Tin Việt Nam ngày 17/08: Hàn Quốc tiếp tục dừng nhận lao động từ Thanh Hóa; Nhật Bản chi hơn 100 triệu USD mua cổ phần Điện Gia Lai
Hàn Quốc tiếp tục dừng nhận lao động tại 2 huyện của Thanh Hóa
Tại Hội thảo khoa học lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài diễn ra vào 16/08, Sở Lao động – thương binh và xã hội cho biết, Thanh Hóa là một trong những tỉnh dẫn đầu toàn quốc về số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Theo Sở, giai đoạn 2017-2021, toàn tỉnh có hơn 42,000 lượt đi. Hiện, tỉnh có trên 32,000 người đi lao động nước ngoài, tập trung chủ yếu ở: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông và các thị trường khác.
Tuy nhiên lao động Thanh Hóa phải đối mặt với tình trạng tiếp tục bị dừng tiếp nhận khi năm 2022, tỉnh này vẫn còn 2 huyện là Hoằng Hóa và Đông Sơn nằm trong danh sách bị tạm dừng tiếp nhận của thị trường Hàn Quốc.
Trước đó, tỉnh có Tp Thanh Hóa, và 3 huyện là Triệu Sơn, Thiệu Hóa và Nga Sơn gặp tình trạng tương tự ở thị trường này do số người cư trú bất hợp pháp cao. Các thị trường này yêu cầu khắc phục giảm tỷ lệ cư trú bất hợp pháp mới tiếp tục tiếp nhận trở lại.
Tính đến ngày 30/6, số lao động của tỉnh làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc là gần 900 người trên tổng số hơn 6,000 người, chiếm gần 9% so với tổng số lao động toàn quốc đang cư trú trái phép tại Hàn Quốc.
Nhật Bản chi hơn 100 triệu USD mua cổ phần Điện Gia Lai
Hôm thứ Ba, ngày 16/08, Công ty Điện lực Nhật Bản (JERA) cho biết, sẽ đầu tư 15 tỷ Yên (khoảng 112 triệu USD, tương đương gần 2,600 tỷ đồng) mua 35% cổ phần Công ty Điện Gia Lai (GEC) của Việt Nam.
JERA sẽ mua cổ phần của GEC từ International Finance Corp., một tổ chức có liên hệ với Ngân hàng Thế giới và Armstrong S.E.
Được biết, JERA là liên doanh giữa Tokyo Electric Power và Chubu Electric Power. Từ năm 2005, Công ty Nhật Bản đã vận hành một nhà máy nhiệt điện khí tại Việt Nam. Trên khắp châu Á, bao gồm cả ở Ấn Độ và Thái Lan, JERA đã tham gia vào các dự án năng lượng tái tạo.
Còn tiền thân của GEC là Công ty Thủy điện Gia Lai – Kon Tum trực thuộc tỉnh Gia Lai – Kon Tum. Hiện GEC sở hữu 12 Nhà máy Thủy điện vừa và nhỏ, 5 Nhà máy Điện Mặt trời, 34 hệ thống Điện Áp mái và 3 Nhà máy Điện Gió với tổng công suất 545 MW.
GEC niêm yết trên HOSE vào tháng 09/2019 với giá 28,000 đồng/cổ phiếu. Phiên giao dịch mới nhất ngày 16/08/2022, mã GEC có giá 22,500 đồng/cổ phiếu.
Việc mua lại diễn ra khi JERA đặt mục tiêu tăng cường sản xuất năng lượng tái tạo, mở rộng công suất lên 1,700 MW vào năm 2025.
Bộ Giao thông Vận tải đặt hạn chót khắc phục lỗi dán chồng thẻ ETC
Hôm 16/08, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu Công ty Giao thông số VDTC và Công ty thu phí tự động VETC khắc phục lỗi dán chồng 2 thẻ thu phí không dừng trên cùng một phương tiện. Theo đó, thời hạn cuối cùng là trước ngày 20/08.
Bộ này yêu cầu trước thời hạn trên, 2 đơn vị cung cấp dịch vụ phải khắc phục xong tình trạng phương tiện bị tự động đăng ký sử dụng dịch vụ, đấu nối, dán chồng thẻ và có chế tài xử lý vi phạm theo quy định.
Các nhà cung cấp dịch vụ chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sự cố và tranh chấp pháp lý trong quá trình vận hành hệ thống.
Trước đó, Tập đoàn Viettel cho biết, rất nhiều xe đã được đấu nối thẻ định danh ePass của VDTC, nhưng VETC vẫn tiếp tục mời chào và đấu nối thêm thẻ Etag lên xe. Tổng cộng đã có gần 40,000 xe bị dán chồng 2 loại thẻ này.
Giá thép giảm mạnh lần thứ 14 liên tiếp
Hôm 15/08 tại thị trường nội địa, nhiều doanh nghiệp thông báo tiếp tục hạ giá mặt hàng này. Với mức giảm thấp nhất từ 290,000 đến 510,000 đồng/tấn, giá thép hiện dao động từ 14-16 triệu đồng/tấn.
Như vậy, tính từ ngày 11/05, tại Việt Nam, đây là lần giảm giá thứ 14 của mặt hàng thép, với tổng lượng giảm cao nhất hơn 5 triệu đồng/tấn. Tính riêng trong tháng 8 đến nay (tức là chỉ trong hơn 2 tuần), giá mặt hàng này cũng đã giảm tới 3 lần.
Theo báo cáo mới của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), nhu cầu tiêu thụ giảm chính là một trong những nguyên nhân kéo giá thép đi xuống.
Trong 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng tiêu thụ giảm 7.3% so với cùng thời kỳ năm ngoái, trong đó, thị trường nội địa giảm 9% và thị trường xuất cảng giảm 22%. Đến quý III, sản lượng tiêu thụ thép vẫn ở mức thấp.
BSC nhận định, trong quý IV, tình hình tiêu thụ sẽ khả quan hơn nhờ hoạt động xây dựng thường đẩy mạnh những tháng cuối năm.
Tin tức Việt Nam sẽ được BTV Epoch Times Tiếng Việt tổng hợp và cập nhật từng ngày, xin mời Quý độc giả cùng đón đọc.