Tình hình kinh tế Hoa Kỳ trong Ngày Bầu Cử
Hàng triệu người Mỹ đã đổ dồn về các địa điểm bỏ phiếu, trong đó nhiều người coi tình trạng khó khăn của nền kinh tế Hoa Kỳ là mối quan tâm hàng đầu của họ vào Ngày Bầu Cử.
Cuộc bầu cử giữa kỳ ngày 08/11 rất được mong đợi là một cuộc trưng cầu dân ý về Tổng thống Joe Biden và Đảng Dân Chủ, khi Đảng Cộng Hòa cố gắng giành lại cả hai viện của Quốc hội.
Nếu Đảng Cộng Hòa thành công, đây có thể được coi là sự xác nhận đối với cựu Tổng thống Donald Trump, vì ông dường như đã sẵn sàng thông báo rằng ông sẽ tranh cử tổng thống vào năm 2024.
Đảng Cộng Hòa chỉ cần giành thêm một vài ghế nữa là có thể giành lại quyền kiểm soát Quốc hội.
Cả hai bên đều đang quảng bá những bức tranh đa dạng về tình hình nền kinh tế Mỹ.
Lạm phát và nền kinh tế nói chung là hai trong số những mối quan tâm lớn nhất trong cuộc bầu cử, vì chi phí sinh hoạt đang ở mức cao nhất trong 40 năm.
Giá cả tăng cao và chất lượng cuộc sống là trọng tâm của Đảng Cộng Hòa trong chiến dịch của họ để giành đa số tại Capitol Hill, và họ đang quy trách nhiệm cho ông Biden và Đảng Dân Chủ.
Trong khi đó, Đảng Dân Chủ đang chỉ ra một thị trường việc làm mạnh mẽ và tăng trưởng tiền lương là một phần trong kế hoạch của họ nhằm giữ chân những cử tri đang ngày càng lo lắng.
Người dẫn chương trình phát thanh Hugh Hewitt bày tỏ trong một tweet, “Các con số cuối cùng của Ngày Bầu Cử từ các điểm bỏ phiếu có số phiếu bầu của Đảng Cộng Hòa (GOP) thấp hơn thực tế. Hóa ra lạm phát kỷ lục, tội phạm tăng vọt, trường học đóng cửa, và một biên giới mở cùng với một tổng thống nhu nhược không tạo nên một năm tốt đẹp.”
Ông Hewitt nói thêm:“ Câu nói ‘Quan trọng là nền kinh tế, đồ dốt” có trên thẻ phần thưởng của tôi tối nay.”
Nền kinh tế Hoa Kỳ 2022
Điều bị phớt lờ là sự gia tăng lạm phát lớn, vốn đã thống trị các tiêu đề chính trị của Hoa Kỳ. Số liệu tỷ lệ lạm phát mới nhất hiện ở mức 8.2%, cao nhất kể từ đầu những năm 1980.
Giá căn bản đã tăng đáng kể, cùng với nhà ở, nhiên liệu, và thực phẩm trong nhiệm kỳ của ông Biden.
Tiền lương của nhiều người lao động không theo kịp lạm phát, buộc nhiều hộ gia đình phải dựa vào tiền tiết kiệm hoặc thẻ tín dụng để trả chi phí hóa đơn đang tăng lên của họ.
Đảng Dân Chủ nắm giữ cả Tòa Bạch Ốc và Quốc hội, điều này trong lịch sử đã dẫn đến đảng thống trị phải đối mặt với việc bị mất nhiều ghế trong các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.
Ông Biden và đảng của ông đã cố gắng cho rằng cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, cựu Tổng thống Trump, và dư chấn của cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng do đại dịch đã khiến kinh tế Hoa Kỳ chao đảo.
Cuộc chiến ở Ukraine và các lệnh trừng phạt tiếp theo đối với Nga đã khiến giá hàng hóa tăng vọt, đặc biệt là năng lượng, kim loại công nghiệp và phân bón.
Đạo luật Giảm Lạm phát của tổng thống, đã được thông qua vào mùa hè vừa qua, dường như đã không thực hiện được nhiều điều ngoại trừ việc đưa trở lại Hoa Kỳ hoạt động sản xuất bộ vi xử lý nhạy cảm từ Trung Quốc.
Đảng Cộng Hòa cũng đổ lỗi cho Kế hoạch Giải cứu người Mỹ trị giá 1.9 ngàn tỷ USD, được thông qua vào năm 2021 với đa số Đảng Dân Chủ, là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy yếu của đồng USD.
Dự luật đã bơm tiền một cách tự do cho các hộ gia đình, cứu trợ thất nghiệp và các chính quyền địa phương cũng như tiểu bang trên toàn quốc, nhưng các nhà phê bình nói rằng dự luật này đã làm tăng quá mức nợ liên bang và không tính đến tác động của nó đối với lạm phát.
Các nhà phân tích tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang San Francisco đã ước tính rằng dự luật kích thích có khả năng làm tăng tỷ lệ lạm phát 3%, một con số cũng được chứng minh bởi những phát hiện tương tự của Bloomberg Economics.
Trong khi đó, cổ phiếu, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ lớn, đã giảm khoảng 20% trong năm nay, khiến tài khoản tiết kiệm hưu trí 401(k) bị ảnh hưởng.
Lãi suất thế chấp đã đạt mức cao nhất kể từ năm 2002, khiến thị trường nhà đất lao dốc. Điều này kết hợp với giá bán nhà cao hiện tại đã làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn đối với những người mua tiềm năng.
Tuy nhiên, giá nhà đất ở nhiều khu vực hiện đang bắt đầu giảm, điều này gây lo ngại cho những người sẵn sàng bán nhà của mình.
Kể từ những tháng đầu của đại dịch năm 2020, hàng triệu người Mỹ đã trở lại làm việc, khi các điều kiện việc làm bắt đầu giảm dần trên toàn quốc.
Theo các nhà phân tích, tỷ lệ thất nghiệp hiện đang ở mức thấp nhất trong vòng 5 thập niên, nhưng nhiều người lao động dường như đang làm việc ở một hoặc nhiều công việc bán thời gian được trả lương thấp hơn và ít làm việc toàn thời gian hơn, giữ cho con số thất nghiệp ở mức thấp.
Tỷ lệ tuyển dụng liên tục ổn định đã đủ mạnh để tránh một cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng và chi tiêu của người tiêu dùng ổn định cho đến thời điểm hiện tại.
Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng trong tháng Chín, nhưng các doanh nghiệp vẫn tuyển dụng với tốc độ nhanh hơn dự kiến.
Nỗ lực của Fed để cân bằng giữa tăng trưởng và lạm phát
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hoa Kỳ đã thu hẹp trong nửa đầu năm, trước khi phục hồi trong quý 3, nhưng lo ngại suy thoái vẫn còn kéo dài.
Cuộc chiến chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang bằng cách tăng lãi suất đã khiến các nhà kinh tế lo ngại rằng nó sẽ làm tăng nguy cơ suy thoái do làm cho lãi suất vay đắt hơn.
Các chính sách tích cực tăng lãi suất của Fed đã gây ra sự sụt giảm trên Wall Street và thị trường nhà ở, cắt giảm tài sản của hàng triệu gia đình Mỹ.
Bất kỳ sự thắt chặt lãi suất nào nữa có thể đẩy nền kinh tế vào tình trạng suy thoái, khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
Cựu Bộ trưởng Ngân khố Larry Summers nói với Bloomberg rằng có thể cần tỷ lệ thất nghiệp trên 6% để đưa lạm phát xuống mức lạm phát mục tiêu 2% của Fed, điều này sẽ khiến hàng triệu người Mỹ mất việc làm.
Theo Bloomberg, thị trường hiện đang được định giá với mức lãi suất quỹ liên bang tăng dần lên gần 5% vào tháng 03/2023.
Nhiều nhà kinh tế và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái sâu vào giữa năm 2023.
Các hành động của Chính phủ Tổng thống Biden để giành lại các cử tri vào mùa thu
Chính phủ đã thử các kế hoạch kinh tế khác để tăng xếp hạng cuộc thăm dò, chẳng hạn như nỗ lực thành lập một lực lượng đặc nhiệm chuỗi cung ứng và việc dỡ bỏ thuế quan gây tranh cãi đối với hàng nhập cảng của Trung Quốc từ thời ông Trump.
Kể từ đó, các khoản tiết kiệm của các gia đình được tích lũy trong thời kỳ đại dịch đã giảm đều đặn theo tháng kể từ đầu năm.
Dấu hiệu rõ ràng nhất của lạm phát đối với hầu hết người Mỹ là sự tăng giá tại trạm bơm xăng, khiến nó trở thành một vấn đề bầu cử quan trọng.
Việc ông Biden không thuyết phục được Ả Rập Xê Út và các đồng minh OPEC tăng sản lượng khai thác dầu sau cuộc bầu cử tháng 11 đã khiến Tòa Bạch Ốc phải có những biện pháp mạnh mẽ để xoa dịu sự tức giận của cử tri. Tổng thống thậm chí còn đưa ra khả năng áp thuế thu nhập bất ngờ đối với các công ty dầu mỏ nếu họ không chi tiêu đủ để tăng sản lượng và hạ giá.
Giá xăng vào Ngày Bầu Cử cao hơn 1.41 USD so với thời điểm ông Biden nhậm chức vào tháng 01/2021, khi một gallon xăng thông thường ở mức 2.39 USD.
Các chính sách năng lượng xanh của Đảng Dân Chủ và việc chính phủ ông Biden không sẵn sàng cho phép khoan dầu nhiều hơn và xây dựng đường ống là tất cả các yếu tố làm tăng giá.
Ông Biden quyết định tiếp tục tận dụng kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược của quốc gia trong nỗ lực giữ giá thấp và tăng cơ hội cho Đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.
Tòa Bạch Ốc cũng đã thúc đẩy kế hoạch xóa nợ sinh viên lên tới 20,000 USD cho mỗi người vay để giành lại cử tri, điều mà các nhà phê bình cho rằng sẽ khiến lạm phát tồi tệ hơn.
Quyền kiểm soát của Quốc hội cũng sẽ xác định một phần liệu ông Biden có thể ban hành thêm nghị trình kinh tế của mình trong hai năm tới hay không, khi nền kinh tế Hoa Kỳ có khả năng sẽ ở trong giai đoạn suy thoái.
Một số nhà kinh tế nói rằng những vấn đề mà nền kinh tế Mỹ phải đối mặt sẽ tiếp tục diễn ra trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.
Nhà kinh tế học danh tiếng Mohamed A. El-Erian lưu ý trong một tweet: “Sự khôn ngoan thông thường, có thể hiểu được, là dự báo đồng thuận về một nước Mỹ ‘bế tắc’ sau cuộc bầu cử giữa kỳ ngày hôm nay sẽ khiến chính phủ không thể can thiệp được vào các thị trường.”
Ông hy vọng rằng “sự bế tắc” chính trị sẽ khiến các chính trị gia không can thiệp vào thị trường nữa, bất kể ai giành được lợi thế trong phòng bỏ phiếu năm nay.
“Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế đòi hỏi các chính sách thông minh của chính phủ (phía cung, tài chính, bảo vệ các bộ phận dân cư dễ bị tổn thương nhất, lãnh đạo chính sách toàn cầu, v.v.) để giúp nâng cao khả năng phát triển mạnh mẽ, bền vững và toàn diện của nền kinh tế — đặc biệt là một Fed tụt hậu đang tìm cách kiềm chế lạm phát.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times