và La Mã khi người La Mã tổ chức lễ kỷ niệm ngày sinh của Mithra, thần mặt trời của họ, vào ngày 25/12.
Vì không ai biết ngày sinh của Chúa Giêsu nên ngày sinh của thần Mithra được coi là ngày kỷ niệm ngày sinh của Chúa Giêsu.
Giáng Sinh vẫn là một trong những ngày tôn giáo quan trọng nhất trong lịch của Cơ đốc giáo. Tuy nhiên, gần đây, ngày lễ này ngày càng trở thành một ngày lễ thế tục và ý nghĩa tôn giáo của Giáng Sinh đang nhanh chóng biến mất.
Đương nhiên, cây thông Noel vẫn được trang hoàng ở các trung tâm mua sắm, với ông già Noel đóng vai là một người cha nhân từ của tất cả trẻ em.
Nhưng nguồn gốc tôn giáo của ngày lễ này hầu như đã biến mất hoàn toàn.
Đã có lúc tất cả những tấm thiệp Giáng Sinh nhận được đều chúc người nhận cùng gia đình của họ một Giáng Sinh Vui Vẻ. Giờ đây, “Giáng Sinh” được coi là một từ không còn phù hợp nữa, và hầu hết các tấm thiệp “Giáng Sinh” chỉ đơn thuần thể hiện “Những Lời Chúc Chung cho các Dịp lễ.”
Người ta có thể mong đợi các nhà thờ của các giáo phái Cơ đốc sẽ tràn ngập các tín đồ vào ngày Giáng Sinh, nhưng điều này không còn đúng nữa.
Suy giảm đức tin
Cục Thống kê Úc (ABS) lưu ý rằng “Trong 50 năm qua, theo báo cáo thì tỷ lệ người Úc theo đạo Cơ đốc giáo đã giảm dần.”
Không có gì ngạc nhiên khi thế hệ lớn tuổi hơn có vẻ gắn bó với Cơ đốc giáo hơn thế hệ trẻ.
Cuộc điều tra dân số năm 2021 cho thấy rằng ngày càng có nhiều người tuyên bố không theo tôn giáo nào — một con số đáng kinh ngạc là 39%. Thế hệ Millennials (những người sinh từ năm 1981 đến 1996) có tỷ lệ cao nhất ở mức 46%.
Nhìn chung, tỷ lệ người theo Cơ đốc giáo đã giảm từ 52% vào năm 2016 xuống còn 44% vào năm 2021. Điều đó có nghĩa là sự chênh lệch giữa số người tuyên bố có theo một giáo phái tôn giáo và những người tuyên bố không theo một tôn giáo nào là rất nhỏ.
Điều này được phản ánh trong việc lễ Giáng Sinh với vai trò là một lễ tôn giáo ngày càng có ít người hưởng ứng, đặc biệt là trong giới trẻ. Ngày càng có nhiều người coi Giáng Sinh như một kỳ nghỉ “trần tục;” một tỷ lệ đáng kể những người trẻ tuổi thậm chí còn tin rằng việc gán ý nghĩa tôn giáo cho lễ Giáng Sinh là chạy theo “mê tín dị đoan.”
Và vì thế, ngày 25/12 đã thực sự trở thành một ngày của lễ hội “trần tục,” sự khởi đầu của các kỳ nghỉ hè ở Úc, Cuộc đua thuyền từ Sydney đến Hobart, các trận đấu cricket, và bắt đầu Mùa hè Quần vợt, mà đỉnh cao là Giải quần vợt Úc Mở rộng.
Một số nhà bình luận đã lập luận rằng xu hướng này thể hiện một sự mở rộng của các đức tin tôn giáo. Theo lập luận này, các trải nghiệm tôn giáo có thể được biểu hiện bằng nhiều cách.
Ví dụ, trưởng khoa nghiên cứu tôn giáo tại Đại học Kent Vương quốc Anh, Christopher Deacy, lập luận rằng “bức tranh lớn hơn về cách các niềm tin và giá trị của con người hình thành trong xã hội hiện đại” là không kém phần “phong phú khi khám phá các vấn đề về đức tin, bản sắc, các niềm tin, và các giá trị.”
Ông cho biết thêm rằng chúng ta cần “tránh xa luận điểm thế tục hóa” bởi vì chính “tính chất thế tục của Lễ Giáng Sinh đã khiến dịp này trở thành một ngày lễ tôn giáo hấp dẫn, và siêu việt như vậy.”
Mặc dù quan điểm này có vẻ thú vị và hấp dẫn, nhưng lại bỏ qua việc Giáng Sinh là lễ kỷ niệm sự ra đời của Chúa Giêsu.
Tại sao nguồn gốc tôn giáo của Giáng Sinh đang biến mất
Trong phạm vi hạn chế của phần bình luận này, để thuận tiện thì tôi chỉ đề cập đến ba lý do giải thích cho việc rõ ràng xem nhẹ Lễ Giáng Sinh thành một lễ kỷ niệm tôn giáo.
Thứ nhất, phản ứng nước đôi của các giáo phái Kitô giáo khác nhau đối với văn hóa thức tỉnh vốn đang bao trùm và phá hủy nền văn hóa phương Tây đã ảnh hưởng xấu đến vai trò của tôn giáo trong xã hội.
Những người phản đối tôn giáo đã ngày càng tấn công các giá trị truyền thống trong khi thúc đẩy hôn nhân đồng giới và sự đa dạng về giới tính và tính dục.
Thứ hai, và liên quan đến lý do đầu tiên, là việc áp dụng không ngừng luật pháp mang tính tuyên truyền vốn thách thức nhiệm vụ và niềm tin của các tín đồ Cơ đốc.
Chắc chắn, điều này hẳn đã làm hao mòn niềm tin của các tín hữu vào khả năng của nhà thờ trong việc phản đối nghị trình lập pháp đó.
Ví dụ, các luật đã được thông qua buộc các linh mục tiết lộ thông tin dùng để buộc tội mà họ nghe được trong một lời thú tội. Ngoài ra còn có một yêu cầu không ngừng nhằm loại bỏ các trường hợp miễn trừ đối với các trường liên kết với tôn giáo vốn muốn tuyển dụng và chấp nhận những người phù hợp với các giá trị của trường, điều này càng làm suy yếu di sản Cơ đốc giáo của Úc.
Thứ ba, trải nghiệm tôn giáo tất yếu có thể đã bị ảnh hưởng trong những năm đại dịch.
Các chỉ thị do các quan chức y tế quan liêu và các chính trị gia sẵn sàng phục tùng đã nghiêm cấm việc thờ phượng nơi công cộng một cách vô liêm sỉ, do đó không khuyến khích, hoặc thậm chí ngăn cản mọi người tham dự các buổi lễ nhà thờ, đồng thời cảnh sát theo dõi các phản ứng của các giáo phái Cơ đốc đối với các chỉ thị này.
Có quá nhiều luật tồi tệ trong danh mục luật chính thức của chính phủ, và hầu hết những luật này đều nhằm mục đích thay đổi kết cấu của xã hội. Có thể lập luận rằng xã hội sẽ được hưởng lợi nếu có ít luật như vậy hơn được thông qua.
Thật vậy, ít luật mang tính tuyên truyền hơn sẽ tốt hơn cho việc duy trì một xã hội hài hòa vốn cam kết bảo vệ tự do tôn giáo.
Theo một câu nói được cho là của Henry David Thoreau, tác giả cuốn “Về Nhiệm vụ của Bất tuân Dân sự” (On the Duty of Civil Disobedience) phát hành năm 1849, “Chính phủ tốt nhất là chính phủ ít cai trị nhất.”
Cùng quan điểm trên, cựu Thủ tướng Vương quốc Anh Winston Churchill đã nói rằng “Nếu quý vị có 10,000 quy định, quý vị sẽ phá hủy mọi sự tôn trọng luật pháp.”
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times