Tin Việt Nam ngày 5/7: Ngân sách tăng thu hơn 9,000 tỷ đồng nhờ giá xăng, dầu tăng mạnh; Trung Quốc lại dừng thông quan cửa khẩu Kim Thành
Ngân sách tăng thu hơn 9,000 tỷ đồng nhờ giá xăng, dầu tăng mạnh
Chiều 4/7, tại buổi họp thường kỳ của Chính phủ, ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, năm 2022, việc thu ngân sách từ việc tăng giá dầu và từ thuế nhập cảng đã tăng thêm khoảng 9,100 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Chi, việc tăng thu này thấp hơn nhiều so với mức giảm thu ngân sách sau khi thuế bảo vệ môi trường giảm 50% với xăng, dầu từ ¼.
Trước một số ý kiến cho rằng, mức đề nghị giảm thêm 1,000 đồng thuế bảo vệ môi trường khi giá xăng tiến sát mốc 33,000 đồng/lít là quá ít, Thứ trưởng Chi cho hay, bộ đã có nhiều giải pháp để kiềm chế mức tăng nhanh về giá của mặt hàng này.
Hiện, sau đợt điều chỉnh giảm nhẹ ngày 1/7, giá xăng, dầu nội địa vẫn ở mức cao. So với cuối năm 2021, giá nhiên liệu đã tăng 65-70% và đang đè nặng lên cuộc sống của người dân và doanh nghiệp.
Hiện mỗi lít xăng phải gánh tới 35% các loại thuế, phí, nên theo các chuyên gia, việc giảm thuế là cửa hẹp duy nhất để hạ nhiệt giá xăng, dầu.
Quảng Ngãi đề nghị kỷ luật 3 lãnh đạo CDC và nguyên giám đốc Sở Y tế
Hôm 4/7, Ủy ban Kiểm tra tỉnh Quảng Ngãi đã ra thông báo về kết luận sai phạm xảy ra tại Sở Y tế. Theo đó tỉnh này đề nghị kỷ luật với các ông:
- Hồ Minh Nên, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh;
- Nguyễn Xuân Mến, Nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh;
- Lê Báy và Phạm Minh Đức, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh.
Theo kết luận, trong các đợt bùng phát dịch, CDC Quảng Ngãi đã chi hơn 60 tỷ đồng mua vật tư, thiết bị, sinh hoá phẩm y tế…
Năm 2021, CDC có ba đợt mua kit xét nghiệm của Công ty Việt Á tổng giá trị hơn 5 tỷ đồng. Trong đó, kit xét nghiệm được mua với giá từ 367,000 đến 509,000 đồng/bộ.
Sở Y tế đã vi phạm quy định mua sắm thiết bị và vật tư y tế, đấu thầu thuốc chữa bệnh. Giám đốc CDC tỉnh vi phạm các quy định trong mua sắm hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm COVID-19.
Sài Gòn: Bắt thêm 2 Tổng Giám đốc liên quan đến sai phạm tại Saigon Co.op
Hôm 4/7 tại Sài Gòn, cảnh sát điều tra đã bắt giam ông Võ Thành Trung, Tổng Giám đốc Công ty Đô Thị Mới, và ông Tôn Thất Hào, Tổng Giám đốc Công ty Đại Á để điều tra do liên quan đến những sai phạm tại Saigon Co.op.
Trước đó, ngày 15/12/2020, ông Diệp Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Saigon Co.op cũng bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”.
Từ năm 1999-2020, Saigon Co.op có 9 lần tăng vốn điều lệ, lần tăng cuối cùng từ 3,200 tỉ đồng lên gần 6,800 tỉ đồng (tương đương 53%).
Theo kết luận Thanh tra, việc tăng vốn trên tại Saigon Co.op không đúng quy định, có dấu hiệu chiếm đoạt quyền sở hữu tài sản chung và tài sản quốc gia. Trong đó, ông Dũng là người đứng đầu nhưng chỉ thị chưa đúng quy định, điều lệ tổ chức.
Cổ phiếu họ FLC đồng loạt tăng kịch trần dù vào diện cảnh báo
Từ chiều 4/7, cổ phiếu của Tập đoàn FLC và các doanh nghiệp liên quan có mã như ROS, HAI, AMD, KLF, ART… đều tăng hết biên độ trong sắc tím. Bảng điện tử trắng bên bán. Duy nhất có cổ phiếu GAB vẫn không có thanh khoản từ ngày 28/3 tới nay.
Trước đó, từ đầu phiên sáng cùng ngày, các mã AMD, KLF, và ART đã tăng trần. Các cổ phiếu FLC, ROS và HAI thuộc diện hạn chế, chỉ được giao dịch vào buổi chiều nên phải đến sau 13h mới hiển thị sắc tím.
Đây là một điều rất đáng ngạc nhiên bởi Tập đoàn này đang bị đưa vào diện cảnh báo, xử lý vi phạm. Cụ thể, HoSE đã đưa cổ phiếu FLC, ROS, HAI vào diện cảnh báo kể từ ngày 11/7 sau khi nhóm này có những phiên tăng trần liên tục.
Nhóm cổ phiếu này cũng đang thuộc trường hợp bị cảnh báo và thuộc diện bị hạn chế giao dịch do chậm nộp báo cáo tài chính 2021, đã được kiểm toán quá 45 ngày so với thời hạn quy định.
Trong ngày hôm qua, FLC cũng đã công bố Nghị quyết HĐQT. Theo đó, kể từ ngày 2/7, ông Đặng Tất Thắng, Chủ tịch HĐQT FLC, sẽ giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT FLC, còn ông Lê Bá Nguyên sẽ giữ chức Chủ tịch HĐQT FLC.
Trung Quốc lại dừng thông quan cửa khẩu Kim Thành
Hôm 4/7, tỉnh Lào Cai dẫn thông báo từ phía Hà Khẩu (Trung Quốc) cho biết, từ 6h cùng ngày, toàn bộ hoạt động xuất, nhập cảng hàng hóa qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành phải tạm dừng.
Nguyên nhân là do phía Trung Quốc ghi nhận virus COVID-19 trên hàng hóa của Việt Nam nhập cảng vào nước này. Cùng với đó, lái xe Trung Quốc cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.
Theo Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh, việc tạm dừng toàn bộ hoạt động xuất, nhập qua cửa khẩu Kim Thành chưa ấn định thời gian mở cửa trở lại. Do vậy, tỉnh khuyến cáo các doanh nghiệp dừng việc đưa nông sản lên cửa khẩu.
Trước đó, từ ngày 25/6, phía Hà Khẩu xuất các mặt hàng tươi sống của Trung Quốc sang Việt Nam và nhập cảng trở lại các mặt hàng nông sản của Việt Nam qua cửa khẩu Lào Cai – Hà Khẩu.
Tuy nhiên, tốc độ nhập nông sản, trái cây từ phía Việt Nam chậm do phía Hà Khẩu thiếu lái xe trung chuyển.
Tin tức Việt Namsẽ được BTV Epoch Times Tiếng Việt tổng hợp và cập nhật từng ngày, xin mời Quý độc giả cùng đón đọc.