Tình bạn cao quý giữa hai danh hoạ Diego Velázquez và Peter Paul Rubens
Sự quan tâm và hỗ trợ của họ dành cho nhau là một điều hiếm khi được ghi lại trong lịch sử nghệ thuật
Năm 1629, danh hoạ Diego Velázquez đã rời Tây Ban Nha để đến nước Ý lần đầu tiên. Mặc dù ông là một trong những danh họa hàng đầu của đất nước mình và là họa sĩ cung đình cho đức Vua Philip IV, nhưng chuyến hành trình này là một cơ hội không thể bỏ lỡ. Velázquez đã được tiếp cận bộ sưu tập những kiệt tác nghệ thuật khá ấn tượng của vua Philip tại triều đình Tây Ban Nha, nhưng ông không hề được chiêm ngưỡng những họa phẩm của các danh tác vĩ đại người Ý, bao gồm cả Michelangelo, những người đã lưu lại kiệt tác trên các bức bích họa nước Ý thay vì trên vải canvas để có thể vận chuyển được.
Danh hoạ Velázquez từng có một niềm tiếc nuối trong đời. Ông đã không thể đồng hành cùng một người bạn thân yêu và những đồng sự trong cuộc hành trình của mình. Thông thường, đây sẽ là một sự nuối tiếc nho nhỏ, nhưng ở trường hợp này, người bạn đó lại là danh họa Peter Paul Rubens, một họa sĩ nổi tiếng bậc nhất Âu Châu vào thời điểm đó.
Ngài Rubens không chỉ là một họa sĩ có danh vọng mà còn nổi tiếng với khả năng ngoại giao và thường xuyên được cử đi công du khắp Âu Châu trong những nhiệm vụ quan trọng. Khoảng thời gian Velázquez đang trong chuyến hành trình của mình, người bạn Rubens đã ở Anh và đang nỗ lực kết thúc Chiến tranh Ba mươi năm.
Một tình bạn khai nở
Hai nghệ sĩ đã có dịp gặp nhau vào khoảng một năm trước khi Velázquez xuất ngoại đến Ý. Vì nhiệm ngoại giao của Rubens vào thời điểm đó đã buộc ông phải chờ đợi ở Tây Ban Nha để các quan chức chính phủ quốc gia đưa ra quyết định. Các họa sĩ đã ngụ tại những căn hộ ở gần cung điện hoàng gia Tây Ban Nha và một tình bạn đẹp đẽ nhanh chóng khai nở. Họ đã tranh thủ thời gian cùng nhau để tìm tòi, nghiên cứu bộ sưu tập nghệ thuật của vua Philip.
Những kiệt tác xuất sắc nhất trong cung điện Tây Ban Nha thuộc về danh họa Titian, một người bạn thân thiết của ông nội đức vua Philip II và là họa sĩ cung đình cho Vua Charles I của Tây Ban Nha. Ngài còn được biết đến với một tước hiệu khác là Hoàng đế của Thánh chế La Mã, Charles V. Velázquez vốn đã ngưỡng mộ Titian từ lâu. Còn người bạn thân Rubens coi ông là họa sĩ vĩ đại nhất mọi thời đại và đã có thời gian nghiên cứu những hoạ phẩm của ông ở nhiều quốc gia khác nhau.
Không có nhiều người biết về nội dung của cuộc trao đổi và hoạt động của họ. Những điều chúng ta có thể thấy là họ đã trở thành những người bạn thâm giao của nhau. Velázquez yêu mến Rubens đến nỗi, mặc dù có vinh dự là người vẽ chân dung độc quyền của vua Philip, nhưng ông vẫn đồng ý để Rubens khắc họa chân dung nhà vua. Và chúng ta cũng biết rằng Rubens đã truyền cảm hứng cho mong ước đến thăm nước Ý của Velázquez, và rằng phong cách hội hoạ của Velázquez đã nhanh chóng đạt đến đỉnh cao sau khi tình bạn với Rubens nảy nở cùng những chuyến hành trình sau đó.
Những bằng hữu trong nghệ thuật
Trong khi học hỏi lẫn nhau, hai hoạ sĩ vẫn gìn giữ và phát triển các phong cách nghệ thuật độc đáo của riêng mình. Không giống như hoạ sĩ Anthony van Dyck, Velázquez không bao giờ coi phong cách của Rubens như một nguồn ảnh hưởng chính. Những gì Velázquez học được từ sự hướng dẫn Rubens là kiến thức sâu rộng hơn về các nguyên lý thẩm mỹ và kỹ pháp hội hoạ. Sau đó, ông đã phát triển lên một phong cách không dựa dẫm vào những bậc thầy Flemish, nhưng có thể so sánh với kỹ năng tuyệt vời của người cố vấn của ông.
Danh họa Rubens, lúc đó đã ở ngưỡng 50 tuổi, đang gần giai đoạn cuối cùng của một sự nghiệp lừng lẫy. Ông đã tự mình thiết lập một phong cách nghệ thuật Baroque đỉnh cao. Ông đã trải nghiệm và đến thăm gần như mọi trung tâm văn hóa ở Âu Châu. Rubens đã tạo nên ảnh hưởng đến đời sống nghệ thuật của tất cả các trung tâm văn hóa này, và dành thời gian nghiên cứu nhiều kiệt tác nghệ thuật vĩ đại hơn bất kỳ họa sĩ nào khác trước đây. Các hoàng gia của Áo, Anh, Pháp, Ý và bây giờ là Tây Ban Nha, nơi Velázquez làm việc, nằm trong số các nhà tài trợ của ông.
Sự nghiệp hội hoạ của Velázquez chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu. Ông đã phát triển bậc lên để trở thành hoạ sĩ cung đình của đức vua Philip, điều này có thể được xem là một hiện tượng ngoại lệ trong nghệ thuật. Những tác phẩm của ông vẫn chưa đạt đến tầm của một “hoạ sĩ phổ thông,” là một trong những thứ hạng quan trọng hơn trong sự nghiệp của họ và được lịch sử lưu danh nhưng lại chỉ thiếu một chút nữa là trở thành “bậc thầy vĩ đại.” Tuy nhiên, khi tình bạn của họ trở nên ngày một bền chặt hơn, Rubens đã nhìn thấy ở Velázquez tiềm năng trở thành bậc thầy cuối cùng của phong cách hội họa Baroque Tây Ban Nha.
Đạt được kỹ năng điêu luyện
Velázquez đã khắc hoạ một số bức chân dung và những bức tranh tôn giáo tuyệt đẹp trước khi gặp Rubens, đặc biệt là “Hoàng tử Don Carlos của Áo” và “Thánh Paul.” Phần lớn những bức tranh trong số đó chỉ khắc hoạ một nhân vật, với các đặc điểm hình thể chưa vượt trội. Họ vận trang phục chủ yếu với tông màu tối và đặt trên phông nền trung tính.
Velázquez đã rất cố gắng để sắp đặt bố cục nhân vật theo nhóm, phong cảnh hoặc nội thất trong các tòa nhà thường khắc họa một cách gượng gạo và chưa đủ sức thuyết phục. Tương tự, việc sử dụng phối cảnh và màu sắc đa dạng hơn, tươi sáng hơn cũng được thể hiện khá non nớt. Tác phẩm “Chiến thắng của thần Bacchus” dường như là một bản sao kém chất lượng từ cố danh hoạ Caravaggio (người mà xuất hiện trong bức tranh khắc họa nhân vật trung tâm còn sót lại.)
Nghệ thuật của Velázquez trải qua một sự biến đổi hoàn toàn trong vòng hai năm sau khi gặp Rubens và một năm đặt chân đến nước Ý. Tác phẩm “Apollo ở lò rèn Vulcan” của ông đã khắc họa sống động sáu nhân vật, mỗi người đều có những đặc điểm hình thể khác biệt và hiện diện trong bối cảnh của một tòa nhà . Cùng năm đó, ông vẽ bức tranh “Công chúa Dona Maria, Nữ hoàng Hungary,” trở lại với phong cách của Caravaggio nhưng được công nhân là vượt trội hơn hẳn so với trước đây.
Đến năm 1635, việc Velázquez sử dụng màu sắc và thể hiện phông nền cảnh quan đã đạt được mức độ hoàn thiện đỉnh cao trong các tác phẩm như “Chân dung cưỡi ngựa của vua Philip IV.” Những thành công lớn lớn nhất của ông là tác phẩm “Innocent X” và “Les Meninas,” cũng lần lượt xuất hiện.
Ngày nay, Velázquez được coi là một trong những họa sĩ vẽ chân dung chân thực nhất; trong bức tranh của mình về Innocent X, người nghệ sĩ đã nắm bắt một cách thành thạo vẻ ngoài thể chất cũng như nội tâm bên trong, và hiếm có tác phẩm nào khắc họa một cách tinh tế đến vậy cho nhiều nhân vật trong một bầu không khí thân mật như “Las Meninas.”
Thanh Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times