Làn sóng đỏ: Hứa hẹn quá nhiều mà chẳng thực hiện được bao nhiêu
Ông Tom Peters, một chuyên gia quản lý hồi cuối thế kỷ 20, đã đưa ra câu nói đáng nhớ “hứa hẹn ít thôi — thực hiện nhiều hơn” (“under-promise — over-deliver”). Lời khuyên của ông tạo ra một chiến lược kinh doanh nổi tiếng nhằm duy trì, mở rộng, và làm hài lòng cơ sở khách hàng của công ty.
Khi hứa hẹn một cách khiêm tốn nhưng thực hiện một cách xuất chúng, các doanh nghiệp có thể làm hài lòng khách hàng, những người sẽ vui vẻ ngạc nhiên và biết ơn vì họ đạt được nhiều hơn những gì họ đã mong đợi.
Câu trích dẫn của ông Peters cũng có thể giải thích các diễn biến chính trị, bao gồm cả thành tích nhạt nhòa của Đảng Cộng Hòa trong cuộc bầu cử giữa kỳ tại Hoa Kỳ.
Trong nhiều tháng nay, các nhà bình luận trên truyền thông và chính trị gia đã dự đoán về một chiến thắng vang dội của Đảng Cộng Hòa trong các cuộc bầu cử Quốc hội — một làn sóng đỏ chứ không thể ít hơn — mà sẽ hạ gục Đảng Dân Chủ.
Ngay cả cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton ít nhiều cũng dự đoán về một trận sóng thần của Đảng Cộng Hòa khi bà nói trong một cuộc phỏng vấn trên MSNBC rằng cử tri Mỹ có thể không thực sự hiểu việc Đảng Cộng Hòa chiến thắng tại Quốc hội sẽ gây ra hậu quả gì.
Tuy nhiên, giờ đây chúng ta mới biết rằng chiến thắng của Đảng Cộng Hòa chắc chắn không phải là một chiến thắng vang dội, mà chỉ là một gợn sóng bầu cử. Lời dự đoán rằng đợt bầu cử giữa kỳ sẽ mang lại cho cựu Tổng thống Donald Trump một nền tảng lý tưởng để khởi động nỗ lực tái tranh cử tổng thống vào năm 2024 đã không thành hiện thực.
Dù Lãnh đạo Thiểu số Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy đã tuyên bố rằng Đảng Cộng Hòa đã lấy lại được lại Hạ viện, nhưng tỷ lệ phân chia số ghế cuối cùng của Hạ viện vẫn chưa ngã ngũ.
Như những học giả này hiện nói, kết quả của đợt bầu cử giữa kỳ này thật là may rủi.
Tại sao nhiều nhà bình luận và nhà thăm dò ý kiến lại dự đoán sai?
Giống như nhiều người theo phái bảo tồn truyền thống trên khắp thế giới đang theo dõi đợt bầu cử giữa kỳ của Hoa Kỳ, tôi cũng đang hy vọng rằng Đảng Cộng Hòa sẽ giành chiến thắng “khá dễ dàng.” Hy vọng này dựa trên dự tính rằng tình hình chính trị và kinh tế đã cung cấp mảnh đất màu mỡ cho một chiến thắng thuyết phục.
Thật vậy, ai lại có thể không dự đoán rằng sự hỗn loạn do chính phủ Tổng thống Biden tạo ra đã trở thành vấn đề quan trọng nhất trong tâm trí cử tri vào ngày bầu cử đây?
Chính phủ đương nhiệm của Hoa Kỳ đã quản lý yếu kém nền kinh tế với tỷ lệ lạm phát đang ở mức 7.745% — khi cựu Tổng thống Trump rời nhiệm sở, tỷ lệ này là 1.9% — hơn nữa giá xăng dầu và năng lượng đang tăng vọt, một phần do sự tôn trọng của chính phủ này đối với các thầy tư tế cao quý về biến đổi khí hậu.
Từ quan điểm chính trị, cuộc rút quân hỗn loạn khỏi Afghanistan, bỏ lại khí tài trị giá hàng tỷ dollar, và sự phân biệt đối xử mang tính thể chế đối với phụ nữ kéo theo sau đó, là vô trách nhiệm.
Phụ nữ Afghanistan hiện nay thật sự bị đối xử như nô lệ tại chính đất nước của họ: gần đây, Taliban thậm chí còn ra lệnh cấm phụ nữ đến phòng tập thể dục hoặc sử dụng công viên công cộng.
Việc chính phủ Tổng thống Biden thi hành luật nhập cư và an ninh biên giới lỏng lẻo đã dẫn đến hơn bốn triệu người di tản bất hợp pháp tiến vào đất nước. Sự thiên vị của chính phủ trong các vấn đề xã hội gây tranh cãi cũng thể hiện rõ qua sự chỉ trích gay gắt việc Tối cao Pháp viện quyết định lật ngược phán quyết trong vụ Dobbs vốn đã cho phép phá thai theo yêu cầu trong gần 50 năm.
Có vô số ví dụ khác chứng minh chính phủ đương nhiệm đã bỏ bê về chính trị và kinh tế. Do đó, hoàn cảnh này là điều lý tưởng để mang lại một chiến thắng thuyết phục cho Đảng Cộng Hòa mà dường như đã không xảy ra.
Những nguyên nhân phức tạp
Có một số lý do giải thích cho chiến thắng kém thuyết phục của Đảng Cộng Hòa. Những điều này bao gồm từ việc không truyền đạt một cách hiệu quả thông điệp của họ đến cử tri cho đến sự tự mãn trong bầu cử.
Một lý do khác dẫn đến kết quả này là khi một tình huống trở nên phức tạp và khó khăn, thì các cử tri muốn tình hình có thể đoán trước. Khi hoàn cảnh kinh tế và chính trị ở Hoa Kỳ thực sự có vấn đề, có thể đã sai khi kỳ vọng rằng cử tri sẽ lựa chọn thay đổi.
Cử tri có thể đã kết luận rằng thà gắn bó với điều khủng khiếp mà họ biết, còn hơn là ôm lấy một tương lai bất định!
Điều này cũng phù hợp với Úc vì dù gì cũng có thể giải thích được [nguyên nhân] chiến thắng của Đảng Lao Động ở Queensland và Tây Úc — chúng ta có thể sớm thêm Victoria vào danh sách này — nơi những người dân khốn đốn vì những đợt phong tỏa và bị vi phạm nghiêm trọng các quyền của họ tiếp tục bầu cho cùng một chính phủ.
Tôi đã thận trọng khi các nhà bình luận và chính trị gia luôn dự đoán về một làn sóng đỏ trong một thời gian dài như vậy.
Cách tiếp cận thận trọng của tôi xuất phát từ thực tế là lẽ thường cho thấy, cũng như kinh nghiệm xác nhận, rằng hứa hẹn ít thôi nhưng thực hiện nhiều hơn sẽ phù hợp hơn để mang lại thành công cho bầu cử, hơn là cứ hứa hẹn thật nhiều mà làm không đạt.
Cụ thể, khi hứa hẹn quá mức — dự đoán một cách tự tin rằng Đảng Cộng Hòa sẽ chiến thắng dễ dàng và thuyết phục — trong một khoảng thời gian dài như vậy, thì nhiều cử tri Đảng Cộng Hòa có thể đã quyết định sẽ không bỏ phiếu.
Nhưng mà, tổng số phiếu bầu không thu được, do cử tri không tham gia bỏ phiếu, có thể là đáng kể. Vậy nên việc khích lệ cơ sở cử tri của một đảng vẫn luôn là điều cần thiết, ngay cả khi mọi dự đoán đều nói rằng sẽ có một chiến thắng nhẹ nhàng.
Ngược lại, những người ủng hộ Đảng Dân Chủ sẽ cố gắng bỏ phiếu để giảm thiểu làn sóng đỏ “không thể tránh khỏi.”
Do đó, hãy hứa hẹn ít thôi để rồi thực hiện nhiều hơn sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho các cử tri theo phái bảo tồn truyền thống ở Hoa Kỳ. Câu cách ngôn của ông Peters là chuẩn xác cho giới chính trị cũng như cách câu này đã giải thích về thành công trong kinh doanh.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times