Tin Việt Nam sáng 14/10: Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão; Chính phủ điều chỉnh chi phí mua xăng, dầu từ nhà máy
Tối nay áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, lúc 7h sáng 14/10, áp thấp nhiệt đới đang ở trên khu vực giữa Biển Đông, cách Đà Nẵng-Quảng Nam khoảng 330 km. Sức gió mạnh cấp 7 (50-61 km/giờ), giật cấp 9.
Đến 19h tối cùng ngày, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, có khả năng mạnh lên thành bão, cách Đà Nẵng-Quảng Nam khoảng 180 km với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Đến 7h ngày 15/10, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, khả năng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên vùng bờ biển Đà Nẵng-Quảng Ngãi. Sức gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.
Biển Đông gió giật cấp 10, sóng cao 6 mét
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão, từ tối 14/10, khu vực ven biển đất liền từ Thừa Thiên – Huế đến Bình Định có khả năng chịu ảnh hưởng của gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9.
Cơ quan khí tượng cảnh báo, khu vực giữa Biển Đông sóng cao 3-5 m, bắc Biển Đông sóng cao 4-6 m, vùng biển Quảng Ngãi đến Bình Thuận sóng cao từ 2-4 m.
Đáng chú ý, tại vùng biển từ Thừa Thiên – Huế đến Bình Định nước biển dâng cao từ 0.2-0.4 m, kết hợp triều cường và sóng lớn gây ngập úng, sạt lở.
Miền Trung mưa lớn, nhiều nơi lượng mưa trên 800 mm
Tại Trung bộ và Tây Nguyên, áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão gây mưa lớn. Theo dự báo, lượng mưa tích lũy đến ngày 16/10 các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, khu vực bắc Tây Nguyên phổ biến từ 200-500 mm, có nơi trên 600 mm.
Riêng khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, lượng mưa từ 400-600 mm, có nơi trên 800 mm.
Chính phủ điều chỉnh lại chi phí mua xăng, dầu từ nhà máy
Chiều 14/10 tại Sài Gòn, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, vào sáng cùng ngày, Chính phủ đã họp và đồng ý với đề nghị của Bộ Công thương về việc sẽ điều chỉnh lại chi phí mua xăng, dầu từ nhà máy, bảo đảm lợi ích cho doanh nghiệp.
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương, tính tới chiều 13/10, số cửa hàng xăng, dầu dừng bán tại Sài Gòn đã giảm một nửa so với hôm trước, số cửa hàng treo biển “hết xăng, còn dầu” cũng giảm mạnh.
Đáng chú ý, hiện thành phố không còn tình trạng xếp hàng chờ đổ xăng. Người dân chỉ chờ vài phút là đến lượt và mức đổ cũng không còn bị giới hạn 20,000-30,000 đồng/lượt.
Bộ Công Thương yêu cầu 2 nhà máy lọc dầu tăng công suất
Hôm 14/10, Bộ Công Thương đã gửi văn bản đến Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn và và Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn.
Trong văn bản, Bộ này yêu cầu hai công ty duy trì sản xuất ổn định cho các nhà máy, tăng công suất ở mức tối đa, có phương án hỗ trợ giao hàng nhanh cho doanh nghiệp đã đặt mua theo hợp đồng…, kịp bổ sung nguồn cho các cửa hàng bán lẻ.
Trước đó, trong buổi đối thoại giữa Bộ Công Thương, các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp đầu mối cho biết, doanh nghiệp không thể nhập dầu vì đang lỗ lớn do chi phí thực tăng cao. Các doanh nghiệp đề nghị liên Bộ, Chính phủ cân đối, chấp nhận các chi phí thực tế để tính đúng, tính đủ cho doanh nghiệp.
Về phía 2 nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Bình Sơn, phía đại diện nhà máy cũng cam kết bảo đảm cung cấp đủ sản lượng.
Xử phúc thẩm vụ sản xuất gần 200 triệu lít xăng giả của ông Trịnh Sướng
Hôm 14/10, tại trụ sở tòa án tỉnh Đắk Nông diễn ra phiên xử phúc thẩm lưu động vụ án “Sản xuất, buôn bán hàng giả” do ông Trịnh Sướng (55 tuổi, ngụ tỉnh Sóc Trăng), Giám đốc Công ty Mỹ Hưng (tỉnh Sóc Trăng) cầm đầu. Phiên xử dự kiến diễn ra từ ngày 14 đến ngày 21/10 với 38 bị cáo liên quan.
Theo hồ sơ, từ năm 2017 đến năm 2019, bị cáo Trịnh Sướng và đồng phạm đã sản xuất hơn 192 triệu lít xăng giả bán ra thị trường, thu lợi bất chính khoảng 157 tỉ đồng. Số xăng giả trên được bán ra tại Sài Gòn và các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, Đồng Nai, Đắk Nông, Tp. Cần Thơ.
Trong phiên sơ thẩm hồi tháng 12/2021, bị cáo Trịnh Sướng cùng 38 đồng phạm đã bị tuyên án liên quan đến hành vi sản xuất, buôn bán xăng giả. Trong đó, riêng ông Trịnh Sướng bị tuyên 12 năm tù, phạt bổ sung 100 triệu đồng và đóng lại số tiền thu lợi bất chính 151 tỉ đồng.
Hà Nội làm tuyến đường sắt hơn 40 km từ Ngọc Hồi ra sân bay
Mới đây, chính quyền Tp Hà Nội đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài Chính, Sở Giao thông vận tải cùng Ban Quản lý đường sắt đô thị xây dựng dự án tuyến đường sắt đô thị số 6, đoạn Nội Bài – Ngọc Hồi.
Trong đó, Ban Quản lý đường sắt đô thị sẽ là đầu mối tiếp nhận tài trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc thông qua Ngân hàng Thế giới để xây dựng tuyến đường sắt đô thị trên.
Theo quy hoạch, tuyến có tổng chiều dài khoảng 43 km, điểm đầu tại sân bay Nội Bài (huyện Sóc Sơn), điểm cuối tại Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì). Tuyến đường sắt bao gồm 29 nhà ga và 2 nơi dừng đỗ, bảo dưỡng (đặt tại Ngọc Hồi – Thanh Trì và Kim Nỗ – Đông Anh).
Theo Quy hoạch đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, thành phố sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị, với tổng chiều dài khoảng 318 km.
Tin tức Việt Nam sẽ được BTV Epoch Times Tiếng Việt tổng hợp và cập nhật từng ngày, xin mời Quý độc giả cùng đón đọc.